Đề thi cuối kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2020 - 2021 bao gồm đáp án chi tiết giúp các em học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho bài thi cuối kì 2, cuối năm học đạt kết quả cao. Đồng thời đây là tài liệu tham khảo cho các thầy cô khi ra đề học kì 2 cho các em học sinh. Sau đây mời các thầy cô cùng các em cùng tham khảo chi tiết.
Đề thi Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2
Đề thi Tiếng Việt lớp 5 học kì 2
A. Kiểm tra kĩ năng đọc và kiến thức Tiếng Việt
I. Đọc thành tiếng: (3 điểm)
1/ Đọc thành tiếng. (3 điểm: Đọc 2 điểm, trả lời câu hỏi 1 điểm)
Giáo viên làm thăm cho học sinh bốc và đọc các bài sau:
1/ Một vụ đắm tàu - sách Tiếng Việt 5 tập 2 trang 108
2/ Con gái - sách Tiếng Việt 5 tập 2 trang 112
3/ Tà áo dài Việt Nam - sách Tiếng Việt 5 tập 2 trang 122
4/ Công việc đầu tiên - sách Tiếng Việt 5 tập 2 trang 126
5/ Út Vịnh - sách Tiếng Việt 5 tập 2 trang 136
II. Đọc hiểu: (7 điểm)
Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức Tiếng Việt: (7 điểm)
HS đọc thầm bài Tập đọc “Bình nước và con cá vàng” và làm bài tập vào đề in sẵn (có đề kèm theo)
BÌNH NƯỚC VÀ CON CÁ VÀNG
I - ren Giô - li - ô Quy - ri sinh ra trong một gia đình khoa học. Mẹ bà là Ma - ri Quy - ri hai lần được Giải thưởng Nô - ben (1903, 1911). Bố của bà là Pi - e Quy - ri, được Giải thưởng Nô - ben năm 1903 cùng vợ. Bản thân I - ren sau này cũng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng của nước Pháp. Bà và chồng là Phrê - đơ - rích Giô - li - ô Quy - ri cùng được giải Nô - ben năm 1935. Những thành tựu đó không phải ngẫu nhiên có được mà là kết quả của cả một quá trình rèn luyện từ thuở nhỏ.
Hồi đi học, I - ren đã có tính độc lập rất cao. Một lần, thầy giáo nêu cho lớp I - ren câu hỏi:
- Nếu tôi thả một con cá vàng vào vại nước đầy, nước sẽ như thế nào?
- Nước sẽ trào ra! Lũ trẻ đồng thanh đáp.
- Bây giờ tôi đem số nước trào ra đó đổ vào một chiếc cốc, sẽ thấy lượng nước đó nhỏ hơn thể tích con cá vàng. Vì sao lại như vậy?
- Lạ nhỉ! Cũng có thể là cá vàng uống mất một ít nước? Hoặc nước rót ra ngoài cốc chăng? - Lũ trẻ bàn tán rất hăng.
I - ren im lặng suy nghĩ. Ai cũng biết khi một vật bị dìm trong nước, nước sẽ dềnh lên đúng bằng thể tích của vật đó. Thế mà hôm nay thầy lại nói như vậy. Thầy là một nhà khoa học, chả lẽ lại nói sai?
Về nhà, I - ren tự mình làm thí nghiệm. Cô bắt một con cá vàng thả vào cốc nước rồi quan sát. Kết quả, thể tích nước trào ra và thể tích con cá hoàn toàn như nhau.
Ngày hôm sau, I - ren kể lại thí nghiệm của mình cho thầy nghe.
Thầy giáo mỉm cười:
- Không phải nhà khoa học nói gì cũng đúng. Chỉ có sự thực mới đáng tin cậy. Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.
Nhờ chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, sau này, I - ren đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.
(Theo Vũ Bội Tuyền)
* Dựa theo nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng và hoàn thành các câu hỏi dưới đây:
Câu 1. (0,5 điểm) Gia đình I- ren có những ai đã nhận được giải Nô-ben?
A. Bố, mẹ, I – ren và chồng I – ren.
B. Mẹ I-ren và I-ren
C. Bố I-ren và I-ren
D Bố, mẹ và chồng I - ren
Câu 2. (0,5 điểm) Vì sao I - ren đã nhận được giải thưởng Nô-ben ?
A. Vì I - ren sinh ra trong một gia đình khoa học.
B. Vì bố mẹ I - ren chỉ cho cách nghiên cứu khoa học
C. Vì I - ren chịu khó suy nghĩ, tìm tòi trong học tập, nghiên cứu.
D. Vì I - ren yêu khoa học để nghiên cứu chứ chẳng cần học.
Câu 3. (0,5 điểm) Cơ sở khoa học nào đã khiến I-ren băn khoăn về vấn đề mà thấy nêu cho cả lớp?
A. Bỏ cá vào vại nước, lượng nước trào ra nhỏ hơn thể tích con cá vàng.
B. Bỏ cá vào vại nước, lượng nước trào ra ít hơn thể tích con cá vì cá đã uống bớt nước.
C. Một vật bị dìm trong nước, nước sẽ dềnh lên đúng bằng thể tích của vật đó
D. Thể tích nước trào ra và thể tích con cá hoàn toàn như nhau.
Câu 4. (0,5 điểm) Chọn cách giải nghĩa đúng cho cụm từ: “Giải thưởng Nô - ben”?
A. Giải thưởng khoa học lớn của thế giới.
B. Giải thưởng nghệ thuật lớn của thế giới.
C. Giải thưởng vì hòa bình của thế giới.
D. Giải thưởng âm nhạc lớn của thế giới.
Câu 5. (1 điểm) I – ren đã làm gì sau giờ học?
Câu 6. (1 điểm) Em rút ra được bài học gì qua bài tập đọc “Bình nước và con cá vàng”?
Câu 7. (0,5 điểm)Dấu phẩy trong câu “Ngày hôm sau, I – ren kể lại thí nghiệm của mình cho thầy nghe.” Có tác dụng gì?
A. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
B. Ngăn cách trang ngữ với chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
C. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
D. Vừa ngăn cách các vế trong câu ghép vừa ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
Câu 8. (0,5 điểm) Câu nào sau đây là câu ghép?
A. Hồi đi học, I – ren đã có tính độc lập rất cao.
B. I-ren chịu khó suy nghĩ, tìm tòi trong học tập nghiên cứu.
C. Ngày hôm sau, I – ren kể lại thí nghiệm của mình cho thầy nghe.
D. Một vật bị dìm trong nước, nước sẽ dềnh lên đúng bằng thể tích của vật đó.
Câu 9. (1 điểm) Các vế trong câu ghép: “Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.” Được nối với nhau bằng cách nào ?
Câu 10. (1 điểm) Hãy viết một câu ghép, trong đó dùng dấu phẩy để ngăn cách các vế câu.
B/ Kiểm tra viết: (10 điểm)
1/ Chính tả: (Nghe – viết): (3 điểm) – Thời gian 15 phút
TRẺ CON Ở SƠN MỸ
Cho tôi nhập vào chân trời các em
Chân trời ngay trên cát
Sóng ồn ào phút giây nín bặt
Ôi biển thèm hóa được trẻ thơ
Tóc bết đầy nước mặn
Chúng ùa chạy mà không cần tới đích
Tay cầm cành củi khô
Vớt từ biển những vỏ ốc âm thanh
Mặt trời chảy trên bàn tay nhỏ xíu
Gió à à u u như ngàn cối xay xay lúa
Trẻ con là hạt gạo của trời
Cho tôi nhập vào chân trời các em
Hoa xương rồng chói đỏ.
Thanh Thảo
2/ Tập làm văn: (7 điểm) – Thời gian 45 phút
Đề bài: Em hãy tả một giáo viên mà em yêu quý nhất.
Đáp án Đề thi Tiếng Việt lớp 5 học kì 2
A. Kiểm tra kĩ năng đọc và kiến thức Tiếng Việt
Đọc hiểu
CÂU |
1 |
2 |
3 |
4 |
7 |
8 |
Ý ĐÚNG |
A |
C |
C |
A |
B |
D |
ĐIỂM |
0,5 đ |
0,5 đ |
0,5 đ |
0,5 đ |
0,5 đ |
0,5 đ |
Câu 5: (1 điểm) I - ren đã làm gì sau giờ học ?
Trả lời: Sau giờ học, I-ren đã tự làm thí nghiệm để tìm ra sự thật.
Câu 6: (1 điểm) Em rút ra được bài học gì qua bài tập đọc “ Bình nước và con cá vàng”?
Trả lời: Qua bài tập đọc “Bình nước và con cá vàng” em rút ra được bài học là: Trong học tập phải chịu khó tìm tòi, suy nghĩ, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
Câu 9: (1 điểm) Các vế trong câu ghép: “Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.” được nối với nhau bằng cách nào ?
Trả lời: Các vế trong câu ghép: “Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.” được nối trực tiếp với nhau bằng dấu phẩy.
Câu 10: (1 điểm) Hãy viết một câu ghép, trong đó dùng dấu phẩy để ngăn cách các vế câu.
Ví dụ: Bạn Linh là một học sinh giỏi, bạn ấy còn rất tích cực làm việc nhà.
...............................................
HS đặt được câu ghép đúng theo yêu cầu, GV ghi 1 điểm
B/ KIỂM TRA VIẾT:
I - Chính tả: (3 điểm)
- Bài viết đúng thể loại, không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng (3 điểm) . Mỗi lỗi chính tả trong bài viết sai phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định trừ 0,25 điểm.(các lỗi giống nhau trừ một lần)
II - Tập làm văn: 7 điểm
Mở bài: |
Giới thiệu được người định tả |
1 điểm |
Thân bài |
Tả được các đặc điểm nổi bật của người định tả. |
2,5 điểm |
Tả được hoạt động, tính cách của người đinh tả. |
2,5 điểm |
|
Kết bài. |
Nêu được tình cảm của mình về người định tả. |
1 điểm |
Chú ý:
- Bài làm đầy đủ 3 phần Mở bài, Thân bài, Kết bài và tả được một người thầy (cô ) giáo mà em yêu quý nhất. Câu văn dùng đúng từ, không sai ngữ pháp, chữ viết rõ ràng, sạch đẹp đạt 7 điểm.
- Tùy mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết có thể đạt các mức điểm sau : 7; 6,5; 6; 5,5; 5; 4,5; 4;........
**CHÚ Ý: Điểm Tiếng Việt chỉ làm tròn 1 lần sau khi tổng kết từng phần.
Ngoài ra các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa học, Lịch sử, Địa lý chuẩn kiến thức, kỹ năng của bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Tiếng Việt 5, và môn Toán 5. Những đề thi này được Tìm Đáp Án sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 5 những đề ôn thi học kì 2 chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.