Hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học. Hãy trình bày quan điểm của em lớp 7
1. Mở đoạn: - Dẫn dắt vào vấn đề: Theo thống kê của bộ Lao động và xã hội, quý 4 năm 2017 cả nước có 1.071,2 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: “Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay”.
Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
- Dẫn dắt vào vấn đề: Theo thống kê của bộ Lao động và xã hội, quý 4 năm 2017 cả nước có 1.071,2 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: “Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay”.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học.
2. Thân đoạn:
- Vào đại học là con đường đáng mơ ước, mở ra nhiều cơ hội
+ Khi vào đại học, nếu thực sự có năng lực, khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
+ Học đại học sẽ tạo nền tảng kiến thức vững chắc để sau này có thể tiến xa hơn, vận dụng nó vào trong công việc hiệu quả.
- Nhưng vào đại học không phải con đường tiến thân duy nhất
+ Tuy nhiên tấm bằng đại học không phải tấm vé bước vào đời để bạn muốn đến đâu tùy thích, đó chỉ là yếu tố nhỏ góp phần tạo cơ hội cho bạn trong cuộc sống.
+ Sự thành công không phụ thuộc hoàn toàn vào thành tích học tập ở đại học mà phụ thuộc vào năng lực thực tế của mỗi người khi bước vào đời.
+ Trên thực tế, ở một số ngành, cơ cấu đào tạo chưa căn cứ vào cơ cấu sử dụng nhân lực thực tiễn, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
+ Trên thực tế, cuộc sống cũng chính là một trường đại học rộng lớn, dạy cho con người biết nhiều vấn đề thực tiễn, ở đó con người không học thông qua lí thuyết mà qua trải nghiệm.
+ Nhiều người đã thực sự thành công mà không cần bước chân vào con đường đại học. (Lấy VD dẫn chứng)
- Bài học nhận thức
+ Cần lựa chọn con đường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình và điều kiện gia đình.
+ Dù học đại học hay đi theo những con đường khác thì luôn phải nỗ lực hết mình với con đường mình đã chọn.
+ Không ngừng trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.
3. Kết bài:
- Nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề.
- Là những người trẻ hãy luôn chủ động và sáng suốt trong sự lựa chọn của mình, hãy luôn làm chủ tương lai của mình.
Mẫu 1
Bao nhiêu bạn trẻ đang ước ao thi Đại học? Nhiều. Vậy bao nhiêu đang khao khát thành công? Có lẽ là tất cả. Sao lại có sự chênh lệch ấy. Có lẽ bởi đại học không phải con đường duy nhất chạm đến thành công. Hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học và em cho rằng đây là một quan điểm hai chiều.
Đại học là cấp học đào tạo nghề chuyên nghiệp. Đó là con đường tốt đẹp hướng tới những sự nghiệp lớn, những cơ hội thay đổi cuộc sống. Học đại học cung cấp những kiến thức, kỹ năng quan trọng, giúp sinh viên có nền tảng thuận lợi khi bước vào cuộc đua dẫn tới thành công trong công việc và cuộc sống. Học đại học giúp ta có bằng cấp, dễ dàng hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhưng đại học lại không phải con đường duy nhất chạm đến thành công. Bởi lẽ, con người có khả năng tự học ở các môi trường phi học đường: trung tâm dạy nghề, cuộc sống thực tế,... cũng cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Và hơn nữa, không phải công việc nào cũng cần bằng cấp ở bậc Đại học và không phải con người nào có bằng cấp mới thành công. Như chúng ta đã từng biết đến Edison, Hồ Chí Minh,... những tấm gương vĩ đại của tự học. Tuy vậy, cần phân biệt lựa chọn với sự thất bại. Có nhiều bạn trẻ cũng trích dẫn câu nói này để ngụy biện cho sự lười nhác, thiếu ý chí và thất bại. Khi đó, bạn đâu có quyền lựa chọn? Xin hãy nhớ: Thời đại của tri thức và công nghệ, cơ hội thành công chia đều cho những người có ý chí và tinh thần ham học hỏi.
Và với em, cụ thể hơn nữa, nó chỉ dành cho ai có định hướng tương lai cho mình một cách rõ ràng và đi theo con đường mình đã định một cách bản lĩnh và đam mê.
Mẫu 2
Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học là một điều không còn quá xa lạ.
Chúng ta vẫn thường nghe “Vào đại học không phải là con đường lập thân duy nhất”, đúng hay sai? Trước hết, ta không thể phủ nhận đại học là con đường lập thân rất quan trọng. Vì có bằng đại học thì chúng ta dễ xin việc, có bằng đại học ta vẫn có chỗ đứng hơn giữa cuộc đời. Học đại học giúp ta lĩnh hội được tri thức cao hơn, bắt kịp hơn với xã hội hiện đại. Vì thế mà bao người vẫn đi tìm cho mình tấm bằng đại học. Tuy nhiên, giống như dòng sông có trăm ngả về biển, con đường đi đến thành công không bao giờ là duy nhất. Bills Gates chẳng phải cũng đã từ bỏ trường đại học để theo đuổi đam mê và thành công đó sao? Nếu bạn không thể, đừng ngại tạm gác những giấc mơ xa vời. Một ngôi trường dạy nghề có lẽ sẽ thích hợp hơn với bạn; hay một ý tưởng kinh doanh, một ý tưởng thiết kế cho một sản phẩm nào đó. Và cũng đừng quên, “trường đời cũng là một trường đại học”, cuộc sống đầy khó khăn, thất bại, vấp ngã cũng là một ngôi trường chờ bạn chinh phục. Bài học mà những bạn trẻ đang đứng trước sự lựa chọn tương lai học được đó là không quan trọng bạn học ở đâu, học từ ai, tương lai của bạn, cuộc đời của bạn tùy thuộc bạn có đủ dũng khí quyết định hay không và có thể theo đuổi đến cùng hay không.
Tóm lại, ta không được phép xem thường cánh cửa đại học, không được cho rằng “Không học cao cũng sống được mà” bởi giữa hàng tỉ người ta mới có một “Bills Gates” và đó có thể sẽ không phải là bạn hay tôi nhưng cũng đừng nên xem giảng đường ấy là thiên đường, là “một và chỉ một” đến nỗi bằng mọi giá cũng phải đạt tới. Không, “vào đại học không phải là con đường lập thân duy nhất”.
Mẫu 3
Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, chính vì thế chỉ cần chúng ta chăm chỉ trên con đường học vấn cũng như công việc của mình ắt hẳn chúng ta sẽ thành công. Chính vì thế có lẽ đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp của thanh niên.
Đại học là một cánh cửa mới mở ra cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng lựa chọn cho mình cách vào đại học mới có thể thành công, bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng nói: “Học đại học phải trả giá bằng thời gian và sức lực”. Chính vì thế không chỉ riêng đại học mới giúp chúng ta thành công, có rất nhiều cách giúp chúng ta thành công mà không cần phải học đại học. Đại học giúp cho chúng ta học hỏi và mở rộng được nhiều kiến thức mà người thầy vẫn là người định hướng và giáo dục cho chúng ta, học đại học cũng có rất nhiều ưu thế vì chúng ta có thể học được nhiều kiến thức hay bởi các chuyên ngành mà chúng ta đã lựa chọn. Tuy nhiên vào đại học và học một ngành nghề nào đó cuối cùng cũng chỉ để học nghề và ra để làm một công việc. Chính vì thế có rất nhiều người đã đi theo con đường khác, không phải theo con đường học đại học.
Đúng như có câu nói đã viết: “Không quan trọng mình đứng ở đâu mà quan trọng mình đi đâu”. Đây mới chính là những hướng đi hoàn hảo và có ý nghĩa to lớn đến con người, cái riêng biệt là tạo cho con người những sự bứt phá mới mẻ và hợp lý hơn, trong cách xử lý đó, nó để cho con người một cái nhìn riêng, lạ và tạo nên những điểm nhấn hoàn toàn mới mẻ của mỗi người. Thanh niên ngày nay không phải chỉ có lựa chọn con đường đại học mới có thể thành công được, trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người lựa chọn cho mình theo hướng tự do, họ đi theo một con đường độc lập, mới mẻ và ngày càng táo bạo hơn. Nhiều hình thức kinh doanh và mở rộng bản thân bằng cách học tập và ngày càng khéo léo và táo bạo tạo nên cái riêng cho mỗi con người.
Mỗi chúng ta hãy lựa chọn cho mình một hướng đi cho phù hợp có như vậy chúng ta mới cảm thấy được cuộc sống này đang tràn ngập nhiều điều có ý nghĩa và những điều có giá trị nhất. Đem lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn.
Mẫu 1
Các ngày cuối tháng sáu và đầu tháng bảy là thời điểm mà nhiệt độ tại khắp các tỉnh thành trên cả nước trở nên nóng bức hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia với tâm trạng căng thẳng và lo lắng. Trong suốt thời gian dài, tâm tư của mọi người đã chấp sâu rằng, để bất kể giá nào, họ phải đi vào đại học, bởi đó là cách duy nhất để xây dựng tương lai và sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, liệu việc này có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Theo định nghĩa, giáo dục đại học đề cập đến "các hoạt động học tập thường được tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng, viện đại học, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học bao gồm các cấp học sau trung học, bao gồm cả cấp cao đẳng, đại học và sau đại học, và thậm chí còn bao gồm cả một số cơ sở giáo dục đại học hoặc cao đẳng như các trường học nghề và trường kinh doanh trao văn bằng, học thuật hoặc cấp chứng chỉ chuyên nghiệp."
Hiện nay, nhiều người tin rằng việc vào đại học là lựa chọn duy nhất cho thanh niên trẻ. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ phần nào đúng, không hoàn toàn chính xác.
Đại học là một con đường, một ước mơ tươi đẹp, mà hầu hết các thanh niên đều hướng đến. Đó là biểu tượng của tri thức, tự do và sự khám phá, là cơ hội để tự mình thể hiện và xây dựng tương lai. Vào đại học có thể giúp chúng ta thể hiện bản thân và bắt đầu sự nghiệp của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại của khoa học và công nghệ, và việc không ngừng học là điều cần thiết để không bị tụt lại và không thể theo kịp với xu hướng chung của thời đại. Hơn nữa, nền kinh tế ngày càng phân tách và chuyên môn, vì vậy chỉ với kiến thức cấp trung học chưa đủ, mà cần kiến thức đại học để tham gia vào công việc và sản xuất. Tuổi trẻ là thời kỳ dễ dàng tiếp thu kiến thức mới, và việc được học từ những người thầy giỏi sẽ giúp chúng ta tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Cuộc đời của chúng ta là một cuộc học hỏi không ngừng nghỉ, đúng như lời của Lenin: "Học, học nữa, học mãi." Sau khi hoàn thành cấp trung học, việc theo đuổi đại học giúp chúng ta duy trì sự liên tục trong quá trình học tập.
Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để chúng ta có nền tảng vững chắc, đáp ứng mục tiêu sự nghiệp và tiếp tục cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất. Với tình hình gia đình và năng lực cá nhân, chúng ta có thể có nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu của mình. Nếu điều kiện gia đình không cho phép bạn theo đuổi đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc chăm chỉ và tỉ mỉ. Điều này cũng có thể đem lại thành công. Trong cuộc sống, có rất nhiều người không học đại học nhưng vẫn trở thành những tấm gương thành công, là nguồn động viên cho người khác. Michael Dell, người sáng lập tập đoàn Dell, là một ví dụ. Ông bỏ học đại học ở tuổi 19 và với ít vốn ban đầu, ông đã xây dựng công ty nhỏ của mình thành một tập đoàn to lớn như ngày nay. Henry Ford, một người chưa tốt nghiệp trung học, đã sáng lập một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Ford.
Thật sự, việc vào đại học là một con đường nhanh chóng và ngắn gọn để tiến đến thành công. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấu hiểu rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất. Có rất nhiều con đường khác nhau, có thể khó khăn hơn và đầy thách thức hơn, nhưng với quyết tâm và lòng kiên trì, mọi người đều có thể đạt được mục tiêu của họ. Vào đại học chỉ là một bước đệm, điều quan trọng nhất vẫn là ý chí, định hướng và quyết tâm của từng người.
Mẫu 2
"Có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay là vào đại học?" Câu hỏi này luôn ám ảnh mỗi bạn học sinh, đặc biệt là những bạn cuối cấp. Trước sự lựa chọn giữa việc tiếp tục học lên đại học hay chấm dứt sự nghiệp học tập để theo đuổi việc làm và học nghề, liệu đâu mới là lựa chọn đúng đắn?
Học tập có vai trò không thể xem nhẹ đối với mỗi cá nhân. Mười hai năm cắp sách tại trường học là nền tảng giúp chúng ta tự tin bước vào cuộc sống và quyết định con đường phía trước, có tiếp tục học tập hay không. Mỗi người sẽ có sự lựa chọn riêng, nhưng câu hỏi đặt ra là, lựa chọn nào là tốt nhất?
Liệu việc vào đại học có phải là con đường tốt nhất? Ai cũng thấu hiểu rằng, việc tiếp tục học vấn đồng nghĩa với việc mở rộng cơ hội việc làm và tiến thân nhanh hơn. Tại đại học, bạn sẽ được trang bị với kiến thức và kỹ năng cơ bản, làm nền tảng cho sự nghiệp sau này. Đại học không chỉ giới hạn ở lý thuyết, mà còn kết hợp cả thực tiễn, giúp bạn chuẩn bị tốt cho công việc tương lai. Vào đại học, bạn có cơ hội trải nghiệm, rèn luyện và ươm mầm tài năng của chính mình.
Trong thực tế, những người thành công, giỏi giang, và có nền kinh tế vững chắc thường là những người có học vị cao. Họ là những chuyên gia có kiến thức uyên thâm, tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng. Chẳng cần đi xa, nhìn vào những tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử như Stephen Hawking, nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ XX, ông gia nhập đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Cuộc hành trình học tập của ông không ngừng được nâng cao, với những nghiên cứu và khám phá của riêng mình, ông đã tạo ra sự đột phá lớn cho vật lý hiện đại. Cùng nhìn vào những tên tuổi lừng lẫy tại các lĩnh vực khác, ví dụ như Barack Obama, tổng thống Mỹ đầu tiên mang dáng vẻ da màu, ông là một trong những sinh viên ưu tú của trường luật Harvard. Harvard nổi tiếng là trường đại học hàng đầu và là nơi đào tạo những nhân tài xuất sắc trên khắp thế giới. Với uyên bác của mình, Obama đã giữ chức vụ tổng thống trong hai nhiệm kỳ và để lại dấu ấn quan trọng trên cục diện thế giới.
Như vậy, học đại học có lẽ là con đường quan trọng và cần thiết đối với mỗi cá nhân.
Nhưng liệu rằng, không vào đại học có thể làm nên sự nghiệp? Điều này hoàn toàn đúng. Không nhất thiết phải có tấm bằng đại học mới có thể đạt được sự nghiệp và tự lập cho bản thân. Hiện nay, tại Việt Nam, tình trạng thiếu thợ, thầy thợ không đúng nghĩa đang ngày càng gia tăng. Có quá nhiều người chọn vào đại học, nhưng không đảm bảo kỹ năng thực tế. Hiện tượng này nguy hiểm và đáng báo động. Mục tiêu của việc học đại học không chỉ vì danh vọng mà còn là vì kiến thức và năng lực. Điều này có nghĩa rằng, nếu bạn đam mê nghề thủ công hoặc nghề khéo tay, có thể tự tin bước vào thế giới thực tiễn mà không phải làm công việc không liên quan trong vòng bốn năm ăn bám gia đình.
Hãy nhớ rằng, mỗi cá nhân có hoàn cảnh, sở thích và năng lực riêng. Sự thành công không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào việc vào đại học. Nếu bạn có đam mê và hoàn cảnh cho phép, học nghề cũng có thể là con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là sống hạnh phúc và tự hào về những gì bạn làm, không phải vì danh vọng mà vì khả năng thực sự của bản thân.
Mẫu 3
Thanh xuân, tuổi trẻ mỗi người chỉ trải qua một lần duy nhất, đó là thời điểm con người ta hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, tự do nhất, dũng cảm nhất, nhưng cũng là lúc con người ta phải đối diện với muôn vàn thử thách khó khăn, phải đắn đo suy nghĩ và lựa chọn cho mình một con đường, một ước mơ. Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp 3 đang sắp bước vào một kỳ thi cam go, hồi hộp, kỳ thi ấy sẽ dẫn các bạn vào cánh cổng đại học mở ra hay sẽ đưa các bạn rẽ sang một hướng khác, đó còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của các bạn. Thế nhưng, có một vấn đề được đặt ra, tại sao mọi người đều ép bản thân mình chen chân vào cánh cổng đại học? Liệu đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ?
Không phủ nhận cánh cổng trường đại học là một lựa chọn rất tốt cho các bạn trẻ, là bệ đỡ giúp chúng ta tiến xa hơn trong tương lai bằng con đường học tập. Ở môi trường đại học, chúng ta dường như bước vào một xã hội thu nhỏ, ở đó các thầy cô truyền dạy cho chúng ta nhiều bài học, không chỉ là những kiến thức khô khan trong sách vở mà còn là những kinh nghiệm sống rất quý giá mà không nơi nào có thể dạy chúng ta tốt như thế. Ước mơ vào đại học là một ước mơ rất đẹp, thể hiện khát vọng của con người về việc vươn đến một chân trời mới mẻ, một môi trường tri thức rộng mở, cao cấp hơn hẳn so với môi trường ở bậc trung học. Đặc biệt, môi trường đại học là một môi trường giáo dục rất tự do, khuyến khích sinh viên có những ý tưởng, sáng tạo, được thỏa sức bày tỏ quan điểm, khẳng định bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Những câu lạc bộ, đoàn đội, hội nhóm sẽ là nơi giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống thực tế có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra khi bước vào đại học, môi trường sống của các bạn sinh viên đa số đều thay đổi, xa gia đình, xa vòng tay cha mẹ, đa số các bạn đều phải sống tự lập, đó chính là cách giúp các bạn trưởng thành nhanh nhất.
Đại học là bước đường các bạn học sinh dễ tiếp cận nhất và cũng là lựa chọn gần như tốt nhất. Bởi trong xã hội hiện đại, dân trí ngày một nâng cao, đất nước ngày một phát triển, để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ ngày một cao hơn. Tri thức trở thành nền tảng cốt yếu để phát triển đất nước, chính vì thế, con người có những lựa chọn đúng đắn để trau dồi tri thức cho bản thân, liên tục nâng cao trình độ thì sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ngày nay học vấn còn trở thành thước đo giá trị của một con người trong thời đại mới, nên đôi khi việc dừng lại ở bậc trung học phổ thông sẽ khó được xã hội công nhận năng lực và tham gia vào lao động sản xuất với một chế độ đãi ngộ tốt, nếu như bạn không thực sự cố gắng trong những lĩnh vực khác ngoài việc học lên đại học.
Tuy nói là vậy nhưng việc bước vào cánh cổng đại học cũng không phải là con đường tiến thân duy nhất dành cho giới trẻ, bởi ngoài nó, chúng ta vẫn còn những lựa chọn khác, tuy có nhiều khó khăn vất vả hơn hẳn, nhưng nó cũng là một lựa chọn không tồi. Bạn cố chen chân kiếm cho mình một cái vé vào đại học, trong khi năng lực không đủ, điều kiện gia đình không cho phép, đặc biệt bạn còn vì muốn vào đại học mà chọn bừa cho mình một ngành học, một trường học mà chưa tìm hiểu thật kỹ càng. Đến khi bước chân vào rồi bạn mới nhận ra mình đã sai lầm, từ bỏ thì nuối tiếc, mà không từ bỏ thì bạn cứ mãi lửng lơ vô định hướng với một thứ bạn không thích, không am hiểu. Tôi tự hỏi nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, ai trong số các bạn còn cảm thấy rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất? Và từ thực tế cho thấy, không phải sinh viên đại học nào ra trường cũng có công ăn việc làm ổn định, cũng có một mức thu nhập cao, một tương lai xán lạn. Chẳng phải vẫn có người học qua quýt trong đại học, rồi ra trường không tìm được việc làm, cuối cùng cũng phải đi làm những công việc lao động chân tay, làm trái ngành, trở nên chán nản và hối hận vì đã lãng phí 4 năm thanh xuân vì không chịu cố gắng, không định hướng bản thân thật tốt. Thế nên cánh cổng đại học là cánh cổng đẹp, nhưng đó không phải là cánh cổng màu hồng như chúng ta hằng tưởng tượng, bởi cái gì cũng cần sự cố gắng. Ví như chúng ta chẳng may không đỗ vào trường chúng ta mong muốn, không đủ điều kiện học tập trong môi trường đại học, thì tốt hơn hết chúng ta hãy nghĩ đến một con đường khác, nghĩ xem mình thích gì, chúng ta có thể tham gia các lớp đào tạo nghề, ai có khiếu kinh doanh thì có thể tập tành buôn bán,...
Bất kể làm việc gì, các bạn cũng phải nỗ lực hết sức mình thì mới thành công được, đừng nghe những lời gièm pha đàm tiếu của người ngoài rằng không học đại học là kém cỏi, là bất tài, bởi cuộc sống là của chúng ta chứ không phải của họ. Hãy nhìn xem Bill Gates đã dũng cảm thế nào khi từ bỏ Harvard ngôi trường trong mơ của bao lớp trẻ, để sáng lập ra Microsoft - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, rồi Steve Jobs đồng sáng lập tập đoàn Apple, Michael Dell nhà sáng lập ra tập đoàn máy tính Dell Inc, Henry Ford người sáng lập ra hãng ô tô Ford, có ai có tấm bằng đại học nào trên tay đâu, thế nhưng họ vẫn rất thành công, thành công một cách vượt bậc và vô cùng đáng ngưỡng mộ. Họ sáng lập ra những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, rồi những con người có những tấm bằng đại học danh giá cũng phải chen lấn xô đẩy để có thể vào đó làm việc. Thế nên thành công hay không học vấn là một phần quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân.
Đại học là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến thành công, thế nhưng nó không phải là con đường duy nhất, chúng ta còn rất nhiều những lựa chọn khác nữa, mặc dù sẽ khiến chúng ta vất vả và phải đi một con đường xa hơn hẳn để bước tới thành công. Hãy nhớ cánh cổng đại học khép lại, thì chúng ta hãy tự mở cho mình một cánh cổng khác, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công!
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học. Hãy trình bày quan điểm của em lớp 7 timdapan.com"