Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 năm học 2013 - 2014 trường THCS Đinh Xá, Bình Lục có đáp án kèm theo là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9, giúp các bạn học sinh ôn tập và củng cố kiến thức để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 trường THCS Ấm Thượng, Phú Thọ

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 trường THCS Phương Trung, Thanh Oai năm 2014 - 2015

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 trường THCS Phương Trung, Thanh Oai năm 2015 - 2016

Phòng GD huyện Bình Lục
Trường THCS Đinh Xá

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
MÔN: ĐỊA LÍ 9

Năm học: 2013 - 2014

Thời gian: 150 phút

Câu 1: (2,25đ) Cho biết những nơi nào trên Trái Đất:

  • Có độ dài ngày đêm luôn bằng nhau?
  • Mỗi năm có 1 ngày có ngày dài 13 giờ 30 phút và 1 ngày có đêm dài 13 giờ 30phút? Đó là những ngày nào?
  • Mỗi năm có 1 ngày là gày dài 24 giờ và 1 ngày là đêm dài 24 giờ? Đó là những ngày nào?
  • Có ngày hoặc đêm dài 24 giờ kéo dài suốt 6 tháng?

Câu 2: (1,5đ) Dựa vào Át lát địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày các nhân tố chủ yếu làm cho khí hậu nước ta đa dạng, thất thường?

Câu 3: (3,75đ) Dựa vào Át lát địa lí Việt Nam và kiến thức đã học:

a) Hãy kể tên các nhà máy thuỷ điện thuộc miền Bắc, Tây Nguyên và nhiệt điện thuộc miền Bắc và Đông Nam Bộ của nước ta?

b) Hãy nêu thế mạnh tự nhiên đối với việc phát triển ngành điện lực nước ta?

c) Cho biết ý nghĩa của việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La?

Câu 4: (5,5đ) Cho biết những mặt mạnh và những mặt tồn tại của nguồn lao động nước ta? Vì sao việc làm là vấn đề gay gắt của nước ta giai đoạn hiện nay? Nêu hướng giải quyết?

Câu 5: (6,5đ) Cho bảng số liệu sau:

Diện tích gieo trồng phân theo nhóm cây (nghìn ha)

1990 2002
Tổng số 9040,0 12831,4
Cây lương thực 6474,6 8320,3
Cây công nghiệp 1199,3 2337,3
Cây thực phẩm, cây ăn quả, cây khác 1366,1 2173,8


a) Hãy vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện cơ cấu diện tích gieo trồng các nhóm cây.

b) Từ bảng số liệu và biểu đồ đã vẽ,hãy nhận xét sự thay đổi qui mô diện tích và tỉ trọng gieo trồng của các nhóm cây.

c) So sánh sự khác nhau về điều kiện phát triển cây lương thực giữa đồng bằng sồng Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Câu 1:

Trên Trái Đất:

Xích đạo là nơi có độ dài ngày và đêm luôn bằng nhau. (0,25đ)

Chí tuyến Bắc (23o27'B) và chí tuyến Nam (23o27'N) là những nơi mỗi năm có 1 ngày có ngày dài 13 giờ 30 phút và 1 ngày có đêm dài 13 giờ 30 phút (0,25đ)

  • Ở chí tuyến Bắc đó là ngày Hạ chí (22/6) và Đông chí (22/12). Hạ chí ngày dài 13 giờ 30 phút và Đông chí đêm dài 13 giờ 30 phút. (0,25đ)
  • Chí tuyến Nam,đó là ngày Đông chí (22/12) và ngày Hạ chí (22/6). Đông chí ngày dài 13 giờ 30 phút và Hạ chí đêm dài 13 giờ 30 phút. (0,25đ)

Vòng cực Bắc (66o33'B) và vòng cực Nam (66o33'N) là những nơi trên Trái Đất mỗi năm có 1 ngày dài 24 giờ (ngày địa cực) và 1 ngày là đêm dài 24 giờ (đêm địa cực). (0,25đ)

  • Vòng cực Bắc là ngày Hạ chí (22/6)và Đông chí (22/12) (0,25đ)
  • Ở vòng cực Nam là ngày Đông chí (22/12) và ngày Hạ chí (22/6). (0,25đ)

