Giáo án Lịch sử 10 bài 22: Tình hình kinh tế ở các thế kỷ XVI - XVIII
Giáo án Lịch sử 10: Tình hình kinh tế ở các thế kỷ XVI - XVIII
Giáo án Lịch sử 10 bài 22: Tình hình kinh tế ở các thế kỷ XVI - XVIII nội dung rõ ràng, dễ hiểu nhằm giúp quý thầy cô có thêm những tư liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy. Qua giáo án này, quý thầy cô sẽ giúp học sinh hiểu được đất nước có nhiều biến động lớn, nhưng kinh tế có nhiều biểu hiện phát triển về mọi mặt.
Giáo án Lịch sử 10 bài 21: Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỷ XVI - XVIII
Bài 22:
Tình hình kinh tế ở các thế kỷ XVI – XVIII
I. Mục tiêu bài học:
1. Kiến thức:
- Trình bày được tình hình nông nghiệp, sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp ở nước ta thế kỷ XVI – XVIII.
- Nêu được sự hưng khởi của các đô thị và đánh giá được vai trò của các đô thị đối với sự phát triển kinh tế thời kì này.
- Phân tích được những yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế nước ta thế kỷ XVI – XVIII.
2. Kỹ năng:
- Rèn luyện kĩ năng phân tích, tổng hợp tài liệu, liên hệ thực tế.
- Rèn luyện kĩ năng đánh giá các sự kiện lịch sử
3. Thái độ:
- Giáo dục ý thức về tính hai mặt của kinh tế thị trường, từ đó biết định hướng về các tác động tích cực.
- Bồi dưỡng những nhận thức về hạn chế của tư tưởng phong kiến.
- Tôn trọng những giá trị lịch sử, văn hóa, có ý thức tích cực trong việc bảo tồn các di tích lịch sử.
- Có thái độ học tập tốt.
II. Tài liệu, thiết bị dạy - học.
- Lược đồ, tranh ảnh.
- Tư liệu lịch sử.
III. Tiến trình tổ chức dạy học.
1. Ổn định lớp.
2. Giới thiệu bài mới.
Từ thế kỉ XVI – XVIII, đất nước ta có nhiều biến động. Sự phân chia đất nước thành hai miền: Đàng Trong, Đàng Ngoài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Mặc dù vậy, kinh tế vẫn có nhiều mặt phát triển vượt bậc, đặc biệt là sự xuất hiện của kinh tế hàng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các đô thị.
3. Tổ chức dạy học.
Hoạt động của GV - HS |
Nội dung kiến thức |
- GV yêu cầu HS theo dõi SGK. (?) Bối cảnh lịch sử nước ta ở các thế kỷ XVI – XVIII có những đặc điểm gì? (?) Bối cảnh lịch sử trên đã tác động như thế nào đến nông nghiệp nước ta trong những thế kỷ XVI – XVII? - HS trả lời. (?) Những biểu hiện của kinh tế nông nghiệp nước ta thời kỳ này? - GV mở rộng: + Đàng Trong: do lãnh thổ ngày càng mở rộng vào Nam, dân cư ít, điều kiện sản xuất thuận lợi, nông nghiệp trở thành một vựa thóc lớn, giải quyết mâu thuẫn xã hội. + Đàng ngoài: Là vùng đất lâu đời đã được khai phá để phát triệt để. Vì vậy nông nghiệp ít có khả năng mở rộng, phát triển. (?) Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình nông nghiệp thời kỳ này có những hạn chế gì? (?) Những biến đổi của nông nghiệp thế kỉ XVI – XVIII có tác động như thế nào đối với thủ công nghiệp? - HS trả lời: Nông nghiệp phát triển, đời sống của nhân dân nâng cao nên nhu cầu đời sống cũng phát triển và đòi hỏi cao hơn tạo điều kiện cho thủ công nghiệp phát triển. (?) Những biểu hiện của sự phát triển thủ công nghiệp thời kỳ này? - GV minh họa về một số ngành thủ công nghiệp. Lấy dẫn chứng trong ca dao: Gái thì giữ việc trong nhà Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa. (?) Em cho biết: sự phát triển của làng nghề thủ công đương thời có ý nghĩa tích cực như thế nào? Hãy kể tên những làng nghề thủ công mà em biết? - Học sinh trả lời. - Giáo viên nhận xét: + Sự phát triển của làng nghề thủ công cổ truyền đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao. + Đáp ứng nhu cầu thị trường. + Thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển. (?) Em có nhận xét gì về thế mạnh của thủ công nghiệp thế kỷ XVI – XVIII?
