Giải đề thi học kì 2 Sinh lớp 9 năm học 2020-2021 THCS Phú Thịnh
Giải đề thi học kì 2 Sinh lớp 9 năm học 2020-2021 THCS Phú Thịnh - Vĩnh Long với cách giải nhanh và chú ý quan trọng.
Đề bài
Câu 1: Nhóm sinh vật nào sau đây toàn là động vật ưa sáng?
A. Gà, vịt, chuột.
B. Trâu, bò, gà, vịt.
C. Trâu, bò, giun đất.
D. Trâu, bò, cú mèo.
Câu 2: Địa y sống bám trên cành cây. Giữa địa y và cây có mối quan hệ theo kiểu nào dưới đây?
A. Hội sinh.
B. Cộng sinh.
C. Kí sinh.
D. Nửa kí sinh.
Câu 3: Ứng dụng sự thích nghi của cây trồng đối với nhân tố ánh sáng, người ta trồng xen các loại cây theo trình tự sau:
A. Cây ưa bóng trồng trước, cây ưa sáng trồng sau.
B. Trồng đồng thời nhiều loại cây.
C. Cây ưa sáng trồng trước, cây ưa bóng trồng sau.
D. Tùy theo mùa mà trồng cây ưa sáng hoặc cây ưa bóng trước.
Câu 4: Tác động lớn nhất của con người tới môi trường tự nhiên là:
A. Phá hủy thảm thực vật, gây ra nhiều hậu quả xấu.
B. Cải tạo tự nhiên làm mất cân bằng sinh thái.
C. Gây ô nhiễm môi trường.
D. Làm giảm lượng nước, gây khô hạn.
Câu 5: Trường hợp nào sau đây hiện tượng thoái hóa giống xảy ra?
A. Cà chua tự thụ phấn liên tục qua nhiều thế hệ.
B. Đậu Hà Lan tự thụ phấn liên tục qua nhiều thế hệ.
C. Ngô tự thụ phấn liên tục qua nhiều thế hệ.
D. Chim bồ câu thường xuyên giao phối gần.
Câu 6: Nhân tố sinh thái là:
A. Các yếu tố vô sinh hoặc hữu sinh của môi trường.
B. Tất cả các yếu tố của môi trường.
C. Các yếu tố của môi trường ảnh hưởng gián tiếp lên cơ thể sinh vật.
D. Những yếu tố của môi trường tác động tới sinh vật.
Câu 7: Cho chuỗi thức ăn đơn giản còn để chỗ trống sau:
Cây gỗ → (………..) → Chim ăn sâu → Rắn → Vi sinh vật
Loài nào sau đây điền vào chỗ trống là hợp lí nhất?
A. Mèo
B. Sâu ăn lá cây
C. Bọ ngựa
D. Ếch
Câu 8: Tăng dân số nhanh có thể dẫn đến tình trạng:
A. Thiếu nơi ở, nguồn thức ăn, nước uống, ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng và các tài nguyên khác.
B. Lực lượng lao động tăng, làm dư thừa sức lao động dẫn đến năng suất lao động giảm.
C. Lực lượng lao động tăng, khai thác triệt để nguồn tài nguyên làm năng suất lao động cũng tăng.
D. Thiếu nơi ở, ô nhiễm môi trường, nhưng làm cho kinh tế phát triển mạnh ảnh hưởng tốt đến người lao động.
Câu 9: Khi thực hiện lai giữa các dòng thuần mang kiểu gen khác nhau thì ưu thế lai thể hiện rõ nhất ở thế hệ con lai:
A. F1
B. F2
C. F3
D. Mọi thế hệ
Câu 10: Cỏ dại thường mọc lẫn với lúa trên cánh đồng làm cho năng suất lúa bị giảm đi, giữa cỏ dại và lúa có mối quan hệ theo kiểu nào dưới đây?
A. Cộng sinh.
B. Cạnh tranh.
C. Hội sinh.
D. Kí sinh.
Câu 11: Nhóm sinh vật nào dưới đây toàn động vật ưa khô?
A. Ếch, ốc sên, lạc đà.
B. Ốc sên, giun đất, thằn lằn.
C. Giun đất, ếch, ốc sên.
D. Lạc đà, thằn lằn, kì nhông.
Câu 12: Khi chuyển những sinh vật đang sống trong bóng râm ra sống nơi có cường độ chiếu sáng cao hơn thì khả năng sống của chúng như thế nào?
A. Vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.
B. Khả năng sống bị giảm sau đó không phát triển bình thường.
C. Khả năng sống bị giảm, nhiều khi bị chết.
D. Không thể sống được.
Lời giải chi tiết
1.B |
2.A |
3.D |
4.A |
5.C |
6.D |
7.B |
8.A |
9.A |
10.B |
11.D |
12.C |
Câu 1:
Phương pháp: Dựa vào đặc tính thời gian và địa điểm hoạt động thường xuyên của các loài để nhận biết ra động vật ưa sáng hay ưa tối.
Cách giải: Giun đất sống thường xuyên trong lớp đất; cú mèo ngủ ban ngày, đêm đi kiếm ăn; chuột hoạt động chủ yếu vào ban đêm và sống ở các hang tối, các ổ, ngóc ngách ít ánh sáng. Như vật giun đất, cú mèo và chuột là động vật ưa tối nên đáp án A,C, D sai.
Chọn B.
Câu 2:
Phương pháp: Dựa vào đặc điểm các mối quan hệ khác loài.
Cách giải: Địa y sống bám trên cành cây chỉ sử dụng cây là giá thể để bám và dễ dàng lấy nước từ cành cây chảy xuống, không gây hại gì cho cây do đó là quan hệ hội sinh.
Chọn A.
Câu 3:
Phương pháp: Dựa vào lý thuyết ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống thực vật.
Cách giải: Cây ưa bóng phát triển trong điều kiện ánh sáng yếu, ánh sáng tán xạ. Cây ưa sáng phát triển trong điều kiện ánh sáng mạnh, nơi quang đãng. Do đó để các loại cây phát triển tốt nhất thì phải tùy theo điều kiện ánh sáng từng mùa. Nếu trồng cây vào mùa hè ánh sáng mạnh thì cần trồng các cây ưa sáng trước để tạo bóng che sau đó trồng cây ưa bóng. Còn vào mùa ánh sáng yếu, trời thường xuyên âm u thì lại là điều kiện thuận lợi cho cây ưa bóng phát triển, nên trồng cây ưa bóng, không nên trồng cây ưa sáng vì sẽ giảm năng suất của cây.
Chọn D.
Câu 4:
Phương pháp: Dựa vào lý thuyết tác động của con người làm suy thoái môi trường tự nhiên.
Cách giải: Một trong những tác động lớn nhất của con người tới môi trường tự nhiên là phá hủy thảm thực vật, từ đó gây ra nhiều hậu quả xấu.
Chọn A.
Câu 5:
Phương pháp: Dựa vào nguyên nhân của hiện tượng thoái hóa giống.
Cách giải: Một số loài thực vật tự thụ phấn nghiêm ngặt như đậu Hà Lan, cà chua và động vật thường xuyên giao phối gần như chim bồ câu không bị thoái hóa khi tự thụ phấn hay giao phối cận huyết vì hiện tại chúng đang mang những cặp gen đồng hợp kkhông gây hại cho chúng.
Ngô tự thụ phấn sẽ tạo ra các cặp gen lặn đồng hợp gây hại.
Chọn C.
Câu 6:
Phương pháp: Dựa vào định nghĩa nhân tố sinh thái.
Cách giải: Nhân tố sinh thái là những yếu tố của môi trường tác động tới sinh vật.
Chọn D.
Câu 7:
Phương pháp: Dựa vào lý thuyết chuỗi thức ăn.
Cách giải: Sinh vật ở chỗ trống sử dụng cây ỗ làm thức ăn và bị chim ăn sâu ăn. Do đó chỉ có thể là sâu ăn lá cây.
Cây gỗ → Sâu ăn lá cây → Chim ăn sâu → Rắn → Vi sinh vật
Chọn B.
Câu 8:
Phương pháp: Dựa vào lý thuyết tăng dân số và phát triển xã hội.
Cách giải: Tăng dân số nhanh có thể dẫn đến thiếu nơi ở, nguồn thức ăn, nước uống, ô nhiễm môi trường, khai thác, tàn phá rừng và các tài nguyên khác.
Chọn A.
Câu 9:
Phương pháp: Lý thuyết ưu thế lai.
Cách giải: Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở thế hệ F1 và sau đó giảm dần qua các thế hệ.
Chọn A.
Câu 10:
Phương pháp: Lý thuyết đặc điểm các mối quan hệ khác loài.
Cách giải: Cỏ dại thường mọc lẫn với lúa trên cánh đồng như vậy cỏ dại và lúa cùng sống trong một môi trường, sẽ cạnh tranh nhau về điều kiện sống của môi trường. Cỏ dại phát triển làm cho năng suất lúa bị giảm đi. Đây là quan hệ cạnh tranh.
Chọn B.
Câu 11:
Phươg pháp: Dựa vào đặc điểm nơi sống, hình thái của động vật ưa khô và động vật ưa ẩm.
Cách giải: Động vật ưa ẩm sống ở nơi gần nước, độ ẩm không khí cao, cơ thể thường ẩm ướt như ếch, giun đất, ốc sên. Động vật ưa khô sống các môi trường khô ráo, da thường được phủ vảy sừng như thằn lằn, kì nhông, lạc đà.
Chọn D.
Câu 12:
Phương pháp:Dựa vào lý thuyết về giới hạn sinh thái.
Cách giải: Cơ thể sinh vật có giới hạn chịu đựng nhất định đối với một nhân tố sinh thái. Nằm ngoài giới hạn náyinh vật sẽ yếu dần và chết. Khi chuyển những sinh vật đang sống trong bóng râm ra sống nơi có cường độ chiếu sáng cao hơn thì điều kiện ánh sáng của môi trường sống thay đổi, có thể vượt ngoài giới hạn chịu đựng của một số loài thì chúng sẽ chết, có thể chỉ vượt ngoài khoảng thuận lợi của sinh vật thì chúng sẽ bị giảm khả năng sống.
Chọn C.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải đề thi học kì 2 Sinh lớp 9 năm học 2020-2021 THCS Phú Thịnh timdapan.com"