Bài 9: Cô giáo lớp em
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hoạt động khởi động
Đọc một bài thơ hay bài hát về thầy cô.
Hướng dẫn trả lời:
- Bài hát “Bụi phấn” do nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác.
- Bài thơ “Đi học”, tác giả Minh Chính.
1.2. Đọc
Cô giáo lớp em
Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi.
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.
(Nguyễn Xuân Sanh)
Câu 1: Cô giáo đáp lời chào của học sinh như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Cô giáo đáp lời chào của học sinh bằng cách mỉm cười thật tươi.
Câu 2: Tìm những câu thơ tả cảnh vật khi cô dạy em học bài.
Hướng dẫn trả lời:
Những câu thơ tả cảnh vật khi cô dạy em học bài là:
“Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài”
Câu 3: Bạn nhỏ đã kể những gì về cô giáo của mình?
Hướng dẫn trả lời:
Bạn nhỏ đã kể: Cô đến lớp rất sớm, cô vui vẻ, dịu dàng; cô mỉm cười thật tươi đáp lại lời chào của học sinh, cô dạy các em tập viết, cô giảng bài.
Câu 4: Qua bài thơ em thấy tình cảm bạn nhỏ dành cho cô giáo thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Qua bài thơ, em thấy bạn nhỏ rất yêu thương, quý mến và biết ơn cô giáo của mình.
* Luyện tập theo văn bản đọc:
Câu 1: Nói câu thể hiện sự ngạc nhiên của em khi:
a. Lần đầu được nghe một bạn hát rất hay.
b. Được bố mẹ tặng một món quà bất ngờ.
Hướng dẫn trả lời:
a. Lần đầu được nghe một bạn hát hay.
- Ôi! Cậu hát hay quá!
- Ôi, giọng ca của cậu thật là tuyệt vời.
- Trời ơi, cậu hát hay cứ như là ca sĩ ấy.
- Cậu hát hay quá, đây là lần đầu tớ nghe một bạn nhỏ hát hay đến như vậy.
b. Được bố mẹ tặng một món quà bất ngờ.
- Ôi! Món quà tuyệt vời quá, con cảm ơn bố mẹ ạ.
- Món quà này tuyệt quá, con vui quá bố mẹ ơi!
- Bố mẹ tặng quà bất ngờ như thế này làm con vui và cảm động quá!
Câu 2: Nói câu thể hiện tình cảm của em đối với thầy cô giáo của mình.
Hướng dẫn trả lời:
- Em rất yêu quý thầy / cô giáo.
- Em nhớ thầy giáo cũ của em.
1.3. Viết
- Luyện viết chữ hoa D
Hướng dẫn trả lời:
- Quan sát chữ mẫu viết hoa D:
+ Độ cao 5 li,
+ Độ rộng 4 li,
+ Gồm 2 nét cơ bản: nét lượn 2 đầu (dọc) và nét cong phải nối liền nhau, tạo thành một vòng xoắn nhỏ ở chân chữ.
- Cách viết:
+ Nét 1: Đặt bút trên đường kẻ ngang 6, viết nét lượn 2 đầu theo chiều dọc rồi kéo thẳng xuống bên dưới đường kẻ ngang 2, nằm sát bên trên đường kẻ ngang 1.
+ Nét 2: Chuyển hướng viết nét cong phải từ dưới đi lên, tạo vòng xoắn nhỏ ở chân chữ, phần cuối nét cong lượn hẳn vào trong. Dừng bút trên đường kẻ ngang 5.
- Luyện viết ứng dụng:
+ Dung dăng dung dẻ.
+ Dắt trẻ đi chơi.
Hướng dẫn trả lời:
- Viết chữ hoa D đầu câu.
- Cách nối chữ viết hoa với chữ viết thường: Nét 1 của chữ u cách nét cong phải của chữ cái hoa D nửa ô li.
- Độ cao của các chữ cái: chữ cái hoa D, h, g cao 2,5 li (chữ g 1,5 li dưới đường kẻ ngang), chữ cái d, đ cao 2 li; chữ cái t cao 1,5 li; chữ cái r cao 1,25 li; các chữ còn lại cao 1 li.
- Cách đặt dấu thanh ở các chữ cái: dấu hỏi đặt trên chữ cái e, dấu sắc đặt trên chữ cái ă.
- Khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng bằng 1 chữ o.
- Vị trí đặt dấu chấm cuối câu: ngay sau chữ cái i của tiếng “chơi”.
1.4. Nói và nghe
Câu 1: Nghe kể chuyện.
