Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là một bệnh phổ biến thường gặp và gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ. Sau đây sẽ là một số biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ TimDapAnxin được chia sẻ đến các bạn đọc giả.
- Bài tuyên truyền phòng chống bệnh đau mắt đỏ
1. Đau mắt đỏ là gì
Đau mắt đỏ (Pinkeye hoặc Conjunctivitis) hay còn gọi là viêm kết mạc. Đau mắt đỏ thường do nhiễm khuẩn, virut, hoặc di ứng. Bệnh thường tự hết trong vòng 1 đến 2 tuần. Tuy ít gây biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh sẽ gây khó chịu, cảm giác cộm xốn ở mắt, chảy nước mắt…
Đây là một bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, thường bùng phát thành dịch. Vì thế người bệnh cần biết những cách ngăn ngừa bệnh lây lan cũng như cách chữa đau mắt đỏ giúp bệnh nhanh khỏi.
2. Nguyên nhân đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có 3 nguyên nhân, do virut, vi khuẩn và dị ứng
– Virus: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ do virut rất dễ lây lan, bệnh thường lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong 1 tuần mà không cần điều trị.
– Vi khuẩn: vi khuẩn gây viêm kết mạc thường gặp là Staphylococus, Hemophilus Influenza …Viêm kết mạc do vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đứng thứ 2 sau virus. Khác với virut, đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị. Bệnh cũng rất dễ lây lan
– Dị ứng: Đau mắt đỏ do dị ứng thường xảy ra theo mùa (viêm kết mạc mùa xuân) hay do tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng (phấn hoa, lông chó mèo, bụi…). Bệnh tùy cơ địa từng người và sẽ khỏi khi ngưng tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh.
3. Triệu chứng đau mắt đỏ
Triệu chứng đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thường triệu chứng sẽ phát sau khi ủ bệnh từ 3-5 ngày
Đau mắt đỏ do virus
– Cộm xốn, chảy nước mắt nhiều, đổ ghèn liên tục
– Phù mi kết mạc, giả mạc.
– Thâm nhiễm giác mạc, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực suy giảm.
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt
Đau mắt đỏ do vi khuẩn
– Buổi sáng thức dậy có ghèn màu vàng hoặc xanh nhạt dính giữa 2 mi mắt
– Chảy nước mắt, ngứa mắt khó chịu
– Trong trường hợp biến chứng có thể gây viêm loét giác mạc, suy giảm thị lực nghiêm trọng
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt
Đau mắt đỏ do dị ứng
– Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
– Bệnh xảy ra cả hai mắt.
– Bệnh không lây
4. Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
Khi không có dịch
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Không dùng chung những vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…
Giặt sạch khăn mặt và phơi khô dưới ánh mặt trời sau khi sử dụng.
Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ
Khi đang có dịch hoặc người trong gia đình bị đau mắt đỏ, phải thực hiện các phương pháp sau để phòng bệnh:
Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý ít nhất 3 lần mỗi ngày.
Không dùng chung đồ đạc, chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân
Hạn chế đến nơi đông người, đặc biệt là nơi thường xuyên có mầm bệnh
Không đi bơi, không sử dụng chung nguồn nước với người bệnh.
Phòng ngừa đau mắt đỏ cho trẻ
Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc đau mắt đỏ do hệ miễn dịch yếu. Các bậc cha mẹ nên làm những phương pháp sau để phòng ngừa đau mắt đỏ cho trẻ.
Không cho bé tiếp xúc với người bệnh
Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi và đồ dùng của trẻ.
Cho trẻ sử dụng đồ dùng cá nhân riêng
Rửa tay kỹ bằng xà phòng cho trẻ sau khi chơi
Không cho trẻ dùng tay dụi mắt.
Không cho trẻ đi bơi khi đang có dịch
Ra đường đeo kính râm cho trẻ để tránh bụi và bảo vệ mắt
Cho trẻ ăn những thực phẩm tốt cho mắt, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng
Các bước vệ sinh mắt
Bước 1: Rửa tay sạch
Bước 2: Chuẩn bị 2 miếng gạc vô khuẩn để dùng cho từng mắt, nước muối sinh lý
Bước 3: Dùng gạc thấm nước muối sinh lý, lau nhẹ mắt từ trong ra ngoài.
Các bước vệ sinh mắt trên có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Mỗi ngày nên vệ sinh mắt ít nhất 3 lần vào buổi sáng, trưa và tối. Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây, vì thế ngoài việc biết cách chữa đau mắt đỏ, bạn cần biết cách phòng bệnh đau mắt đỏ. Khi bị bệnh phải đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và cho thuốc, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tìm Đáp Án.