Giải Bài tập 1 trang 4 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức
Nhận xét cách người kể chuyện đưa người đọc vào tình huống truyện ở câu văn sau đây: “Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa”
Đọc lại văn bản Vợ nhặt trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr.12-21) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Câu 1 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Nhận xét cách người kể chuyện đưa người đọc vào tình huống truyện ở câu văn sau đây: “Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa”
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu văn, nhớ lại ý nghĩa tình huống truyện và nhận xét cách người kể chuyện đưa tình huống truyện vào câu văn. Chú ý cụm từ “giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy” và từ “bỗng”
Lời giải chi tiết:
Đây là câu văn mang tính chất bản lề, nối đoạn xuất hiện trước đó có nội dung miêu tả sự hoành hành của nạn đói với các đoạn sau thuật lại toàn bộ diễn biến sự việc, kể từ thời điểm Tràng dắt theo một người phụ nữ về nhà
Người kể chuyện đưa người đọc vào tình huống truyện một cách logic và tự nhiên
Câu 2
Câu 2 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Khi miêu tả thái độ của người dân xóm ngụ cư trước sự việc “Tràng về với một người đàn bà nữa”, người kể chuyện cho biết: “Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Hai câu văn này có thể giúp bạn suy luận như thế nào về cảm hứng sáng tác của nhà văn và chủ đề truyện ngắn Vợ nhặt?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và hai câu văn. Nhớ lại kiến thức về cảm hứng sáng tác và chủ đề truyện
Lời giải chi tiết:
Hai câu trên, tác giả đã viết với sự thúc đẩy của niềm cảm hứng về tình nhân ái và khát vọng sống của những con người cùng khổ - điều họ chưa bao giờ đánh mất dù gặp hoàn cảnh bi đát thế nào
Từ đây, tác giả thể hiện sự trân trọng những con người ấy và đó chính là chủ đề của truyện
Câu 3
Câu 3 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Các chi tiết nói về sự sốt ruột của Tràng khi đợi bà cụ Tứ có ý nghĩa như thế nào trong mạch truyện?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, liệt kê những chi tiết nói về sự sốt ruột của Tràng. Phân tích ý nghĩa của các chi tiết ấy trong mạch truyện
Lời giải chi tiết:
Các chi tiết:
- “Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết”
- “Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà”
…
→ Các chi tiết mang tính chất “thắt nút”, tạo sự đợi chờ, hồi hộp ở người đọc, đưa người đọc hòa nhập vào trạng thái tâm lí của nhân vật Tràng (và của người “vợ nhặt”) để sau đó cảm nhận được sự sâu sắc về nét đẹp trong cách ứng xử của bà cụ Tứ trước một sự việc bất ngờ.
Câu 4
Câu 4 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Những phương diện nào trong sự thay đổi của các nhân vật Tràng, người “vợ nhặt”, bà cụ Tứ đã được nhà văn chú ý miêu tả? Việc nhấn mạnh những thay đổi đó có ý nghĩa gì?
Phương pháp giải:
Chú ý sự thay đổi của các nhân vật. Nêu ý nghĩa của việc nhấn mạnh những thay đổi đó
Lời giải chi tiết:
- Nhà văn chú ý miêu tả sự thay đổi của các nhân vật qua các phương diện như diện mạo, tâm trạng và cách ứng xử.
- Việc nhấn mạnh những thay đổi qua các phương diện đó thể hiện được sự thay đổi, biến chuyển của nhân vật toàn diện từ ngoài vào trong. Làm nổi bật lên chủ đề tư tưởng của tác giả.
Câu 5
Câu 5 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Chọn phân tích một đoạn văn mà ở đó người kể chuyện ngôi thứ ba đã trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của nhân vật. Vì sao có thể xem đoạn văn đó cũng đã thực hiện việc trần thuật theo điểm nhìn bên trong?
Phương pháp giải:
Gợi lại kiến thức về người kể chuyện ngôi thứ ba đã trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật để chọn ra trong tác phẩm một đoạn văn có yếu tố đó. Phân tích cụ thể đoạn văn đó để giải thích có thể hiểu việc trần thuật theo điểm nhìn bên trong.
Lời giải chi tiết:
- Chọn đoạn văn “Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu…làm ăn có cơ khấm khá hơn.”
- Đoạn văn trên có người kể chuyện là tác giả nhưng trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của Tràng, đưa ra những suy nghĩ, quan sát của Tràng về mẹ và người vợ. Đây có thể xem đoạn văn thực hiện việc trần thuật theo điểm nhìn bên trong.
Câu 6
Câu 6 (trang 4, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Nêu nhận xét khát quát về nét đặc sắc trong ngôn ngữ miêu tả, kể chuyện của Kim Lân ở truyện ngắn Vợ nhặt.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại văn bản Vợ nhặt để rút ra nhận xét về nét đặc sắc của ngôn ngữ miêu tả, kể chuyện của Kim Lân.
Lời giải chi tiết:
- Tác giả đã xây dựng nhân vật: đặt nhân vật vào tình huống éo le, độc đáo để nhân vật bộc lộ tâm trạng, tích cách; miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ bình dị, gần gũi.
- Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc, phản ánh chân thực tình cảnh người nông dân trong nạn đói, mặt khác cũng phản ánh bản chất tốt đẹp và sức sống mãnh liệt của họ.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải Bài tập 1 trang 4 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức timdapan.com"