Giáo án lịch sử 10 bài 4: Các quốc gia cổ đại phương Tây - Hi Lạp và Rôma

Admin
Admin 14 Tháng chín, 2018

Giáo án lịch sử 10: Các quốc gia cổ đại phương Tây - Hi Lạp và Rôma

Giáo án lịch sử 10 bài 4: Các quốc gia cổ đại phương Tây - Hi Lạp và Rôma được trình bày khoa học và chi tiết nhằm cung cấp cho các thầy cô tài liệu tham khảo chất lượng và giúp các em học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Mời các bạn cùng tham khảo bài giáo án điện tử Lịch sử 10 này.

Giáo án điện tử bài 3: Các quốc gia cổ đại phương Đông

Giáo án Lịch sử 10 bài 5: Trung Quốc thời phong kiến

Lý thuyết Lịch sử 10 bài 4: Các quốc gia cổ đại phương Tây - Hy Lạp và Rôma

Bài 4: CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI PHƯƠNG TÂY – HI LẠP VÀ RÔMA (2 tiết)

I/ Mục tiêu bài học:

1/ Về kiến thức: Bài này tiếp tục giúp HS thấy rõ quan hệ tương ứng tất yếu giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, thông qua những hiểu biết về:

  • Điều kiện thiên nhiên của vùng Địa Trung Hải với sự phát triển TCN và thương nghiệp đường biển và với chế độ chiếm nô.
  • Từ cơ sở KT-XH đã dẫn đến việc hình thành thể chế nhà nước dân chủ cộng hòa ở Hi Lạp và Rôma.

2/ Về tư tưởng, tình cảm: Mâu thuẫn giai cấp gay gắt làm bùng cháy các cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo. Qua đó GV làm cho HS hiểu được mô hình thứ hai của XH cổ đại, XH chiếm nô vùng Địa Trung Hải, đồng thời giúp HS nhận thức rõ về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

3/ Về kỹ năng: Biết sử dụng bản đồ để phân tích những thuận lợi, khó khăn và vai trò của điều kiện địa lý ở các quốc gia cổ đại phương Tây.

II/ Thiết bị, tài liệu dạy học:

1. Sách giáo khoa, sách giáo viên Lịch sử 10.

2. Thiết kế bài giảng Lịch sử 10.

3. Hướng dẫn sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa Lịch sử 10.

4. Tư liệu Lịch sử 10 – NXB GD.

5. Những mẩu chuyện Lịch sử thế giới Tập 1 – NXB GD.

6. Lịch sử văn minh thế giới – NXB GD.

7. Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông.

8. Các công trình kiến trúc nổi tiếng trong LSTG cổ trung đại – NXB GD.

9. Hình ảnh sách giáo khoa, Lược đồ các quốc gia cổ đại phương Tây.

III/ Tiến trình tổ chức dạy học:

1/ Ổn định lớp:

2/ Kiểm tra bài cũ:

  • Các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở đâu? Vào thời gian nào? Điều kiện thuận lợi, khó khăn? Các ngành kinh tế của các quốc gia cổ đại phương Đông?
  • Trong XH cổ đại phương Đông có những giai cấp nào? Nguồn gốc, vai trò của các giai cấp đó?
  • Cư dân phương Đông thời cổ đại đã có những đóng góp gì về mặt văn hóa cho nhân loại?

3/ Giảng bài mới:

GV giới thiệu bài mới: Hi Lạp và Rôma bao gồm nhiều đảo và bán đảo nhỏ nằm trên bờ Bắc Địa Trung Hải. Địa Trung Hải giống như một cái hồ lớn tạo nên sự giao thông thuận lợi giữa các nước với nhau, do đó từ rất sớm đã có những hoạt động hàng hải, ngư nghiệp và thương nghiệp biển. Trên cơ sở đó, Hi Lạp và Rôma đã phát triển rất cao về kinh tế và XH làm cơ sở cho một nền văn hóa rất rực rỡ. Để hiểu được điều kiện tự nhiên chi phối sự phát triển KT-XH của các quốc gia cổ đại Hi Lạp, Rôma, thể chế nhà nước, thành tựu văn hóa tiêu biểu ở Hi Lạp, Rôma thời cổ đại, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung bài 4.

Hoạt động của giáo viên và học sinh

Kiến thức cơ bản

HS nhắc lại ĐKTN của các quốc gia cổ đại phương Đông.

