Đọc hiểu - Đề số 12 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 12, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia


Đề bài

1/ Văn bản 1:

“Đọc, trong nghĩa đó là một trò chơi. Nơi mỗi người đọc có ba nhân vật chồng lên nhau, tác động lên nhau. Một là người đọc bằng xương bằng thịt, hai chân đụng đất, vẫn còn ý thức liên hệ với thế giới bên ngoài. Hai là, người đọc bị lôi cuốn, đang ngao du trong thế giới tưởng tượng của cảm xúc. Đó là người đang chơi. Ba là, người đọc suy tư, đưa vào trò chơi sự chú ý, sự suy nghĩ, sự phán đoán của tri thức. Đó là phút giây của trí tuệ có khả năng đưa người đọc lùi ra khỏi bài văn, mở một khoảng cách để diễn dịch. Người đọc vẫn ý thức rằng mình đang chơi nhưng biết phán đoán. Ba tay chơi là một trong việc đọc, chơi với nhau một trò chơi tinh tế khiến người đọc vừa bị lôi cuốn vừa biết dừng lại, vừa tham dự vừa cách biệt với bài văn. Tư thế của người đọc văn là vậy: tham dự và cách biệt qua lại không đứt quãng.”

(Trích “Chuyện trò” – Cao Huy Thuần, NXB Trẻ, 2013)

Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn?

Câu 2: Đoạn văn được viết theo kiểu nào? 

Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản? 

Câu 4: Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? 

2/ Văn bản 2:

(…)

“Tuổi thơ chân đất đầu trần

Từ trong lấm láp em thầm lớn lên

Bây giờ xinh đẹp là em

Em ra thành phố dần quên một thời


Về quê ăn Tết vừa rồi

Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò

Gặp tôi, em hỏi hững hờ

“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”


Em đi để lại chuỗi cười

Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.

Trăng vàng đêm ấy bờ đê

Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”

(Phạm Công Trứ)

Câu 5:  Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

Câu 6:  Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: 

“Em đi để lại chuỗi cười

Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê”?

Câu 7:  Anh/chị nhận xét như thế nào về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ ? 

Lời giải chi tiết

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn: Phân tích

Câu 2. Đoạn văn được viết theo kiểu: Diễn dịch

Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản: Cách đọc, tư thế của một người đọc văn thật sự.

Câu 4. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ khoa học.

Câu 5. Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ : nghị luận.

Câu 6. Trình bày cách hiểu của bản thân về hai câu thơ:

-   Sự vô tâm, vô tình của “em”

-  Tâm trạng đau xót, nuối tiếc, hụt hẫng, ngỡ ngàng của “tôi” trước sự thay đổi của “em”.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ, có cơ sở từ văn bản thơ.

Câu 7. Nêu nhận xét về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ:

-   “Tôi”: giàu tình cảm, thủy chung, hồn nhiên tin yêu và đợi chờ.

-   “Em”: vô tâm, vô tình, dễ đổi thay.

Xem thêm bài giảng Cách làm dạng bài đọc hiểu - Cô Phạm Thị Thu Phương