Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Sử

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên (Lần 1) có 4 câu hỏi cùng đáp án đi kèm. Đề thi được làm trong thời gian 180 phút, đây là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, những bạn chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia sắp tới, mời các bạn tham khảo.

Đề cương Lịch sử thế giới Ôn thi Đại học

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

430 câu hỏi luyện thi đại học, học sinh giỏi cấp THPT môn Lịch sử phần Việt Nam cận hiện đại

SỞ GD&ĐT THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG THPT

LƯƠNG NGỌC QUYẾN

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I

NĂM HỌC 2015 – 2016

MÔN: LỊCH SỬ

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề)

Câu I. (2,0 điểm)

Sách giáo khoa Lịch sử Lớp 12 NXB Giáo dục 2013 tr.88 có viết: "Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn về giai cấp". Nêu và phân tích những nội dung thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh đó.

Câu II. (2,0 điểm)

Việc giải quyết mối quan hệ Việt- Pháp bằng con đường hòa bình được Đảng và Chính phủ ta tiến hành như thế nào trong giai đoạn từ ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946?

Câu III. (3,0 điểm)

Bằng những thắng lợi quân sự quan trọng trong giai đoạn (1945 - 1954), anh (chị) hãy làm sáng tỏ các bước phát triển của kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ của nhân dân ta.

Câu IV. (3,0 điểm)

Vì sao nói giai đoạn 1960 - 1973 là giai đoạn phát triển "thần kì" của nền kinh tế Nhật Bản? Những nhân tố nào thúc đẩy sự phát triển "thần kì" đó?

Theo anh (chị), Việt Nam có thể học tập những bài học kinh nghiệm gì từ sự thành công của Nhật Bản?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016

Câu 1:

Sách giáo khoa Lịch sử Lớp 12 NXB Giáo dục 2013 tr.88 có viết: "Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn về giai cấp". Nêu và phân tích những nội dung thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh đó.

  • Cương lĩnh vạch rõ tính chất của cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng xã hội chủ nghĩa ("làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản")

Như vậy, ngay từ đầu, Đảng ta đã thấu suốt con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh đề ra nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta: đánh đổ đế quốc Pháp, vua quan phong kiến và tư sản phản cách mạng.

Cương lĩnh bao gồm nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến nhưng nổi bật là chống đế quốc và tay sai phản động, giành độc lập tự do cho toàn thể dân tộc.

  • Lực lượng cách mạng chủ yếu là công nông, đồng thời phải lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông về phe giai cấp vô sản, còn phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản Việt Nam chưa lộ rõ bộ mặt phản động thì phải lợi dụng và làm cho họ trung lập.

Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ tối đa lực lượng cách mạng, cô lập tối đa lực lượng kẻ thù. Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất dước sự lãnh đạo của đảng, trên cơ sở công - nông - trí liên minh.

  • Cương lĩnh khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải có trách nhiệm phục vụ đại bộ phận giai cấp công nhân, làm cho giai cấp mình lãnh đạo được quần chúng.
  • Cương lĩnh đầu tiên của Đảng xác định cách mạng nước ta là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, đứng về phía mặt trận cách mạng gồm các dân tộc thuộc địa bị áp bức và giai cấp công nhân thế giới.

Như vậy, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp, thấm đượm tính dân tộc và tính nhân văn với tư tưởng cốt lõi là Độc lập – Tự do cho dân tộc. 

Câu II.

Việc giải quyết mối quan hệ Việt- Pháp bằng con đường hòa bình được Đảng và Chính phủ ta tiến hành như thế nào trong giai đoạn từ 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946?

* Hoàn cảnh:

  • Sau khi chiếm đóng các đô thị ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch tiến quân ra Bắc nhằm thôn tính cả nước Việt Nam.
  • Ở Trung Quốc, lực lượng cách mạng phát triển mạnh, nên Trung Hoa Dân quốc cần rút quân ở Đông Dương về để đối phó. Các thế lực đế quốc do Mĩ cầm đầu vừa muốn tiêu diệt cách mạng Trung Quốc, lại vừa muốn chống cách mạng Việt Nam.
  • Các thế lực đế quốc đã thu xếp công việc nội bộ, kết quả là Chính phủ Pháp và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kí Hiệp ước Hoa – Pháp (tháng 2/1946), thoả thuận việc quân Pháp ra Bắc thay quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.
  • Hiệp ước trên đặt nhân dân Việt Nam trước sự lựa chọn: hoặc phải đánh hai kẻ thù (cả Pháp và Trung Hoa dân quốc); hoặc là hoà hoãn, nhân nhượng với Pháp.
  • Ở miền Nam: Pháp mở rộng chiến tranh...
  • Ngược lại, Pháp cũng gặp những bất lợi khiến cả ta và Pháp chọn giải pháp chính trị, hoà hoãn.

* Đối sách của Đảng

  • Chủ trương: hoà với Pháp để tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc mượn Pháp đuổi nhanh quân THDQ ra khỏi đất nước và tiếp tục khắc phục khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hoá...

* Biện pháp:

  • Kí Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), Pháp công nhận ta là một nước tự do; ta đồng ý để Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng trong 5 năm...
  • Kí Tạm ước (14-9), khi Hội nghị Phoongtennơblô tan vỡ, để tranh thủ thêm thời gian hoà hoãn quý báu. Đây là nhân nhượng cuối cùng...

* Kết quả, ý nghĩa

  • Loại bỏ bớt kẻ thù, tránh được tình thế bất lợi phải chiến đấu với nhiều kẻ thù một lúc.
  • Tránh nổ ra một cuộc chiến tranh quá sớm, không cân sức; tạo điều kiện chuẩn bị lực lượng...Tạo thêm thời gian hoà bình để củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
  • Tỏ rõ thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Câu III.

Bằng những thắng lợi quân sự quan trọng trong giai đoạn (1945 - 1954), anh (chị) hãy làm sáng tỏ các bước phát triển của kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ của nhân dân ta.

* Chiến thắng Việt Bắc 1947

  • Hoàn cảnh: Thu – đông 1947, thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến và phần lớn bộ đội chủ lực của ta...
  • Diễn biến chính: Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng "Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp", sau 75 ngày chiến đấu (từ ngày 7/10/1947 đến ngày 19/12/1947) chiến dịch Việt Bắc toàn thắng. Đại bộ phận quân địch đã rút khỏi địa bàn này. Trong chiến dịch, ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh...
  • Ý nghĩa: Với chiến thắng Việt Bắc, quân dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.

* Chiến thắng Biên Giới 1950

  • Hoàn cảnh: Từ cuối năm 1949 đến giữa năm 1950, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng có lợi cho cuộc kháng chiến của ta... Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Biên giới nhằm khai thông biên giới Việt - Trung để mở rộng đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa...
  • Diễn biến chính: Sau hơn 1 tháng chiến đấu (từ ngày 16 tháng 9/1950 đến ngày 22/10/1950), chiến dịch Biên giới đã giành được thắng lợi to lớn: Diệt và bắt sống 8.300 tên địch, thu hàng ngàn tấn vũ khí; giải phóng tuyến biên giới dài 750 km với 35 vạn dân.
  • Ý nghĩa:
  • Trong chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên nhiều đơn vị bộ đội phối hợp tác chiến, đánh địch trên một chiến trường rộng, diệt gọn nhiều tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ của địch. Tuyến biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập được khai thông; "Hành lang Đông - Tây" của địch bị chọc thủng; thế bao vây của địch cả trong và ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Từ đó, cách mạng Việt Nam có điều kiện mở rộng liên lạc quốc tế.
  • Với chiến thắng Biên giới, ta đã giành được quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Từ đó về sau, quân dân ta mở nhiều chiến dịch tiến công, đánh tiêu diệt địch với quy mô ngày càng lớn.

* Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954

  • Hoàn cảnh:
    • Sau 8 năm chiến đấu, ta đã lớn mạnh về mọi mặt. Pháp gặp nhiều khó khăn và ngày càng phụ thuộc vào Mĩ.
    • Được sự thoả thuận của Mĩ, Pháp đã đề ra kế hoạch Nava với hi vọng "chuyển bại thành thắng" trong vòng 18 tháng. Pháp xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tâm điểm của kế hoạch Nava.
  • Diễn biến chính:

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta khẩn trương vào chiến dịch với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng

  • Đợt 1 (từ ngày 13 đến ngày 17/3/1954): Ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu phía Bắc.
  • Đợt 2 (từ ngày 30/3 đến ngày 26/4/1954): Ta tấn công các cứ điểm phía đông của phân khu trung tâm, khép chặt vòng vây quanh khu trung tâm Mường Thanh.
  • Đợt 3 (từ ngày 1 đến ngày 7/5/1954): Ta đánh chiếm các cao điểm còn lại phía đông và tổng công kích vào khu trung tâm. Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần một vạn quân địch ra hàng.
  • Kết quả
    • Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi to lớn: Tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch ở tập đoàn cứ điểm gồm 16.200 tên, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh.
    • Ý nghĩa: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Nava. Thắng lợi quân sự quyết định ở Điện Biên Phủ buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với Hiệp định Giơnevơ, đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Đông Dương. Cách mạng Việt Nam bước sang thời kì mới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Câu IV.

Vì sao nói giai đoạn 1960 – 1973 là giai đoạn phát triển "thần kì" của nền kinh tế Nhật Bản? Những nhân tố nào thúc đẩy sự phát triển "thần kì" đó? Theo anh (chị), Việt Nam có thể học tập những bài học kinh nghiệm gì từ sự thành công của Nhật Bản?

  • Vì Nhật Bản từ nước bại trận trong chiếntranh thế giới 2, sau 3 thậpniên đã trở thành siêu cường kinh tế mà nhiều người gọi đó là sự "thần kì Nhật Bản":
    • Tốc độ tăng trưởng cao liên tục: (1960 – 1969 là 10,8%). Từ năm 1970 –1973, tuy có giảm đi nhưng vẫn đạt bình quân 7,8%, cao hơn các nước phát triển khác.
    • Năm 1968, Nhật đã vượt qua Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mỹ). Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới
    • Lĩnh vực sản xuất phục vụ dân dụng nổi tiếng thế giới (tivi, tủ lạnh, ô tô,...), các tàu chở dầu có tải trọng lớn (1 triệu tấn), xây dựng đường ngầm dưới biển dài 53,8 km nối liền hai đảo Hôn-su và Hốc-cai-đô, xây dựng cầu đường bộ dài 9,7 km nối hai đảo Hôn-su và Sicôcư.

* Những nhân tố

  • Người Nhật Bản có truyền thống văn hóa giáo dục, đạo đức lao động, ý chí tự lực tự cường, lao động hết mình, tôn trọng kỉ luật, biết hợp tác trong lao động, tiết kiệm, tay nghề cao...
  • Nhà nước quản lý kinh tế có hiệu quả...
  • Các công ti Nhật Bản năng động, năng lực cạnh tranh cao, biết cách len vào thị trường các nước...
  • Áp dụng khoa học kĩ thuật, cải tiến sản xuất, hạ giá thành sản phẩm...
  • Chi phí cho quốc phòng ít.
  • Cải cách dân chủ sau chiến tranh tạo điều kiện phát triển kinh tế. Biết tranh thủ nguồn viện trợ của Mĩ, lợi dụng chiến tranh ở Triều Tiên (1950 - 1953) và ở Việt Nam (1954 - 1975) để làm giàu.

* Bài học kinh nghiệm:

  • Chú trọng yếu tố con người. Cần phải đào tạo, rèn luyện những cá nhân có ý thức kỉ luật cao, được trang bị kiến thức, cần cù, tiết kiệm, ý thức cộng đồng.
  • Áp dụng KH-KT hiện đại vào sản xuất...
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!