Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 bao gồm nội dung ôn tập chi tiết và đề ôn tập có đáp án dành cho các em học sinh tham khảo nắm được cấu trúc bài kiểm tra học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho bài thi học kì 2 lớp 5 đạt kết quả cao nhất.

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 Có đáp án

1. Nội dung ôn tập học kì 2 Tiếng Việt lớp 5

Phần đọc thành tiếng

- Đọc một 1 đoạn văn kết hợp trả lời câu hỏi với nội dung đoạn vừa đọc theo yêu cầu của giáo viên.

- Ôn lại các bài Tập đọc từ tuần 19 - tuần 34.

Phần đọc, hiểu

- Xác định được hình ảnh, nhân vật, chi tiết có ý nghĩa trong bài đọc.

- Hiểu nội dung của đoạn, bài đã đọc, hiểu ý nghĩa của bài.

- Giải thích được chi tiết trong bài bằng suy luận trực tiếp hoặc rút ra thông tin từ bài đọc.

- Nhận xét được hình ảnh, nhân vật hoặc chi tiết trong bài đọc; biết liên hệ những điều đọc được với bản thân và thực tế.

Phần kiến thức Tiếng Việt - Luyện từ và câu

- Ôn tập về dấu câu: dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.

- Ôn tập câu ghép, cách nối các vế câu ghép, nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ

Phần Chính tả

Nghe đọc với đoạn Chính tả theo yêu cầu.

Phần Tập làm văn

- Ôn tập văn miêu tả: Tả người, tả cây cối, tả cảnh

2. Đề ôn tập học kì 2 Tiếng Việt lớp 5

A – Kiểm tra đọc

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai (Giải đáp – Gợi ý)

(1) Con gái (từ Chiều nay đến cũng không bằng)

TLCH: Chi tiết nào cho thấy những người thân của Mơ đã thay đổi quan niệm về con gái sau chuyện Mơ cứu em Hoan?

(2) Bầm ơi (khổ thơ thứ hai – “Bầm ơi…bấy nhiêu”)

TLCH: Những hình ảnh so sánh nào cho thấy tình cảm mẹ - con thắm thiết, sâu nặng?

(3) Những cánh buồm (hai khổ thơ cuối – “Cha mỉm cười…ước mơ con”)

TLCH: Những câu hỏi ngây thơ cho thấy con ước mơ gì?

(4) Sang năm con lên bảy (hai khổ thơ cuối – “Mai rồi…bàn tay con”)

TLCH: Thế giới tuổi thơ thay đổi như thế nào khi ta lớn lên?

(5) Lớp học trên đường (đoạn đầu, từ Cụ Vi-ta-li đến đọc được)

TLCH: Tìm những chi tiết trong đoạn văn cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học

II – Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

Vai diễn cuối cùng

Có một diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hè năm ấy, ông về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên trường làng.

Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua. Khi tàu đến, chú bé vụt đứng dậy,háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại. Nhưng hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường, chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết ấy.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào giơ tay vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại.

Hôm sau, người diễn viên già giở chiếc va li hóa trang của ông ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính,đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, một vai phụ như nhiều lần nhà hát đã phân vai cho mình – một hành khách giữa bao hành khách đi tàu”.

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quýt, nhảy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫu mãi.

Con tàu đi xa dần, người diễn viên già trào nước mắt. Ông thấy cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai diễn cuối cùng của ông. Tuy chỉ là vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng ông đã làm cho một chú bé vui sướng, ông đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú bé sẽ không mất niềm tin vào cuộc đời.

(Theo Truyện khuyết danh)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Nhân vật chính trong câu chuyện là người có hoàn cảnh như thế nào?

