Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 11
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2). Đây là tài liệu tham khảo hay dành cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 11 nhằm phục vụ việc ôn tập và luyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 1)
Đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Lịch sử lớp 11 trường THPT Châu Phú, An Giang năm học 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Quảng Nam năm học 2013 - 2014
SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH ĐỀ THI CHÍNH THỨC Họ và tên:....................... |
KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016 Khóa ngày 23/03/2016 Môn: LỊCH SỬ LỚP 11 THPT – VÒNG II Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (1,5 điểm)
Từ năm 1642 đến năm 1689, ở Anh đã tồn tại những mô hình nhà nước nào? Mô hình nào là tiến bộ nhất? Đánh giá mặt tích cực và hạn chế của nhà nước đó trong tiến trình cách mạng Anh.
Câu 2 (2,0 điểm)
Chính sách đối ngoại của Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Từ những chính sách đó, hãy rút ra nhận xét.
Câu 3 (2,5 điểm)
Lập bảng so sánh cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga với các cuộc cách mạng tư sản trước đó. Vì sao nước Nga đầu thế kỉ XX xuất hiện hình thức cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới?
Câu 4 (2,5 điểm)
Hoàn cảnh kí kết và nội dung các Hiệp ước 1862, Hiệp ước 1883 mà triều đình Huế đã kí với thực dân Pháp. Ảnh hưởng của các Hiệp ước này đến tình hình Việt Nam ở nửa cuối thế kỉ XIX.
Câu 5 (1,5 điểm)
Bằng kiến thức đã học, chứng minh rằng: Ở Việt Nam đầu thế kỉ XX đã xuất hiện trào lưu dân tộc chủ nghĩa với nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh phong phú, đa dạng.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG CẤP TỈNH MÔN LỊCH SỬ LỚP 11
Câu 1: Từ năm 1642 đến năm 1689, ở Anh đã tồn tại những mô hình nhà nước nào? Mô hình nào là tiến bộ nhất? Đánh giá mặt tích cực và hạn chế của nhà nước đó trong tiến trình cách mạng Anh. 1,5
* Các mô hình nhà nước: Quân chủ chuyên chế (1642), Chế độ cộng hòa (1649), Chế độ Bảo hộ công (Độc tài quân sự) (1653), Chế độ quân chủ lập hiến (1689). 0,25
* Chế độ Cộng hòa là mô hình nhà nước tiến bộ nhất trong cách mạng tư sản Anh. 0,25
* Nhận xét:
- Tích cực: Với việc xác lập nền Cộng hòa, giai cấp tư sản, quý tộc mới đã thể hiện thái độ kiên quyết chống phong kiến. Xác lập một hình thức tổ chức chính quyền mới ở Anh: Chế độ chính trị không vua, quyền lực tập trung và tay Quốc hội đại diện là tư sản và quý tộc mới. Đây là đỉnh cao của cách mạng tư sản Anh. 0,5
- Hạn chế: Nền Cộng hòa chỉ mang lại lợi ích kinh tế, chính trị cho tư sản và quý tộc mới. Những quyền lợi về ruộng đất, tự do dân chủ cho nông dân và binh lính không được quan tâm. Nhân dân tiếp tục đấu tranh... 0,5
Câu 2: Chính sách đối ngoại của Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Từ những chính sách đó hãy rút ra nhận xét. 2,0
* Chính sách đối ngoại:
- Ở châu Mĩ, Mĩ muốn độc chiếm khu vực Mĩ Latinh, biến đây thành sân sau của Mĩ:
- Loại bỏ ảnh hưởng của các nước phương Tây đối với khu vực này, đưa ra học thuyết "Châu Mĩ của người châu Mĩ", năm 1889 thành lập tổ chức Liên Mĩ (Liên minh dân tộc các nước cộng hòa châu Mĩ), gây chiến tranh với Tây Ban Nha chiếm Haoai, Cuba, Pu-éc-tô-ri-cô... 0,5
- Đầu thế kỉ 20, Mĩ áp dụng chính sách "Cái gậy lớn" (Sức mạnh quân sự) và "Ngoại giao đồng đô la" (Sức mạnh kinh tế) để biến các quốc gia độc lập trẻ tuổi ở Mĩ Latinh thành các nước lệ thuộc Mĩ như Pa-na-ma, Ni-ca-ra-goa, Hai-i-ti ... 0,25
