Bài 4: Góc nhỏ yêu thương
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hoạt động khởi động
Giới thiệu về nơi em thường đọc sách theo gợi ý:
Em thường đọc sách ở thư viện của trường. Thư viện là nơi rất yên tĩnh. Thư viện có rất nhiều sách, báo, tạp chí thú vị.
1.2. Khám phá và luyện tập
1.2.1. Đọc
Góc nhỏ yêu thương
Trong sân trường, thư viện xanh nằm dưới vòm cây rợp mát. Giờ ra chơi, chúng em chạy ùa đến đây để gặp lại những người bạn bước ra từ trang sách.
Sách, báo được đặt trong những chiếc túi vải, hộp thư sơn màu bắt mắt. Có rất nhiều loại sách hay và đẹp để chúng em chọn đọc như Truyện cổ tích, Những câu hỏi vì sao, Vũ trụ kì thú,... Vài bạn đang vui vẻ chia sẻ câu chuyện thú vị bên một khóm hoa xinh. Có bạn ngồi đọc sách trên xích đu được làm từ lốp cao su. Bạn khác nằm đọc thoải mái trên thảm cỏ xanh mát. Trong vòm lá, bầy chim thánh thót những khúc nhạc vui.
Thư viện xanh là góc nhỏ yêu thương. Ở đó, chúng em được làm bạn cùng sách, báo và thiên nhiên tươi đẹp.
Võ Thu Hương
a) Cùng tìm hiểu
Câu 1: Thư viện xanh nằm ở đâu?
Thư viện xanh nằm dưới vòm cây rợp mát.
Câu 2: Chỗ đặt sách, báo của thư viện xanh có gì lạ?
Điểm lạ của chỗ đặt sách, báo của thư viện xanh là: Sách, báo được đặt trong những chiếc túi vải, hộp thư sơn màu bắt mắt.
Câu 3: Vì sao thư viện xanh được gọi là góc nhỏ yêu thương?
Thư viện xanh được gọi là Góc nhỏ yêu thương là do ở đó, các bạn được làm bạn cùng sách, báo và thiên nhiên tươi đẹp.
Câu 4: Nếu trường có thư viện xanh, em muốn nơi đó như thế nào?
Nếu có thư viện xanh, em muốn nơi đó được đặt ở một địa điểm thoáng mát, yên tĩnh. Thư viện ở cạnh một khu vườn nhỏ rợp bóng cây xanh mát.
b) Sáng tạo
Ngôi trường mới
Em bước vào lớp, vừa bỡ ngỡ, vừa thấy quen thân. Tường vôi trắng, cánh cửa xanh, bàn ghế gỗ xoan đào nổi vân như lụa. Em thấy tất cả đều sáng lên và thơm tho trong nắng mùa thu.
Ngô Quân Miện
a. Tìm tên đồ vật chứa tiếng bắt đầu bằng chữ g hoặc chữ gh có trong tranh dưới đây:
Những đồ vật chứa tiếng bắt đầu bằng gh hoặc g có trong tranh là: ghế, ngựa gỗ, gương, bộ ghép hình, gối.
b. Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với mỗi ô trống
(sau, sâu): Mấy chú chim nhỏ đang bắt ...ở vườn rau phía...trường
(cau, câu): Dưới gốc cây .. cạnh bờ ao, hai ông cháu ngồi...cá
(khác, khát): Ở đây, bạn có thể giải ...bằng nhiều loại trà...nhau
(các, cát): ...bạn nhỏ nô đùa trên bãi ...
Lời giải
- (sau, sâu): Mấy chú chim nhỏ đang bắt sâu ở vườn rau phía sau trường.
- (cau, câu): Dưới gốc cây cau cạnh bờ ao, hai ông cháu ngồi câu cá.
- (khác, khát): Ở đây, bạn có thể giải khát bằng nhiều loại trà khác nhau.
- (các, cát): các bạn nhỏ nô đùa trên bãi cát.
1.2.2. Mở rộng vốn từ
Câu 1: Tìm 2 – 3 từ ngữ chỉ đặc điểm có tiếng:
- Rộng
- Sạch
- Yên
Lời giải
- rộng: rộng rãi, chiều rộng,...
- sạch: sạch sẽ, sạch bong, sạch bóng,...
- yên: yên tĩnh, bình yên, yên ổn, yên bình, yên vui,...
Câu 2: Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a. Đặt 1 – 2 câu có từ ngữ tìm được ở bài tập 3.
b. Đặt câu hỏi cho các từ ngữ in đậm.
- Thư viện trường em rất yên tĩnh.
- Sân trường rộng rãi, nhiều cây xanh.
M: - Phòng học lớp em sạch sẽ.
-> Phòng học lớp em thế nào?
Lời giải
a.
Các phòng học đều rất rộng rãi.
Chiều rộng căn phòng là 10 mét.
Nhà cửa sạch sẽ.
Mẹ dọn dẹp phòng sạch bong.
Thư viện yên tĩnh.
Làng quê bình yên.
b.
- Thư viện trường em rất yên tĩnh.
-> Thư viện trường em thế nào?
- Sân trường rộng rãi, nhiều cây xanh.
-> Sân trường thế nào?
1.2.3. Kể chuyện
Câu 1: Nghe kể chuyện
Loài chim học cách xây tổ
1. Phượng hoàng mở lớp học dạy các loài chim về cách làm tổ. Nó nói:
- Làm tổ không dễ.
Gà rừng mới nghe đã gật gà gật gù, rồi ngáy khò khò.
2. Phượng hoàng tiếp tục hướng dẫn:
– Trước hết phải tìm trên cây chỗ có chạc ba. Rồi tìm những cành dẻo, uốn cong lại, đan thành một cái rổ con...
Vừa nghe đến đây, Cứ nghĩ xây tổ dễ ợt. Nó cười rộ lên rồi bay đi.
3. Phượng hoàng vẫn tiếp tục hướng dẫn cách làm tổ. Én vẫn say sưa lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của phượng hoàng. Sau khi tổ đã bện xong, én dùng đất sét trát lại, rải bên trong một ít rơm mềm. Nó cảm ơn phượng hoàng, cúi đầu chào rồi bay vút lên trời xanh.
4. Thế là các loài chim bắt đầu làm tổ.
Gà chẳng nhớ chữ nào trong đầu nên loài người phải làm tổ sẵn cho nó. Cú không nghe giảng đầy đủ, nên cũng chẳng có tổ. Củ phải sống trong những hốc cây tối tăm. Chỉ có én, một học sinh chăm chỉ, đã làm nhà mình theo đúng cách. Nhờ đó, tổ én luôn luôn xinh xắn, ấm áp.
Theo Truyện cổ tích Ấn Độ, Thái Bình kể
Câu 2:
a. Kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh và từ ngữ gợi ý dưới tranh
Lời giải
* Đoạn 1:
Ngày xửa ngày xưa, khi mà các loài chim còn chưa biết cách làm tổ. Phượng hoàng đã mở lớp dạy các loài chim về cách làm tổ. Nó nói:
- Làm tổ không dễ đâu!
Mới nghe đến đây, gà rừng đã gật gà gật gù, rồi ngáy khò khò.
* Đoạn 2:
Phượng hoàng tiếp tục say sưa hướng dẫn mọi người.
- Trước hết phải tìm trên cây chỗ có chạc ba. Rồi tìm những cành dẻo, uốn cong lại, đan thành một cái rổ con...
Cú mới nghe đến cần tìm nơi làm tổ trên cây đã nghĩ làm tổ dễ ợt. Nó cười rộ lên rồi bay đi.
* Đoạn 3:
Phượng hoàng vẫn tiếp tục hướng dẫn cách làm tổ. Én vẫn say sưa lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của phượng hoàng. Sau khi tổ đã bện xong, én dùng đất sét trát lại, rải bên trong một ít rơm mềm. Nó cảm ơn phượng hoàng, cúi đầu chào rồi bay vút lên trời xanh.
* Đoạn 4:
Thế là các loài chim bắt đầu làm tổ.
Gà chẳng nhớ chữ nào trong đầu nên loài người phải làm tổ sẵn cho nó. Cú không nghe giảng đầy đủ, nên cũng chẳng có tổ. Củ phải sống trong những hốc cây tối tăm. Chỉ có én, một học sinh chăm chỉ, đã làm nhà mình theo đúng cách. Nhờ đó, tổ én luôn luôn xinh xắn, ấm áp.
b. Kể lại toàn bộ câu chuyện
Ngày xửa ngày xưa, khi mà các loài chim còn chưa biết cách làm tổ. Phượng hoàng đã mở lớp dạy các loài chim về cách làm tổ. Nó nói:
- Làm tổ không dễ đâu!
Mới nghe đến đây, gà rừng đã gật gà gật gù, rồi ngáy khò khò.
Phượng hoàng tiếp tục say sưa hướng dẫn mọi người.
- Trước hết phải tìm trên cây chỗ có chạc ba. Rồi tìm những cành dẻo, uốn cong lại, đan thành một cái rổ con...
Cú mới nghe đến cần tìm nơi làm tổ trên cây đã nghĩ làm tổ dễ ợt. Nó cười rộ lên rồi bay đi.
Phượng hoàng vẫn tiếp tục hướng dẫn cách làm tổ. Én vẫn say sưa lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của phượng hoàng. Sau khi tổ đã bện xong, én dùng đất sét trát lại, rải bên trong một ít rơm mềm. Nó cảm ơn phượng hoàng, cúi đầu chào rồi bay vút lên trời xanh.
Thế là các loài chim bắt đầu làm tổ.
Gà chẳng nhớ chữ nào trong đầu nên loài người phải làm tổ sẵn cho nó. Cú không nghe giảng đầy đủ, nên cũng chẳng có tổ. Củ phải sống trong những hốc cây tối tăm. Chỉ có én, một học sinh chăm chỉ, đã làm nhà mình theo đúng cách. Nhờ đó, tổ én luôn luôn xinh xắn, ấm áp.
Bài tập minh họa
Câu 1:
a. Nói 4 – 5 câu giới thiệu một quyển sách giáo khoa lớp Hai theo gợi ý:
- Đó là quyển sách gì?
- Quyển sách có đặc điểm gì về:
+ Hình dáng
+ Màu sắc
+ Hình vẽ trang trí
- Quyển sách giúp ích gì cho em?
b. Viết vào vở nội dung em vừa nói.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Em hoàn thành bài tập dựa vào gợi ý đã đưa.
Lời giải
Quyển sách giáo khoa mà em thích là quyển Tiếng Việt 2. Quyển sách có hình chữ nhật. Màu vàng vô cùng bắt mắt. Ở trang bìa ngoài cùng có vẽ hình ảnh từng đàn chim tung cánh bay lượn. Phía dưới là hai bạn học sinh đang say sưa đọc từng trang sách. Dòng chữ Tiếng Việt 2 tập 1 đặt ở một vị trí dễ thấy. Sách Tiếng Việt 2 giúp em mở rộng sự hiểu biết về thế giới bằng những bài đọc, những câu chuyện trong sách.
Câu 2: Đọc một bài văn về trường học
a. Chia sẻ bài văn đã đọc
b. Viết vào Phiếu đọc sách những điều em đã chia sẻ.
Lời giải
Bài văn về Trường học gần đây em đọc được là bài Chậu hoa của tác giả A-mô-na-svi-li do tác giả Vũ Nho dịch. Hình ảnh mà em yêu thích trong bài là hình ảnh chậu hoa sau khi bị vỡ được hai cậu học trò cùng nhau vun đắp lại.
Câu 3: Trao đổi về cách em bảo quản sách
Lời giải
Cách em bảo quản sách đó là:
- Đọc sách cẩn thận
- Giữ gìn sách cẩn thận, không để sách bị dây bẩn, rách nát
- Khi không đọc thì để sách vào giá sách, đúng nơi quy định
Luyện tập
Sau bài học này các em nắm được
- Giới thiệu về nơi em thường đọc sách; nêu được phỏng đoán của bản thân về nội dung bài qua tên bài và tranh minh hoạ.
- Đọc trôi chảy bài đọc, ngắt nghỉ đúng dấu câu, đúng logic ngữ nghĩa; hiểu nội dung bài đọc: Thư viện xanh là thư viện ngoài trời, có nhiều góc đọc sách thú vị, là góc nhỏ yêu thương của các bạn học sinh trong trường; biết liên hệ bản thân: yêu quý thư viện.
- Nghe – viết đúng đoạn văn; phân biệt g/gh, au/âu, ac/at.