(?) Em hãy nêu tình hình nội thương thế kỷ XVI – XVIII? - GV nhận xét: nội thương xuất hiện những nét mới: + Buôn bán lớn xuất hiện. + Xuất hiện làng buôn: làng Đa Ngưu (Hưng Yên) buôn thuốc Bắc, Làng Báo Đáp (Nam Định) chuyên buôn chuyến, làng Phù Lưu (Bắc Ninh) chuyên buôn the lụa… Chứng tỏ buôn bán không đơn thuần là trao đổi hàng hoá thoả mãn nhu cầu tiêu dùng mà đã phát triển thành một nghề phổ biến. (?) Vì sao nội thương thời kỳ này phát triển? - HS trả lời: + Nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, hàng hóa làm ra nhiều nên nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân lớn. chính vì vậy tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy thương nghiệp phát triển. (?) Những yếu tố nào thúc đẩy ngoại thương phát triển mạnh ở các thế kỷ XVI – XVIII? - GV mở rộng: Thế kỉ XV – XVI, trên thế giới các cuộc phát kiến địa lý lớn được tiến hành, tìm ra nhiều vùng đất mới và đặc biệt tìm được con đường thông thương trên biển từ Tây sang Đông. + Các thương nhân phương Tây đã đến Việt Nam giao lưu buôn bán, tạo thêm cơ hội cho ngoại thương Việt Nam được mở rộng và phát triển. (?) Những biểu hiện phát triển của ngoại thương thời kỳ này là gì? (?) Ngoại thương phát triển có tác như thế nào đối với sự phát triển kinh tế nước ta? + Sự phát triển của ngoại thương tạo điều kiện cho đất nước tiếp cận với nền kinh tế thế giới với phương thức sản xuất mới. - GV Giảng quá trình hình thành của các đô thị. (?) Sự phát triển của hệ thống đô thị có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống kinh tế, xã hội - HS trả lời + Thúc đẩy sự phát triển kinh tế + Tạo nên lối sống đô thị mới trong dân cư. (?) Kể tên một số đô thị tiêu biểu và chức năng của các đô thị? - Học sinh trả lời. * Nguyên nhân suy tàn + Do những thay đổi của tự nhiên, vị trí của các đô thị không còn phù hợp cho sự phát triển. + Chính sách thuế của nhà nước nặng nề, phức tạp, thương nhân nước ngoài buôn bán ở các đô thị phải qua nhiều trung gian + Những biến động xã hội đầu thế kỉ XVIII tàn phá kinh tế đất nước. |
1. Tình hình nông nghiệp ở các thế kỉ XVI – XVIII * Bối cảnh: - Thế kỷ XVI – XVII: Đất nước có nhiều biến động: + Chia cắt hai miền (Đàng Trong, Đàng Ngoài). + Nội chiến giữa các thế lực phong kiến. + Nhà nước không quan tâm đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp. - Thế kỷ XVII – XVIII: tình hình chính trị ổn định => nông nghiệp phát triển. * Tình hình nông nghiệp: - Ruộng đất ở cả hai Đàng mở rộng, nhất là ở Đàng Trong. - Thuỷ lợi được củng cố. - Giống cây trồng ngày càng phong phú. - Kinh nghiệm sản xuất được đúc kết. => Nông nghiệp thời kì này phát triển rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao. - Ở cả hai Đàng chế độ tư hữu ruộng đất phát triển. Ruộng đất ngày càng tập trung trong tay địa chủ. 2. Sự phát triển của thủ công nghiệp - Phát triển, phong phú, đa dạng về ngành nghề: + Các nghề cổ truyền phát triển: Làm gốm, dệt vải… + Nhiều nghề thủ công mới xuất hiện: Làm tranh sơn mài, làm đồng hồ… + Số làng nghề thủ công tăng lên. + Khai thác mỏ phát triển
- Thế mạnh của thủ công nghiệp: + Nhân dân khéo tay, cần cù. + Các sản phẩm hấp dẫn, đa dạng, có trình độ kĩ thuật cao. 3. Sự phát triển của thương nghiệp a. Nội thương: phát triển. - Hệ thống chợ huyện, chợ làng, chợ phủ phát triển. - Buôn bán lớn (buôn chuyến, buôn thuyền) và làng buôn xuất hiện. - Buôn bán giữa các vùng miền phát triển hơn trước. Xuất hiện tuyến buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược.
b. Ngoại thương: rất phát triển. – Điều kiện: + Chính sách mở cửa của nhà nước. + Kinh tế trong nước phát triển. + Do kết quả và tác động của các cuộc phát kiến địa lý. * Biểu hiện: - Giao lưu buôn bán với nhiều nước phương Đông, phương Tây: Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… - Sản phầm trao đổi: các sản phẩm thủ công và các mặt hàng nông sản.. - Giữa thế kỷ XVIII suy yếu dần do chế độ thuế khoá phiền phức, liên hệ thực tế. => Nhìn chung thương nghệp thời kì này có nhiều bước phát triển vượt bậc, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế hành hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
4. Sự hưng khởi của các đô thị * Nguyên nhân hình thành: + Ra đời từ ý đồ chủ quan của nhà nước. + Do sự phát triển kinh tế - Các đô thị tiêu biểu: Thăng Long – Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà – Phú Xuân. * Chức năng của các đô thị - Chức năng hành chính kinh tế (Các kinh đô, thủ phủ). - Các trường hợp khác chức năng kinh tế bao trùm (Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến…) nhưng về sau cũng chịu sự quản lý, chi phối của nhà nước… - Thăng Long – Kẻ Chợ cân bằng cả hai chức năng hành chính và kinh tế. |
4. Củng cố:
- Thế kỷ XVI – XVIII kinh tế nước ta có bước phát triển mới, phồn thịnh.
- Thủ công nghiệp ngày càng tăng nhưng không thể chuyển hoá sang phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
- Sự phát triển của ngoại thương và đô thị đưa đất nước tiếp cận với nến kinh tế thế giới.
- Song do chính sách của nhà nước nên cuối thế kỷ XVIII, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu.
5. Dặn dò, bài tập về nhà.
- Học sinh học bài và làm bài tập cùng cố ở SGK.
- Sưu tầm ca dao về các nghề thủ công.