Bài 11: Học chăm, học giỏi
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
Câu 1: Nói 2 – 3 câu về hoạt động của các bạn nhỏ trong tranh trang 87
Hướng dẫn trả lời:
- Tranh 1: Các bạn đang học bài. Bạn nào cũng vô cùng tập trung và chăm chỉ làm bài.
- Tranh 2: Các bạn đang vẽ tranh phong cảnh. Bạn nào cũng rất tập trung vào bức vẽ của mình.
Câu 2: Em thích ý tưởng sáng tạo nào dưới đây của các bạn học sinh? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
- Bài tham khảo 1:
Em thích ý tưởng sáng tạo trong bức tranh Phi thuyền phá tan bão của bạn Ngụy Huy Hoàng. Bởi vì em cảm thấy nếu như có một loại phi thuyền có thể phá tan bão thì người dân sẽ không phải chịu khổ vì những cơn bão xuất hiện hằng năm nữa.
- Bài tham khảo 2:
Em thích ý tưởng sáng tạo trong bức tranh Xe hơi bong bóng của bạn Nguyễn Ngọc Phương Thảo. Bởi vì em nghĩ nếu như có loại xe hơi như vậy thì sẽ đỡ tắc đường.
1.2. Bài đọc 1
Có chuyện này
Lửa nằm trong bao diêm
Chữ nằm trong lọ mực
Cái mầm nằm trong hạt
Cái hoa nằm trong cây
Dòng điện nằm trong dây
Kéo cả tàu điện chạy.
Nhưng còn có chuyện này:
Biến diêm thành lửa cháy
Biến mực thành thơ hay
Biến hạt hoá thành cây
Xui cây làm quả chín
Biến dây thành ra điện
Bắt điện kéo tàu đi...
Những phép biến diệu kì
Nằm trong tay em đấy!
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Phép biến: phép thuật tạo ra những điều kì lạ.
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1: Em hiểu “Chữ nằm trong lọ mực” nghĩa là gì? Chọn ý đúng:
a) Lọ mực đã có sẵn các chữ cái.
b) Lọ mực đã có sẵn các bài thơ, bài toán,...
c) Lọ mực sẽ giúp em viết chữ, làm thơ, làm toán,...
Hướng dẫn trả lời:
Em hiểu “Chữ nằm trong lọ mực” nghĩa là lọ mực sẽ giúp em viết chữ, làm thơ, làm toán,…
Chọn đáp án: c
Câu 2: Khổ thơ 1 còn nói đến những sự vật nào khác? Chúng nằm ở đâu?
Hướng dẫn trả lời:
Khổ thơ 1 nói đến những sự vật: Lửa, chữ, mầm cây, hoa, dòng điện, bao diêm, lọ mực, hạt, cây, dây, tàu điện
- Lửa nằm trong bao diêm
- Chữ nằm trong lọ mực
- Cái mầm nằm trong hạt
- Cái hoa nằm trong cây
- Dòng điện nằm trong dây
Câu 3: Khổ thơ 2 nhắc đến “những phép biến diệu kì” nào?
Hướng dẫn trả lời:
“Những phép biến diệu kì” xuất hiện trong khổ thứ 2 đó là:
- Biến diêm thành lửa cháy
- Biến mực thành thơ hay
- Biến hạt hóa thành cây / Xui cây thành quả chín
- Biến dây thành ra diện / Bắt điện kéo tàu đi
Câu 4: Em cần làm gì để khi lớn lên sẽ thực hiện được “những phép biến diệu kì” ấy?
Hướng dẫn trả lời:
Em cần học tập chăm chỉ để có sự hiểu biết thì khi lớn lên mới thực hiện được “những phép biến diệu kì” ấy.
1.2.2. Luyện tập
Câu 1: Tìm từ chỉ đặc điểm trong câu:
Khả năng của con người thật là kì diệu!
Hướng dẫn trả lời:
Từ chỉ đặc điểm trong câu là: kì diệu.
Câu 2: Thay từ chỉ đặc điểm ở câu trên bằng một từ khác để ca ngợi con người.
Hướng dẫn trả lời:
Khả năng của con người thật là tuyệt vời!
1.3. Bài viết 1
Câu 1: Nghe - viết:
Các nhà toán học của mùa xuân
Cánh én làm phép trừ
Trời bớt đi giá rét
Bầy chim làm phép chia
Niềm vui theo tiếng hót
Tia nắng làm phép nhân
Trời sáng cao rộng hơn
Vườn hoa làm phép cộng
Thế là thành mùa xuân.
ĐẶNG HẤN
Câu 2: Chọn chữ phù hợp với ô trống: g hay gh?
- Lên thác xuống ∎ềnh.
- ∎ạo trắng nước trong.
- ∎i lòng tạc dạ.
Hướng dẫn trả lời:
- Lên thác xuống ghềnh
- Gạo trắng nước trong
- Ghi lòng tạc dạ
Câu 3: Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:
a) Chữ s hay x?
Ai thổi ∎áo gọi trâu đó
Chiều in nghiêng trên mảng núi ∎a
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi
Vểnh đôi tai nghe tiếng ∎áo trở về.
Ngô Văn Phú
b) Vần ươn hay ương?
Mảnh v∎ bà xanh thế
Nắng trổ như hoa cau
Gió đưa thoảng h∎ vào
Cả một vùng cúc nở.
Nguyễn Thanh Kim
Hướng dẫn trả lời:
a) Chữ s hay x?
Ai thổi sáo gọi trâu đâu đó
Chiều in nghiêng trên mảng núi xa.
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi
Vểnh đôi tai nghe sáo trở về.
NGÔ VĂN PHÚ
b) Vần ươn hay ương?
Mảnh vườn bà xanh thế
Nắng trổ như hoa cau
Gió đưa thoảng hương vào
Cả một vùng cúc nở.
NGUYỄN THANH KIM
Câu 4: Tập viết
a) Viết chữ hoa I
Hướng dẫn trả lời:
- Cấu tạo: gồm nét cong trái và nét móc ngược trái.
- Cách viết:
+ Bước 1: Đặt bút trên ĐK ngang 3, trước ĐK dọc 2, viết nét cong trái, hơi lượn lên trước khi dừng dưới ĐK ngang 4 và bên phải ĐK dọc 2.
+ Bước 2: Không nhấc bút, hơi lượn sang trái viết nét móc ngược trải cách đều bên phải ĐK dọc 2 một li, khi chạm ĐK ngang 1 thì lượn cong lên rồi uốn vào trong , dừng bút bên trái ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 2, 3.
b) Viết ứng dụng: Im lặng lắng nghe cô dặn dò.
1.4. Bài đọc 2
Ươm mầm
1. Rô-linh là nhà văn nổi tiếng thế giới. Trẻ em khắp nơi đều biết nhân vật Ha-ri Pót-tơ của bà.
2. Tài năng của Rô-linh đã ươm mầm từ những câu chuyện mà bà và cô em gái tên là Di tự nghĩ ra và kể cho nhau nghe suốt thời thơ ấu.
Di rất thích nghe chị kể chuyện và thường nài nỉ chị kể đi kể lại. Một trong những câu chuyện hai chị em yêu thích là chuyện Di bị ngã xuống hạng thỏ và được gia đình thỏ cho ăn dâu tây.
3. Để nhớ và kể lại cho em, cô chị bắt đầu ghi lại những câu chuyện của mình. Câu chuyện đầu tiên cô viết lên giấy là chuyện về một chú thỏ bị lên sởi. Chú thỏ ốm được bạn bè đến thăm, trong đó có một con ong khổng lồ tên là Cô Ong.
4. Trong suốt những năm học phổ thông, Rô-linh luôn được đánh giá là một trong những học sinh tài năng nhất. Cô thường được giao phụ trách việc tổ chức các buổi sinh hoạt toàn trường.
Theo sách Thời thơ ấu của các đại văn hào
(Nguyên Hương dịch)
Từ ngữ:
- Ha-ri Pót-tơi: tên nhân vật chính trong bộ truyện cùng tên của nhà văn Rô-linh.
- Nài nỉ: đề nghị thiết tha, dai dẳng khiến người khác khó lòng từ chối.
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1: Tài năng của Rô-linh được ươm mầm từ đâu? Chọn ý đúng:
a) Từ những câu chuyện Rô-linh được nghe bà kể.
b) Từ những câu chuyện Rô-linh và em gái tự nghĩ ra.
c) Từ những bộ phim Rô-linh và em gái được xem.
Hướng dẫn trả lời:
Tài năng của Rô-linh được ươm mầm từ những câu chuyện Rô-linh và em gái tự nghĩ ra.
Chọn đáp án: b
Câu 2: Rô-linh đã làm gì để nhớ và kể lại chuyện cho em gái nghe?
Hướng dẫn trả lời:
Để nhớ và kể lại chuyện cho em gái nghe, Rô-linh đã ghi lại những câu chuyện của mình.
Câu 3: Ở trường phổ thông, Rô-linh là một học sinh như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Ở trường phổ thông, Rô-linh luôn được đánh giá là một trong những học sinh tài năng nhất. Rô-linh thường được giao phụ trách việc tổ chức các buổi sinh hoạt toàn trường.
1.4.2. Luyện tập
Chọn ý em thích:
Câu 1: Nếu em là cô bé Di, em sẽ nói thế nào để khen chị kể chuyện hay?
a) Chị kể chuyện hay quá!
b) Sao chị kể chuyện hay thế
c) Chuyện chị kể thú vị quá!
Hướng dẫn trả lời:
Nếu em là cô bé Di, để khen chị kể chuyện hay em sẽ nói: Chị kể chuyện hay quá!
Chọn đáp án: a
Câu 2: Nếu là người chị, em sẽ đáp lại lời khen thế nào?
a) Cảm ơn em.
b) Có gì đâu!
c) Chuyện em kể cũng hay mà.
Hướng dẫn trả lời:
Nếu là người chị, em sẽ đáp lại lời khen rằng: Cảm ơn em.
Chọn đáp án: a
Câu 3: Em cần thêm dấu phẩy vào chỗ nào trong câu sau?
Bộ truyện Ha-ri Pót-tơ của nhà văn Rô-linh được dịch ra nhiều thứ tiếng được dựng thành phim được trẻ em khắp nơi yêu thích.
Hướng dẫn trả lời:
Bộ truyện Ha-ri Pót-tơ của nhà văn Rô-linh được dịch ra nhiều thứ tiếng, được dựng thành phim, được trẻ em khắp nơi yêu thích.
1.5. Kể chuyện - Trao đổi
Câu 1: Nghe và kể lại mẩu chuyện Cậu bé đứng ngoài lớp học của MAI HỒNG
Gợi ý:
a) Vì sao cậu bé Vũ Duệ không được đến trường?
b) Cậu bé Vũ Duệ ham học như thế nào?
c) Thầy giáo hỏi bài cậu bé, kết quả ra sao?
d) Thầy giáo đến nhà khuyên cha mẹ Vũ Duệ thế nào?
e) Sau này, Vũ Duệ đã thành đạt như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Gia đình Vũ Duệ rất nghèo. Bố mẹ cậu phải làm lụng vất vả sớm hôm để nuôi nấng anh em. Vì hoàn cảnh gia đình, Vũ Duệ không được đi học. Hằng ngày, cậu phải ở nhà trông em, đỡ đần bố mẹ việc nhà.
Tuy vậy, Vũ Duệ lại là một cậu bé vô cùng ham học. Nhà nghèo, không có tiền đóng học nên cậu không thể vào lớp như những học trò khác. Mỗi buổi sáng, Vũ Duệ thường cõng em tới cửa lớp nghe lỏm thầy giáo giảng bài.
Một lần, thầy giáo ra một câu hỏi rất khó. Học trò ngồi trong lớp không ai trả lời được. Thấy cậu bé đứng ngoài cửa lớp mấp máy môi như muốn nói, thầy giáo bèn gọi vào. Vũ Duệ trả lời trôi chảy câu hỏi của thầy giáo.
Thấy cậu học trò nghèo vừa thông minh lại ham học. Thầy giáo tới tận nhà khuyên bố mẹ cho cậu đi học. Từ đó, Vũ Duệ được nhận vào lớp. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, chẳng bao lâu, Vũ Duệ đã đứng đầu lớp.
Câu 2: Theo em, trong câu chuyện trên:
a) - Thầy giáo sẽ khen Vũ Duệ thế nào khi cậu trả lời được câu hỏi khó?
- Vũ Duệ sẽ đáp lại lời khen của thầy giáo thế nào?
b) - Thầy giáo sẽ nói thế nào để khuyên (đề nghị) bố mẹ Duệ cho con đi học?
- Bố mẹ Duệ sẽ đáp lại lời khuyên (lời đề nghị) của thầy giáo thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
a. - Thầy giáo: Trò thật thông minh!
- Vũ Duệ: Em cảm ơn thầy ạ!
b. - Thầy giáo: Tôi thấy cậu bé này rất thông minh và chăm học. Anh chị nên cho cháu đi học. Sau này, cháu học hành thành tài có thể giúp nước, giúp nhà.
- Bố mẹ Vũ Duệ: Gia cảnh gia đình tôi khó khăn quá! Nhưng chúng tôi nghe lời thầy khuyên, chúng tôi sẽ cho cháu đi học!
1.6. Bài viết 2
Câu 1: Tả cho bạn nghe một đồ vật em yêu thích.
Gợi ý:
a) Em muốn tả đồ vật nào (đồ vật ở trường, đồ vật ở nhà, đồ thủ công em làm trong tiết Mĩ thuật)?
b) Em viết những gì?
- Đặc điểm của đồ vật ấy.
- Ích lợi của đồ vật ấy.
- Tình cảm của em với đồ vật ấy.
Hướng dẫn trả lời:
a) Đồ dùng học tập mà tớ yêu thích là chiếc bút chì.
b)
- Chiếc bút chì có dạng hình trụ thon dài. Kích thước khoảng hơn một gang tay của em. Bút chì gồm có 3 bộ phận: Trên đầu là cục tẩy nhỏ xinh màu hồng, thân bút dài thẳng tắp, cuối cùng là ngòi bút chì nhọn hoắt. Thân bút chì được bao trọn bên ngoài bởi hai đường kẻ vàng và nâu xen kẽ nhau. Bên trong là ruột bút màu đen.
- Bút chì giúp tớ có thể dễ dàng vẽ được những thứ mình yêu thích.
- Tớ rất yêu chiếc bút chì, nó là đồ vật gắn bó với tớ trong học tập. Hằng ngày, sau khi sử dụng xong, tớ lại cất bút chì gọn gàng vào hộp bút.
Câu 2: Dựa vào những điều đã nói ở bài tập 1, hãy viết 4 – 5 câu tả một đồ vật em yêu thích.
Hướng dẫn trả lời:
Đồ dùng học tập mà em yêu thích là chiếc bút chì. Chiếc bút chì có dạng hình trụ thon dài. Kích thước khoảng hơn một gang tay của em. Bút chì gồm có 3 bộ phận: Trên đầu là cục tẩy nhỏ xinh màu hồng, thân bút dài thẳng tắp, cuối cùng là ngòi bút chì nhọn hoắt. Thân bút chì được bao trọn bên ngoài bởi hai đường kẻ vàng và nâu xen kẽ nhau. Bên trong là ruột bút màu đen. Bút chì giúp em có thể dễ dàng vẽ được những thứ mình yêu thích. Em rất yêu chiếc bút chì, nó là đồ vật gắn bó với em trong học tập. Hằng ngày, sau khi sử dụng xong, em lại cất bút chì gọn gàng vào hộp bút.
Bài tập minh họa
Câu 1. Thi đố vui:
a) Cùng bạn đố và giải các câu đố đã học.
Bạn A nêu một câu đố, bạn B nói lời giải, sau đó đổi vai.
b) Tập đặt một số câu đố (có vần hoặc không có vần) và đố bạn.
- Về đồ dùng học tập
Mẫu:
Cái gì mà có hai đầu
Mẹ mua cho bé tô màu vẽ tranh.
- Về các môn học
Mẫu: Môn gì dạy ta biết vẽ, biết tô màu, tên nó bắt đầu bằng chữ M?
Hướng dẫn trả lời:
a) Đóng vai
A: Không phải bò, không phải trâu
Uống nước ao sâu, lên cày ruộng cạn.
B: Đáp án là cái bút mực
b)
Thân hình chữ nhật
Chữ nghĩa đầy mình
Ai muốn giỏi nhanh
Đọc tôi cho kĩ.
=> Đáp án là quyển sách
Câu 2. Vẽ một đồ dùng học tập. Viết câu đố mà em đã học (hoặc em tự nghĩ ra) về đồ dùng đó.
Hướng dẫn trả lời:
Thân hình chữ nhật
Chữ nghĩa đầy mình
Ai muốn giỏi nhanh
Đọc tôi cho kĩ.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc ươm mầm, có chuyện hay
+ Biết và sử dụng loại văn mô tả đồ vật