Đề thi học kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 15

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:


Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới

CÂY XẤU HỔ

Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ

Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười

 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Tất cả lộ nguyên hình trần trụi

Cây xấu hổ với màu xanh bối rối

Tự giấu mình trong lá khép lim dim

 

Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm

Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ

Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá

Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào

 

Người ra rồi bóng dáng cứ theo sau

Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm

Cây đã hé những mắt tròn chúm chím

Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo

 

Phút lạ lùng trời đất trong veo

Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ

Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ

Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời

 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

 

Và chuyện này chỉ cây biết với anh.

(Trường Sơn – đường khát vọng, NXB Chính trị Quốc gia, 2008)

Câu hỏi:

Câu 1. Dòng nào nói lên đề tài của văn bản Cây xấu hổ?

A. Hành quân.

B. Cùng thiên nhiên.

C. Người lính.

D. Kỉ niệm chiến trường.

Câu 2. Bài thơ trên thuộc thể thơ nào? Những căn cứ nào giúp em xác nhận điều đó?

A. Thể thơ tự do; gieo vần liền.

B. Thể thơ tự do, khổ dài ngắn khác nhau.

C. Thể thơ tự do, đa số 8 chữ một dòng, số dòng trong khổ linh hoạt

D. Thể thơ tám chữ, gieo vần chân

Câu 3. Dòng nào nói lên nội dung của khổ thơ thứ 3 trong văn bản Cây xấu hổ?

A. Cây xấu hổ xanh tươi giữa bom đạn.

B. Cây xấu hổ đón chào người lính.

C. Cuộc trò chuyện đặc biệt với cây xấu hổ.

D. Anh bộ đội lưu giữ kỉ niệm với cây xấu hổ

Câu 4. Nhân vật trữ tình trong văn bản Cây xấu hổ là?

A. Cây xấu hổ.

B. Người lính nhạy cảm, lạc quan.

C. Đồng đội cùng hành quân.

D. Người giao liên.

Câu 5. Khổ thơ nào giới thiệu được nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình?

A. Khổ 1.

B. Khổ 2.

C. Khổ 3.

D. Khổ 4

Câu 6. Những khổ thơ nào là cuộc “trò chuyện đặc biệt” giữa người lính với cây xấu hổ?

A. Khổ 4.

B. Khổ 2.

C. Khổ 3,4,5

d. Khổ 4, 6, 7.

Câu 7. Dòng nào sau đây nói lên yếu tố tự sự trong bài thơ?

A. Cuộc gặp gỡ, “trò chuyện” của anh bộ đội và cây xấu hổ trên đường hành quân và người lính hái nhành cây đó ép vào trang sổ tay của mình.

B. Những cây xấu hổ vẫn can trường xanh tươi giữa bom đạn.

C. Người lính hái một cành cây xấu hổ ép vào trang sổ tay của mình

D. Cây xấu hổ ấp ủ mầm sống, niềm hy vọng

Câu 8. Yếu tố miêu tả làm rõ nhất đặc điểm, trạng thái đối tượng nào trong bài thơ?

A. Anh bộ đội

B. Cảnh bom đạn

C. Cây xấu hổ

D. Chặng đường hành quân của người lính

Câu 9: Phân tích phép tu từ nổi bật và hiệu quả của chúng trong khổ thơ sau (1đ)

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Tất cả lộ nguyên hình trần trụi

Cây xấu hổ với màu xanh bối rối

Tự giấu mình trong lá khép lim dim

Câu 10: Phân tích, đánh giá kết thúc độc đáo của bài thơ Cây xấu hổ trong 2 khổ cuối (1đ)

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

Và chuyện này chỉ cây biết với anh

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)

Câu 1: Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi a,b (1đ)

“Cây đàn guitar của đại đội Ba

Khi hành quân xa, cây đàn theo ta khắp nơi trên chiến trường

Từ miền Đông đất mới đàn cùng lên biên giới ca khúc quân hành

Cây đàn chúng tôi trở nên người bạn tâm tình

 

Khi vui liên quan, reo mừng chiến thắng

Cây đàn cùng hát với chúng tôi

Những khi nhớ nhà

Những giây phút buồn, đàn dạo lên khúc hát quê hương”

(lời bài hát: Cây đàn ghi ta của Đại đội 3 – https://born.so/Dm16bx)

a. Cho biết điểm tương đồng của lời bài hát trên với bài thơ Cây xấu hổ

b. Từ ngữ liệu (lời bài hát) và bài thơ Cây xấu hổ, em hiểu biết thêm điều gì về đời sống tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn của người lính nơi chiến trường?