- Ở châu Á, Mĩ tìm cách bành trướng thế lực ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mĩ đề ra chính sách "mở cửa" để xâm nhập vào Trung Quốc; buộc chính quyền Mạc phủ (Nhật Bản) kí kết điều ước bất bình đẳng, chiếm Phi-lip-pin... 0,25
* Nhận xét:
- Chính sách đối ngoại Mĩ phản ánh tham vọng bành trướng xâm lược thuộc địa của CNĐQ nói chung và của Mĩ nói riêng. 0,25
- Trọng tâm của chính sách đối ngoại Mĩ lúc này chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Mĩ Latinh. 0,25
- Chính sách đối ngoại Mĩ có điểm khác với các nước ĐQCN khác, đó là Mĩ không chỉ đơn thuần dựa trên sức mạnh quân sự mà còn dùng sức mạnh kinh tế để đạt mục tiêu biến các quốc gia độc lập (Mĩ Latinh) từ lệ thuộc kinh tế thành lệ thuộc về chính trị. 0,5
Câu 3: Lập bảng so sánh cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga với các cuộc cách mạng tư sản trước đó. Vì sao nước Nga đầu thế kỉ XX xuất hiện hình thức cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới? 2,5
* Bảng so sánh cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga với các cuộc cách mạng tư sản. 1,0
Nội dung so sánh |
Cách mạng tư sản |
Cách mạng tháng Hai năm 1917 |
Mục tiêu |
Lật đổ chế độ phong kiến, thủ tiêu những thế lực cản trở chủ nghĩa tư bản phát triển. |
Lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chính quyền công, nông, binh. |
Lãnh đạo |
Giai cấp tư sản, quý tộc tư sản hóa |
Giai cấp vô sản |
Động lực |
Quần chúng nhân dân |
Quần chúng nhân dân |
Kết quả, hướng phát triển |
Đưa giai cấp tư sản lên nắm chính quyền, thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển. |
Phát triển theo hướng cách mạng XHCN |
* Nước Nga đầu thế kỉ XX xuất hiện loại hình cách mạng DCTS kiểu mới vì:
- Chế độ Nga hoàng đã trở nên lỗi thời, cản trở sự tiến bộ xã hội vì vậy cần phải thay đổi. Đầu thế kỉ XX, Nga vẫn là nước quân chủ chuyên chế cộng với tàn tích CĐPK lạc hậu và việc tham gia CTTG thứ nhất để lại hậu quả nặng nề, kìm hãm sự phát triển của CNTB ở Nga. 0,5
- Giai cấp tư sản Nga không đủ mạnh để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chính quyền phong kiến Nga hoàng. Giai cấp tư sản Nga non yếu về thế lực kinh tế, chính trị, lại lệ thuộc chế độ Nga Hoàng và tư bản nước ngoài. Vì vậy, dù giai cấp tư sản có mâu thuẫn với chế độ phong kiến nhưng không đủ sức để lãnh đạo cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến. 0,5
- Giai cấp vô sản Nga trưởng thành chính trị, có đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng. Đầu thế kỉ XX, giai cấp vô sản Nga phát triển nhanh chóng cả số lượng lẫn chất lượng. Giai cấp vô sản Nga tiếp thu kinh nghiệm đấu tranh của công nhân Tây Âu và lí luận cách mạng của Mác và Ănghen. Năm 1903 – Đảng CNXH dân chủ Nga ra đời với mục tiêu là lãnh đạo công nhân lật đổ phong kiến, thiết lập chính quyền vô sản... 0,5
Câu 4: Hoàn cảnh kí kết và nội dung các Hiệp ước 1862, Hiệp ước 1883 mà triều đình Huế đã kí với thực dân Pháp. Ảnh hưởng của các Hiệp ước này đến tình hình Việt Nam ở nửa cuối thế kỉ XIX. 2,5
a. Hiệp ước 1862
* Hoàn cảnh
- Pháp đang giành được những thắng lợi quân sự quan trọng (chiếm Đại đồn Chí Hòa, Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long). Nội bộ triều đình tiếp tục phân hóa. 0,25
- Phong trào kháng chiến của nhân dân gây cho Pháp nhiều tổn thất (Khởi nghĩa Trương Định, Nguyễn Trung Trực...) => Phe chủ hòa đứng đầu là vua Tự Đức đã quyết định kí với Pháp hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862). 0,25
* Nội dung: Gồm 12 điều khoản, trong đó nhà Nguyễn nhượng hẳn cho Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) và đảo Côn Lôn; bồi thường cho Pháp một khoản chiến phí tương đương 280 vạn lạng bạc; mở ba cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp vào buôn bán... 0,25
* Ảnh hưởng:
- Hiệp ước đánh dấu sự bạc nhược và là sự kiện khởi đầu cho hành động đầu hàng của triều đình. Tạo điều kiện cho Pháp mở rộng đánh chiếm Nam kì. Chúng ta mất một phần chủ quyền dân tộc. 0,25
- Việc kí kết Hiệp ước làm cho nhân dân hoang mang, mất lòng tin vào triều đình. Từ đây, triều đình ngày càng xa rời cuộc đấu tranh của nhân dân, gây bất lợi cho phong trào kháng chiến. 0,25
b. Hiệp ước 1883
* Hoàn cảnh:
- Tháng 4/1882 đến tháng 3/1883, Pháp đã lại chiếm hầu hết các tỉnh thành lớn ở đồng bằng Bắc Kì. 0,25
- Nhân dân Bắc Kì tiến công tiêu diệt làm cho Pháp lâm vào tình thế khó khăn như chiến thắng Cầu Giấy lần (2 19/5/1883)... => Vua Tự Đức qua đời (7/1883), Pháp đem quân đánh thẳng vào Huế buộc triều đình phải kí Hiệp ước Hắc măng (25/8/1883). 0,25
* Nội dung: Thừa nhận sự "bảo hộ" của Pháp trên toàn cõi Việt Nam, mọi công việc chính trị, kinh tế, ngoại giao đều do Pháp nắm. Pháp được tự do đóng quân ở Bắc Kì, toàn quyền xử lý quân Cờ Đen,... 0,25
* Ảnh hưởng
- Với Hiệp ước này, toàn bộ chủ quyền dân tộc đã mất vào tay Pháp. Triều đình Huế đầu hàng hoàn toàn.
- 0,25
- Hiệp ước đã làm cho nhân dân hết sức căm phẫn, phản ứng quyết liệt với triều đình và quyết tâm kháng chiến chống Pháp. Phe chủ chiến trong triều cũng dựa vào dân để chống Pháp. 0,25
Câu 5: Bằng kiến thức đã học, chứng minh rằng: Ở Việt Nam đầu thế kỉ XX đã xuất hiện trào lưu dân tộc chủ nghĩa với nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh phong phú, đa dạng. 1,5
- Đầu thế kỉ 20, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, một trào lưu dân tộc chủ nghĩa đã xuất hiện ở nước ta. Gắn liền với tư tưởng chính trị mới là những hình thức và biện pháp đấu tranh mới, phong phú, đa dạng. 0,25
- Hình thức bạo động vũ trang qua hoạt động của Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội. 0,25
- Hình thức đấu tranh chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngọai giao trên quy mô toàn quốc như:
- Thành lập các hội yêu nước để tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh (Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội....) 0,25
- Xuất dương cầu viện, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học để trở về phục vụ đất nước (phong trào Đông Du...) Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Châu Á (tham gia Hội chấn Hoa hưng Á). 0,25
- Tiến hành phong trào cải cách xã hội sâu rộng lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia như thành lập nhà trường kiểu mới, xuất bản sách báo để tuyên truyền giáo dục động viên lòng yêu nước (như Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kì, các tác phẩm Hải ngoại huyết thư, Việt Nam Vương quốc sử, các tác phẩm của Đông kinh nghĩa thục...) 0,25
- Do ảnh hưởng của cuộc vận động Duy Tân, một phong trào chống thuế của nông dân đã nổ ra ở Trung Kì 0,25
II. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI CHẤM
1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những yêu cầu cơ bản về nội dung, thí sinh có thể trình bày chi tiết nhưng phải đảm bảo chính xác, lôgíc,...tuỳ mức độ để cho điểm cho phù hợp. Phần nội dung trong ngoặc đơn không nhất thiết yêu cầu học sinh phải trình bày.
2. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm.