Bí quyết ôn thi THPT Quốc gia môn Hóa
Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đang đến gần. Tìm Đáp Án xin chia sẻ tới các bạn sĩ tử bí quyết luyện thi THPT Quốc gia môn Hóa đạt điểm cao. Mời các bạn cùng tham khảo nhằm ôn thi tốt và đạt điểm cao môn học này.
Bí quyết tránh mất điểm khi làm bài thi THPT Quốc gia môn Toán
MỘT SỐ LƯU Ý CỤ THỂ KHI LÀM BÀI THI
Các em hãy làm bài thi theo kỹ năng làm bài trắc nghiệm chung, như làm câu dễ trước, câu khó sau; phân bổ thời gian làm bài..., đồng thời chú ý thêm các kỹ năng riêng đối với môn Hóa học như sau:
Làm trước câu hỏi lý thuyết vì phần lớn là câu dễ, nếu không làm được hãy tạm bỏ qua.
Bài tập: Làm phần chắc chắn trước. Trong đề thi, các bài tập hữu cơ và vô cơ thường được xếp xen kẽ. Các em nên chọn làm vô cơ hay hữu cơ trước để tập trung kiến thức.
Nguyên tắc làm bài tập: Nếu quá 3 phút/1 câu, các em không tiếp tục làm câu đó nữa để đảm bảo thời gian làm những câu còn lại. Hãy quay lại làm các câu khó, cực khó cuối cùng.
Nháp cũng cần kỹ năng: Giấy nháp là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các em trong quá trình làm bài thi. Các em nên nháp gọn gàng, rõ ràng, không nên lộn xộn.
Bài thi trắc nghiệm có nhiều bài tập, các em nháp lộn xộn, sẽ khó kiểm tra lại. Tốt nhất, thí sinh nên nháp xong bài nào thì kẻ ngang tờ giấy để phân cách những bài còn lại.
Lưu trữ các ý tưởng quan trọng đối với các câu chưa tìm ra đáp số. Học sinh hãy ghi lại các ý đã phân tích được như sơ đồ phản ứng, phép tính, để khi làm lại có thể tiết kiệm thời gian.
Với các bài đã cố gắng hết sức mà không ra kết quả, thí sinh cũng đừng vội nản. Phương pháp may rủi cũng cần có tính toán. Hãy cố gắng kết hợp tất cả thông tin có thể tìm ra đáp án.
Phân bổ thời gian hợp lý cho bài thi. Ví dụ, mục tiêu chỉ có 7 điểm, hãy ưu tiên phân bổ thời gian nhiều hơn cho 35 câu đầu (vì đề thi sắp xếp theo cấu trúc từ dễ đến khó).
Chú ý tận dụng hết thời gian làm bài, không nên ra sớm, hãy để 5-10 phút để kiểm tra lại bài làm trước khi nộp.
Kì thi năm nay sẽ tích hợp đề thi tốt nghiệp và đại học, vì vậy số lượng câu dễ sẽ tăng. Căn cứ theo đề minh hoạ 2015 của Bộ Giáo Dục thì có 36/50 câu là mức trung bình dễ. Vì vậy nếu các em làm chắc những câu dễ này thì cũng có khả năng đạt được từ 7 đến 7,5 điểm môn hoá khá dễ dàng.
Do số lượng câu trung bình dễ chiếm số lượng lớn, vì vậy lời khuyên thứ nhất là hãy cố gắng làm thật chính xác và cẩn thận tất cả những câu trung bình dễ, không được để sai bất cứ câu nào.
Khi đi thi, các em sẽ không tiếc những câu khó mình không làm được mà sẽ chỉ nuối tiếc những câu dễ mà mình đã làm sai mà thôi. Cũng từ đề minh hoạ cho thấy, sẽ có tầm 10 câu mức khó và rất khó, các câu này sẽ giúp phân loại học sinh ở mức điểm 8 đến điểm 10.
Tuy nhiên, lời khuyên dành cho các em học sinh là hãy làm chắc 8 điểm trước, sau đó mới bắt đầu làm các câu khó vì thực tế câu khó và câu dễ đều được số điểm như nhau là 0,2 điểm, vì vậy chúng ta không nên bỏ qua, làm sai những câu dễ trong khi lại tập trung quá nhiều thời gian cho các câu khó.
