Thông tư 113/2016/TT-BQP về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Bùi Thế Hiển
Admin 30 Tháng tám, 2021

Thông tư 113/2016/TT-BQP

Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định mới về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng. 

Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Cụ thể như là: Các chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; nghỉ hằng tuần, hàng năm, nghỉ lễ tết; nghỉ an dưỡng, điều dưỡng; nghỉ phép đặc biệt,... 

BỘ QUỐC PHÒNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 113/2016/TT-BQP Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2016

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ NGHỈ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Các chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

1. Nghỉ hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định của Bộ luật lao động và quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

a) Nghỉ hằng tuần;

b) Nghỉ phép hằng năm;

c) Nghỉ phép đặc biệt;

d) Nghỉ ngày lễ, tết;

đ) Nghỉ an dưỡng, điều dưỡng;

e) Nghỉ chuẩn bị hưu;

2. Nghỉ chế độ ốm đau, chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 4. Nghỉ hằng tuần

Hằng tuần, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngày thứ Bảy, ngày Chủ nhật. Đối với các đơn vị do tính chất, nhiệm vụ đặc biệt không thể nghỉ ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật, thì người chỉ huy đơn vị có thẩm quyền sắp xếp cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ bù vào ngày khác trong tuần.

Điều 5. Nghỉ phép hằng năm

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hằng năm như sau:

a) Dưới 15 năm phục vụ được nghỉ 20 ngày;

b) Từ đủ 15 năm đến dưới 25 năm phục vụ được nghỉ 25 ngày;

c) Từ đủ 25 năm phục vụ trở lên được nghỉ 30 ngày.

2. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ở đơn vị đóng quân cách xa gia đình được ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau:

a) Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm;

b) Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm.

3. Được thanh toán tiền tàu, xe, phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành; thời gian đi đường không tính vào số ngày được nghỉ phép hằng năm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được đơn vị bố trí nghỉ phép hằng năm thì được hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

5. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu có nguyện vọng thì được gộp số ngày nghỉ phép của hai năm để nghỉ một lần.

Điều 6. Nghỉ phép đặc biệt

Ngoài chế độ nghỉ phép hằng năm, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép đặc biệt không quá 10 ngày, trong những trường hợp sau đây:

1. Kết hôn; con đẻ, con nuôi hợp pháp kết hôn.

2. Bố đẻ, mẹ đẻ; bố vợ, mẹ vợ; bố chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết hoặc đau ốm nặng, tai nạn phải điều trị dài ngày tại các cơ sở y tế.

3. Gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra.

Điều 7. Nghỉ ngày lễ, tết

1. Hằng năm, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngày lễ, tết theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 của Bộ luật lao động và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 tháng 12).

2. Trường hợp ngày nghỉ lễ, tết quy định tại Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ bù vào những ngày kế tiếp.

Điều 8. Nghỉ an dưỡng, điều dưỡng

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ an dưỡng, điều dưỡng theo quy định tại Thông tư số 179/2013/TT-BQP ngày 17 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, quản lý hoạt động các Đoàn an điều dưỡng và chế độ an điều dưỡng trong quân đội.

Điều 9. Nghỉ chuẩn bị hưu

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu, thời gian được nghỉ để chuẩn bị hậu phương gia đình (nghỉ chuẩn bị hưu) như sau:

a) Từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ 09 tháng;

b) Từ đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ 12 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nếu mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần thực hiện theo Thông tư số 157/2013/TT-BQP ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, điều trị, chăm sóc, giải quyết chính sách đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu do quân đội quản lý bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần và Thông tư số 70/2016/TT-BQP ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục thôi phục vụ tại ngũ, thôi việc đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong các tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 10. Thẩm quyền giải quyết chế độ nghỉ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên:

1. Giải quyết cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền nghỉ theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.

2. Quyết định thời điểm, thời gian, tỷ lệ nghỉ phép hằng năm đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Điều 11. Đình chỉ chế độ nghỉ

Việc đình chỉ chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Điều 12. Chế độ đăng ký khi nghỉ phép hằng năm

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phải đăng ký thời điểm, thời gian và nơi nghỉ phép với cơ quan, tổ chức, đơn vị để được giải quyết nghỉ theo chế độ quy định.

2. Trong thời gian nghỉ phép quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có trách nhiệm đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi nghỉ phép.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 10 năm 2016.

2. Chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

3. Thông tư này bãi bỏ Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 149/2002/QĐ-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc quy định chế độ nghỉ của sĩ quan tại ngũ và thay thế Quyết định số 126/2002/QĐ-BQP ngày 16 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chế độ nghỉ của công nhân viên quốc phòng.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ảnh về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Quân lực) để nghiên cứu, giải quyết.

Nơi nhận: KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
  • Các Thủ trưởng Bộ, CNTCCT;
  • Văn phòng Chính phủ;
  • Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
  • Cục Kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp;
  • Các cục: Quân lực, Cán bộ, Chính sách;
  • Bảo hiểm xã hội/BQP;
  • Vụ Pháp chế/BQP;
  • Công báo, Cổng TTĐTCP; Cổng TTĐT/BQP;
  • Lưu: VT, NCTH, THBĐ, Q96.
Trung tướng Phan Văn Giang

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!