Đề thi học kì 2 Văn 7 Cánh diều - Đề số 2

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:


Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

 

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời

Một mặt đất

Một vầng trăng

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […]

 

Mẹ!

Có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp sáng bằng máu con tim

Cái đóm lửa thiêng liêng

Cháy bão bùng, cháy trong đêm tối

 

Mẹ!

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho – đi – không – đòi lại – bao giờ…

 

(Trích “Ngày xưa có mẹ” – Thanh Nguyên)

Câu 1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?

A. Thơ tự do

B. Thơ bốn chữ

C. Thơ lục bát

D. Thơ năm chữ

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Miêu tả

Câu 3. Đoạn thơ sau tác giả sử dụng các biện pháp tu từ nổi bật nào?

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời

Một mặt đất

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […]

A. Nhân hóa, điệp ngữ

B. Ẩn dụ, so sánh

C. So sánh, nhân hóa

D. Điệp ngữ, liệt kê

Câu 4. Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng cách gieo vần như thế nào?

A. Vần liền

B. Vần lưng

C. Vần gián cách

D. Vần hỗn hợp

Câu 5. Trong bài thơ, tác giả sử dụng mấy số từ?

A. 1 số từ

B. 2 số từ

C. 3 số từ

D. 4 số từ

Câu 6. Trong đoạn thơ đầu của đoạn trích trên, tác giả đã khẳng định mẹ là duy nhất qua các sự vật nào?

A. bầu trời, mặt đất, ngọn đèn

B. bầu trời, mặt đất, vầng trăng

C. bầu trời, mặt đất, đóm lửa

D. bầu trời, mặt đất, nụ cười

Câu 7. Mở đầu mỗi khổ thơ trên, nhà thơ đều bắt đầu từ “Mẹ!”, điều đó có ý nghĩa gì?

A. Nhắc lại đối tượng chính mà bài thơ cần biểu đạt, giúp người đọc nắm bắt dễ dàng hơn nội dung của từng đoạn thơ

B. Làm nổi bật hình ảnh người mẹ trong mỗi đoạn thơ, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn tình yêu thương của mẹ đối với con

C. Khẳng định vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi con người, đồng thời gợi nhắc đạo hiếu làm con đối với mỗi người

D. Tạo tính thống nhất về chủ đề trong bài thơ, khẳng định vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi con người

Câu 8. Có ý kiến cho rằng: Câu thơ “Một ngọn đè thắp bằng máu con tim” đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ để khẳng định tình cảm yêu thương con sâu nặng, thiết tha của người mẹ. Em có đồng tình với ý kiến đó không?

A. Đồng tình

B.  Không đồng tình

Câu 9. Nêu chủ đề của đoạn thơ trên?

Câu 10. Hãy chia sẻ cảm xúc về điều em thấy ấn tượng sâu sắc nhất khi đọc những dòng thơ sau:

Mẹ!

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho – đi – không – đòi lại – bao giờ…

Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Câu 1. Tìm từ Hán Việt trong các cụm từ dưới đây. Xác định nghĩa của các từ Hán Việt tìm được và nghĩa của mỗi yếu tố cấu tạo nên các từ đó.

màu sắc huyền thoại, chuyện người đời truyền tụng, sức mạnh vô song.

Câu 2. Nêu suy nghĩ của em về bạn thân và tình bạn.


Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0.25 điểm):

Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?

A. Thơ tự do

B. Thơ bốn chữ

C. Thơ lục bát

D. Thơ năm chữ

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ và chú ý đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do

=> Đáp án: A

Câu 2 (0.25 điểm):

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Miêu tả

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm

=> Đáp án: C

Câu 3 (0.25 điểm):

Đoạn thơ sau tác giả sử dụng các biện pháp tu từ nổi bật nào?

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời

Một mặt đất

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […]

A. Nhân hóa, điệp ngữ

B. Ẩn dụ, so sánh

C. So sánh, nhân hóa

D. Điệp ngữ, liệt kê

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về các biện pháp tu từ để xác định

Lời giải chi tiết:

Tác giả sử dụng các biện pháp tu từ điệp ngữ, liệt kê

=> Đáp án: D

Câu 4 (0.25 điểm):

Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng cách gieo vần như thế nào?

A. Vần liền

B. Vần lưng

C. Vần gián cách

D. Vần hỗn hợp

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ và chú ý cách gieo vần

Lời giải chi tiết:

Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng cách gieo vần hỗn hợp

=> Đáp án: D

Câu 5 (0.25 điểm):

Trong bài thơ, tác giả sử dụng mấy số từ?

