Bài 7: Thầy cô của em
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
Câu 1: Cùng hát một bài hát về thầy cô.
Hướng dẫn trả lời:
Một số bài hát về thầy cô:
- Ngày đầu tiên đi học (Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, Thơ: Viễn Phương)
- Đi học (Nhạc: Bùi Đình Thảo, Thơ: Hoàng Minh Chính)
- Bông hồng tặng cô (Sáng tác: Trần Quang Huy)
- Mái trường mến yêu (Sáng tác: Lê Quốc Thắng)
Câu 2: Tưởng tượng mỗi điều hay mà thầy cô dạy em là một quả táo ngọt. Em hãy đặt tên cho những quả táo chưa có tên và nói về những quả táo ấy.
M: Viết: Thầy cô dạy em viết lời hay, ý đẹp.
Hướng dẫn trả lời:
- Đọc: Cô dạy em biết đọc chữ, đọc sách.
- Đoàn kết: Cô dạy em đoàn kết với bạn bè.
- Giúp đỡ: Cô dạy em biết giúp đỡ những người xung quanh mình.
- Lễ phép: Cô dạy em lễ phép với người lớn tuổi.
- Hiếu thảo: Cô dạy em hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
- Chăm chỉ: Cô dạy em chăm chỉ học tập.
- Nói: Cô dạy em nói lời hay.
1.2. Bài đọc 1
Cô giáo lớp em
Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.
NGUYỄN XUÂN SANH
- Ghé (ghé mắt) : nhìn, ngó.
- Ngắm: nhìn kĩ, nhìn mãi vì yêu thích.
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1: Tìm khổ thơ ứng với mỗi ý:
Hướng dẫn trả lời:
Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp trong khổ thơ 1 và khổ thơ 2.
M: Cô mỉm cười thật tươi
Hướng dẫn trả lời:
Những hình ảnh đẹp trong khổ thơ 1 và 2 đó là:
- Cô mỉm cười thật tươi (khổ 1)
- Gió đưa thoảng hương nhài (khổ 2)
- Nắng ghé vào cửa lớp / Xem chúng em học bài (khổ 2)
Câu 3: Trong khổ thơ 3:
a. Từ ấm cho em cảm nhận lời giảng của cô giáo thế nào?
b. Các từ yêu thương, ngắm mãi nói lên tình cảm của học sinh đối với cô giáo như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
a. Từ ấm cho em cảm nhận lời giảng của cô giáo rất ấm áp, truyền cảm, dễ hiểu.
b. Các từ yêu thương, ngắm mãi cho thấy học sinh cũng vô cùng yêu quý và kính trọng cô giáo.
1.2.2. Luyện tập
Câu 1: Dựa vào bài thơ, hãy xếp các từ ngữ sau vào nhóm phù hợp:
a. Từ ngữ chỉ hoạt động của cô giáo
b. Từ ngữ chỉ hoạt động của học sinh
Hướng dẫn trả lời:
a. Từ ngữ chỉ hoạt động của cô giáo: đáp, dạy, mỉm cười, giảng
b. Từ ngữ chỉ hoạt động của học sinh: chào, thấy, viết, ngắm, học
Câu 2: Mỗi bộ phận in đậm dưới đây trả lời cho câu hỏi nào?
Ai Làm gì?
a. Các bạn học sinh chào cô giáo.
b. Cô mỉm cười thật tươi.
c. Cô dạy em tập viết.
d. Học sinh học bài.
Hướng dẫn trả lời:
a. Làm gì?
b. Ai?
c. Làm gì?
d. Làm gì?
1.3. Bài viết 1
Câu 1: Nghe viết: Cô giáo lớp em (khổ thơ 2, 3)
Cô giáo lớp em
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.
Câu 2: Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:
a. Chữ ch hay tr?
Hôm nay ■ời nắng chang ■ang
Mèo con đi học ■ẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút ■ì
Và mang một mẩu bút chì con con.
Phan Thị Vàng Anh
b. Vần iên hay iêng?
Chẳng nhìn thấy ve đâu
Chỉ râm ran t■ hát
Dàn đồng ca mùa hạ
D■ trong lá suốt ngày
Mặt đất tràn t■ nhạc
Dậy nghe nào, mầm cây.
Nguyễn Minh Nguyên
Hướng dẫn trả lời:
a. Chữ ch hay tr?
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.
b. Vần iên hay iêng?
Chẳng nhìn thấy ve đâu
Chỉ râm ran tiếng hát
Dàn đồng ca mùa hạ
Diễn trong lá suốt ngày
Mặt đất tràn tiếng nhạc
Dậy nghe nào, mầm cây.
Câu 3: Tập viết
a. Viết chữ hoa E, Ê
Hướng dẫn trả lời:
* Chữ hoa E
- Cấu tạo: gồm nét cong trái, nét cong phải và nét thắt.
- Cách viết: Đặt bút trên ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 4, viết một nét cong trái lưng chạm ĐK dọc 1, lượn vòng lên chưa chạm ĐK dọc 3 viết liền mạch nét cong trái thứ hai kết hợp với nét thắt trên ĐK ngang 2 và viết tiếp nét cong trái thứ ba và dừng bút trên ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 2 và viết tiếp nét cong trái thứ ba và dừng bút trên ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 2 (Độ cong của nét cong trái thứ ba rõ nét hơn độ cong của nét cong trái thứ hai. Chỗ bắt đầu viết nét cong trái thứ hai phải ngang bằng với điểm đặt bút)
* Chữ hoa Ê
- Cấu tạo: gồm nét cong trái, nét cong phải, nét thắt và đầu mũ
- Cách viết:
+ Viết như viết chữ E hoa
+ Lia bút viết đầu mũ ở ĐK ngang 4, giữa ĐK dọc 2 và 3.
b. Viết ứng dụng Em yêu thầy cô của em
1.4. Bài đọc 2
Một tiết học vui
1. Thấy thầy giáo xách giỏ trái cây vào lớp, chúng tôi rất ngạc nhiên: Thầy mang trái cây đến lớp làm gì nhỉ?
Thầy mỉm cười:
- Thầy muốn các em quan sát những trái cây này để viết đoạn văn tả một loại trái cây mà mình yêu thích.
2. Chúng tôi chuyền tay nhau, vuốt ve, ngắm nghía và ngửi những trái táo, lê, chuối, xoài, quýt,... mà thầy đưa cho.
- Bây giờ, các em hãy nếm thử trái cây và cảm nhận vị thơm ngon của chúng! Các em cho thầy biết mình thích ăn loại trái nào nhất và tại sao mình thích loại trái đó nhé!
3. Chúng tôi cùng nhau ăn trái cây rồi nói cảm nhận của mình. Thầy vui vẻ nói:
- Mỗi loại trái cây có hình dáng, màu sắc và hương vị riêng. Các em hãy nhớ lại những điều đã quan sát và tả loại trái cây mà mình thích nhất! Đừng quên so sánh với loại trái cây khác nhé!
Tôi vừa viết vừa nghĩ: Hoá ra phải quan sát thì mới tả đúng và hay được. Tiết học vui quá!
Theo sách Câu chuyện nhỏ, bài học lớn
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1: Thầy giáo mang giỏ trái cây đến lớp để làm gì?
Hướng dẫn trả lời:
Thầy giáo mang giỏ trái cây đến lớp để học sinh quan sát rồi viết đoạn văn tả loại trái cây mà mình yêu thích.
Câu 2: Các bạn học sinh đã làm gì với giỏ trái cây đó?
Hướng dẫn trả lời:
Các bạn chuyển tay nhau, vuốt ve, ngắm nghía và ngửi trái cây trong giỏ. Sau đó các bạn còn nếm thử và cảm nhận hương vị của chúng.
Câu 3: Theo em, vì sao các bạn thấy tiết học rất vui?
Hướng dẫn trả lời:
Theo em, các bạn thấy tiết học rất vui bởi vì các bạn được quan sát trái cây thực tế rồi mới viết bài văn tả trái cây.
