Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 9 năm 2015 trường THCS Quang Trung, TP Hồ Chí Minh có đáp án là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp các bạn ôn thi học kì II môn văn lớp 9, ôn thi cuối kì. Mời các bạn cùng tham khảo nhằm đạt kết quả cao trong bài thi của mình.

Đề kiểm tra học kì 2 môn Công nghệ lớp 9 năm 2014 trường THCS Bình An, Bình Dương

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 9 năm 2015 trường THCS Kim Thư, Hà Nội

Đề kiểm tra học kì 2 môn Toán lớp 9 - Sở GD và ĐT Đà Nẵng

PHÒNG GD VÀ ĐT GÒ VẤP
THCS QUANG TRUNG


ĐỀ THAM KHẢO
(Đề chỉ có một trang)

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: NGỮ VĂN 9
Ngày kiểm tra:…/4/2015
Thời gian làm bài: 90 phút
(Lưu ý: Học sinh làm bài trên giấy thi)

ĐỀ BÀI: (Gồm 2 phần)

Phần I: Đọc - Hiểu văn bản (6 điểm)

Đọc kĩ 2 đoạn văn bản sau đây:

Đoạn 1:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Đoạn 2:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Câu 1: (0,5 điểm) Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?

Câu 2: (1,0 điểm) Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?

Câu 3: (0,5 điểm) So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?

Câu 4: (1,0 điểm) Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên.

Câu 5: (3 điểm) Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.

Phần II: Tạo lập văn bản (4 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về đoạn thơ sau:

Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

(Nói với con - Y Phương, 1980)

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2014 - 2015

Môn thi: NGỮ VĂN 9

Phần I: Đọc hiểu văn bản:

Câu 1: (0,5 điểm) Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?

  • Đoạn 1: Viếng lăng Bác - Viễn Phương (0,25đ)
  • Đoạn 2: Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải (0,25đ)

Câu 2: (1,0 điểm) Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?

  • Nguyện ước của các tác giả về lẽ sống cống hiến, mong ước được hóa thân vào những hình ảnh nhỏ bé ấy mà dâng hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất một cách khiêm nhường, tự nguyện…(0,5đ)
  • Ý nghĩa sâu xa của các hình ảnh thơ được sáng tạo bằng nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc… (HS có thể chọn 1 hoặc nhiều hình ảnh để nêu ngắn gọn cách hiểu, miễn đúng) (0,5đ)

Câu 3: (0,5 điểm) So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?

  • Đây không phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản.
  • Vì đây chỉ là biện pháp tu từ điệp ngữ trong 1 khổ thơ.

Câu 4: (1,0 điểm) Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên:

(HS có thể chọn một từ cảm thán, cách ngăn với câu bằng dấu phẩy. Vị trí trước hoặc sau TP chính của câu)

VD:

  • Chao ôi, các nhà thơ có ước mơ thật tuyệt vời!
  • Hai khổ thơ chứa đựng ước nguyện chân thành, tuyệt quá!
  • Ôi, thơ hay quá!
  • vv---

Câu 5: (3 điểm) Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.

HS có thể tạo một VB NLXH gồm 1 số ý cơ bản:

  • Giải thích về lẽ sống cống hiến (Mỗi con người đều mong muốn được sống có ích cho xã hội, do đó, ngay từ khi tuổi còn trẻ, phải xây đắp ước mơ từ việc học tập, rèn luyện để sống có mục đích, có lý tưởng…)
  • Lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ VN là chứa đựng tình yêu đối với cuộc đời, và khát vọng được hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình để chung tay xây đắp quê hương…Niềm hạnh phúc khi sống có ích, góp phần làm đẹp cuộc đời từ những việc nhỏ (Nêu biểu hiện, ý nghĩa…)
  • Phê phán những người lười biếng, sống buông thả, không hoài bão, ước mơ hoặc thiếu ý chí, tự ti, ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội…
  • Rút ra bài học nhận thức để có hướng phấn đấu, rèn luyện của tuổi trẻ VN (trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…)

GV cân nhắc trong việc chấm phần tự luận ngắn. Có thể bài văn được chấm như sau: 0,5đ mở bài; 0,5đ kết bài, còn đủ các ý chính, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, cho từ 1,5-2đ thân bài.

Phần II: Tạo lập văn bản (4 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về đoạn thơ…

1. Yêu cầu chung:

  • Học sinh biết vận dụng phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ đã học, kết hợp với các yếu tố biểu cảm, phân tích, tổng hợp nét đặc sắc về nghệt thuật và nội dung mà tác giả đã gửi gắm vào đoạn thơ...để hoàn thành bài viết hoàn chỉnh.
  • Bố cục bài làm chặt chẽ, cân đối.
  • Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, gợi cảm.
  • Không sai quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu cụ thể:

  • Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, miễn sao đáp ứng đúng yêu cầu nội dung và phương thức biểu đạt của đề bài.
  • Khi chấm, GV cần tôn trọng những bài viết có phát hiện mới mẻ, có tính sáng tạo, độc đáo của HS
    • GV cần đánh giá cả hai mặt: Nội dung và hình thức ( Kĩ năng diễn đạt, lời văn …) của từng bài.

3. Dàn bài:

A/ Mở bài: Giới thiệu tác giả, đoạn thơ trong tác phẩm nào? Nội dung cơ bản? Thời điểm sáng tác. Nhận xét những nét cơ bản về nội dung, nghệ thuật; Trích dẫn đoạn thơ cần phân tích…

B/ Thân bài: Phân tích các ý cơ bản:

  • Niềm tự hào của người cha về mảnh đất quê hương với những phong tục tập quán và phẩm chất tốt đẹp thông qua các hình ảnh mộc mạc, gợi tả, đối lập, ẩn dụ, cách nói giàu hình ảnh đậm phong cách miền núi: “Thô sơ da thịt”- “Chẳng nhỏ bé”, “Đục đá kê cao quê hương”…
  • Lời khuyên con chân thành, tha thiết chứa chan kì vọng của người cha về bước đường trưởng thành của con, mong con sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương…Với lời thơ giản dị, mộc mạc và những hình ảnh thơ đẹp, giàu chất tạo hình: “Thô sơ da thịt”- “Không bao giờ nhỏ bé”, lời cha căn dặn và “Nói với con” vang lên như một mệnh lệnh, thực sự mở ra một chân trời ước mơ bay bổng cho thế hệ trẻ mọi thời đại (Hãy tiếp bước cha anh, thủy chung với quê hương, đất nước, không quay lưng, phản bội quê hương, trọn vẹn thủy chung, giàu ý chí để xây đắp quê hương…)

C/ Kết bài:

Tổng hợp các ý chính đã phân tích (đánh giá nét đặc sắc của nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ), nhận xét về cách viết của tác giả. Liên hệ nhẹ nhàng bài học cho bản thân (về việc giữ gìn truyền thống dân tộc, tiếp bước các thế hệ cha anh…)

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!