Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

Giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi là giai đoạn áp lực nhất đối với các bạn thí sinh. Hiểu được điều đó, thư viện đề thi TimDapAnđã sưu tầm và xin giới thiệu tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 1)

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2)

Mời làm: Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017 Online

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HSG CẤP TỈNH NĂM HỌC 2016 - 2017
Khóa ngày 22 tháng 3 năm 2017
Môn: Lịch sử
LỚP 11 THPT
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (1,5 điểm)

Con đường thống nhất Đức và I-ta-li-a nửa sau thế kỷ XIX có gì khác nhau? Vì sao nói cuộc đấu tranh thống nhất Đức và I-ta-li-a được coi là Cách mạng tư sản?

Câu 2 (2,0 điểm)

Tình hình kinh tế Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX phát triển như thế nào? Nguyên nhân của sự phát triển đó?

Câu 3 (1,5 điểm)

Em hãy chứng minh: Phong trào cách mạng thế giới bước sang một thời kì phát triển mới từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự kết thúc của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Câu 4 (1,5 điểm)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 đã để lại những hậu quả gì? Vì sao nói cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 lại dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới?

Câu 5 (2,25 điểm)

Bằng những kiến thức lịch sử đã học, hãy chứng minh rằng nửa sau thế kỉ XIX, canh tân đất nước là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.

Câu 6 (1,25 điểm)

Phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử dân tộc? Các cuộc khởi nghĩa vũ trang trong phong trào Cần vương có những hạn chế gì?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

I. TÓM LƯỢC NỘI DUNG VÀ CÁCH TÍNH ĐIỂM

Câu 1.

* Điểm khác nhau:

  • Nước Đức thống nhất được tiến hành theo con đường từ trên xuống bằng máu và sắt của quý tộc quân phiệt Phổ (Bi-xmác) thông qua các cuộc chiến tranh sáp nhập lãnh thổ...
  • Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a vừa bằng con đường từ trên xuống của quý tộc tư sản hóa và tầng lớp đại tư sản (Ca-vua) và từ dưới lên (Ga-ri-ban-đi và quân đội Áo đỏ) của quần chúng nhân dân...

* Cuộc đấu tranh thống nhất Đức và I-ta-li-a được coi là Cách mạng tư sản là vì:

  • Quá trình thống nhất nước Đức, I-ta-li-a diễn ra khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước này phát triển mạnh nhưng gặp phải những rào cản, cản trở sự phát triển đó: đó là sự chia cắt đất nước...
  • Mặc dù diễn ra dưới hình thức thống nhất đất nước, nhưng kết quả đều giải quyết được những nhiệm vụ đặt ra của một cuộc cách mạng tư sản. Đó là: thiết lập nhà nước tư sản, xóa bỏ những rào cản phong kiến, tạo điều kiện cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển...

Câu 2.

* Tình hình kinh tế Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX:

  • Cuối thế kỉ XIX, kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng. Sản xuất công nghiệp vươn lên đứng đầu thế giới, sản lượng công nghiệp của Mĩ bằng 2 lần sản lượng công nghiệp của Anh và bằng ½ sản lượng công nghiệp của các nước Tây Âu...
  • Quá trình tập trung sản xuất và tập trung tư bản diễn ra mạnh mẽ. Nhiều công ty độc quyền (dưới hình thức Tơrớt) hình thành. Các ông chủ vừa là vua công nghiệp vừa là chủ những ngân hàng kếch sù chi phối toàn bộ đời sống chính trị - xã hội nước Mĩ. Điển hình là tập đoàn tư bản Rốc-phe-lơ, Móc-gân...
  • Nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu lớn, đất đai không ngừng mở rộng, phương thức canh tác tiên tiến... Mĩ trở thành nơi cung cấp lương thực cho châu Âu...

* Nguyên nhân của sự phát triển:

  • Việc giải phóng nô lệ tạo nên nguồn lao động dồi dào, lại thêm nguồn nhập cư từ châu Á, châu Âu làm tăng thêm nhân công và trí thức cho các ngành sản xuất...
  • Chế độ đồn điền trang trại và con đường phát triển nông nghiệp kiểu Mĩ làm cho nông nghiệp Mĩ phát triển mạnh, nguồn nông phẩm phong phú, đa dạng...
  • Lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên khoáng sản dồi dào; điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ....
  • Nước Mĩ không bị ràng buộc bởi tàn dư phong kiến, không gặp trở ngại về quyền lực chính trị và kinh tế của giới quý tộc...
  • Công nghiệp Mĩ phát triển muộn có điều kiện để áp dụng những thành tựu kĩ thuật mới nên năng suất cao và có sức cạnh tranh lớn...

Câu 3.

  • Dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc phát triển sang giai đoạn mới với nội dung và phương hướng khác trước, chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi ở thời kì sau này...
  • Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất một cao trào cách mạng đã bùng nổ mạnh mẽ ở các nước tư bản trong những năm 1918 - 1923...dẫn đến sự ra đời của các Đảng Cộng sản ở Pháp, Đức, Áo...
  • Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tại nhiều nước các ĐCS đã ra đời và lãnh đạo cách mạng (Trung Quốc; Việt Nam...)...
  • Nhằm thống nhất hành động và tập hợp lực lượng cách mạng, Quốc tế Cộng sản được thành lập (3/1919) và đi vào hoạt động trong những năm 1919 - 1943. Thông qua các kì đại hội, Quốc tế Cộng sản đã đề ra đường lối cách mạng phù hợp với từng thời kì phát triển của cách mạng thế giới.

Câu 4.

* Cuộc khủng hoảng bùng nổ ở Mĩ, sau đó lan ra toàn bộ thế giới tư bản và kéo dài 4 năm (1929 - 1933), trầm trọng nhất là năm 1932...

* Hậu quả:

  • Kinh tế: Tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế thế giới...
  • Xã hội: Công nhân thất nghiệp, nông dân mất ruộng đất sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn. Đấu tranh, biểu tình diễn ra khắp nơi...
  • Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản...

* Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 lại dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới là vì:

  • Các nước Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. Đó là việc thiết lập các chế độ độc tài phát xít - nền chuyên chế khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, hiếu chiến nhất...
  • Quan hệ giữa các nước tư bản ngày càng chuyển biến phức tạp..., sự hình thành 2 khối đế quốc đối lập...và cuộc chạy đua vũ trang ráo riết báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới...

Câu 5.

* Xuất phát từ bối cảnh trong nước:

  • Chế độ phong kiến lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng trở nên sâu mọt, quan lại tham ô, địa chủ cường hào đục khoét, nhũng nhiễu nhân dân...
  • Kinh tế nông nghiệp, công - thương nghiệp sa sút. Tài chính cạn kiệt. Một số chủ trương, chính sách của nhà nước gây bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế...
  • Đường lối đối ngoại sai lầm khiến cho Việt Nam ngày càng bị cô lập. Việc cấm đạo và bài xích đạo Thiên Chúa gây ra những mâu thuẫn làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc và tạo điều kiện cho kẻ thù bên ngoài lợi dụng...
  • Đời sống nhân dân khó khăn, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với triều đình nhà Nguyễn ngày càng sâu sắc. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nổ ra...
  • Khả năng phòng thủ đất nước bị giảm sút, quốc phòng yếu kém, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chống lại sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây...
  • Một số quan lại thức thời (Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ) đã đưa ra những nội dung yêu cầu đổi mới đất nước...

* Xuất phát từ bối cảnh của thời đại:

  • Nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về thị trường, thuộc địa, nhân công ngày càng lớn. Vì vậy, các nước tư bản Âu Mĩ ráo riết thực hiện chính sách xâm lược thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới...
  • Tác động của của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản và cải cách Ra ma V ở Xiêm đến nước ta...

* Trong bối cảnh đó, thực dân Pháp đang từng bước mở rộng xâm lược nước ta, đặt nước ta trước tình thế hiểm nghèo... Một yêu cầu bức thiết đặt ra cho lịch sử dân tộc lúc đó là phải tiến hành canh tân đất nước, làm cho sức dân, sức nước mạnh lên mới có thể giữ được nền độc lập...

Câu 6.

* Hưởng ứng chiều Cần vương nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra. Tiêu biểu như: Khởi nghĩa Ba Đình, Khởi nghĩa Bãi Sậy, Khởi nghĩa Hương Khê...

* Ý nghĩa lịch sử.

  • Là sự tiếp nối truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc...gây khó khăn cho Pháp trong việc bình định và tổ chức cai trị ở Việt Nam...
  • Sự thất bại phong trào Cần vương chấm dứt hoàn toàn phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đặt ra yêu cầu muốn giải phóng dân tộc phải có một con đường cứu nước mới khác với con đường này.

* Những hạn chế:

  • Xây dựng căn cứ chiến đấu kiên cố nhưng thủ hiểm, đơn lẻ nên khi bị thực dân Pháp tập trung lực lượng dùng hỏa lực mạnh tấn công thì dễ bị thất thủ...
  • Chưa huy động sức mạnh toàn dân, chưa có sự kết hợp khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước nên thực dân Pháp dễ dàng đàn áp...

II. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI CHẤM

1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những yêu cầu cơ bản về nội dung. Thí sinh có thể trình bày chi tiết nhưng phải đảm bảo tính chính xác và logic... Giám khảo căn cứ vào từng mức độ để cho điểm. Phần trong ngoặc đơn thí sinh không nhất thiết phải trình bày.

2. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!