1.4.2. Luyện tập
Câu 1: Tìm trong bài đọc một câu dùng để kể. Cho biết cuối câu đó có dấu câu gì.
Hướng dẫn trả lời:
- Một câu dùng để kể trong bài đọc: "Chúng tôi chuyền tay nhau, vuốt ve, ngắm nghía và ngửi những trái táo, lê, chuối, xoài, quýt,... mà thầy đưa cho."
- Cuối câu kể có dấu chấm.
Câu 2: Tìm trong bài đọc một câu dùng để nêu yêu cầu, đề nghị. Cuối câu nêu yêu cầu, đề nghị có dấu câu gì?
Hướng dẫn trả lời:
- Câu dùng để nêu yêu cầu, đề nghị:
+ "Các em hãy nhớ lại những điều đã quan sát và tả loại trái cây mà mình thích nhất!"
+ "Đừng quên so sánh với loại trái cây khác nhé!"
- Cuối câu nêu yêu cầu, đề nghị có dấu chấm than.
Câu 3: Câu Tiết học vui quá! Thể hiện cảm xúc gì? Cuối câu đó có dấu câu gì?
Hướng dẫn trả lời:
- Câu Tiết học vui quá! Thể hiện cảm xúc thích thú, vui mừng.
- Cuối câu đó có dấu chấm than.
1.5. Kể chuyện
Câu 1: Nghe và kể lại mẩu chuyện: Mẩu giấy vụn
Hướng dẫn trả lời:
* Tranh 1:
Vào giờ học, các bạn học sinh ngồi ngay ngắn trong lớp đợi cô giáo. Lớp học sạch sẽ, bàn ghế kê ngay ngắn. Thế nhưng chẳng biết ai đã vứt một mẩu giấy vụn nằm ngay giữa lối ra vào.
* Tranh 2:
Cô giáo bước vào lớp. Nhìn thấy mẩu giấy vụn ngay giữa lối đi, cô mỉm cười rồi nói:
- Lớp chúng ta hôm nay sạch sẽ quá! Nhưng các em có thấy mẩu giấy vụn ở lối ra vào không?
Cả lớp đồng thanh đáp:
- Có ạ!
Cô giáo lại tiếp tục nói:
- Các em hãy thử lắng tai nghe mẩu giấy vụn đang nói gì nhé!
* Tranh 3:
Cả lớp im lặng lắng nghe mẩu thấy theo như lời cô nói. Nhưng được một lúc, âm thanh xì xào lại vang lên. Các bạn bàn tán với nhau, mẩu giấy đâu có nói gì được. Một bạn nam mạnh dạn đưa ra ý kiến:
- Thưa cô, mẩu giấy không nói được đâu ạ!
Cả lớp cùng đồng thanh hưởng ứng: “Thưa cô đúng đấy ạ!”
* Tranh 4:
Liên đứng dậy tiến tới nơi cửa ra vào có mẩu giấy vụn. Cả lớp im phăng phắc, mọi ánh mắt đổ dồn về phía Liên. Liên cầm mẩu giấy vụn rồi đem bỏ vào sọt rác. Sau đó, bạn vui vẻ nói với cô giáo rằng:
- Thưa cô, em có nghe thấy mẩu giấy nói, nó nói rằng: Các bạn ơi! Hãy bỏ tôi vào thùng rác!
Cả lớp cười rộn lên thích thú. Buổi học hôm ấy thật vui. Các bạn đã học được một bài học quý về giữ gìn vệ sinh chung.
Câu 2: Nếu có bạn vứt một mẩu giấy vụn ra lớp, em sẽ nói gì với bạn?
Hướng dẫn trả lời:
Nếu có bạn vứt một mẩu giấy vụn ra lớp, em sẽ nói với bạn rằng:
- Bạn ơi, bạn không nên vứt rác bừa bãi! Bạn hãy bỏ mẩu giấy vụn kia vào thùng rác nhé!
Câu 3: Nếu em là bạn nhỏ trong tranh trang 62, em sẽ đáp lại lời yêu cầu, đề nghị như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
* Trang 1:
- Dạ, vâng ạ!
* Tranh 2:
- Cảm ơn cậu nhiều nhé!
1.6. Bài viết 2
Câu 1: Kể với các bạn về một tiết học vui ở lớp em.
Gợi ý:
- Đó là tiết học môn gì, vào hôm nào?
- Em và các bạn đã làm gì trong tiết học đó?
- Tiết học đó có gì khiến em thấy vui?
Hướng dẫn trả lời:
- Đó là tiết học môn Tiếng Việt, vào thứ 6.
- Buổi hôm đó cô giáo ra đề bài “Hãy nói về ngôi trường mơ ước của em”. Chúng em được vẽ về ngôi trường mơ ước trên giấy vẽ. Sau đó, dựa vào những gì đã vẽ, chúng em mới viết thành đoạn văn.
- Đó là một tiết học thật thú vị! Em được vẽ và viết về những điều mơ ước của mình.
Câu 2: Dựa vào những điều đã kể ở bài tập 1, hãy viết 4 – 5 câu về một tiết học em thích.
Hướng dẫn trả lời:
Một tiết học em cảm thấy rất vui là tiết Tiếng Việt vào thứ 6 tuần trước. Buổi hôm đó, cô giáo ra đề bài “Hãy nói về ngôi trường mơ ước của em”. Chúng em được vẽ về ngôi trường mơ ước trên giấy vẽ. Sau đó, dựa vào những gì đã vẽ, chúng em mới viết thành đoạn văn. Đó là một tiết học thật thú vị! Em được vẽ và viết về những điều mơ ước của mình.
Bài tập minh họa
Câu 1: Em mang đến lớp sách, báo viết về thầy cô.
Hướng dẫn trả lời:
Câu 2: Giới thiệu với các bạn trong tổ, lớp về quyển sách của em: tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, tranh bìa,...
Hướng dẫn trả lời:
Quyển sách mà mình rất thích là Totto-Chan bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko do Nhà xuất bản Văn học phát hành. Bìa sách có màu cam và trắng và hình ảnh cô bé Totto-Chan trông rất đáng yêu, hồn nhiên. Mình thích cuốn sách này vì cô bé Totto-Chan đáng yêu và ngôi trường Tomoe mà cô bé theo học thì thật tuyệt vời. Nơi này có những người thầy, người cô luôn sẵn sàng lắng nghe cô bé, dạy cô bé những bài học vô cùng lí thú.
Câu 3: Tự đọc một truyện (hoặc một bài thơ, bài báo). Viết vào vở hoặc phiếu đọc sách cảm xúc hoặc nhận xét của em về một nhân vật trong câu chuyện (hoặc về bài thơ, bài báo) đó.
M:
Bàn chân kì diệu
Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ nhỏ. Thấy các bạn đến trường, Ký thèm lắm. Em đến lớp xin học. Nhưng nhìn hai cánh tay Ký, cô giáo lắc đầu. Ký vừa chạy về vừa khóc.
Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà thăm Ký. Thấy em đang cặp một mẩu gạch giữa hai ngón chân, hí hoáy tập vẽ xuống sân những nét nguệch ngoạc, cô rất xúc động.
Cô giáo nhận Ký vào học. Cô trải chiếu cho em ngồi tập viết. Cây bút bướng bỉnh không nghe lời làm ngón chân Ký mỏi nhừ, còn giấy thì nhàu nát, mực dây nhoe nhoẹt. Nhưng Ký không nản. Trên chiếc chiếu nhỏ ở góc lớp không bao giờ vắng mặt Ký. Nhờ luyện tập kiên trì, Ký học rất giỏi, hai lần được vinh dự nhận Huy hiệu Bác Hồ.
Học hết phổ thông, Ký vào trường đại học, rồi trở thành thầy giáo. Năm 1992, thầy Nguyễn Ngọc Ký được phong danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.
Theo Sách Tôi đi học
- Nguệch ngoạc: nét viết hoặc vẽ xiên xẹo, méo mó.
- Phong: tặng.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc Một tiết học vui, cô giáo lớp em
+ Biết và sử dụng ch/tr và iên/iêng