a- Là một diễn viên già về hưu, sống độc thân, đến nghỉ ở làng miền núi

b- Là một diễn viên nghỉ hưu, sống với gia đình ở một làng miền núi

c- Là một diễn viên nổi tiếng, công việc bận rộn, không có thời gian nghỉ

d- Là một diễn viên nghỉ hưu đưa gia đình về sống ở một làng miền núi

2. Người diễn viên già thấy gì khi dạo chơi ở bãi cỏ?

a- Một chú bé ngồi đợi đoàn tàu chạy đến để lên tàu đi chơi rất xa

b- Một chú bé chiều nào cũng ngồi đợi để vẫy chào đoàn tàu chạy qua

c- Một chú bé đang chờ đón người nhà đi tàu về thăm quê hương

d- Một chú bé chiều nào cũng đợi đoàn tàu đi qua và người trên tàu vẫy tay

3. Người diễn viên già đã làm gì để đem lại niềm vui cho cậu bé?

a- Hóa trang làm hành khách, ngồi sát cửa toa tàu, đưa tay vẫy cậu bé

b- Lên tàu ở ga trên, ngồi sát cửa toa tàu để cậu bé dễ nhìn thấy mình

c- Đến nhà hát xin được cho mình đóng vai diễn cuối cùng trên toa tàu

d- Làm hành khách đi tàu, mỉm cười khi cậu bé vẫy tay chào mọi người

4. Niềm vui sướng của cậu bé được miêu tả như thế nào?

a- Đứng lặng đi không nói được lời chào

b- Mừng cuống, nhảy cẫng lên, vẫy cả hai tay

c- Chạy theo đoàn tàu, reo to lên vì vui sướng

d- Chạy vội về làng, reo to lên vì vui sướng

5. Vì sao tuy chỉ là một vai phụ không lời mà người diễn viên già thấy cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào ở nhà hát?

a- Vì đây là vai ông đóng lúc đã về nghỉ hưu, sống độc thân nơi vắng vẻ

b- Vì khi diễn ở nhà hát chưa có ai tán thưởng ông nhiệt tình như chú bé

c- Vì đây là vai diễn đóng đạt nhất trong đời biểu diễn nghệ thuật của ông

d- Vì ông đã làm cho chú bé sung sướng, không mất niềm tin vào cuộc đời

6. Từ nào đồng nghĩa với từ “háo hức”?

a- náo nức

c- hí hửng

b- nô nức

d- tưng bừng

7. Dòng nào dưới đây tách đúng bộ phận chủ ngữ, bộ phận vị ngữ của câu “Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy”?

a- Những hành khách / mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy

b- Những hành khách mệt mỏi / vì suốt một ngày trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy

c- Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày / trên đường chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy

d- Những hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường / chẳng hề vẫy tay đáp lại chú bé không quen biết ấy

8. Các vế trong câu “Người diễn viên già đã làm cho một chú bé vui sướng, ông đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú bé sẽ không mất niềm tin vào cuộc đời.” được nối với nhau bằng cách nào?

a- Nối trực tiếp (không dùng từ nối, dùng dấu phẩy)

b- Nối bằng một dấy phẩy và một quan hệ từ

c- Nối bằng một quan hệ từ

d- Nối bằng một cặp quan hệ từ

9. Dấu phẩy thứ hai trong câu “Khi tàu đến, chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy.” Có tác dụng gì?

a- Ngăn cách trạng ngữ và các vế câu

b- Ngăn cách các vế câu

c- Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ

d- Cả ba tác dụng trên

10. Hai câu “ Có một diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hè năm ấy, ông về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên trường làng” được liên kết với nhau bằng cách nào?

a- lặp từ ngữ

c- dùng từ ngữ nối

b- thay thế từ ngữ

d- cả ba cách trên

B – Kiểm tra viết

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)

Hạt sương

Sáng tinh mơ, tôi mở to đôi mắt ngái ngủ lơ mơ, đi ra ven bờ ao. Những cây sen dưới ao đang ngủ, còn chưa tỉnh giấc.

Một giọt sương bò đi bò lại, trên mặt lá sen, giống như một bé gái sơ sinh tinh nghịch. Vì chuyện gì mà giọt sương vui sướng đến mức lăn lê bò toài như vậy hay là nó bị mặt trời đỏ mới nhô lên chiếu vào làm chói lóa, không mở mắt ra được.

Hạt sương là mồ hôi của lá sen, cũng là nước mắt của lá sen, lăn nhẹ trên đôi má của lá sen. Ở những chỗ nó chạy qua, trên gò má cảu lá sen, còn để lại vết nước mắt.

(Theo Vương Quân Phi)

(Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bào chính tả trên giấy kẻ ô li)

II – Tập làm văn (5 điểm)

Hãy tả lại một cảnh đẹp trên quê em (hoặc một nơi khác mà em đã đến thăm)

(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li)

Đáp án đề ôn tập học kì 2 Tiếng Việt lớp 5

A – Đọc (10 điểm)

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

Đánh giá tương tự như hướng dẫn ở bài kiểm tra giữa học kì II (Tuần 28)

Trả lời đúng ý câu hỏi. VD:

(1) Những chi tiết cho thấy những người thân của Mơ đã thay đổi quan niệm về con gái sau chuyện Mơ cứu em Hoan: Bố ôm chặt Mơ đến ngợp thở, cả bố và mẹ đều rơm rớm nước mắt, dì Hạnh bảo: Con gái như nó thì một trăm đứa con trai cũng không bằng.

