Cải cách tiền lương: Phải đồng bộ, chắc chắn, không nóng vội
Lùi thời điểm cải cách tiền lương
TimDapAnmời các bạn cùng tìm hiểu bài viết Cải cách tiền lương: Phải đồng bộ, chắc chắn, không nóng vội.
- Khác biệt cách tính lương công chức hiện nay và từ 01/7/2022
- Từ 01/7/2022, công chức không được hưởng thu nhập ngoài lương
- Toàn bộ văn bản về cải cách tiền lương từ 01/7/2022
Một trong những vấn đề cử tri quan tâm là kỳ họp Quốc hội lần này tiếp tục đặt lên bàn việc cải cách tiền lương. Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng nay (21.10), đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều năm nay, được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 27. Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…
Do tác động bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội, việc cải cách tiền lương phải lùi lại.
Ngoài khó khăn bởi dịch COVID-19, công tác chuẩn bị cho cải cách tiền lương còn bất cập, trong đó có việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn để cải cách.
Nguồn lực cải cách tiền lương là một trở lực. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang phải dùng nhiều khoản chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống lại dịch COVID-19 bằng hàng loạt các chính sách thì câu hỏi: “Nguồn đâu để chi lương, thực hiện cải cách” trở thành bài toán nan giải.
Hôm qua, tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ thời kỳ trước, chúng ta đã vượt thu ngân sách lớn, từ đó đưa ra chủ trương nếu vượt thu của địa phương nào thì để lại 50% để đầu tư, còn 50% để lại cho tăng lương năm nay.
Con số dự kiến để cải cách tiền lương lên tới 600-700 nghìn tỉ đồng. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra tại TPHCM và một số tỉnh đã hết nguồn thu, phải sử dụng một số quỹ, trong đó có quỹ vượt thu để dành cho tiền lương để chi cho khám chữa bệnh, điều trị, vật tư y tế. Bên cạnh đó, đây là thời điểm người dân đang khó khăn, nhất là công nhân, nông dân thiếu việc làm.
Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Lúc này nếu công chức, viên chức mà tăng lương thì không có ý nghĩa về chính trị. Do đó, Chủ tịch nước đã đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ chưa nâng lương đợt này để phù hợp lòng dân”.
Song Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc này không thể kéo dài mãi. Nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ công chức thì phải có chính sách hỗ trợ, tăng lương cho người về hưu trước năm 1995. Đây là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
“Chúng ta phải có nguồn thu, không thể đi vay để tăng lương được. Việc giảm biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp cũng đồng bộ với cải cách tiền lương là vấn đề đang đặt ra. Nhưng cũng có yêu cầu Chính phủ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án sớm trình để tăng lương, cải cách tiền lương. Trước mắt thống nhất chưa nâng lương đợt này” - Chủ tịch nước nói.
Cải cách tiền lương là một bài toán không đơn giản, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt trong lúc này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì chi phòng chống dịch cấp thiết hơn, ưu tiên hơn.
Bởi thế, việc cải cách tiền lương chậm lại cũng là điều bắt buộc phải làm, là bước đi linh hoạt, ưu tiên những nhiệm vụ cần thiết trước.
Đây cũng là lúc lực lượng cán bộ, công chức, viên chức… cần đồng thuận và chia sẻ về chính sách tiền lương. Một chủ trương lớn, phải đồng bộ, chắc chắn, không được nóng vội thì hiệu quả và giá trị cải cách sẽ cao hơn.