Dựa theo đặc thù môn hoá, phần lí thuyết luôn chiếm 50% đến 60% đề thi, cụ thể là nếu nắm vững lí thuyết thì với đề minh hoạ các em đã có thể làm được tới 8 điểm rất dễ dàng, vì vậy lời khuyên cho các em trong thời gian còn lại là hãy tranh thủ đọc lại lí thuyết để có thể có kết quả cao trong kì thi sắp tới.
I) Đối với Dạng bài lí thuyết:
1) Dạng bài đếm số nhận định: Dạng bài này kiểm tra lí thuyết khá sâu và đòi hỏi học sinh phải nắm vững được lí thuyết. Khi làm dạng bài này, các em nên đọc từ nhận định đầu tiên đến nhận định cuối cùng, sau đó nhận định nào thoả mãn thì đánh dấu vào đầu nhận định, sau đó đếm lại sẽ không bị đếm nhầm. Thứ hai, đa số các câu hỏi nêu ứng dụng của các chất ví dụ như ứng dụng của Crom, ứng dụng của phân bón kali, ... thì thường là các nhận định đúng. Ngoài ra, cần phải đọc chính xác để tìm hiểu xem đề bài yêu cầu đếm số nhận định Đúng hay đếm số nhận định Sai để làm bài cho chính xác.
2) Dạng bài tìm nhận định đúng hoặc sai trong 4 đáp án A, B, C, D: Dạng bài này nên dùng phương pháp loại trừ là tốt nhất, do trong 4 phương án chỉ có duy nhất một đáp số đúng, vì vậy chúng ta cần đọc lướt qua 4 đáp án, sau đó gạch bỏ những đáp án chắc chắn sai, như vậy chúng ta sẽ có thể loại bớt đi các phương án nhiễu. Sau đó hãy vận dụng lí thuyết để tìm hiểu xem đáp án nào trong số các đáp án còn lại là đúng nhất.
3) Các vấn đề hoá học mà các em cần lưu ý: Phân biệt bậc của ancol, bậc của amin; phân biệt tính chất của rượu bậc 1, bậc 2 và bậc 3; phân biệt số oxi hoá và hoá trị; phân biệt cộng hoá trị và điện hoá trị; ghi nhớ tính chất hoá học của các kim loại quan trọng như Al, Fe, Cu, Cr, Ag, Hg.
II) Đối với Dạng bài tính toán:
1) Dạng cân bằng phương trình hoá học: Trong đề thi đại học các năm gần đây thường có ít nhất một câu dạng này. Khi làm các em cần chú ý tìm xem đề yêu cầu là tìm "tổng hệ số của các chất tham gia phản ứng" hay là tìm "tổng hệ số của các chất có mặt trong phảnứng". Nếu đề yêu cầu tìm tổng hệ số các chất tham gia phản ứng thì chúng ta chỉ tính tổng hệ số của các chất tham gia phản ứng, tức là ở phía bên trái của phương trình phản ứng mà thôi, không tính các hệ số của chất sản phẩm. Để làm tốt dạng này, các em cần vận dụng bảo toàn electron hoặc vận dụng phương pháp gắn hệ số.
2) Khi đi thi đại học thường các em chỉ cần vận dụng 4 phương pháp: Phương pháp Số Đếm, phương pháp bảo toàn electron, phương pháp trung bình và phương pháp bảo toàn khối lượng là có thể giải quyết 90% số câu tính toán trong đề. Các em nên phân tích đề bài để nhận diện được phương pháp áp dụng trước khi bắt tay vào tính toán. Thường thì phương pháp trung bình và số đếm sẽ ứng dụng nhiều trong hoá hữu cơ, còn phương pháp bảo toàn electron và bảo toàn khối lượng sẽ áp dụng nhiều trong vô cơ. Dấu hiệu nhận biết bài toán dùng số đếm: Nếu đề bài cho một hỗn hợp chất có nhiều chất, đều biết hết công thức phân tử thì ta có thể vận dụng số đếm để giải. Dấu hiệu nhận biết bài toán dùng phương pháp trung bình: Nếu đề bài cho một hỗn hợp chứa nhiều chất mà ít nhất một trong số đó không biết công thức phân tử thì ta sẽ vận dụng phương pháp trung bình để làm. Lưu ý khi vận dụng phương pháp bảo toàn electron: Vận dụng nhuần nhuyễn việc qui đổi hỗn hợp các chất thành nguyên tố (ví dụ qui đổi hỗn hợp chứa thành hỗn hợp chỉ có Cu, Fe, S), ngoài ra chỉ quan tâm đến số oxi hoá đầu tiên và sau cùng của các nguyên tố, không quan tâm số oxi hoá trung gian.