GVPV: ĐKTN của các quốc gia cổ đại Địa Trung Hải có những thuận lợi và khó khăn gì? So sánh với phương Đông?

HS xem SGK suy nghĩ trả lời, GV nhận xét, giải thích kết luận:

GVPV: Các loại cây lâu năm trồng ở HiLạp, Rôma? Giá trị kinh tế của nó?

HS xem SGK suy nghĩ trả lời, GV nhận xét, bổ sung, chốt ý:

GVPV: Kinh tế chính của phương Tây? Sự phát triển kinh tế biểu hiện như thế nào? (Họ mua gì? Bán gì? Mua bán với những vùng nào?)

HS xem SGK trả lời, GV nhận xét, bổ sung, phân tích, kết luận:

GVPV: Công cụ lao động để khai thác đất đai trồng trọt? Tác dụng của việc sử dụng công cụ lao động bằng sắt?

HS xem SGK trả lời, GV nhận xét, bổ sung, phân tích, kết luận:

GVPV: Nguyên nhân ra đời của thị quốc? Tại sao gọi là thị quốc? Mô tả quang cảnh trong thị quốc? Các giai cấp chính trong XH cổ đại phương Tây? Đặc điểm, tính chất của nhà nước cổ đại phương Tây? So sánh với phương Đông?

HS xem SGK suy nghĩ trả lời, GV nhận xét, bổ sung, phân tích, kết luận:

- Tính chất:

+ Phương Đông: quân chủ.

+ Phương Tây: dân chủ.

- Tuy tính chất dân chủ được đề cao nhưng bản chất của nền dân chủ cổ đại ở Hi Lạp, Rôma đó là nền dân chủ chủ nô. Những người có quyền bầu cử phải là nam, trưởng thành, có tài sản. Phụ nữ và nô lệ không có quyền công dân. Vai trò của chủ nô rất lớn trong XH vừa có quyền kinh tế vừa có quyền chính trị. Ví dụ như nhà nước Aten điển hình cho nhà nước cộng hòa dân chủ, nhưng chỉ khoảng 15% dân số được hưởng quyền công dân, còn khoảng 40 vạn nô lệ, 3 vạn dân tự do là phụ nữ và 1 vạn kiều dân không có quyền công dân.

GV giới thiệu về Pêcrilét: Ông xuất thân trong gia đình quý tộc chủ nô giàu có, chủ trương thực hiện dân chủ trong đời sống chính trị Aten. Ông chủ trương duy trì quyền hạn, chức năng của Đại hội nhân dân 500 người và Tòa án nhân dân gồm 6000 thẩm phán, bầu cử quan chức nhà nước bằng cách bốc thăm, trả lương cho viên chức, mở rộng phúc lợi XH… Ngoài ra Pêcrilét còn có nhiều cống hiến về các mặt văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đưa Aten vào thời đại hoàng kim của văn hóa Hi Lạp cổ đại. Vì thế lịch sử thường gọi thời kì Pêcrilét cầm quyền là thế kỉ vĩ đại hoặc thế kỉ Pêcrilét.

Thảo luận:

- N1: Lịch và chữ viết.

- N2: Sự ra đời của khoa học.

- N3: Văn học.

- N4: Nghệ thuật.

HS xem SGK thảo luận và trình bày, GV nhận xét, bổ sung, giải thích thêm và chốt ý:

Bài 4: CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI PHƯƠNG TÂY HI LẠP VÀ RÔMA

1/ Thiên nhiên và đời sống của con người:

- Hi Lạp, Rôma nằm ở ven biển Địa Trung Hải, nhiều đảo, đất canh tác ít và khô cứng:

+ Thuận lợi: có biển, nhiều hải cảng, giao thông trên biển dễ dàng, nghề hàng hải sớm phát triển.

+ Khó khăn: đất ít và xấu, nên chỉ thích hợp trồng các loại cây lâu năm, do đó thường bị thiếu lương thực và luôn phải nhập khẩu lương thực.

- Kinh tế chính: thủ công nghiệp và thương nghiệp.

+ Thủ công nghiệp: làm đồ gốm, đồ mĩ nghệ, đồ dùng kim loại, sản xuất rượu nho, dầu ô liu, quy mô xưởng thủ công lớn.

+ Thương nghiệp: chủ yếu là buôn bán bằng đường biển, nhiều hải cảng (Đê-lốt, Pi-rê), có thuyền lớn, có buồm và nhiều mái chèo.

