Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10


Đề bài

I. Đọc hiểu: (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:                                      

Có thói quen tốt và thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,… là thói quen tốt.

Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu. Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa. Chẳng hạn vì thói quen hút thuốc lá, nên cũng có thói quen gạt tàn bừa bãi ra khỏi nhà, cả trong phòng khách lịch sự, sạch bong. Người biết lịch sự thì còn sửa một chút bằng cách xin chủ nhà cho mượn cái gạt tàn.

Một thói quen xấu ta thường gặp hàng ngày, ở bất cứ đâu là thói quen vứt rác bừa bãi. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường… Thói quen này thành tệ nạn… Một xóm nhỏ, con mương sau nhà thành con sông rác… Những nơi khuất, nơi công cộng, lâu ngày rác cứ ùn lên, khiến cho nhiều khu dân cư phải chịu hậu quả mất vệ sinh nặng nề.

Tệ hại hơn có người có cái cốc vỡ, cái chai vỡ cũng tiện tay ném ra đường. Vì thế trẻ em, cụ già giẫm phải, chảy máu chân rất nguy hiểm.

Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên, mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.

(Theo Băng Sơn, Giao tiếp đời thường)

Câu 1. Trong văn bản trên có những phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Nội dung của văn bản là gì? (1 điểm)

Câu 3. Anh/ chị tự nhận thấy mình có thói quen tốt, thói quen xấu nào? (0,5 điểm)

Câu 4. Trong khoảng 7 dòng, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về một thói quen tốt mà mọi người đều cần có. (1 điểm)

II. Làm văn: (7 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn.

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Sách Ngữ Văn 10, tập một, Chương trình chuẩn, trang 129)

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu 

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

*Cách giải:

Các phương thức biểu đạt có trong văn bản: Nghị luận, tự sự

Câu 2.

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Bàn luận về thói quen tốt và thói quen xấu.

Câu 3.

*Phương pháp: Liệt kê

*Cách giải:

Kể ra được 1 thói quen tốt, 1 thói quen xấu.

Câu 4.

*Phương pháp: Phân tích, bình luận

*Cách giải:

Nêu được đúng 1 thói quen tốt, lí giải một cách thuyết phục vì sao mọi người cần có và cách thức để rèn luyện và giữ gìn thói quen tốt đó. 

II. Làm văn 

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Yêu cầu nội dung:

     • Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân vật nổi tiếng thời kì trung đại Việt Nam. Ông là người có học vấn uyên thâm, có nhiều học trò nổi tiếng nên được người đời suy tôn là Tuyết Giang Phu Tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ông mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội.

- Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi.

     • Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn

*Cảm nhận về cuộc sống của nhà thơ: giản dị, đạm bạc mà thanh cao, trong sạch

+ Trở về với cuộc sống thuần hậu, chất phác của một “lão nông tri điền” tìm thấy niềm vui trong công việc: Một mai, một cuốc, một cần câu

 + Gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên; tận hưởng hết mình niềm hạnh phúc mà thiên nhiên mang lại: mùa nào thức ấy, tất cả đều có sẵn trong thiên nhiên, đất trời (Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao)

+ Con người không chỉ tìm thấy niềm vui mà còn là sự ưng ý, thảnh thơi, mãn nguyện với cuộc sống của mình: Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

* Cảm nhận về nhân cách của nhà thơ: là một nhà nho có nhân cách cao đẹp.

+ Luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi hoàn cảnh: chủ động lánh đục về trong, lựa chọn cuộc sống thanh đạm, tự nguyện hòa nhập với thiên nhiên để “di dưỡng tinh thần”.

+ Coi thường danh lợi: xa lánh chốn danh lợi bon chen ( Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao), xem thường phú quý (Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao)

* Đánh giá chung:

- Ngơi ca cuộc sống giản dị, đạm bạc mà thanh cao, trong sạch chính là cách NBK ngơi ca lối sống nhàn. Với ông, đó không chỉ là lối sống mà còn là một quan niêm sống, một triết lí sống.

- Qua bài thơ, người đọc còn cảm nhận được trí tuệ uyên thâm cùng nhân cách cao đẹp của nhà thơ.

- Bài thơ được viết với ngôn từ mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu chất triết lí. 

Tổng kết