Thống nhất quy trình xử trí F0, F1 ở trường học

Bùi Thế Hiển
Admin 23 Tháng hai, 2022

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước. Như vậy đã thống nhất quy trình xử trí F0, F1 trong trường học để nhà trường, phụ huynh và học sinh thực hiện, tránh tình trạng "phập phù" lúc học, lúc nghỉ. Mời các bạn tham khảo toàn bộ nội dung.

Trước những lúng túng, bất cập trong việc xử trí ca F0, F1 trong trường học, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy và học trực tiếp.

Không bắt buộc xét nghiệm khi trở lại trường

Theo đó, đối với lớp có học sinh là F0, giáo viên chủ nhiệm cho các em ngồi tại chỗ. Sau đó, nhân viên y tế điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Nhân viên y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử trí theo quy định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính, những học sinh này đi học lại bình thường. Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, Bộ Y tế nhấn mạnh nếu trong lớp có 1 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp. Chỉ xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiền sử tiếp xúc F0. Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn, bảo đảm nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh cùng lớp và giữa các lớp. Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác. Bên cạnh đó, học sinh ăn theo suất riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.

Còn khó khăn đối với giáo viên F1

Chị Lê Ngọc Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết khi chưa có quy định mới nhất của Bộ Y tế hướng dẫn xử trí trường hợp F0, F1 khi dạy học trực tiếp, tại trường của con chị, nếu học sinh là F1, nhà trường thông báo và cho các em này cách ly tại nhà 7 ngày.

"Đây là quy định khá linh hoạt và hợp lý, dù lúc này quy định của Bộ Y tế vẫn là cách ly tại nhà 14 ngày đối với F1 chưa tiêm vắc-xin" - chị Ngọc Anh nhận xét.

Việc lúng túng trước các ca F0, F1 hiện nay trong các cơ sở giáo dục, theo lý giải của nhiều hiệu trưởng, là do sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở y tế, giữa phụ huynh và nhà trường.

"Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, không phải trong lớp có F0 thì tất cả trường hợp còn lại là F1. Việc xác định F1 thuộc cơ quan y tế nhưng cơ quan này không phải lúc nào cũng có thể điều tra dịch tễ kỹ càng trường hợp nào tiếp xúc gần, trường hợp nào không hề tiếp xúc. Trong tình huống không thực hiện xét nghiệm nhanh F1 mà xác định tất cả học sinh trong lớp có F0 đều là F1 thì rất bất cập" - hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 nhận xét.

Trong khi đó, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở này đã phối hợp cùng Sở Y tế trình UBND thành phố hướng dẫn các trường cách xử trí khi có ca F0. Các trường cần làm theo đúng quy định của Bộ Y tế, không để tình trạng lớp có 1 F0 thì tất cả học sinh phải nghỉ học.

Người phụ trách y tế trường học của một phòng GD-ĐT cho rằng văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế là hợp lý trong quy trình xử trí F0, F1. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục hiện nay còn băn khoăn về quy trình xử trí đối với F1 là giáo viên.

Người phụ trách y tế trường học nêu trên nhìn nhận theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với giáo viên là F1 dù tiêm đủ liều hay chưa tiêm vắc-xin cũng có thời gian cách ly 10 ngày, điều này sẽ gặp khó khăn vì các cơ sở giáo dục rất thiếu người. Trong bối cảnh vừa dạy online vừa dạy trực tiếp thì việc bố trí giáo viên gặp nhiều khó khăn.

TP HCM: 93% trẻ mắc Covid-19 thuộc nhóm chưa tiêm vắc-xin

Tại buổi họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM chiều 22-2, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ ngày 7 đến 13-2, thành phố ghi nhận 449 trẻ mắc Covid-19 tại 117 trường. Trong tuần qua, khi học sinh đi học trở lại, số trẻ mắc bệnh tăng lên 6.799 tại 201 trường học.

Về tình hình điều trị trẻ mắc Covid-19, TP HCM có 3 bệnh viện nhi đang điều trị 100 trẻ, trong đó có 15 trẻ từ các tỉnh chuyển đến. Hầu hết trẻ mắc bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là 93% trẻ trong số này dưới 12 tuổi thuộc nhóm chưa tiêm vắc-xin.

Trước tình hình trên, ngành y tế TP HCM đã xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị F0 là trẻ em theo từng kịch bản. Trong đó, ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi của thành phố có sức chứa 450 giường với 150 giường hồi sức - hô hấp.

Ngành y tế sẽ tham mưu cho UBND TP HCM xem xét việc ngừng học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay, mỗi ngày chỉ có 5 trường hợp trẻ cần hỗ trợ hô hấp.

Trên đây là bài viết Thống nhất quy trình xử trí F0, F1 ở trường học. Tất cả các hướng dẫn cho F0, F1 đã cũng được ban hành cụ thể. Để biết thêm nhiều thông tin quan trọng khác, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Văn bản pháp luật.


Hỏi bài