Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học lớp 11

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2). Đề thi gồm 7 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 180 phút. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 1)

Đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Sinh học lớp 11 trường THPT Lý Thái Tổ, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

Đề thi Olympic Sinh học lớp 11 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm 2014 - 2015

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Họ và tên:.......................
Số báo danh:..................

KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
Khóa ngày 23/03/2016
Môn: SINH HỌC
LỚP 11 THPT – VÒNG II
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (1,5 điểm)

a. Pha sáng và pha tối xảy ra ở đâu trong lục lạp? Hãy giải thích vì sao pha sáng và pha tối lại xảy ra ở vị trí đó?

b. Về quá trình quang hợp:

  • Ở thực vật C3, khi tắt ánh sáng hoặc giảm nồng độ CO2 thì chất nào tăng, chất nào giảm trong chu trình Canvin? Hãy giải thích.
  • Trong dung dịch nuôi tảo, khi tăng nồng độ CO2 thì bọt khí ôxi lại nổi lên nhiều hơn.

Hãy giải thích hiện tượng này.

Câu 2: (1,5 điểm)

a. Khi tâm thất của tim động vật có vú co, áp lực trong tâm thất trái và phải khác nhau. Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác nhau đó? Ý nghĩa đối với tuần hoàn máu.

b. Ở các mao mạch của vòng tuần hoàn lớn, nước và các chất dinh dưỡng bị đẩy ra khỏi các mao mạch, nhưng ở các mao mạch phổi lại không như vậy. Tại sao?

c. Mỗi lần tâm thu, tâm thất trái và tâm thất phải bơm một lượng máu bằng nhau. Do động mạch bị xơ vữa dẫn đến suy tâm thất trái, kết quả là hiệu suất bơm máu giảm. Trong khi đó, tâm thất phải vẫn khoẻ mạnh và hoạt động bình thường. Tại sao suy tâm thất trái có thể dẫn đến bệnh phù phổi (ứ đọng nước ở phổi) và tuần hoàn máu ngày càng suy giảm?

Câu 3: (1,0 điểm)

Người ta làm một thí nghiệm như sau: Đặt 1 cây thực vật C3 và 1 cây thực vật C4 (kí hiệu A, B) vào một nhà kính được chiếu sáng với cường độ thích hợp, được cung cấp đầy đủ CO2 và có thể điều chỉnh nồng độ O2 từ 0 đến 21%. Tiến hành theo dõi cường độ quang hợp và kết quả thí nghiệm được ghi ở bảng sau:

Hàm lượng O2

Cường độ quang hợp (mg CO2/dm2/giờ)

Cây A

Cây B

21%

25

40

0%

40

40

Em hãy cho biết cây A, B thuộc thực vật C3 hay thực vật C4? Giải thích.

Câu 4: (1,5 điểm)

a. Hãy mô tả cơ chế điều hòa sinh tinh ở động vật có vú.

b. Phân biệt cơ chế điều hòa ngược âm tính và điều hòa ngược dương tính. Trong hai cơ chế đó, cơ chế nào quan trọng hơn? Vì sao?

Câu 5: (1,0 điểm)

Tương quan tỷ lệ các phitôhoocmôn sau đây có ảnh hưởng như thế nào tới sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh. Auxin/Xitôkinin; Axit Abxixic/Gibêrelin; Auxin/Êtilen; Xitôkinin/Axit Abxixic.

Câu 6: (1,5 điểm)

a. Điện thế nghỉ và điện thế hoạt động của nơron sẽ như thế nào trong mỗi trường hợp sau? Giải thích.

  • Trường hợp 1: Ăn mặn làm tăng nồng độ Na+ ở dịch ngoại bào.
  • Trường hợp 2: Sử dụng một loại thuốc làm bất hoạt kênh K+.

b. Nêu vai trò sinh lý của các hoocmôn đã tác động đến sự phát triển qua biến thái hoàn toàn ở sâu bọ.

