Đọc hiểu - Đề số 15 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 15, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia


Đề bài

1/ Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

          Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc… 

(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên?  

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống?

Câu 4. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

“...Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

(Trích đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 trang 120 )

Câu 5. Nêu nội dung của đoạn thơ?

Câu 6. Tại sao từ “Đất Nước” được viết hoa? 

Câu 7. Nêu biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ? 

Câu 8. Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trong xã hội ngày nay?

Lời giải chi tiết

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên: phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2. 

- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là điệp (lặp) cấu trúc câu (Mồ hôi rơi).

- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh những vất vả nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng của người dân lao động. Qua đó, bộc lộ sự trân trọng, tin yêu với những con người lao động và tình yêu Tổ quốc của nhà thơ.

Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến người nông dân, công nhân trong cuộc sống.

Câu 4. Đặt nhan đề: Yêu Tổ quốc, Hoặc Tổ quốc của tôi.

Câu 5. Nội dung của đoạn thơ: Lời nhắn nhủ về trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước.

Câu 6. Từ “Đất Nước ” được viết hoa - coi "Đất Nước" là một sinh thể, thể hiện sự tôn trọng, ngợi ca, thành kính, thiêng liêng khi cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Câu 7. Điệp ngữ “phải biết’’, sử dụng nhiều từ chỉ mối quan hệ gắn bó như: gắn bó, san sẻ, hóa thân..

Câu 8. Cần nêu cảm nhận của riêng mình về trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trong xã hội ngày nay, cần khẳng định trách nhiệm hàng đầu là học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau những lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục.

Xem thêm bài giảng: Cách làm dạng bài đọc hiểu - Cô Phạm Thị Thu Phương