· Bán: sản phẩm thủ công nghiệp.

· Mua: lúa mì, súc vật, lông thú, tơ lụa, hương liệu, xa xỉ phẩm.

=> tiền tệ ra đời.

- Khoảng đầu thiên niên kỷ I TCN, cư dân vùng Địa Trung Hải biết chế tạo công cụ bằng sắt.

- Ý nghĩa của việc sử dụng công cụ bằng sắt: diện tích trồng trọt tăng, sản xuất thủ công và kinh tế hàng hóa phát triển.

Như vậy cuộc sống ban đầu của cư dân Địa Trung Hải là sớm biết buôn bán, đi biển và trồng trọt.

2/ Thị quốc Địa Trung Hải:

- Nguyên nhân ra đời của thị quốc: tình trạng đất đai phân tán nhỏ và đặc điểm của cư dân sống bằng nghề thủ công và thương nghiệp nên đã hình thành các thị quốc (thành thị là quốc gia).

- Giai cấp chính: chủ nô và nô lệ.

- Tổ chức của thị quốc:

+ Trong nước thành thị là chủ yếu. Thành thị có phố sá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát, bến cảng,…

+ Tính chất dân chủ của thị quốc: quyền lực không nằm trong tay quý tộc mà nằm trong tay Đại hội công dân, Hội đồng 500, mọi công dân đều được phát biểu và biểu quyết những công việc lớn của quốc gia.

+ Bản chất của nền dân chủ cổ đại ở Hi Lạp, Rôma: đó là nền dân chủ chủ nô dựa vào sự bóc lột thậm tệ của chủ nô đối với nô lệ.

3/ Văn hóa cổ đại Hi Lạp và Rôma:

a/ Lịch và chữ viết:

- Lịch: cư dân cổ đại Địa Trung hải đã tính được lịch 1 năm có 365 ngày và ¼ nên họ định ra 1 tháng lần lượt có 30 vá 31 ngày, riêng tháng 2 có 28 ngày. Phép tính lịch của người Rôma cổ đại rất gần với những hiểu biết ngày nay.

- Chữ viết: phát minh ra hệ thống chữ cái A, B, C… Lúc đầu có 20 chữ sau thêm 6 chữ tạo thành hệ thống chữ cái hoàn chỉnh như ngày nay.

b/ Sự ra đời của khoa học:

- Khoa học đến thời Hi Lạp, Rôma mới thực sự trở thành khoa học vì có độ chính xác đạt tới trình độ khái quát thành định lý, lý thuyết đặt nền móng cho các ngành khoa học.

- Chủ yếu là thành tựu trên các lĩnh vực: toán, lý, sử, địa,… Các nhà khoa học tiêu biểu:

+ Toán học: Talét, Pitago, Ơclít…

+ Vật lý: Acsimét.

+ Sử học: Hêrôđốt.

+ Triết học: Platôn, Đêmôcrít.

c/ Văn học:

- Hi Lạp:

+ Tiêu biểu nhất là anh hùng ca Iliát và Ôđixê của Hôme.

+ Có nhiều nhà biên kịch nổi tiếng, kịch (có kèm theo hát) là hình thức nghệ thuật phổ biến và được ưa chuộng nhất.

- Rôma: xuất hiện nhiều nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng của Rôma như Lucrexơ, Viếcgin…

d/ Nghệ thuật:

- Nghệ thuật tạc tượng thần và xây đền thờ thần đạt trình độ cao:

+ Hi Lạp: tượng lực sĩ ném đĩa, tượng thần vệ nữ Milô, đền Páctênông…

+ Rôma: đấu trường Côlidê, đền đài.

4/ Củng cố bài học:

  • Điều kiện tự nhiên, kinh tế chính của cư dân phương Tây.
  • Sự ra đời các nhà nước cổ đại Hi Lạp, Rôma, thời gian, địa điểm hình thành.
  • Sự khác nhau cơ bản giữa chế độ chuyên chế cổ đại phương Đông và nền dân chủ chủ nô Hi Lạp, Rôma.
  • Những nét đặc trưng của văn hóa cổ đại Hi Lạp, Rôma.

5/ Dặn dò:

  • Học bài, trả lời câu hỏi sách giáo khoa.
  • HS tìm hiểu thêm về các công trình kiến trúc cổ đại.
  • Chuẩn bị bài 5: “Trung Quốc thời phong kiến”.

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm