Giải đề thi học kì 1 Sinh lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở giáo dục đào tạo Bến Tre

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Sinh lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở giáo dục đào tạo Bến Tre với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài:

Câu 1: (2 điểm)

a) Hãy cho biết tên gọi dạng đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể của các hình a, b và c. Để loại bỏ những gen không mong muốn ở một số cây trồng, người ta sử dụng dạng đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể nào?

b) Trình bày cơ chế phát sinh bệnh Đao ở người. Biết số nhiễm sắc thể trong tế bào của người bị bệnh Đao có 47 chiếc.

Câu 2 (2 điểm)

a) Trình bày diễn biến cơ bản của nhiễm sắc thể trong quá trình nguyên phân.

b) Ở một loài động vật, giả sử có 3 tế bào sinh dục tiến hành giảm phân và hình thành giao tử. Biết quá trình giảm phân diễn ra bình thường, theo lí thuyết số giao tử được tạo ra từ tế bào trên là bao nhiêu?

Câu 3 (3 điểm)

a) Đối tượng nghiên cứu của Moocgan là gì? Nêu các đặc điểm của đối tượng đó.

b) Ở cà chua, gen A quy định tính trạng thân cao trội hoàn toàn so với gen a quy định tính trạng thân thấp, gen B quy định quả đỏ trội hoàn toàn so với gen b quy định quả vàng.

- Biết các gen phân li độc lập, thực hiện phép lai phân tích cơ thể dị hợp 2 cặp gen. Viết sơ đồ lai.

- Viết các kiểu gen có thể đều quy định thân cao, quả đỏ.

Câu 4 (3 điểm)

a) Đột biến gen là gì? Nêu các dạng đột biến gen liên quan đến 1 cặp nuclêôtit.

b) Giả sử mạch bổ sung của một gen có trình tự các nuclêôtit như sau:

... – A-T-X-G-X-A-T-A-X-...

- Xác định trình tự các nuclêôtit của phân tử ARN được phiên mã từ đoạn gen trên.

- Giả sử đoạn gen trên xảy ra đột biến điểm thành gen đột biến có số liên kết hiđrô là 20 liên kết. Hãy cho biết dạng đột biến gen.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện: Ban chuyên môn

Câu 1: (TH)

Cách giải:

a) Hình a – Mất đoạn

Hình b – lặp đoạn

Hình c – Đảo đoạn

Để loại bỏ những gen không mong muốn ở một số cây trồng, người ta sử dụng dạng đột biến mất đoạn.

b) Cơ chế phát sinh bệnh Đao ở người:

– Do rối loạn trong giảm phân ở bố hoặc mẹ (thường là ở mẹ), cặp NST số 21 không phân li, dẫn đến hình thành hai loại giao tử: một loại mang 2 NST 21 và một loại không có NST 21.

– Qua thụ tinh, giao tử mang 2 NST số 21 kết hợp với giao tử bình thường tạo ra hợp tử mang 3 NST 21 (hội chứng Đao).

Câu 2: (VD)

Cách giải:

a) Những diễn biến cơ bản của NST trong quá trình nguyên phân

- Kì đầu: NST bắt đầu co xoắn. Màng nhân và nhân con biến mất. Trung tử và thoi phân bào xuất hiện.

- Kì giữa: NST co xoắn cực đại và xếp thành một hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

- Kì sau: 2 cromatit trong từng NST kép tách nhau ở tâm động thành 2 NST đơn và đi về hai cực của tế bào.

- Kì cuối: NST duỗi xoắn, nằm trong 2 nhân mới. Tế bào hình thành eo thắt để phân chia tế bào chất.

b) Mỗi tế bào giảm phân sẽ hình thành 4 giao tử

→ 3 tế bào giảm phân sẽ tạo ra là: 3 x 4 = 12 giao tử

Câu 3: (VD)

Cách giải:

a) Mocgan chọn ruồi giấm làm đối tượng nghiên cứu.

Đặc điểm của ruồi giấm:

+ Dễ nuôi trong ống nghiệm

+ Đẻ nhiều

+ Vòng đời ngắn

+ Có nhiều biến dị dễ quan sát

+ Số lượng NST ít (2n = 8)

b) Phép lai phân tích:

P: AaBb x aabb

Gp: (AB, Ab, aB, ab) x ab

Fb: 1 AaBb : 1Aabb : 1aaBb : 1aabb

Kiểu hình: 1 cao đỏ, 1 cao vàng, 1 thấp đỏ, 1 thấp vàng

* Các kiểu gen có thể đều quy định thân cao, quả đỏ là: AABB, AaBB, AABb, AaBb

Câu 4: (VD)

Cách giải:

a) Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen liên quan tới một hoặc một số cặp nuclêôtit.

Các dạng đột biến gen liên quan đến 1 cặp nuclêôtit: thêm 1 cặp nuclêôtit, mất 1 cặp nuclêôtit, thay thế 1 cặp nuclêôtit.

b) Trình tự nuclêôtit của phân tử mARN giống với mạch bổ sung chỉ thay T bằng U

→ mARN là: ... – A-U-X-G-X-A-U-A-X-...

Số liên kết hiđrô của gen ban đầu là: H = 2A + 3G = 2x5 + 3x4 = 22 liên kết

Đoạn gen trên xảy ra đột biến điểm mất đi 2 liên kết hiđrô → mất 1 cặp AT


Bài học bổ sung