A. 1 số từ

B. 2 số từ

C. 3 số từ

D. 4 số từ

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về số từ

Lời giải chi tiết:

Tác giả sử dụng 4 số từ

=> Đáp án: D

Câu 6 (0.25 điểm):

Trong đoạn thơ đầu của đoạn trích trên, tác giả đã khẳng định mẹ là duy nhất qua các sự vật nào?

A. bầu trời, mặt đất, ngọn đèn

B. bầu trời, mặt đất, vầng trăng

C. bầu trời, mặt đất, đóm lửa

D. bầu trời, mặt đất, nụ cười

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ đầu của đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Tác giả đã khẳng định mẹ là duy nhất qua các sự vật: bầu trời, mặt đất, vầng trăng

=> Đáp án: B

Câu 7 (0.25 điểm):

Mở đầu mỗi khổ thơ trên, nhà thơ đều bắt đầu từ “Mẹ!”, điều đó có ý nghĩa gì?

A. Nhắc lại đối tượng chính mà bài thơ cần biểu đạt, giúp người đọc nắm bắt dễ dàng hơn nội dung của từng đoạn thơ

B. Làm nổi bật hình ảnh người mẹ trong mỗi đoạn thơ, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn tình yêu thương của mẹ đối với con

C. Khẳng định vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi con người, đồng thời gợi nhắc đạo hiếu làm con đối với mỗi người

D. Tạo tính thống nhất về chủ đề trong bài thơ, khẳng định vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi con người

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Tạo tính thống nhất về chủ đề trong bài thơ, khẳng định vai trò của người mẹ trong cuộc đời mỗi con người

=> Đáp án: D

Câu 8 (0.25 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Câu thơ “Một ngọn đè thắp bằng máu con tim” đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ để khẳng định tình cảm yêu thương con sâu nặng, thiết tha của người mẹ. Em có đồng tình với ý kiến đó không?

A. Đồng tình

B.  Không đồng tình

Phương pháp giải:

Nêu ý kiến của em

Lời giải chi tiết:

Đồng tình

=> Đáp án: A

Câu 9 (1.0 điểm):

Nêu chủ đề của đoạn thơ trên?

Phương pháp giải:

Từ nội dung rút ra chủ đề

Lời giải chi tiết:

Ca ngợi vị trí của người mẹ trong lòng mỗi người con. Đó là sự vĩnh hằng, bất tử, vĩ đại lớn lao không gì có thể thay thế. Đó là cội nguồn sức mạnh là niềm tin và cả trách nhiệm đối với mỗi người con trong cuộc đời.

Câu 10 (1.0 điểm):

Hãy chia sẻ cảm xúc về điều em thấy ấn tượng sâu sắc nhất khi đọc những dòng thơ sau:

Mẹ!

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho – đi – không – đòi lại – bao giờ…

Phương pháp giải:

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Khẳng định mẹ là người có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của con. Tiếng gọi thiết tha, trìu mến, đong đầy yêu thương “Mẹ!” sẽ luôn ngân vang, sống mãi trong tâm trí của con.

- Trong suốt cuộc hành trình dài rộng của cuộc đời, mẹ luôn dõi theo con, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho con vững vàng vượt qua chông gai, thử thách; mẹ cũng là bến đỗ bình yên êm ái nhất để con tìm về, được chở che, vỗ về yêu thương. “Mẹ! Có nghĩa là mãi mãi”

- Mẹ hi sinh tất cả để con được hạnh phúc, vươn đến thành công trong cuộc đời; mẹ cho con tất cả những điều đẹp đẽ, thú vị nhất mà không đòi hỏi con báo đáp “Là cho – đi – không – đòi lại – bao giờ…”. Tình cảm mẹ dành cho con thật ấm áp yêu thương nhưng cũng vô cùng cao cả, vĩ đại,…

Phần II (6 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Tìm từ Hán Việt trong các cụm từ dưới đây. Xác định nghĩa của các từ Hán Việt tìm được và nghĩa của mỗi yếu tố cấu tạo nên các từ đó.

màu sắc huyền thoại, chuyện người đời truyền tụng, sức mạnh vô song.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về từ Hán Việt

Lời giải chi tiết:

Từ Hán việt là từ: huyền thoại, truyền tụng, vô song.

- huyền thoại: câu chuyện không có thật, mang vẻ thần bí, kì lạ

=> yếu tố cấu tạo: huyền: không có thật, thoại: câu chuyện), …

- truyền tụng: Sự việc được truyền rộng xưng tụng và ca gợi

= > yếu tố cấu tạo: truyền: lan tỏa, tụng: ca gợi.

- vô song: không có tới hai, ý nói chỉ có một.

= > yếu tố cấu tạo: vô: không, song: hai.

Câu 2 (4 điểm):

Nêu suy nghĩ của em về bạn thân và tình bạn.

Phương pháp giải:

Nêu suy nghĩ của mình

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Người ta có thể có nhiều điều đáng để tự hào: tự hào về sự giàu có của gia đình, tự hào về sự thành đạt của người thân. Riêng tôi, tôi tự hào vì có những người bạn tốt.

Người ta cứ đi tìm những định nghĩa về tình bạn nhưng thật khó có thể tìm được một cụm từ nào diễn đạt ngọn ngành ý nghãi của hai từ ấy. Tình bạn của tôi kho chỉ là một cái gì đó rất nhỏ thôi nhưng ý nghĩa của nó lại thiêng liêng cao quý vô cùng.

Từ nhỏ, tôi đã kết thân với Hùng. Nhà cậu rất nghèo, bố cậu lại mất sớm vì vết thương mắc phải từ lúc còn chiến đấu ở chiến trường. Vậy mà trong suốt những năm học tập cùng nhau, chưa năm nào Hùng không đạt học sinh giỏi. Chơi với nhau thân thiết, tưởng chừng mình sẽ giúp đỡ được Hùng, nào ai ngờ cậu mới chính là người giúp lại bản thân tôi. Sức học của Hùng cùng với sự quan tâm của cậu những lúc cậu có thời gian, đã giúp tôi tiến bộ lên trông thấy. Từ một cậu bé mải chơi, tôi đã trở thành một học sinh học khá. Như vậy đấy, tình bạn của chúng tôi là cả một quá trình dài vun đắp. Thật khó có thể cắt nghĩa được cái gì đã gắn kết chúng tôi. Chỉ biết rằng, chúng tôi chơi với nhau rất gắn bó và chân thành.

Tôi biết có nhiều người ích kỉ hơn. Nhiều người cho rằng, chỉ cần một người bạn thân là đủ. Và thế là họ chỉ suốt ngày quấn quýt với nhau. Họ coi như không có những người xung quanh họ. Thứ tình bạn như thế không thể coi là cao đẹp được. Các bạn khi kết bạn hãy nên nghĩ đến những lúc khó khăn. Ví như tôi vậy. Năm ngoái, mẹ tôi ốm nặng, mẹ phải nằm viện tới một tháng trời, tôi và bố lo âu nhiều lắm. Thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhất là bạn bè bác sĩ của bố tôi, mẹ tôi đã qua khỏi và ngay sau đó lại khỏe mạnh bình thường. Riêng tôi, tôi cũng phải cảm ơn không biết bao nhiêu người bạn, không chỉ có Hùng, người vẫn thường xuyên lui tới. Ngày nào cũng có bạn trong lớp, trong trường đến thăm và động viên mẹ và tôi. Chính sự quan tâm của bạn bè mà tôi và mẹ có thêm nhiều nghị lực. Khi mẹ tôi khỏi bệnh, mẹ tôi khỏi bệnh, mẹ gọi tôi đến và nói: “Mẹ tự hào về con và các bạn của con. Mẹ sống được cũng nhờ một phần ở sự giao hảo đầy ý nghĩa của các con”.

Đấy! Các bạn thấy không, trong những hoàn cảnh như thế nếu không có bạn bè, chúng ta làm sao có thể dễ dàng để đứng lên.

Tôi có thể kể ra nhiều và nhiều nữa những việc ý nghĩa mà bạn bè đã dành tặng cho cuộc sống của tôi. Tất nhiên, tôi cũng sẵn sàng đáp lại bạn bè trong những lần như thế. Càng nhớ lại, tôi càng quý trọng tình bạn nhiều hơn. Tôi càng phải tự nhắc nhở chính mình, sống ở trên đời phải kết giao với nhiều người bạn tốt. Có như vậy, bản thân ta, cuộc sống của ta mới ngày một thêm rạng rỡ hơn.

Dân gian ta từng khuyên nhủ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Câu tục ngữ nhắc nhở ta trong việc chọn bạn. Lời dạy của người xưa vô cùng ý nghĩa. Bởi tình bạn chỉ cao quý và tốt đẹp nếu chúng ta biết “chọn bạn mà chơi” và biết biến tình bạn của mình trở thành một thứ tình cảm chân thành và ý nghĩa.