Cảm nhận của anh/chị về những nét tương đồng và khác biệt của hình tượng người chiến sĩ trong Những đứa con trong gia đình và Rừng xà nu
Tnú và Việt là hai nhân vật chính của hai tác phẩm. Qua hai nhân vật Tnú và Việt, tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã khắc họa được vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ.
Cảm nhận của anh/chị về những nét tương đồng và khác biệt của hình tượng người chiến sĩ trong hai đoạn văn sau:
“Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổ lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…
Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắc đang bắt đầu xung phong… ”
(Trích « Những đứa con trong gia đình » - Nguyễn Thi, NXBGDVN, 2014)
“Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.
Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”
(Trích “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành, SGK Ngữ Văn 12, tập hai, trang 47, NXBGDVN, 2014)
Dàn ý
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm :
- Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là hai tác phẩm xuất sắc phản ánh cuộc chiến đấu của con người Việt Nam trong kháng chiến.
- Tnú và Việt là hai nhân vật chính của hai tác phẩm. Qua hai nhân vật Tnú và Việt, tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã khắc họa được vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ.
2. Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong hai văn bản :
a. Nhân vật Việt:
- Khái quát về nhân vật : Số phận đau thương [chứng kiến cảnh cha mẹ bị kẻ thù sát hại] ; sớm tham gia kháng chiến để trả nợ nước thù nhà khi chưa tròn 18 tuổi…
- Bối cảnh của đoạn trích : Việt bị thương trong khi chiến đấu giữa rừng, bị lạc đồng đội. Anh ngất đi tỉnh lại mấy lần.
- Tính cách nhân vật qua đoạn trích : Một mình nằm lại giữa chiến trường, Việt vẫn hướng về phía có tiếng súng của đồng đội, phân biệt rõ ta – địch, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu….
=> Thể hiện tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu và lòng dũng cảm, kiên cường của nhân vật trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất.
b. Nhân vật Tnú:
- Khái quát về nhân vật : Cuộc đời bi thương (phải chứng kiến cảnh vợ và con anh bị giết mà không thể cứu được); từ nhỏ đã tham gia cách mạng,…
- Vẻ đẹp của nhân vật bộc lộ sáng chói qua đoạn cao trào đầy kịch tính của truyện. Tnú bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay bằng chính nhựa xà nu của quê hương nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, nghe lời anh Quyết dạy, quyết không kêu van vừa thách thức kẻ thù vừa khơi dậy cao độ lòng căm thù giặc của cả buôn làng.
=> Qua đây cho thấy lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần, ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường của nhân vật.
c. Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai nhân vật :
* Sự tương đồng:
- Hai nhân vật đều phải chịu đựng những đau đớn về thân xác, đơn độc khi chiến đấu ; là hình mẫu của người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, tuyệt đối trung thành với cách mạng, đất nước ; là biểu tượng đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
* Sự khác biệt:
- Nhân vật Việt : Chiến đấu với tinh thần quả cảm, lạc quan, hồn nhiên, yêu đời, tin tưởng vào cách mạng, đồng đội. Ở Việt, chủ yếu chỉ có nỗi đau về thể xác do bị thương.
- Nhân vật Tnú : Chiến đấu bằng ý chí quyết tâm và lòng căm thù giặc sâu sắc, do vừa trải qua những biến cố, mất mát trong đời sống cá nhân (vợ và con bị giặc giết chết ngay trước mắt). Ở Tnú, đó là nơi cộng hưởng cả nỗi đau thể xác và tinh thần.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
3. Đánh giá :
- Hai nhân vât trong hai tác phẩm là đại diện tiêu biểu của con người Việt Nam trong thời chống Mĩ, tuy nhiên ở họ vẫn có những nét riêng góp phần thể hiện phong cách độc đáo của mỗi nhà văn :
+ Tnú là nhân vật được kết tinh từ vẻ đẹp tiêu biểu nhất của con người mang đậm dòng máu, tính cách của núi rừng Tây Nguyên với hình ảnh, vóc dáng vạm vỡ chứa trong đó cái mênh mang, trong sạch, hoang dại của núi rừng. Qua hình tượng Tnú, Nguyễn Trung Thành còn gợi ra được số phận và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng thân yêu.
+ Việt đậm chất Nam Bộ ở ngôn ngữ, tính cách sôi nổi, bộc trực, trọng nghĩa. Việt là nhân vật tiêu biểu cho lớp trẻ, nòng cốt của thờ đại cách mạng. Qua nhân vật Việt, nhà văn đã ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mỗi gia đình.
=> Qua đây làm nổi bật những tấm gương cao đẹp, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng khí phách, tâm hồn cho những thế hệ mai sau.
Bài mẫu
Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là hai tác phẩm xuất sắc phản ánh cuộc chiến đấu của con người Việt Nam trong kháng chiến. Tnú và Việt là hai nhân vật chính của hai tác phẩm. Qua hai nhân vật Tnú và Việt, tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã khắc họa được vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ.
Việt là một chiến sĩ giải phóng quân sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, mang mối thù sâu nặng với giặc Mĩ, anh xung phong tòng quân dù chưa đủ tuổi. Ở Việt luôn sôi nổi một tinh thần chiến đấu “trả thù cho ba má”. Trong trận đánh ở rừng cao su, Việt lập công lớn tiêu diệt được một xe bọc thép của địch nhưng cũng bị thương nặng và lạc đồng đội. .
Khi bị thương, Việt nhiều lần ngất đi tỉnh lại. Mỗi lần tỉnh lại, những hồi ức về ba má, chú Năm, chị Chiến, đồng đội lại hiện về trong tâm trí Việt. Qua đó, ta thấy Việt có một tâm hồn giàu tình cảm gắn bó với quê hương gia đình.
Đoạn văn thể hiện phẩm chất nổi bật ở Việt là tinh thần ý chí quyết tâm chiến đấu kiên cường dũng cảm. Dù bị thương lạc đơn vị một mình nằm lại chiến trường, Việt vẫn không hề run sợ, vẫn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Việt vẫn cố gắng bò về phía tiếng súng, phía đồng đội đang chiến đấu. Hình ảnh Việt gợi ta nhớ đến hình ảnh anh giải phóng quân trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, dù bị trúng đạn nhưng vẫn gượng đứng lên nhằm thẳng quân thù mà bắn:
Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì tay trên báng súng
Và anh ngắm bắn
………
Từ dáng đứng của anh
Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc. Đặc biệt nó mang đậm ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm qua đó. Bằng ngòi bút khắc họa nhân vật tài tình và khuynh hướng sử thi làm chủ đạo, nhân vật Tnú hiện ra với một góc nhìn vừa mới vừa đầy tính chất anh hùng của thời đại.
Trong cái đêm lũ giặc hèn hạ dùng mẹ con Mai để nhử bắt Tnú nhằm triệt phá phong trào cách mạng của dân làng Xô Man, hai bàn tay của anh bất lực bíu chặt lấy gốc cây, bứt đứt hàng chục trái và khi từ chỗ nấp cắn răng nhìn cảnh vợ con bị giặc tra tấn : Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự.
Ấn tượng không thể phai mờ trong lòng người đọc chính là hình ảnh đôi bàn tay Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu rồi đốt cháy trong cái đêm anh bị bắt. Hình ảnh ấy vừa có ý nghĩa tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, vừa thể hiện lòng dũng cảm, khí phách kiên cường của Tnú. Đây là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu tính tạo hình, được nhà văn Nguyễn Trung Thành chủ ý tô đậm và nhấn mạnh. Bọn giặc đốt mười ngón tay Tnú nhằm khủng bố và tiêu diệt ý chí phản kháng của dân làng Xô Man. Thằng ác ôn Dục đã giơ cao ngọn đuốc, cười sằng sặc và dọa : Đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây ! Kẻ thù tìm mọi cách để tiêu diệt lòng yêu nước của dân làng Xô Man. Chúng tra tấn Tnú ngay trước sân nhà rông, trong không khí căm thù sôi sục của dân làng.
Tác giả miêu tả rất kĩ hình ảnh mười ngón tay Tnú bị giặc đốt cháy bằng những câu văn gây xúc động mạnh mẽ:
Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.
Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi ! Cháy, cháy cả ruột đây rồi Ị Anh Quyết ơi ! Cháy ! Không, Tnú sẽ không kêu ! Không !
Hình ảnh đôi bàn tay cháy rừng rực của Tnú thể hiện phẩm chất dũng cảm phi thường của người anh hùng thời đại. Tuy da thịt bị thiêu đốt đau đớn tột cùng nhũng anh không hề khóc lóc, kêu van. Thái độ căm thù giặc mãnh liệt hiện rõ trong đôi mắt mở trừng trừng, trên đôi môi bị chính anh cắn nát, trong vị máu mặn chát ở đầu lưỡi. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực để rồi òa vỡ ra thành một tiếng thét dữ dội. Tnú đã thét lên tiếng thét căm hờn, khinh bỉ vào mặt lũ tay sai tàn ác. Tiếng thét ấy làm cho dân làng Xô Man bừng tỉnh, thôi thúc dân làng vùng dậy cầm giáo cầm mác giết chết cả tiểu đội lính ngụy :
Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “Giết!”. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ : “Chém! Chém hết Ị”. Cụ Mết đúng rồi, cụ Mết đã đúng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Ttú mang từ đỉnh Ngọc Linh về…
Nỗi đau đớn tột cùng và lòng căm thù sôi sục của Tnú đã truyền sang dân làng Xô Man. Trong khoảnh khắc, cụ Mết đã lãnh đạo dân làng dùng giáo mác giết sạch bọn thằng Dục có trang bị vũ khí đầy đủ. Mười ngọn đuốc cháy rừng rực trên hai bàn tay Tnú không làm cho lòng người Xô Man nao núng, khiếp sợ như kẻ thù mong muốn ; ngược lại, hình ảnh đó càng nung nấu căm thù và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dũng cảm vùng lên giết giặc. Sự man rợ của kè thù là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hành động quật khởi của dân làng Xô Man trong cái đêm đáng nhớ ấy.
Có thể nói, xây dựng hình tượng nhân vật Tnú và Việt hai nhà văn đã thể hiện sự trân trọng sâu sắc trước những con người của dân tộc, vì dân tộc. Cùng được sáng tác trong kháng chiến chống Mĩ nên ở hai nhân vật đều có nhiều nét tương đồng trong vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng. Họ là những người con đã kế thừa xuất sắc truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc: Tnú là người con của làng Xô Man, nơi tất cả người dân đều hướng về cách mạng. Còn Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, căm thù giặc: Cha là cán bộ cách mạng, má là người phụ nữ Nam Bộ kiên cường trong đấu tranh, hai con tiếp nối lí tưởng của cha mẹ.
Họ đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc: Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay. Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc. Những đau thương đó đã hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam.
Họ đã biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Tnú lên đường đi “lực lượng” dù mỗi ngón tay mất đi một đốt, Việt vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống. Không chỉ vậy ở họ còn mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Khi so sánh nhân vật Tnú và Việt, người đọc có thể dễ dàng nhận ra Việt xuất hiện một cách gần gũi hơn. Nhân vật gắn liền với hình ảnh gia đình, gần gũi giữa cuộc sống đời thường. Hình ảnh người con trai mới lớn lộc ngộc và có chút hồn nhiên đến vô tâm đã khắc họa nên một người anh hùng mang những đặc điểm, tính cách của con người bình dị.
Tóm lại, các nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng thương đau của chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Cảm nhận của anh/chị về những nét tương đồng và khác biệt của hình tượng người chiến sĩ trong Những đứa con trong gia đình và Rừng xà nu timdapan.com"