Cậu bé ham học
(1) Vũ Duệ đỗ Trạng nguyên ở triều đại nhà Lê. Ông là người nổi tiếng thông minh, có khí phách, được vua Lê tin dùng, các quan trong triều ai cũng kính nể.
(2) Thuở nhỏ, vì nhà nghèo, Vũ Duệ không được đi học, phải ở nhà trông em, lo cơm nước cho bố mẹ đi làm ngoài đồng. Ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng, khi thầy đồ trong làng bắt đầu dạy học, Vũ Duệ lại cõng em đứng ở ngoài hiên, chăm chú nghe thầy giảng bài.
(3) Thầy đồ thấy Vũ Duệ ham học, trong lòng quý mến, muốn thử tài cậu bé. Thầy đặt một câu hỏi “hóc búa” cho cả lớp, không ai trả lời được. Thầy nhìn ra ngoài cửa lớp, bắt gặp ánh mắt sáng ngời của cậu bé đang nhìn mình, ý chừng muốn trả lời câu hỏi thay cho các bạn trong lớp. Thầy đồ bèn hỏi:
- Liệu con có trả lời được câu hỏi của ta không?
Cậu bé thưa:
- Dạ, thưa thấy con xin trả lời ạ!
Được thầy cho phép, Vũ Duệ trả lời câu hỏi trôi chảy, mạch lạc, đầu ra đấy. Thầy đồ gật đầu tán thưởng. Cả lớp thán phục. Thầy bước ra cửa lớp, xoa đầu Vũ Duệ, khen ngợi.
(4) Ngay sau buổi học đó, thầy đồ đến tận nhà cậu bé, khuyên cha mẹ cậu cho cậu đi học. Thế là Vũ Duệ được đi học, chính thức bên thầy, bên bạn. Chỉ vài tháng sau, Vũ Duệ đã là trò giỏi nhất lớp.
(Theo Kể chuyện thần đồng Việt Nam)
Câu 2: Chọn kể 1-2 đoạn của câu chuyện theo tranh.
Hướng dẫn trả lời:
* Tranh 1 (Đoạn 1)
Gia đình Vũ Duệ rất nghèo. Bố mẹ cậu phải làm lụng vất vả sớm hôm để nuôi nấng anh em. Vì hoàn cảnh gia đình, Vũ Duệ không được đi học. Hằng ngày, cậu phải ở nhà trông em, đỡ đần bố mẹ việc nhà.
* Tranh 2 (Đoạn 2)
Tuy vậy, Vũ Duệ lại là một cậu bé vô cùng ham học. Nhà nghèo, không có tiền đóng học nên cậu không thể vào lớp như những học trò khác. Mỗi buổi sáng, Vũ Duệ thường cõng em tới cửa lớp nghe lỏm thầy giáo giảng bài.
* Trang 3 (Đoạn 3)
Một lần, thầy giáo ra một câu hỏi rất khó. Học trò ngồi trong lớp không ai trả lời được. Thấy cậu bé đứng ngoài cửa lớp mấp máy môi như muốn nói, thầy giáo bèn gọi vào. Vũ Duệ trả lời trôi chảy câu hỏi của thầy giáo.
* Trang 4 (Đoạn 4)
Thấy cậu học trò nghèo vừa thông minh lại ham học. Thầy giáo tới tận nhà khuyên bố mẹ cho cậu đi học. Từ đó, Vũ Duệ được nhận vào lớp. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, chẳng bao lâu, Vũ Duệ đã đứng đầu lớp.
Bài tập minh họa
Kể cho người thân về cậu bé Vũ Duệ trong câu chuyện “Cậu bé ham học”.
Hướng dẫn trả lời:
Thủa nhỏ, vì nhà nghèo, Vũ Duệ không được đi học phải ở nhà trông em lo cơm nước cho bố mẹ đi làm ngoài đồng. Ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng, khi thầy đồ trong làng bắt đầu dạy học, Vũ Duệ lại cõng em đứng ở ngoài hiên, chăm chú nghe thầy giảng bài. Thầy đồ thấy Vũ Duệ ham học, trong lòng quý mến muốn thử tài cậu bé đã đặt ra câu hỏi hóc búa cho cả lớp, không ai trả lời được. Thấy cậu đứng ngoài mấp máy môi như muốn nói, thầy gọi cậu vào. Duệ trả lời rất trôi chảy. Sau lần ấy, thầy đến nhà Duệ, khuyên cha mẹ Duệ cho cậu đi học. Đến lớp vài tháng, Duệ đã đứng đầu lớp.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc đó Cô giáo lớp em