Câu 2: Viết bài văn ngắn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc bài thơ Cây xấu hổ của nhà thơ Anh Ngọc (dài từ 1-1,5 trang giấy thi) (3đ)

 

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 7

Câu 8

C

C

B

B

A

C

A

C

 

Câu 1. Dòng nào nói lên đề tài của văn bản Cây xấu hổ?

A. Hành quân.

B. Cùng thiên nhiên.

C. Người lính.

D. Kỉ niệm chiến trường.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Đề tài của văn bản: Viết về người lính

→ Đáp án C

Câu 2. Bài thơ trên thuộc thể thơ nào? Những căn cứ nào giúp em xác nhận điều đó?

A. Thể thơ tự do; gieo vần liền.

B. Thể thơ tự do, khổ dài ngắn khác nhau.

C. Thể thơ tự do, đa số 8 chữ một dòng, số dòng trong khổ linh hoạt

D. Thể thơ tám chữ, gieo vần chân

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý số chữ trong 1 câu , số câu trong bài

Lời giải chi tiết:

Bài thơ thuộc thể thơ tự do, đa số 8 chữ một dòng, số dòng trong khổ linh hoạt

→ Đáp án C

Câu 3. Dòng nào nói lên nội dung của khổ thơ thứ 3 trong văn bản Cây xấu hổ?

A. Cây xấu hổ xanh tươi giữa bom đạn.

B. Cây xấu hổ đón chào người lính.

C. Cuộc trò chuyện đặc biệt với cây xấu hổ.

D. Anh bộ đội lưu giữ kỉ niệm với cây xấu hổ

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ khổ thơ thứ 3

Lời giải chi tiết:

Nội dung khổ 3: Cây xấu hổ đón chào người lính

→ Đáp án B

Câu 4. Nhân vật trữ tình trong văn bản Cây xấu hổ là?

A. Cây xấu hổ.

B. Người lính nhạy cảm, lạc quan.

C. Đồng đội cùng hành quân.

D. Người giao liên.

Phương pháp giải

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết

Nhân vật trữ tình trong văn bản: Người lính nhạy cảm, lạc quan

→ Đáp án B

Câu 5. Khổ thơ nào giới thiệu được nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình?

A. Khổ 1.

B. Khổ 2.

C. Khổ 3.

D. Khổ 4

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Khổ thơ giới thiệu được nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình: khổ 1 (nhân vật trữ tình: người lính, đối tượng trữ tình: cây xấu hổ)

→ Đáp án A

Câu 6. Những khổ thơ nào là cuộc “trò chuyện đặc biệt” giữa người lính với cây xấu hổ?

A. Khổ 4.

B. Khổ 2.

C. Khổ 3,4,5

d. Khổ 4, 6, 7.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Những khổ thơ là cuộc “trò chuyện đặc biệt” giữa người lính với cây xấu hổ: Khổ 3,4,5

→ Đáp án C

Câu 7. Dòng nào sau đây nói lên yếu tố tự sự trong bài thơ?

A. Cuộc gặp gỡ, “trò chuyện” của anh bộ đội và cây xấu hổ trên đường hành quân và người lính hái nhành cây đó ép vào trang sổ tay của mình.

B. Những cây xấu hổ vẫn can trường xanh tươi giữa bom đạn.

C. Người lính hái một cành cây xấu hổ ép vào trang sổ tay của mình

D. Cây xấu hổ ấp ủ mầm sống, niềm hy vọng

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Yếu tố tự sự: Cuộc gặp gỡ, “trò chuyện” của anh bộ đội và cây xấu hổ trên đường hành quân và người lính hái nhành cây đó ép vào trang sổ tay của mình.

→ Đáp án A

Câu 8. Yếu tố miêu tả làm rõ nhất đặc điểm, trạng thái đối tượng nào trong bài thơ?

A. Anh bộ đội

B. Cảnh bom đạn

C. Cây xấu hổ

D. Chặng đường hành quân của người lính

Phương pháp giải

Đọc kĩ văn bản

Chú ý các đặc điểm của yếu tố miêu tả

Lời giải chi tiết

Yếu tố miêu tả làm rõ đặc điểm, trạng thái của cây xấu hổ

→ Đáp án C

Câu 9: Phân tích phép tu từ nổi bật và hiệu quả của chúng trong khổ thơ sau (1đ)

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Tất cả lộ nguyên hình trần trụi

Cây xấu hổ với màu xanh bối rối

Tự giấu mình trong lá khép lim dim

Phương pháp giải:

Đọc kĩ khổ thơ

Nhớ lại kiến thức về biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

- Phép tu từ nổi bật

+ Đối lập: vùng lửa cháy bom rơi><cây xấu hổ với màu xanh/ Tự giấu mình trong lá khép lim dim

+ Nhân hóa, từ láy: bối rối; giấu mình

- Hiệu quả nghệ thuật:

+ Đối lập: sự khốc liệt của chiến tranh không hủy diệt được sự sống, làm nổi bật sức sống mãnh liệt của loài cây xấu hổ

+ Nhân hóa, từ láy: gợi tả tâm trạng, sự e ấp của “cây xấu hổ”, cây có tâm hồn và trở nên gần gũi với người lính → Phút rung động tuyệt đẹp của những tâm hồn nhạy cảm, làm dịu sự mệt mỏi trên đường hành quân

Câu 10: Phân tích, đánh giá kết thúc độc đáo của bài thơ Cây xấu hổ trong 2 khổ cuối (1đ)

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

Và chuyện này chỉ cây biết với anh

Phương pháp giải:

 Đọc kĩ 2 khổ thơ cuối

Lời giải chi tiết:

- Bài thơ kết thúc bằng khung cảnh lãng mạn: Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình

- Cây xấu hổ xanh tươi chứa đựng bao điều hy vọng trong cụm từ “một niềm ấp ủ”

- Kết thúc đôc đáo bằng khổ thơ đặc biệt: chỉ có 1 dòng: Và chuyện này chỉ cây biết với anh

→ gợi ra bao điều thầm kín, cảm xúc lãng mạn trong tâm hồn người lính trẻ

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)

Câu 1: Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi a,b (1đ)

“Cây đàn guitar của đại đội Ba

Khi hành quân xa, cây đàn theo ta khắp nơi trên chiến trường

Từ miền Đông đất mới đàn cùng lên biên giới ca khúc quân hành

Cây đàn chúng tôi trở nên người bạn tâm tình

 

Khi vui liên quan, reo mừng chiến thắng

Cây đàn cùng hát với chúng tôi

Những khi nhớ nhà

Những giây phút buồn, đàn dạo lên khúc hát quê hương”

(lời bài hát: Cây đàn ghi ta của Đại đội 3 – https://born.so/Dm16bx)

a. Cho biết điểm tương đồng của lời bài hát trên với bài thơ Cây xấu hổ

b. Từ ngữ liệu (lời bài hát) và bài thơ Cây xấu hổ, em hiểu biết thêm điều gì về đời sống tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn của người lính nơi chiến trường?

Phương pháp giải:

a. Đọc kĩ lời bài hát và bài thơ

b. Dựa vào phần phân tích ở phần trắc nghiệm

Nêu cảm nhận của bản thân

Lời giải chi tiết:

1. a.

- Điểm tương đồng của lời bài hát và bài thơ Cây xấu hổ: Cùng viết về khoảnh khắc lãng mạn, vui nhộn của người lính trên đường hành quân

- Cùng gợi tả vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn tươi trẻ, lối sống lạc quan của người lính nơi chiến trường

b.

- Học sinh tự trả lời theo nhận thức cá nhân

- Gợi ý tham khảo: hiểu về người lính

+ Sống giữa bom đạn ác liệt, những chuyến hành quân vất vả nhưng người lính vẫn luôn hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, lời ca tiếng hát… không than vãn, chùn bước trước khó khăn, bom đạn

+ Sống lãng mạn, tươi trẻ, dí dỏm… tạo nên sức mạnh tinh thần để chiến đấu

Câu 2: Viết bài văn ngắn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc bài thơ Cây xấu hổ của nhà thơ Anh Ngọc (dài từ 1-1,5 trang giấy thi) (3đ)

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

 

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Cảm xúc chủ đạo của người viết về bài thơ

Thân bài

2,5

Gồm 2 luận điểm trở lên

- Cảm xúc về cây xấu hổ (sức sống, vẻ e ấp…)

- Cảm xúc về người lính: nhạy cảm, giao hòa cùng cảnh vật, tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc, rung động…

- Cảm xúc về những hình ảnh, từ ngữ độc đáo của bài thơ

(Mở rộng: chiến tranh không thể hủy diệt được sự sống,…)

Kết bài

0,5

- Khẳng định giá trị của bài thơ tạo nên cảm xúc đẹp trong lòng độc giả

- Người lính, cây xấu hổ tác động đến cảm xúc cá nhân…

Yêu cầu khác

0,5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận)

- Lý lẽ, dẫn chứng phù hợp và làm nổi bật ý kiến