Phân tích nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) để thấy được tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của hai người mẹ này.
Khẳng định tài năng của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu trong việc miêu tả hai nhân vật bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài.
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) để thấy được tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của hai người mẹ này.
Dàn ý
Lời giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung:
a.
- Kim Lân là một cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Văn phong của ông giản dị mà thấm thía.
- Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, viết về người nông dân Việt Nam trước bờ vực của sự sống, cái chết. Truyện khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ - một người mẹ nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương và tin tưởng vào cuộc sống.
b.
- Nguyễn Minh Châu là một cây bút tiêu biểu trong nên văn học hiện đại Việt Nam, được đánh giá là "người mở đường tinh anh và tài năng nhất" cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975.
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa tiêu biểu cho phong cách văn xuôi và những đổi mới trong sáng tác của ông. Tác giả đã khắc họa nhân vật người đàn bà hàng chài - một người phụ nữ nghèo, lam lũ, vất vả nhưng vẫn ánh lên những phẩm chất tốt đẹp, quý báu.
2. Phân tích:
* Tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn bà cụ Tứ:
- Trước cảnh “nhặt vợ” của Tràng, bà cụ Tứ "vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình". Bà hờn tủi cho thân mình đã không làm tròn bổn phận với con.
- Nén vào lòng tất cả, bà dang tay đón người đàn bà xa lạ làm con dâu: "ừ, thôi thì các con phải duyên, phải số với nhau, u cũng mừng lòng". Bà thật sự mong muốn các con sẽ hạnh phúc. Bà giấu nỗi đau buồn, lo lắng để nhen nhóm cho các con niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai.
- Người mẹ nghèo ấy trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con:
+ Trong ý nghĩ: bà vui với triết lí dân gian giản dị mà sâu sắc: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Trong lời nói: Bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này: " Tràng ạ, khi nào...đàn gà cho mà xem". Trong bữa cơm ngày đói, Kim Lân đã để cho bà cụ gần đất xa trời lại trải qua bao khốn khổ cuộc đời là người nói nhiều nhất về tương lai hạnh phúc. Thì ra chính tình thương yêu con đã khiến cho sức sống, sự lạc quan ở người mẹ ấy bùng lên mạnh mẽ.
+ Trong hành động: Bà cùng con dâu thu dọn nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ; nấu một nồi cháo cám bổ sung vào bữa ăn ngày đói như để ăn mừng nhân ngày con trai lấy được vợ.
* Tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người đàn bà hàng chài:
- Rất mực yêu thương con: tận tâm bảo bọc, che chở, cố tránh cho con khỏi bị tổn thương…
- Chấp nhận chung sống vời người đàn ông vũ phu chứ quyết không chịu bỏ cũng vì muốn những đứa trẻ luôn có bố "đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được"
- Hạnh phúc bình dị là khi nhìn những đưa con được ăn no.
=> Chính tình thương con là sức mạnh để chị tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống.
3. Đánh giá:
- Khẳng định tài năng của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu trong việc miêu tả hai nhân vật bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài. Cả hai nhân vật đều được đặt vào những tình huống éo le, đặc biệt và đều được các tác giả đi sâu khai thác thế giới bên trong nội tâm nhân vật.
- Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng hai người mẹ này đều có nét chung là trải qua nhiều nỗi khổ cực trong đời mà vẫn luôn giữ được sự lạc quan, niềm tin vào tương lai và cội nguồn sâu xa của những điều đó chính là nhờ tình yêu thương con vô bờ. Hai nhân vật này đã góp phần hoàn thiện chân dung người phụ nữ Việt Nam
Xem dàn ý khảo khác tại đây:
Bài mẫu
Lời giải chi tiết:
Vợ nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa là hai truyện ngắn xuất sắc bậc nhất của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu. Điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm là xây dựng thành công hình tượng người mẹ đẹp đẽ, đáng trân trọng với tình thương con vô bờ bến. Tình mẫu tử của bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài cũng chính là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của hai người mẹ này.