(2) Những hình ảnh so sánh cho thấy tình cảm mẹ - con thắm thiết, sâu nặng:

- Mạ non bầm cấy mấy đon / Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

- Con đi trăm núi ngàn khe / Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

- Con đi đáng giặc mười năm / Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

(3) Những câu hỏi ngây thơ cho thấy con có những ước mơ rất táo bạo, muốn khám phá những vùng đất xa xôi và rất mong muốn thực hiện ước mơ đó.

(4) Khi ta lớn lên, tất cả những điều đẹp đẽ như trong cổ tích sẽ không còn nữa: sự vật quanh ta không còn là bạn bè để trò chuyện nữa mà sẽ trở lại như nó vốn có (chim không còn biết nói / cây chỉ còn là cây / chuyện ngày xưa chỉ là chuyện ngày xưa...)

(5) Những chi tiết: Rê-mi luôn mang theo túi đựng những mảnh gỗ bên mình, chẳng bao lâu đã thuộc tất cả các chữ cái,vì sợ thua chú chó Ca-pi nên không dám sao nhãng, ít lâu sau thì biết đọc, Rê-mi còn muốn được thầy Vi-ta-li dạy nhạc, cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học

II – Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

1. a (0,5 điểm)

2. b (0,5 điểm)

3. a (0,5 điểm)

4. b (0,5 điểm)

5. d (0,5 điểm)

6. a (0,5 điểm)

7. d (0,5 điểm)

8. b (0,5 điểm)

9. c (0,5 điểm)

10. b (0,5 điểm)

B – Viết (10 điểm)

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm – 15 phút)

- Em nhờ bạn (hoặc người thân) đọc để viết bài chính tả

- Bài viết được điểm tối đa khi không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đẹp. Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai- lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,5 điểm. Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày không sạch sẽ… bị trừ 1 điểm toàn bài

II – Tập làm văn (5 điểm, thời gian làm bài khoảng 35 phút)

- Viết đúng kiểu bài văn tả cảnh. Bài viết có độ dài khoảng 15 câu, đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài); nội dung bám sát yêu cầu đề, miêu tả được một vài nét nổi bật, rõ vẻ đẹp của cảnh được tả; bộc lộ được tình cảm yêu quý, gắn bó với cảnh đẹp. Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả

- Bài làm đạt những yêu cầu nêu trên có thể đánh giá ở mức Giỏi (5 -4,5 điểm). Tùy theo hạn chế trong bài làm, có thể đánh giá các mức còn lại như hướng dẫn ở Tuần 28 (phần II, Tập làm văn)

Tham khảo:

Mỗi lần về quê ngoại chơi, em đều rất thích được theo bà ra bờ sông ở cuối làng chơi. Với em, đó là khung cảnh đẹp nhất ở quê hương mình.

Con sông dài lắm, em không rõ nó chảy từ đâu và sẽ đi qua những miền đất nào nữa. Đứng ở bờ sông, nơi có bãi đất trống bà con tu sửa để tiện chờ thuyền, ghe ghé lại, em chỉ nhìn thấy hai đầu sông xa tít tắp không có điểm cuối. Nước sông hơi đùng đục, không phải là bẩn đâu, mà là do chở đầy phù sa đó. Nhờ vậy, cây cối, vườn rau hai bên bờ sông lúc nào cũng tươi xanh mướt mắt. Trên mặt sông, lúc nào cũng có những chùm lục bình trôi dạt, mỗi lần em về đều có thể nhìn thấy từng tảng xanh xanh với các đóa hoa tim tím xinh không tả xiết. Thích nhất, là hình ảnh những chiếc thuyền, ghe chở hàng hóa qua lại tấp nập. Họ như những gánh chợ di động, ai gọi là tấp vào bán hàng. Rồi cả những người chài lưới, đi bắt cua, bắt ốc ở ven bờ, rồi ra lòng sông bắt cá. Dòng sông như một người mẹ dịu hiền, bao dung cho người dân quê em vậy.

Chiều chiều gió mát, người dân trong làng thường ra bờ sông mua đồ trên các thuyền ghe. Con nít thì chơi trò tắm sông, thi nhau nhảy rồi bơi lội. Tiếng cười, tiếng nói huyên náo cả một vùng sông. Chính nét đẹp bình dị của cuộc sống đời thường ấy, đã khiến em mê mẩn vẻ đẹp của con sông quê hương mình.

>> Xem thêm: 223 bài văn Tả cảnh đẹp quê hương em lớp 5

Ngoài Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5, các bạn có thể luyện giải bài tập Tiếng Việt lớp 5; Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5; Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 5.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm