Sự tích Tết Trung thu về chị Hằng, chú Cuội và Thỏ ngọc
Tết Trung thu là dịp mà tất cả trẻ em đều háo hức mong chờ, hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và Thỏ Ngọc cùng những màn múa lân, rước đèn,... lại được tái hiện. Các sự tích tết Trung thu, tổng hợp tất cả những sự tích hay nhất mùa trung thu giúp cha mẹ có thể dễ dàng kể lại cho bé.
- Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
- Cách tổ chức Tết Trung Thu cực vui cho thiếu nhi
- Tết Trung Thu tặng quà gì đơn giản mà ý nghĩa?
- Lời dẫn chương trình tết Trung thu hay nhất
- Kịch bản chương trình tết Trung thu
- Tuyển tập đố vui Trung thu chọn lọc
Tết Trung Thu diễn ra ngày 15/8 âm lịch hàng năm, là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt. Không chỉ có gia đình được đoàn viên, sum vầy bên nhau mà các em nhỏ còn được tham gia vào ngày hội với những nhân vật nổi tiếng được yêu thích đó là chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc. Vậy bạn đã nghe về sự tích của những nhân vật này chưa? hãy cùng TimDapAnkhám phá câu chuyện về những nhân vật đặc trưng vào ngày lễ trung thu trong bài viết dưới đây ngay thôi nào!
1. Sự tích Tết trung thu Rằm tháng 8
Tết Trung Thu thường diễn ra theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Tục vui Tết Trung-Thu đã có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung-Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám (713-755). Về sau được lan rộng ra các nước láng giềng và thuộc địa của Trung Hoa.
Tại Việt Nam sử sách không nói rõ dân ta bắt đầu tổ chức Tết trung thu từ bao giờ. Chỉ biết rằng mấy trăm năm trước tổ tiên ta đã theo tục này. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch các khu chợ đã trưng bày nhiều mặt hàng mang màu sắc Trung thu như lồng đèn, bánh nướng, bánh dẻo. Người mua với người xem đông như hội. Ngoài các loại đồ chơi, đồ trang trí, bánh kẹo còn trưng bày nhiều loại mặt nạ, đầu lân sư tử.
Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được ông Phan Kế Bính diễn tả trong "VN Phong tục": "ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".
2. Sự tích Tết Trung Thu về chị Hằng
Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời. Hậu Nghệ đã lập nên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.
Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.
Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị 1 học trò tên là Bồng Mông nhìn thấy.
Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử, trong lúc nguy cấp Hằng Nga đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.
Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.
Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục "bái nguyệt" vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.
3. Sự tích chú Cuội
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm Cuội vào rừng và mang về 1 cây đa quý, có thể "cải tử hoàn sinh". Nhờ cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Rồi Cuội lấy vợ, nhưng vợ cuội vì thấy cuội chăm chút cây thuốc quý hơn nên nảy sinh lòng ghen ghét. Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, chị ra vườn sau, tưới nước bẩn cho cây chết. Không ngờ chị ta vừa tưới xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....
4. Sự tích Thỏ ngọc
Ngày xưa có lúc mất mùa, người vật đều nhịn đói. Các loài vật khó kiếm thức ăn nên tàn sát lẫn nhau. Loài thỏ yếu đuối, không khí giới tự vệ, không dám thò đầu ra ngoài kiếm ăn. Chúng đành nằm một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đói. Đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa do ai đốt sẵn và nằm quanh đống lửa nhìn nhau, mắt con nào cũng ươn ướt hoen lệ. Trước tình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại đã nhảy mình vào đống lửa tự thui để những con khác có cái ăn cho đỡ đói. Vừa lúc đó, đức Phật đi qua, Ngài thầm khen nghĩa khí của con thỏ nên nhặt nắm xương tàn của nó, hoá phép cho nó thành hình khác toàn bằng ngọc thơm tho và trong sáng, đưa nó lên cung Quảng Hàn và xin cho nó được lưu lại ở đây.
5. Sự tích bánh Trung thu
Tại một vương quốc nọ, vào ngày rằm tháng 8 vua cùng hoàng hậu uống trà thưởng nguyệt. Bất chợt vua phát hiện món bánh ngon kỳ lạ đặt tên là bánh Nguyệt. Từ đó, loại bánh này được phổ biến rộng rãi khắp kinh thành để muôn dân hưởng phúc.
Chính vì vậy ăn bánh trung thu ngày rằm được giữ gìn cho tới thời hiện đại. Mọi thành viên trong gia đình quây quần tụ họp bên mâm cỗ bánh nướng bánh dẻo. Bánh thường có hình tròn với hoa văn độc đáo tượng trưng cho sự đoàn viên sum vầy.
6. Sự tích múa lân và ông Thổ Địa
Dân gian tương truyền, vị thần Thổ địa thường ban phước sự giàu có trù phú không làm hại ai. Ông dụ con Kỳ Lân xuống trần gian để giúp dân lành hưởng thái bình làm ăn khấm khá.
Cứ mỗi dịp tết trung thu con lân theo sau ông Địa đi trước phe phẩy quạt mo tươi cười nhộn nhịp ban phước lộc cho buôn làng.
Trên đây là những câu chuyện sự tích Tết trung thu ý nghĩa và thú vị. Hy vọng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức tổng quát cụ thể hiểu rõ hơn về ngày tết trung thu trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, để tổ chức một bữa tiệc Trung thu thật vui và ý nghĩa, các bạn có thể tham khảo thêm Cách trang trí mâm ngũ quả ngày tết Trung thu, Cách tổ chức tết Trung thu cực vui cho thiếu nhi,...