Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3:

Tháng năm xanh ai đốt       

Tàn tro bay trắng đầu

Về quê thăm bạn cũ

Mây bồng bềnh mắt nhau

(Thăm bạn - Nguyễn Ngọc Oánh, trích Tạp chí Cửa Việt số 179, tháng 8 năm 2015)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (1,0 điểm)

Câu 2. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (1,0 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ? (1,0 điểm)

Tháng năm xanh ai đốt

Tàn tro bay trắng đầu

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè. Qua đó, anh/chị hãy liên hệ đến vai trò, ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc xây dựng, bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Rồi hóng mát, thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn, tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương


Lao xao chợ cá làng Ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ, khắp đòi phương      

(Cảnh ngày hè - Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục, năm 2015, tr.118)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

*Cách giải:

Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản là: Biểu cảm

Câu 2:

*Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ đã học

*Cách giải:

 Thể thơ 5 chữ

Câu 3:

*Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học

*Cách giải:

 Biện pháp hoán dụ: Dùng hình ảnh tháng năm xanhtàn tro bay trắng đầu để nhấn mạnh sự trôi chảy rất nhanh của thời gian.

II. LÀM VĂN

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Yêu cầu nội dung:

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.      

Thân bài:

HS có thể có nhiều cách cảm nhận khác nhau(cắt ngang hoặc cắt dọc bài thơ) song phải phân tích được vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi ở các biểu hiện:

- Tình yêu thiên nhiên và cuộc sống ngày hè

- Vẻ đẹp của lòng yêu nước thương dân: điểm nổi bật nhất trong bài thơ vẫn là tấm lòng, tình đời của con người mà lòng yêu nước thương dân đã trở thành nỗi trăn trở, niềm ưu ái trong suốt cuộc đời. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người trong ngày hè đã mở ra trong lòng nhà thơ ước vọng tha thiết:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
 Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
 Nguyễn Trãi ước muốn có một cây đàn của vua Thuấn để tấu lên khúc nhạc “Nam phong” cầu cho nhân dân giàu đủ khắp muôn nơi. Câu thơ nặng trĩu nỗi day dứt và một tinh thần trách nhiệm cao cả.

- Đánh giá chung:

+ Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ cho ta thấy bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống của cảnh sắc ngày hè mà còn phác họa thành công chân dung tinh thần của chính tác giả - người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa.

+ “Cảnh ngày hè” còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Nguyễn Trãi đã sáng tạo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, đưa chữ Nôm trở thành ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức biểu cảm, biểu nghĩa. Ông cũng đưa vào thơ những hình ảnh dân dã, gần gũi, bình dị, rất đỗi Việt Nam: hình ảnh “chợ cá” và âm thanh “lao xao” của đời thường là những nét hiện thực rất dân dã mà văn chương cổ điển thường kiêng kị, cho là dung tục, không gợi sự thanh cao.

Đó chính là điểm mới, những cách tân về nghệ thuật của Nguyễn Trãi trong bài thơ “Cảnh ngày hè”.

- Liên hệ vấn đề xã hội

GV linh hoạt theo cách trình bày của Hs để cho điểm chính xác.

Kết bài: Đánh giá khái quát giá trị bài thơ và vẻ đẹp tâm hốn Nguyễn Trãi.

Lưu ý:

Sáng tạo:  Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.