3) Khi làm các bài toán về Al, Zn tác dụng với axit nitric đặc nóng cần đọc kĩ đề xem khi tạo thành khí thì khí đó có phải là sản phẩm khử duy nhất hay không, nếu không phải sản phẩm khử duy nhất thì nhiều khả năng là sản phẩm sẽ có cả muối amoni trong dung dịch sau phản ứng.
4) Cần đọc kĩ xem các phản ứng có diễn ra hoàn toàn hay không, nếu ghi phản ứng hoàn toàn có nghĩa phản ứng đã kết thúc, sẽ có một chất phản ứng hết và một chất phản ứng dư. Nhưng nếu chỉ ghi là cho phản ứng diễn ra một thời gian hoặc ghi phản ứng không hoàn toàn thì cả 2 chất tham gia phản ứng đều có thể dư.
Về quá trình làm bài thi, khuyến nghị các em học sinh làm từ câu 1 đến câu 50, nếu làm hơn 1 phút 30 giây mà không làm ra thì chuyển ngay sang câu tiếp theo để duy trì tốc độ làm bài thi. Nhưng cần nhớ đánh dấu vào những câu chưa làm được hoặc còn nghi ngờ để sau khi làm hết một lượt, sẽ quay lại và hoàn thiện nốt các câu còn dang dở. Ngoài ra khuyến khích các em viết đáp án trắc nghiệm ra giấy nháp (ở phần đầu tờ giấy nháp), sau khi còn 5 phút đến 7 phút thì sẽ chuyển đáp án sang phiếu trắc nghiệm, như vậy sẽ chuyên môn hoá hơn, tiết kiệm thời gian cũng như tránh sự cố khi điền nhầm đáp án vào giấy thi.
Bên cạnh việc lưu ý cho các em về mặt kiến thức thì nhằm có kết quả tốt các em củng cần có những kinh nghiệm và cách ôn tập đúng và đặc biệt chuẩn bị tâm lý thi thật tốt .
LUYỆN ĐỀ THI THỬ
Đây là thời điểm các bạn nên dành thời gian luyện các đề thi thử như khi đi thi thật và cố gắng hoàn thành bài làm trong thời gian ít hơn 90 phút. Các bạn nên làm bài ít hơn thời gian quy định vì mỗi người nên có thời gian xem lại bài làm và khi vào phòng thi thật, phụ thuộc vào một số yếu tố và phong độ làm đề của một số bạn không tốt như ở nhà.
GIẢM CƯỜNG ĐỘ ÔN TẬP, GIỮ GÌN SỨC KHỎE
Mặt khác, cũng chính vì sắp đến ngày thi nên các bạn không nên ôn thi quá căng thẳng nữa, việc làm đề nên giảm thời gian xuống. Khi đó các bạn nên kết hợp với nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe.
CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ CHỖ NGHỈ NGƠI HỢP LÝ
Với các bạn ở xa cần chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi gần địa điểm thi, các bạn và gia đình nên xuất phát sớm để tìm chỗ nghỉ lí tưởng, đảm bảo thời gian di chuyển và sức khỏe. Theo như mình được biết có nhiều bạn học tốt, thi thử thường xuyên điểm cao nhưng đến ngày thi vì lí do di chuyển đã gặp vấn đề sức khỏe nên bài làm không tốt một cách đáng tiếc.
NẮM CHẮC LÝ THUYẾT
Các bạn nên chú trọng học phần lý thuyết Hóa. Bởi trong 1 đề thi Hóa, điểm phần lý thuyết chiếm tới 40%, thời gian làm lí thuyết thường nhanh hơn làm bài tập nên các thí sinh không nên sai lí thuyết một cách đáng tiếc. "Đừng nên biến lí thuyết Hóa là một khối lượng kiến thức khổng lồ và cần phải học thuộc lòng. Các bạn nên đọc thật kĩ sách giáo khoa để hiểu rõ, có sự so sánh, liên hệ giữa các phần để được nhớ lâu hơn". Bên cạnh đó, nắm chắc lí thuyết cũng giúp các bạn có cơ sở để làm tốt các bài tập định lượng.