Cả bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài đều là những người mẹ thương con, tình thương cao cả này đã mang đến sức sống tâm hồn mãnh liệt giúp họ vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh để yêu thương, che chở cho những người con.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên là một người đàn bà giàu trải nghiệm, một người mẹ giàu yêu thương, có tấm lòng bao dung, vị tha cao cả. Trước tình huống anh Tràng dẫn về một người đàn bà xa lạ và giới thiệu là vợ của mình, bà cụ Tứ vừa “ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà thương con vì lấy vợ trong lúc đói khát dữ dội lại tủi cho mình vì làm mẹ mà chẳng thể làm tròn bổn phận với con.
Bao cảm xúc phức tạp được bà cụ Tứ cố giấu trong lòng mà dang rộng vòng tay để đón nhận người con dâu mới “ừ, thôi thì các con phải duyên, phải số với nhau, u cũng mừng lòng”. Trước hạnh phúc bất ngờ của con, bà cụ Tứ đã giấu nỗi buồn cho mình và thật tâm mong muốn các con sẽ hạnh phúc. Không chỉ đón nhận người con dâu mới bằng cả tấm lòng bao dung của người mẹ mà bà cụ Tứ còn động viên, thắp lên trong các con niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng với triết lí “Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời”.
Hạnh phúc của các con cũng làm cho bà cụ Tứ trở nên hạnh phúc, tươi tỉnh hơn “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Trong buổi sáng hôm sau bà đã cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm ngày đói, ngay khi không khí bữa cơm trầm lại vì miếng cháo đắng nghẹn nơi cổ thì bà cụ Tứ vẫn vui vẻ động viên con. Bà cụ Tứ là người đàn bà khốn khổ đã trải qua bao cay đắng của cuộc đời nhưng lại là người nói nhiều nhất về hạnh phúc và tương lai tươi sáng. Chính tình thương con đã mang đến sức sống, sự lạc quan đầy mạnh mẽ cho người mẹ ấy.
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, bên cạnh câu chuyện bất hạnh của gia đình người đàn bà hàng chài, độc giả còn xúc động bởi tình mẫu tử thiêng liêng mà người đàn bà ấy dành cho con cái của mình. Người đàn bà đã chấp nhận chung sống với người chồng vũ phu, tàn nhẫn, chấp nhận những trận đòn roi vô lí trên thân xác để các con được ăn no, có một gia đình hạnh phúc. Chị ta đã thu xếp cho thằng Phác lên ở với ông ngoại nhằm tránh những xung đột giữa hai cha con. Người đàn bà ấy cũng cầu xin chồng mang mình lên bờ để đánh để những đứa con không phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ và cũng là cách bảo vệ cho tâm hồn non nớt, dễ bị tổn thương của chúng.
Khi thằng Phác lao vào đánh bố như một mũi tên, người đàn bà hàng chài đã vô cùng đau khổ bởi điều chị ta sợ hãi nhất đã xảy ra, dù cố gắng, nỗ lực như thế nào vẫn không thể bảo vệ được cho tâm hồn mỏng manh của Phác. Người đàn bà hàng chài đã ôm chầm, vái lấy vái để đứa con để mong con không làm những việc trái với đạo lí, đó cũng là hành động cầu xin con tha lỗi cho mình vì đã không bảo vệ được con và khiến nó chứng kiến những cảnh tượng đau lòng.
Nhìn vẻ cam chịu, nhẫn nhục đến vô lí của người đàn bà, Phùng, Đẩu cũng như hàng nghìn độc giả cảm thấy bất bình nhưng thực chất, mọi sự hi sinh của người đàn bà ấy đều xuất phát từ tình thương con, từ sự hiểu biết. Trong cuộc đời tăm tối, khổ đau của mình, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những hạnh phúc nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Chính tình thương con đã mang đến sức mạnh và ý nghĩa cuộc sống cho người đàn bà ấy.
Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, Kim Lân và Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị đẹp đẽ ở con người, đó là ánh sáng của đạo đức, là tình mẫu tử thiêng liêng. Bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài đã góp phần hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) để thấy được tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của hai người mẹ này. timdapan.com"