Câu 7: (2,0 điểm)

a. Ở một loài, trong quá trình phát sinh giao tử nếu có trao đổi chéo tại một điểm trên một cặp nhiễm sắc thể tương đồng thì số loại giao tử tối đa có thể đạt được là 32. Hãy xác định bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của loài đó.

b. Trong vùng sinh sản của ống dẫn sinh dục của một cá thể đực thuộc loài nói trên. Một số tế bào sinh dục sơ khai đều nguyên phân 5 lần liên tiếp, có 87,5% tế bào con tạo ra được chuyển sang vùng chín trở thành tế bào sinh tinh. Trong số các tinh trùng tạo ra, chỉ có 25% số tinh trùng chứa X và 12,5% số tinh trùng chứa Y thụ tinh hình thành 168 hợp tử.

Tính số tế bào sinh dục đực sơ khai và số nhiễm sắc thể môi trường cung cấp cho quá trình phát sinh các tinh trùng từ các tế bào sinh dục sơ khai đó.

c. Cho biết hiệu suất thụ tinh của trứng là 75%. Tất cả các trứng được tạo ra phát sinh từ 14 tế bào sinh dục sơ khai cái và tất cả các tế bào con được tạo ra ở vùng sinh sản đều trở thành tế bào sinh trứng.

Xác định số lần nguyên phân của của mỗi tế bào sinh dục sơ khai cái.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG CẤP TỈNH MÔN SINH HỌC LỚP 11

Câu 1

a. 0,75 điểm

  • Pha sáng xảy ra trong màng tilacoid của lục lạp. Vì trong màng tilacoid có chứa hệ sắc tố diệp lục, chuỗi chuyền điện tử và phức hệ ATP-xintetaza do đó đã chuyển hoá năng lượng ánh sáng thành năng lượng tích trong ATP và NADPH.
  • Pha tối xảy ra trong chất nền stroma của lục lạp. Vì chất nền là nơi có chứa các enzim và cơ chất của chu trình Canvin, do đó glucôzơ được tổng hợp từ CO2 với năng lượng từ ATP và NADPH do pha sáng cung cấp.

b. 0,75 điểm

  • Khi tắt ánh sáng thì APG (axit phôtphoglixêric) tăng, RiDP (ribulôzơ 1,5 di phôtphat) giảm, vì vẫn còn CO2 để cố định RiDP thành APG.
  • Khi giảm nồng độ CO2 thì RiDP tăng, APG giảm, vì không còn CO2 để cố định RiDP thành APG.
  • Khi tăng nồng độ CO2 trong dịch nuôi tảo là ta đã kích thích pha tối quang hợp hoạt động tốt hơn. Pha tối hoạt động tốt hơn sẽ cần nhiều sản phẩm của pha sáng (ATP và NADPH) do đó pha sáng phải hoạt động tốt hơn, quá trình quang phân ly nước xảy ra mạnh hơn, ôxi thải ra nhiều hơn.

Câu 2

a. 0,75 điểm

  • Do thành tâm thất trái dày hơn phải nên khi co tạo ra áp lực lớn hơn.
  • Tâm thất trái tạo ra áp lực lớn để thắng sức cản rất lớn của máu trong vòng tuần hoàn lớn.
  • Tâm thất phải tạo ra một áp lực nhỏ hơn nhiều đủ để thắng sức cản của máu trong vòng tuần hoàn nhỏ.

b. 0,5 điểm

  • Do huyết áp trong mao mạch phổi rất thấp và luôn nhỏ hơn áp lực keo (áp lực do prôtêin huyết tương tạo ra) nên nước và các chất không bị đẩy ra khỏi mao mạch phổi.

c. 0,5 điểm

  • Tâm thất phải vẫn bơm lên phổi một lượng máu như cũ trong khi đó tâm thất trái bơm đi một lượng máu ít hơn, điều này dẫn đến làm tăng áp lực trong mao mạch phổi làm cho nước tràn ra khỏi mao mạch phổi gây phù phổi.
  • Tâm thất trái suy yếu nên lượng máu đến các cơ quan giảm, hiệu quả trao đổi chất ở các cơ quan giảm, giảm thải các chất thải qua thận, phổi,...kết quả là hoạt động của các cơ quan (trong đó có tim suy yếu dần đi, tuần hoàn ngày càng tồi tệ).

Câu 3

  • Cây A thuộc thực vật C3, cây B thuộc thực vật C4.
  • Giải thích:
    • Thí nghiệm liên quan đến nồng độ O2 và cường độ quang hợp nên có liên quan đến hiện tượng hô hấp sáng.
    • Cây C3 có hô hấp sáng nên khi nồng độ O2 tăng lên thì xảy ra hô hấp sáng làm giảm cường độ quang hợp. Cây C4 không có hô hấp sáng nên khi thay đổi nồng độ O2 thì không ảnh hưởng đến quang hợp.
    • Cây A ở 2 lần thí nghiệm có cường độ quang hợp khác nhau là do khi giảm nồng độ O2 xuống 0% đã làm giảm hô hấp sáng xuống thấp nhất do đó cường độ quang hợp tăng lên (từ 25 lên đến 40 mg CO2/dm2/giờ).

Câu 4

a. 0,75 điểm

  • Các hoocmôn kích thích sinh tinh trùng là hoocmôn FSH, LH của tuyến yên và testostêrôn của tinh hoàn. Vùng dưới đồi tiết ra yếu tố giải phóng GnRH điều hòa tuyến yên tiết FSH và LH.
  • FSH kích thích ống sinh tinh sản sinh ra tinh trùng, LH kích thích tế bào kẽ trong tinh hoàn sản xuất ra testostêrôn, testostêrôn kích thích phát triển ống sinh tinh và sản sinh tinh trùng.
  • Khi nồng độ testostêrôn trong máu tăng cao gây ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi, làm 2 bộ phận này giảm tiết GnRH, FSH và LH dẫn đến tế bào kẽ giảm tiết testostêrôn. Nồng độ testostêrôn giảm không gây ức chế lên vùng dưới đồi và tuyến yên nữa, nên 2 bộ phận này lại tăng tiết hoocmôn.

b. 0,75 điểm

Điều hòa ngược âm tính

Điều hòa ngược dương tính

- Sự tăng nồng độ của các hoocmôn tuyến đích là tín hiệu ức chế tuyến chỉ huy, làm ngừng tiết các hoocmon kích thích. Kết quả là làm giảm nồng độ hoocmon tuyến đích.

- Rất phổ biến và có tính lâu dài

- Tăng nồng độ của các hoocmôn tuyến đích là tín hiệu làm tăng tiết các hoocmon kích thích các tuyến chỉ huy. Kết quả là nồng độ hoocmon tuyến đích tiếp tục tăng thêm.

- Kém phổ biến và có tính tạm thời.

- Cơ chế ngược âm tính quan trọng hơn. Vì nó đảm bảo duy trì sự ổn định nồng độ của các loại hoocmôn trong máu. Cơ chế điều hòa ngược dương tính chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhất định, vì nó làm cho nồng độ hoocmôn tăng liên tục, nếu kéo dài sẽ gây rối loạn sinh lí cơ thể.

Câu 5

  • Auxin/Xitôkinin: Điều chỉnh sự tái sinh rễ, chồi và ưu thế ngọn. Nếu tỉ lệ nghiêng về auxin thì rễ hình thành mạnh hơn và tăng ưu thế ngọn. Còn ngược lại, chồi bên hình thành mạnh, giảm ưu thế ngọn.
  • Axit Abxixic/Gibêrelin: Điều chỉnh sự ngủ nghỉ và nảy mầm của hạt. Nếu tỉ lệ nghiêng về axit abxixic thì hạt ngủ, nghỉ. Ngược lại thì nảy mầm.
  • Auxin/Êtilen: Điều chỉnh sự xanh, chín quả. Nếu nghiêng về auxin thì quả xanh. Ngược lại, thúc đẩy quả chín.
  • Xitôkinin/Axit Abxixic: Điều chỉnh sự trẻ hoá, già hoá. Nếu nghiêng về xitôkinin thì trẻ hoá và ngược lại.

Câu 6

a. 1,0 điểm

  • Trường hợp 1:
    • Điện thế nghỉ không thay đổi. Giải thích: Độ lớn của điện thế nghỉ phụ thuộc vào lượng K+ từ trong ra ngoài màng chứ không phụ thuộc nồng độ Na+ ngoài màng.
    • Điện thế hoạt động tăng. Giải thích: Nồng độ Na+ bên ngoài tăng, khi có kích thích lượng Na+ đi vào nhiều hơn làm trong màng tăng giá trị dương trong pha đảo cực.
  • Trường hợp 2:
    • Điện thế nghỉ không có. Giải thích: Bất hoạt kênh K+ làm cho K+ không đi từ trong ra ngoài được.
    • Điện thế hoạt động không có. Giải thích: Do không có điện thế nghỉ, mặt khác kênh K+ bị bất hoạt nên khi có kích thích không có khử cực, đảo cực và tái phân cực.

b. 0,5 điểm

  • Ecđixơn kích thích lớp biểu bì tạo vỏ kitin ngay dưới lớp vỏ kitin cũ cho nên gây lột xác nhiều lần nhưng do nồng độ juvenin trong máu cao, ngăn cản quá trình biến đổi sâu thành nhộng và bướm.
  • Khi sâu lớn lên, nồng độ juvenin trong máu giảm dần và khi giảm tới mức giới hạn thì không còn tác dụng ức chế nữa nên ecđixơn kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.

Câu 7

a. Một cặp NST có trao đổi chéo đơn tại một điểm sẽ cho 4 loại giao tử

→ Số loại giao tử của loài đó được tạo ra khi có trao đổi chéo tại 1 điểm trên 1 cặp NST tương đồng là: 2n-1.4 = 2n+1

Ta có: 2n+1 = 32 → n = 4 và 2n = 8

b. Gọi a là số tinh trùng tạo ra (số tinh trùng X = số tinh trùng Y = a/2)

Ta có: 25% a/2 + 12,5% a/2 = 168 => a = 896 (tinh trùng) Số TB con được tạo ra chuyển sang vùng chín: a/4 = 224 (TB)

Số TB con thật sự được tạo ra: (224 x 100)/87,5 = 256 (TB)

Ta có: Một số tế bào sinh dục sơ khai (TBSDSK) đực nguyên phân 5 lần tạo ra 256 TB con. Vậy số TB SDSK đực: 256/25 = 8 (TB)

Số NST môi trường cung cấp cho cả quá trình phát sinh tạo tinh trùng:

- Số nhiễm sắc thể môi trường cung cấp cho giai đoạn sinh sản là: 8.2n.(25 - 1)

- Số NST môi trường cung cấp cho quá trình giảm phân tạo tinh trùng là: 2n.224 (tế bào sinh tinh).

Với 2n = 8, ta có tổng NST môi trường cung cấp là: 8.2n.(25 - 1) + 2n.224 = 3776 (NST)

c. Số trứng thực sự được tạo ra: 168 x 100/75 = 224 (trứng)

Số tế bào sinh trứng = số trứng = 224

Gọi x là số là NP của 14 TBSDSK cái:

Ta có: 14.2x = 224 → x = 4

Vậy, số đợt nguyên phân của TBSDSK cái là: 4 (đợt).

(Thí sinh giải theo cách khác nhưng đúng kết quả vẫn cho điểm tối đa)

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!