Bài 18: Núi quê tôi trang 84 SGK Tiếng Việt lớp 3 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Cùng các bạn hỏi – đáp về đặc điểm của những cảnh vật được vẽ trong tranh. Tìm trong bài câu văn: Tả đỉnh núi vào cuối thu sang đông. Tả ngọn núi vào mùa hè. Chọn từ ngữ có tiếng xanh phù hợp với từng sự vật được tả trong bài. Tìm trong bài những câu văn có hình ảnh so sánh. Em thích hình ảnh nào. Tác giả cảm nhận được những âm thanh nào, những hương thơm nào của vùng núi quê hương. Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi.
Khởi động
Cùng các bạn hỏi – đáp về đặc điểm của những cảnh vật được vẽ trong tranh.
Phương pháp giải:
Em quan sát tranh và thảo luận cùng các bạn.
Lời giải chi tiết:
Trong tranh có:
- Phía xa có ngọn núi cao.
- Những ngôi nhà lấp ló ở chân núi, ở những hàng tre, cây cổ thụ.
- Cánh đồng lúa vàng ươm sắp đến mùa gặt hái.
- Trâu, bò thong thả gặm cỏ.
- Chim sải cánh bay trên cánh đồng.
- Bức tranh đồng quê giản dị, mộc mạc, đầy sắc xanh thiên nhiên.
Bài đọc
NÚI QUÊ TÔI
Từ xa xa, trên con đường đất đỏ chạy về làng, tôi đã trông thấy bóng núi quê tôi xanh thẫm trên nền trời mây trắng.
Về cuối thu sang đông, trên đỉnh núi có mây trắng bay như tấm khăn mỏng. Còn về mùa hè, trong ánh chớp sáng lóa của cơn dông, cả ngọn núi hiện ra xanh mướt. Lá cây bay như làn tóc của một bà tiên đang hướng mặt về phía biển. Còn cả người bà thì ẩn dưới những cánh đồng lúa chín vàng.
Núi hiện lên trong mưa có nhiều màu lá. Lá bạch đàn, lá tre xanh tươi che rợp những con đường mòn quanh co lên đỉnh núi. Những vườn chè, vườn sắn xanh tốt bao quanh sườn núi. Thỉnh thoảng, giữa những mảnh vườn là bóng xanh um của một cây mít, và thênh thang rười rượi là màu xanh của cỏ, dứa dại và sim, mua.
Ở lưng chừng núi có một khe nhỏ, nướ chảy ra trong vắt, đọng xuống một giếng đá...
Từ xa xa, tôi nghe thấy tiếng lá bạch đàn và lá tre reo. Từ xa xa, tôi đã cảm thấy hương thơm của chè xanh, của bếp nhà ai tỏa khói.
(Theo Lê Phương Liên)
Từ ngữ:
- Rười rượi: màu xanh cây lá, trải rộng, gợi cảm giác dịu mát, dễ chịu.
- Khe: khoang hở dài và hẹp giữa hai vách núi.
Câu 1
Tìm trong bài câu văn:
- Tả đỉnh núi vào cuối thu sang đông
- Tả ngọn núi vào mùa hè
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Tả đỉnh núi vào cuối thu sang đông: Về cuối thu sang đông, trên đỉnh núi có mây trắng bay như tấm khăn mỏng.
- Tả ngọn núi vào mùa hè: Còn về mùa hè, trong ánh chớp sáng lóa của cơn dông, cả ngọn núi hiện ra xanh mướt.
Câu 2
Chọn từ ngữ có tiếng xanh phù hợp với từng sự vật được tả trong bài.
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc và suy nghĩ để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Bóng núi: xanh thẫm
- Ngọn núi: xanh mướt
- Lá bạch đàn, lá tre: xanh tươi
- Vườn chè, vườn sắn: xanh tốt
Câu 3
Tìm trong bài những câu văn có hình ảnh so sánh. Em thích hình ảnh nào?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn bài đọc để tìm câu trả lời cho phù hợp.
Lời giải chi tiết:
- Về cuối thu sang đông, trên đỉnh núi có mây trắng bay như tấm khăn mỏng.
- Lá cây bay như làn tóc của một bà tiên đang hướng mặt về phía biển.
Em thích hỉnh ảnh so sánh “Lá cây bay như làn tóc của một bà tiên đang hướng mặt về phía biển”. Hình ảnh gợi cho em cảm giác vừa tươi mát, trong lành lại vô cùng huyền ảo.
Câu 4
Tác giả cảm nhận được những âm thanh nào, những hương thơm nào của vùng núi quê hương?
Phương pháp giải:
Em đọc lại đoạn cuối của bài đọc để tìm câu trả lời phù hợp.
Lời giải chi tiết:
- Tiếng lá bạch đàn và lá tre reo
- Hương thơm của chè xanh, của bếp nhà ai đang tỏa
Câu 5
Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi.
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Khi đọc bài Núi quê tôi em thấy được cảnh núi rừng, cảnh thiên nhiên muôn hình muôn vẻ qua bốn mùa. Mỗi khoảng thời gian khác nhau là những cảnh đẹp, âm thanh khác nhau từ thiên nhiên đem lạ. Bài đọc khiến em cảm thấy yêu quê hương đất nước, yêu núi rừng mình hơn.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 18: Núi quê tôi trang 84 SGK Tiếng Việt lớp 3 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống timdapan.com"