Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2) có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016 hiệu quả. Đề thi được biên soạn theo cấu trúc giống đề thi minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 1)
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC (Đề thi có 01 trang) | ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN II NĂM HỌC 2015 - 2016 Môn: ĐỊA LÍ Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề ---------------------------------------- |
Câu I (2,0 điểm)
- Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua địa hình nước ta như thế nào?
- Phân tích ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa ở nước ta đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Câu II (2,0 điểm)
Dựa vào trang 19 và trang 22 của Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
- Kể tên 4 tỉnh có diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm lớn nhất nước ta và 4 tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nước ta.
- Kể tên các nhà máy nhiệt điện có công suất trên 1000MW ở nước ta. Hãy cho biết nguồn nhiên liệu để sản xuất điện tại các nhà máy đó.
Câu III (3,0 điểm)
- Trình bày và giải thích đặc điểm cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta.
- Trình bày những điều kiện thuận lợi và khó khăn về tự nhiên ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản ở nước ta. Việc khai thác hải sản của ngư dân nước ta ở vùng đặc quyền kinh tế có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng?
Câu IV (3,0 điểm)
Cho bảng số liệu:
SẢN LƯỢNG DẦU MỎ, THAN VÀ ĐIỆN CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1990 - 2010
Năm | 1990 | 2000 | 2005 | 2010 |
Dầu mỏ (triệu tấn) | 2,7 | 16,3 | 18,5 | 15,0 |
Than (triệu tấn) | 4,6 | 11,6 | 34,1 | 44,8 |
Điện (tỉ Kwh) | 8,8 | 26,7 | 52,1 | 91,7 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2012, NXB Thống kê, 2013)
- Vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường) thể hiện tình hình sản xuất dầu mỏ, than và điện của nước ta giai đoạn 1990 – 2010.
- Từ bảng số liệu và biểu đồ đã vẽ, rút ra nhận xét về tình hình sản xuất dầu mỏ, than, điện ở nước ta và giải thích.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý
Câu I (2,0 điểm)
1. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua địa hình nước ta như thế nào? (1,0đ)
- Xâm thực mạnh ở miền đồi núi:
- Trên các sườn dốc mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi; đất trượt, đá lở. (0,25đ)
- Ở vùng núi đá vôi hình thành địa hình caxtơ.... (0,25đ)
- Ở các vùng thềm phù sa cổ bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng. (0,25đ)
- Bồi tụ mở mang nhanh chóng ở các đồng bằng hạ lưu sông như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm vẫn tiếp tục lấn ra biển. (0,25đ)
2. Phân tích ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa ở nước ta đối với phát triển kinh tế - xã hội. (1,0đ)
- Tác động mạnh tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (0,25đ)
- Ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng trong cả nước (dẫn chứng). (0,25đ)
- Các đô thị là các thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng đông đảo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật; có cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại... tạo động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. (0,25đ)
- Có khả năng tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. (0,25đ)
Câu II (2,0 điểm)
1 Kể tên 4 tỉnh có diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm lớn nhất nước ta và 4 tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nước ta. (1,0đ)
- Kể tên 4 tỉnh có diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm lớn nhất nước ta:
- Bình Phước, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai
- (nêu đúng 2 tỉnh cho 0,25 điểm; đúng 3 - 4 tỉnh cho 0,5 điểm)
- Kể tên 4 tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nước ta:
- Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An
- (nêu đúng 2 tỉnh cho 0,25 điểm; đúng 3 - 4 tỉnh cho 0,5 điểm)
2. Kể tên các nhà máy nhiệt điện có công suất trên 1000MW ở nước ta. Hãy cho biết nguồn nhiên liệu để sản xuất điện tại các nhà máy đó. (1,0đ)
- Kể tên các nhà máy nhiệt điện có công suất trên 1000MW ở nước ta:
- Phả Lại, Phú Mỹ, Cà Mau
