Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
- Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.
b) Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2021, Bộ Luật lao động năm 2019 đã có hiệu lực thi hành, trong đó tại Khoản 2 Điều 169 quy định có sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu, theo đó tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình như sau: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.
Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Theo đó, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với mốc tuổi theo lộ trình tùy thuộc vào từng đối tượng đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật BHXH và mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm 2%.
- Theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế thì: “Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám định”.
Trường hợp bạn chỉ có Biên bản giám định y khoa năm từ 2015 thì đến nay nếu bạn đã đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nêu trên thì bạn có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ hưu trí.