Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Giá trị của thời gian

Một kĩ sư đã tính được rằng với một thanh sắt nặng 5kg, chúng ta có thể làm được những việc sau đây:

Nếu làm đinh sẽ bán được 10USD.

Nếu làm kim may sẽ bán được 300USD.

Còn nếu làm thành những cái lò xo đồng hồ sẽ đem lại 25,000USD.

Mỗi ngày đều cho chúng ta 24 giờ bằng nhau, còn sử dụng những nguyên liệu đó như thế nào, dùng chúng để làm gì là tùy thuộc chúng ta. Thời gian là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất mà khi mấy đi rồi chúng ra không thể nào tìm lại được. Tiền bạc mất đi có thể tìm lại được. Ngay cả sức khỏe nếu mất đi cũng có khả năng phục hồi được. Nhưng thời gian sẽ không bao giờ quay bước trở lại.

Không có cụm từ nào tai hại cho bằng ba chữ “Giết – Thời – Gian”. Nhiều người tìm những thú vui, tìm những việc làm chỉ để mong giết thời gian. Thật ra, chúng ta được ban cho thời gian để sử dụng chứ không phải để giết chúng.

(Hạt giống tâm hồn – NXB thành phố Hồ Chí Minh)

Câu 1. Văn bản bàn về vấn đề gì? Tìm 02 thành ngữ hoặc câu nói cùng nội dung (1,0đ)

Câu 2. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản (0,5đ)

Câu 3. Người viết dùng hình ảnh thanh sắt 5kg, có thể làm đinh, làm kimlàm lò xo đồng hồ để nói điều gì? Hiệu quả của cách nói này? (1,0đ)

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về cụm từ “Giết thời gian”? Anh/chị có đang “giết thời gian” của bản thân không? (0,5đ)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Văn bản ở phần đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của thời gian và cách sử dụng chúng? (Viết khoảng 200 chữ)

Câu 2 (5,0 điểm)

Bàn về “Cảnh ngày hè” (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và đời sống”.

Ý kiến khác lại khẳng định “Cảnh ngày hè” chất chứa một tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi: tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân”.

Bằng những hiểu biết về bài thơ, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về các ý kiến trên.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

- Văn bản bàn về giá trị của thời gian qua cách sử dụng thời gian của mỗi người.

- Thời gian là vàng là bạc (thành ngữ)

- Đời người có một gang tay/Ai hay ngủ ngày còn một nửa gang (tục ngữ)

- Thời gian là vàng bạc, để thời gian đi tức là hủy hoại mình”

(Domosthenes)

- Trong mọi sự lãng phí, đáng trách nhất là lãng phí thời gian (Vauvenagues)

Câu 2:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

*Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Hình ảnh thanh sắt 5kg có thể làm đinh, làm kim và làm lò xo đồng hồ được dùng để nói: Cách sử dụng nguyên liệu như thế nào sẽ tạo nên giá trị tương ứng như thế.

Cách nói này là hình ảnh so sánh cụ thể, trực tiếp nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về cách sử dụng quỹ thời gian của mình sao cho có giá trị nhất.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Học sinh nêu cách hiểu về cụm từ “Giết thời gian”:

- Lãng phí thời gian.

- Sử dụng thời gian vô bổ, không đem lại lợi ích cho công việc, sức khỏe, học tập…

- Dùng thời gian không hợp lí, giờ nọ việc kia…

Anh/chị có đang “giết thời gian” của bản thân không? Học sinh có thể trả lời: Có/Không. Song phải có kiến giải cụ thể thì mới cho điểm.

II. LÀM VĂN 

Câu 1:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

*Cách giải:

- Viết đúng hình thức đoạn văn, không sai lỗi diễn đạt, từ ngữ, ngữ pháp.

- Phải có dẫn chứng cho lập luận.

- Đoạn văn có thể có các ý sau

+ Thời gian là sự vận động, phát triển liên tục, không ngừng trong tự nhiên.

+ Giá trị của thời gian chính là việc con người tạo ra những tài sản quý báu về vật chất và tinh thần trong một khoảng nhất định.

+ Cách sử dụng thời gian hiệu quả là trong khoảng thời gian ngắn nhất làm ra được giá trị vật chất hoặc tinh thần có ý nghĩa nhất.

+ Có nhiều cách sử dụng thời gian:

++ Tích cực: Làm việc có mục đích, luôn phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả, chủ động sắp xếp thời gian hợp lí giữa lao động và nghỉ ngơi, vật chất và tinh thần.

++ Tiêu cực: sống không có mục đích, ý lại, đam mê thú vui vô bổ…

+Bài học: Phải ý thức được giá trị và cách sử dụng thời gian, có tinh thần tự giác, chủ động phấn đấu, biết kiềm chế trước những cám dỗ… để thời gian thực sự không trôi đi vô nghĩa.

Câu 2:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

1. Nêu được vấn đề cần nghị luận: Bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi là bài thơ giàu sức gợi hình, biểu cảm, vừa là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và đời sống” vừa thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ yêu nước thương dân”

a. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ bài thơ

- Nhà thơ ở ẩn nhưng vẫn nặng tình đời.

- Bài thơ nằm trong mục “Bảo kính cảnh giới” – Gương báu răn mình, thể hiện đức độ và tâm huyết của một con người hết lòng vì dân vì nước.

b. Phân tích – chứng minh:

* “Bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và đời sống”

- Bức tranh thiên nhiên sống động của mùa hè nơi thôn dã bằng nhiều giác quan:

+ Thị giác: cảm nhận sắc màu rực rỡ của mùa hè với lá cây hòe xanh thẫm, hoa lựu đỏ như lửa, hoa sen hồng trong đầm.

+ Khứu giác: Mùi hương nồng nàn của hoa sen ngát trong ao.

+ Thính giác: Âm thanh tiếng ve ngân như tiếng đàn: du dương, dìu dặt.

+ Cảm giác: Cảm nhận sức sống căng tràn, thôi thúc từ bên trong của thiên nhiên mùa hè “đùn đùn”, “phun”, “tiễn”…

*Cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân: âm thanh chợ cá lao xao từ xa vọng lại.

⟹ Ngôn ngữ thơ giàu sức gợi hình, gợi liên tưởng về bức tranh thiên nhiên, cuộc sống mùa hè hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, căng tràn sức sống.

* “Cảnh ngày hè” chất chứa một tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi: tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân”

- Vẻ đẹp tâm hồn thi nhân tinh tế, nhạy cảm, giao cảm với thiên nhiên, cuộc sống, nắm bắt được thần thái của thiên nhiên tạo vật, vui say với cuộc sống bình yên của nhân dân.

- Niềm khao khát mong ước “Dân giàu đủ khắp đòi phương”.: Mượn điển tích xưa để bày tỏ tấm lòng yêu dân, vì dân của bậc đại thi hào.

c. Đánh giá về vấn đề cần nghị luận:

- Hai ý kiến đều góp phần làm rõ vẻ đẹp bài thơ “Cảnh ngày hè”:

+ Ý kiến thứ nhất khẳng định vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên, cuộc sống ngày hè, hé mở tình yêu thiên nhiên và tâm hồn thi nhân.

+ Ý kiến thứ hai chỉ ra “điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai” là con người, hiện lên trong bài thơ là một nhà thơ, nhà chính trị Nguyễn Trãi với khát vọng dân giàu đủ, nước thái bình.

- Hai ý kiến bổ sung cho nhau làm rõ giá trị bài thơ, giúp người đọc hiểu thêm về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

d. Khái quát chung:

“Cảnh ngày hè” là bài thơ giàu sức gợi hình, biểu cảm, ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, đời thường, ít dụng công nghệ thuật nhưng giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và tâm hồn nhà thơ, từ đó thanh lọc, hoàn thiện tâm hồn mình.