- (nêu đúng 2 nhà máy cho 0,25 điểm, 3 nhà máy cho 0,5 điểm)
- Hãy cho biết nguồn nhiên liệu để sản xuất điện tại các nhà máy đó:
- Phả Lại: than; Phú Mỹ và Cà Mau: khí tự nhiên
- (Nếu học sinh trả lời chung cho cả 3 nhà máy vẫn đủ những nguồn nhiên liệu trên thì cho điểm tối đa)
Câu III (3,0 điểm)
1. Trình bày và giải thích đặc điểm cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta. (1,5đ)
- Trình bày đặc điểm cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta:
- Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế có sự chuyển dịch theo xu hướng: Giảm tỉ trọng lao động khu vực nông – lâm – thủy sản, tăng tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ (Dẫn chứng). (0,25đ)
- Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế không đồng đều: tỉ trọng lao động khu vực nông – lâm – thủy sản cao nhất, khu vực dịch vụ cao thứ hai, khu vực công nghiệp và xây dựng thấp nhất (dẫn chứng). (0,25đ)
- Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế có sự chuyển dịch theo xu hướng tích cực nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm. (0,25đ)
- Giải thích đặc điểm cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta:
- Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế chuyển dịch do:
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành (công nghiệp hóa – hiện đại hóa). (0,25đ)
- Công cuộc đổi mới, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, chất lượng lao động được nâng cao (năng suất lao động xã hội có sự chuyển dịch). (0,25đ)
- Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm và tỉ trọng lao động giữa các khu vực kinh tế không đồng đều do: công cuộc công nghiệp hóa diễn ra chưa nhanh, nền kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng cao. (0,25đ)
2. Trình bày những điều kiện thuận lợi và khó khăn về tự nhiên ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản ở nước ta. Việc khai thác hải sản của ngư dân nước ta ở vùng đặc quyền kinh tế có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng? (1,5đ)
- Trình bày những điều kiện thuận lợi và khó khăn về tự nhiên ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản ở nước ta.
- Thuận lợi:
- Nước ta có đường bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế rộng với nguồn lợi hải sản phong phú (diễn giải) (0,25đ)
- Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm là ngư trường Cà Mau – Kiên Giang, ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa - Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. (0,25đ)
- Khó khăn:
- Bão và gió mùa đông bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hạn chế số ngày ra khơi. (0,25đ)
- Môi trường ven biển ở một số vùng bị suy thoái và nguồn lợi hải sản suy giảm. (0,25đ)
- Việc khai thác hải sản của ngư dân nước ta ở vùng đặc quyền kinh tế có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng?
- Khẳng định chủ quyền vùng biển của nước ta. (0,25đ)
- Góp phần bản vệ an ninh quốc phòng vùng biển. (0,25đ)
Câu IV (3,0 điểm)
1. Vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường) thể hiện tình hình sản xuất dầu mỏ, than và điện của nước ta giai đoạn 1990 – 2010.
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN SẢN LƯỢNG DẦU MỎ, THAN, ĐIỆN NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1900 – 2010
Yêu cầu: Chính xác về số liệu và khoảng cách năm, đầy đủ: kí hiệu, đơn vị, tên biểu đồ và chú giải (Thiếu hoặc sai mỗi tiêu chí trừ 0,25 điểm). (1,5đ)
2. Nhận xét và giải thích. (1,5đ)
- Nhận xét:
- Sản lượng dầu mỏ, than, điện của nước ta đều có xu hướng tăng qua các năm (dẫn chứng). (0,25đ)
- Tốc độ tăng sản lượng dầu mỏ, than và điện có sự khác nhau: (0,5đ)
- Điện và than tăng liên tục qua các năm, trong đó điện tăng nhanh nhất.
- Dầu mỏ tăng trưởng không ổn định và tốc độ tăng chậm nhất.
- Giải thích:
- Sản lượng công nghiệp năng lượng có xu hướng tăng do: cơ sở nguồn nguyên - nhiên liệu phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... (0,25đ)
- Điện tăng nhanh nhất do: phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất và sinh hoạt, phục hồi các nhà máy điện cũ, xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy điện mới... (0,25đ)
- Dầu mỏ tăng trưởng không ổn định do sự bất ổn định của giá cả thị trường xuất khẩu. (0,25đ)