Bài 1: Bàn tay dịu dàng


Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hoạt động khởi động

Quan sát tranh:

- Cho biết mỗi người trong tranh đang làm gì?

- Dự đoán cảm xúc của mỗi người trong tranh.

Lời giải

Bạn trai đeo ba lô có chuyện không vui, thầy giáo cùng những người bạn khác đang an ủi bạn ấy.

1.2. Khám phá và luyện tập

1.2.1. Đọc

Bàn tay dịu dàng

Bà của An mới mất nên An xin nghỉ học mấy ngày liền. Sau đám tang bà, An trở lại lớp, lòng nặng trĩu nỗi buồn. Thế là chẳng bao giờ An còn được nghe bà kể chuyện cổ tích, chẳng bao giờ An còn được bà âu yếm, vuốt ve...

Nhớ bà, An ngồi lặng lẽ. Thầy giáo bước vào lớp. Thầy bắt đầu kiểm tra bài của học sinh. Khi thầy đến gần, An thì thào buồn bã:

- Thưa thầy, hôm nay em chưa chuẩn bị bài tập ạ!

Thầy im lặng, nhẹ nhàng xoa đầu An, rồi vỗ nhẹ lên vai An như an ủi. Bàn tay thầy dịu dàng, ấm áp, thương yêu.

An nói tiếp:

- Nhưng sáng mai em sẽ chuẩn bị bài đầy đủ ạ!

- Tốt lắm! Thầy biết em nhất định sẽ làm! - Thầy khẽ nói với An.

Phỏng theo Xu-khom-lin-xki

(Vasilij Aleksandrovich Sukhomlinskij).

Mạnh Hưởng dịch

a) Cùng tìm hiểu

Câu 1: Khi bà mất, An cảm thấy thế nào? Vì sao?

Khi bà mất, An cảm thấy lòng nặng trĩu nỗi buồn. Bởi vì An sẽ chẳng còn được nghe bà kể chuyện cổ tích, chẳng bao giờ An còn được bà âu yếm, vuốt ve,…

Câu 2: Vì sao thầy giáo không trách An khi biết bạn chưa chuẩn bị bài?

Thầy giáo không trách An khi biết bạn chưa chuẩn bị bài bởi vì thầy giáo biết An đang buồn vì bà mất.

Câu 3: Tìm từ ngữ thể hiện tình cảm của thầy giáo đối với An.

Những từ ngữ thể hiện tình cảm của thầy giáo đối với An:

- nhẹ nhàng xoa đầu, vỗ nhẹ lên vai

- bàn tay dịu dàng, ấm áp, thương yêu

- thầy khẽ nói: “Tốt lắm! Thầy biết em nhất định sẽ làm!”

Câu 4: Kể những việc làm thể hiện sự quan tâm của thầy cô với em.

Kể những việc làm thể hiện sự quan tâm của thầy cô với em:

- Cô giáo kiên nhẫn giảng bài cho em khi em chưa hiểu

- Cô kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ cho em

- Cô chăm sóc, an ủi khi em bị ốm

- Cô trò chuyện cùng với chúng em.

b) Cùng sáng tạo

Kết nối yêu thương

Đóng vai các bạn trong lớp, viết lời an ủi, động viên bạn An.

Ví dụ:

An thân mến,

Mình hiểu những nỗi buồn của bạn vì mình cũng từng có người thân mất đi. Nhưng bạn hãy cố gắng lên nhé! Hãy cố gắng học tập thật tốt và sống vui vẻ mỗi ngày. Mình tin rằng bà của bạn ở trên thiên đường vẫn luôn dõi theo bạn. Nếu như có gì cần giúp đỡ hãy gọi cho mình nhé!

1.2.2. Viết

Câu 1: Viết chữ hoa L

- Cấu tạo: gồm nét móc ngược trái, nét thẳng, nét xiên phải, nét móc ngược phải.

- Cách viết: Đặt bút trên ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 4, viết một nét lượn dọc theo ĐK dọc 2, viết tiếp luôn nét thắt và lượn ngang, dừng bút trên ĐK dọc 3, dưới ĐK ngang 2 (Lưng nét cong trái chạm ĐK dọc 1; Chỗ bắt đầu viết nét lượn dọc phải ngang bằng với điểm đặt bút).

Câu 2: Viết ứng dụng Lên rừng, xuống biển

Em viết lần lượt các từ trong câu ứng dụng theo thứ tự

1.2.3. Mở rộng vốn từ

Câu 1: Tìm cặp từ phù hợp với hình vẽ (theo mẫu)

Các cặp từ cần tìm là: dày – mỏng, to – bé, cũ – mới

Câu 2: Thực hiện các yêu cầu dưới đây:

a. Câu nào dưới đây dùng để thể hiện cảm xúc của bạn nhỏ khi thấy chiếc bàn học mới? 

Cái bàn học này rất mới.

Cái bàn học này mới hay cũ?

Ồ, cái bàn học mới quá!

b. Chọn dấu câu phù hợp với mỗi □

- Chà, tảng đá nặng ghê □

- Quyển sách này hơi mỏng □

- A, phòng học mới rộng quá □

- Cái thước ngắn của bạn nào nhỉ □

c. Viết lại các câu kể hiện cảm xúc ở bài tập b

Lời giải

a. Câu thể hiện cảm xúc của bạn nhỏ khi thấy chiếc bàn học mới là:

- Ồ, cái bàn học mới quá!

b. Chọn dấu câu phù hợp với mỗi ô trống:

- Chà, tảng đá nặng ghê!

- Quyển sách này hơi mỏng.

- A, phòng học mới rộng quá!

- Cái thước ngắn của bạn nào nhỉ?

c. Viết lại các câu thể hiện cảm xúc ở bài tập b:

- Chà, tảng đá nặng ghê!

- A, phòng học mới rộng quá!

Bài tập minh họa

Chơi trò chơi Bàn tay dịu dàng

Lời giải chi tiết:

(Em và các bạn cùng tham gia trò chơi)

Luyện tập

Sau bài học này các em nắm được

-  Thông qua việc qua sát tranh, cho biết việc làm trong tranh, dự đoán cảm xúc của các nhân vật trong tranh.

- Đọc trôi chảy bài đọc, ngắt nghỉ đúng dấu câu, đúng logic ngữ nghĩa; phân biệt được lời của các nhân vật và lời người dẫn chuyện; hiểu được nội dung bài: Thái độ trìu mến, thương yêu học sinh và sự chia sẻ của thầy giáo đã động viên An, giúp bạn cố gắng hơn trong học tập; biết liên hệ với bản thân: cần biết chia sẻ, động viên, an ủi bạn bè khi bạn gặp chuyện buồn; viết được 1 – 2 câu an ủi, động viên (chia buồn).

Bài học bổ sung