Cực Bắc và Cực Nam là 2 nơi có ngày dài 24 giờ kéo dài 6 tháng sau đó là đêm dài 24 giờ kéo dài 6 tháng. Ở 2 cực hiện tượng này diễn ra trái ngược nhau hoàn toàn. (0,5đ)

Câu 2: Các nhân tố chủ yếu làm cho khí hậu nước ta đa dạng, thất thường:

  • Vị trí địa lí và hình dạng lãnh thổ: tạo ra tính chất khí hậu cơ bản của nước ta là nhiệt đới gió mùa ẩm, phân hoá sâu sắc theo chiều Bắc – Nam. (0,5đ)
  • Địa hình đồi núi và hướng sườn tạo ra sự phân hoá khí hậu theo đai cao (tạo cho nước ta bên cạnh hậu nhiệt đới cơ bản còn có khí hậu cận nhiệt và ôn đới núi cao); đồng thời hình thành mộtsố khí hậu mang tính chất địa phương. (0,5đ)
  • Tính chất mùa và biến động khí hậu (năm rét sớm, năm rét muộn; năm mưa nhiều, năm khô hạn;....). (0,25đ)
  • Nhiễu loạn khí tượng và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu (bão, hạn hán, EnNinô, LaNina,.....) (0,25đ)

Câu 3:

a) Các nhà máy thuỷ điện và nhiệt điện của nước ta:

Các nhà máy thuỷ điện: (0,5đ)

  • Miền Bắc có: Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Nậm Mu.
  • Tây Nguyên có: Xa Xan, Xê Xan3, Xê Xan3A, Đrây Hling.

Các nhà máy nhiệt điện: (0,5đ)

  • Miền Bắc có: Uông Bí, Phả Lại, Na Dương, Ninh Bình.
  • Đông Nam Bộ có: Phú Mĩ, Thủ Đức, Bà Rịa.

b) Thế mạnh tự nhiên đối với việc phát triển điện lực nước ta

Công nghiệp sản xuất điện của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên than, dầu khí và nguồn thuỷ năng. (0,75đ)

  • Than đá: Than nước ta chủ yếu là than Antraxít, tập trung ở Đông Bắc, sản lượng khai thác năm 2007 đạt 42,5 triệu tấn như bể than ở Quảng Ninh. (0,25đ)
  • Dầu khí: hiện nay nước ta đang tập trung khai thác tại các mỏ ở thềm lục địa phía Nam như Lan Tây, Cái Nước, Rồng, Bạch Hổ. Sản lượng khai thác đạt 15,9 triệu tấn năm 2007. (0,25đ)
  • Nguồn thuỷ năng: Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều hệ thống sông có trữ lượng thuỷ năng cao như sông Đà, sông XêXan, sông Đồng Nai, sông Ba,... (0,25đ)

Các nguồn năng lượng khác (gió, thuỷ triều, năng lượng Mặt Trời,.... (0,25đ)

c) Ý nghĩa của việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La:

  • Đây là công trình thủy điện lớn nhất nước ta được xây dựng trên sông Đà với công suất thiết kế 2.400MW và cũng là thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. (0,25đ)
  • Thuỷ điện Sơn La góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động lớn tại tỉnh Sơn La, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, dịch vụ phục vụ cán bộ công nhân công trường thuỷ điện. (0,25đ)
  • Thuỷ điện Sơn La hoàn thành góp phần giải quyết bài toán thiếu điện nghiêm trọng của nước ta hiện nay; đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. (0,25đ)
  • Giúp giảm bớt áp lực về điều tiết lũ về mùa mưa; bảo vệ thuỷ điện Hoà Bình; dự trữ nước vào mùa khô cho vùng Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng. (0,25đ)

Câu 4:

* Những mặt mạnh của nguồn lao động nước ta:

  • Có nguồn lao động dồi dào. Bình quân mỗi năm nước ta có thêm hơn một triệu lao động. (0,25đ)
  • Người lao động Việt Nam cần cù, khéo tay, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (0,25đ)
  • Khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật nhanh. (0,25đ)
  • Đội ngũ lao động kĩ thuật ngày càng tăng: hiện lao động kĩ thuật có khoảng 5 triệu người (chiếm 13% lao động). Số lao động trình độ kĩ thuật khoảng 23%. (0,25đ)

* Những mặt tồn tại:

  • Thiếu tác phong công nghiệp; kỉ luật lao động chưa cao. (0,25đ)
  • Đội ngũ cán bộ KHKT và công nhân có tay nghề còn ít. (0,25đ)
  • Hạn chế về thể lực. (0,25đ)
  • Lực lượng lao động phân bố không đều, tập trung ở đồng bằng. Đặc biệt lao động kĩ thuật tập trung ở các thành phố lớn đến thiếu việc làm ở đồng bằng; thất nghiệp ở các thành phố lớn trong khi miền núi trung du lại thiếu lao động. (0,25đ)
  • Năng suất lao động thấp. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, lao động nông nghiêp còn chiếm ưu thế. (0,25đ)

* Việc làm đang là vấn đề KT- XH gay gắt ở nước ta hiện nay vì:

Nguồn lao động còn dồi dào trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển đã tạo nên sức ép lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm của nước ta giai đoạn hiện nay. (0,25đ)

  • Ở nông thôn: Do tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp và sự phát triển của các ngành còn hạn chế nên tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 23% năm 2003. (0,5đ)
  • Ở thành thị: tỉ lệ thất nghiệp cao khoảng 6% trong khi lại thiếu lao động có trình độ kĩ thuật ở các ngành công nghiệp, dịch vụ, khoa học kĩ thuật. (0,5đ)

* Hướng giải quyết:

  • Đẩy mạnh công tác kế hoạch hoá gia đình. (0,25đ)
  • Phân bố lại dân cư và lao động (chuyển từ đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung đến Tây Bắc và Tây Nguyên). (0,25đ)
  • Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. (0,25đ)
  • - Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, hoạt động dạy nghề. (0,25đ)
  • Lập các trung tâm giới thiệu việc làm, đẩy mạnh hướng nghiệp ở các trường phổ thông. (0,25đ)
  • Đa dạng hoá các hoạt động kinh tế nông thôn. (0,25đ)
  • Mở rộng các trung tâm công nghiệp, xây dựng các công nghiệp mới. (0,25đ)
  • Phát triển các hoạt động dịch vụ. Chú ý các hoạt động công nghiệp vừa và nhỏ để thu hút lao động. (0,25đ)

Câu 5:

a) Vẽ biểu đồ

  • Xử lí số liệu ra %.
  • Tính bán kính hình tròn: R1990=2cm; R2002=2,4cm
  • Vẽ biểu đồ

Yêu cầu: chính xác, có tên, chú giải, số liệu, hình thức đẹp.

b) Nhận xét:

Qui mô diện tích các nhóm cây từ 1990-2002 tăng từ 9040,0 nghìn ha lên 12831,4 nghìn ha, tăng thêm 3791,4 nghìn ha. Trong đó:

  • Cây lương thực tăng thêm 1845,7 nghìn ha.
  • Cây công nghiệp tăng thêm 1138 nghìn ha.
  • Cây thực phẩm, cây ăn quả, cây khác tăng thêm 807,7 nghìn ha.

Tỉ trọng diện tích gieo trồng các nhóm cây từ 1990-2002 có sự thayđổi:

  • Tỉ trọng cây lương thực giảm 7%
  • Tỉ trọng cây công nghiệp tăng 5%
  • Tỉ trọng cây thực phẩm, cây ăn quả, cây khác tăng 2%

c) Sự khác nhau về điều kiện phát triển cây lương thực giữa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long:

Đặc điểm Đồng bằng sông Hồng Đồng bằng sông Cửu Long
Đất đai (0,5đ) Đất phù sa màu mỡ, diện tích nhỏ, có đê bao bọc Đất phù sa màu mỡ, nhất là dải đất ven sông Tiền và sông Hậu, diện tích lớn, không có đê bao bọc.
Khí hậu (0,5đ) Nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh. Cận xích đạo, nóng quanh năm với 2 mùa mưa và khô.
Nguồn nước (0,5đ) Hệ thống sông ngòi dày đặc, lớn nhất là hệ thống sông Hồng –Thái Bình. Hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, lớn nhất là hệ thống sông Tiền và sông Hậu
Dân cư, lao động (0,5đ) Có nguồn lao động đông, nhất là lao động có chuyên môn kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất cao. Có nguồn lao động ít hơn,chất lượng lao động và kinh nghiệm sản xuất thấp hơn.
Cơ sở vật chất kỹ thuật (0,5đ) Nhìn chung tốt hơn, mật độ dày đặc. Thưa hơn và chất lượng kém hơn.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm