Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Ninh Bình năm 2019 do thư viện đề thi Tìm Đáp Án sưu tầm. Đây là đề thi tham khảo vào lớp 10 môn Văn dành cho các bạn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài Văn. Mời các bạn cùng tham khảo
- Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Ninh Bình năm 2020
Đề thi Văn vào lớp 10 năm 2019 Ninh Bình
- Đề thi Văn vào lớp 10 năm 2019 Ninh Bình
- Gợi ý đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn 2019 Ninh Bình
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hành trình trái tim từ những người lạ
Quãng đường mà cậu bé Vì Quyết Chiến đi được bằng xe đạp khoảng 103 km từ Sơn La đến Hòa Bình trong hành trình thăm em trai bị ốm tại Bệnh viện Nhi trung ương được lan truyền trên các phương tiện truyền thông như một "Chuyện lạ chưa từng xảy ra"...
Nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ cậu bé có chiếc xe mới, ủng hộ gia đình Chiến tiền chạy chữa cho con trai. Nhưng điều đáng quý nhất trong câu chuyện của Chiến chính là những con người tốt bụng, xa lạ đã giúp đỡ Chiến trên chuyến xe đưa cậu bé về Hà Nội an toàn.
Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn, là hành trình trái tim ấm áp tình người!
Trên chuyến xe ấy, dù chẳng ai quen Vì Quyết Chiến nhưng họ hỏi han, đưa cậu bé đến điểm cuối. Nhà xe còn mua bánh, nước cho cậu bé ăn uống, liên lạc với bố của Chiến. Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp mất phanh, đôi dép mòn chảy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại... Tài xế xe khách kể: Trời tối, tôi thấy cậu bé nhỏ nhắn vẫy xe, ban đầu tôi tưởng cậu bé đùa nên đi qua. Nhưng rồi, tôi dừng lại, cầm đèn pin xuống hỏi cậu bé và không tin nói câu chuyện của em. Lúc vẫy xe cũng là lúc em đã quá đói và không thể tiếp tục hành trình. Nếu chiếc xe không dừng lại, có lẽ câu chuyện của Chiến đã sang một hướng khác.
(Theo http: www 24h.com.vn/tintuctrongngay, 28/3/2019)
Câu 1 (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm) Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau: “Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp mất phanh, đôi dép mòn chảy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại..."
Câu 3 (1,0 điểm) Vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn?
Câu 4 (1,0 điểm) Em có đồng ý với hành động của cậu bé Vì Quyết Chiến đã đạp xe khoảng 103km từ Sơn La đến Hòa Bình trong hành trình thăm em trai bị ốm tại Bệnh viện Nhi Trung ương không? Vì sao?
Phần II: Tạo lập văn bản (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy nêu cảm nhận về lòng tốt giữa con người với con người trong cuộc sống hiện nay. (Trình bày trong một đoạn văn khoảng 200 từ)
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và con người qua các khổ thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
.....
Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)
Gợi ý đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn 2019 Ninh Bình
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1 (0.5 điểm) Phương thức biểu đạt chính: tự sự
Câu 2 (0,5 điểm)
Thành phần biệt lập: tình thái - Chắc hẳn
Câu 3 (1,0 điểm) Tác giả bài viết cho rằng: Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn bởi trên chuyến xe ấy, dù chẳng ai quen Vì Quyết Chiến nhưng họ hỏi han, đưa cậu bé đến điểm cuối. Nhà xe còn mua bánh, nước cho cậu bé ăn uống, liên lạc với bố của Chiến. Hơn nữa, chuyến xe ấy là do cậu bé tự lái và đi bằng xe đạp tận 103 km để xuống viện thăm em trai. Đó cũng chính là biểu hiện cao đẹp của tình cảm gia đình, của tình thân máu mủ ruột thịt.
Câu 4 (1,0 điểm)
Nêu quan điểm của em: đồng ý hoặc không rồi đưa ra lý do.
Gợi ý:
Đồng ý nếu em cảm nhận đây là một cách thể hiện tình yêu thương trong gia đình của người anh và người em.
Không đồng ý: em quá nhỏ, đạp xe như vậy nguy hiểm và nếu như chuyến xe đó không dừng lại thì liệu em sẽ thế nào?
Phần II: Tạo lập văn bản (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Tham khảo đoạn văn sau:
“Cuộc sống có vô vàn những thứ quý giá như sức khỏe, thời gian bởi người ta thường nói "có sức khỏe là có tất cả” và “thời gian là vàng”. Song có một thứ quý giá vô cùng mà ta không thể không kể đến đó là lòng tốt trong câu “lòng tốt là của cải”.
Vậy lòng tốt là gì? Lòng tốt là hành động, việc làm xuất phát từ tấm lòng nhằm giúp đỡ người khác.
Người có lòng tốt giúp đỡ người khác như tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và người được giúp đỡ sẽ trở lên hân hoan, có niềm tin để vượt qua khó khăn, những trẻ em nghèo, những người nhiễm chất độc da cam sẽ yên tâm hơn với cuộc sống, nhờ có lòng tốt của người khác mà những người nghèo được đón Tết đầy đủ, vui vẻ hơn. Có thể nhờ có lòng tốt mà cuộc sống của con người với con người trở lên tốt đẹp hơn.
Người có lòng tốt luôn quan tâm, chia sẻ giúp đỡ những người khác, không nghĩ xấu, nói xấu ai, không đố kị, không tranh giành quyền lợi… Biểu hiện của lòng tốt trong cuộc sống rất đa dạng và phong phú, nhỏ nhất là việc dắt cụ già đi qua đường, nhặt được của rơi trả lại người mất… lớn hơn là giúp đỡ người khi gặp hoạn nạn… Tuy nhiên, trên thực tế con người không phải ai cũng tốt, cái ác vẫn tồn tại vì tham lam, đố kị, vì bổng lộc quyền hành nhiều khi cả những cái hão huyền mà người ta đối xử với nhau một cách tàn nhẫn, chúng ta cần lên án đấu tranh chống lại cái ác, đồng thời quý trọng người có lòng tốt.
Nhưng lòng tốt không mua được bằng tiền, lòng tốt quý hơn của cải, của cải dùng mãi sẽ hết còn lòng tốt thì không bao giờ cạn. Lòng tốt là giá trị tinh thần vô giá không gì đánh đổi được nên ngay từ hôm nay chúng ta hãy nâng niu, nuôi dưỡng hạt mầm yêu thương để lòng tốt nảy nở từ những việc làm nhỏ nhất.
Câu 2 (5.0 điểm)
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Bài thơ là nỗi lòng của tác giả về niềm yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn cống hiến góp vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và con người.
II. Thân bài
Đoạn thơ thứ nhất: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước và con người
- Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả (lưu ý, tác giả viết bài thơ 11/1980 - lúc này đang là mùa đông)
+ Hình ảnh vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế được khắc họa qua: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng
+ Âm thanh tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long lanh”
+ Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện qua góc nhìn của tác giả cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời
+ Lời trò chuyện thân mật cùng tự nhiên và sự trân trọng sự sống được thể hiện qua hành động “đưa tay hứng” của tác giả
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
+ Giọt long lanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”
→ Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng
Đoạn thơ thứ 2: Ước nguyện chân thành, giản dị được cống hiến của tác giả
- Tác giả thể hiện tâm nguyện tha thiết muốn cống hiến qua những hình ảnh đẹp, thuần phác:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
+ Điệp từ “ta” để khẳng định đó là tâm niệm chân thành của nhà thơ, cũng là khát vọng cống hiến cho đời chung của nhiều người.
+ Các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.
- Mùa xuân nho nhỏ là một ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ khi thể hiện thiết tha, cảm động khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa.
+ Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ trở nên thiết tha, lắng đọng
+ Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn tha thiết với cuộc đời, mong muốn sống đẹp và hữu ích, tận hiến cho cuộc đời chung.
→ Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình.
Đoạn thơ thứ 3. Ngợi ca quê hương đất nước qua điệu hát dân ca Huế
- Cả bài thơ giống như làn điệu dân ca Huế mượt mà, trữ tình và sâu lắng
+ Bài thơ khép lại với điệu Nam ai, Nam bình của xứ Huế để ca ngợi vẻ đẹp và nỗi niềm của người con xứ Huế
+ Khúc ca còn ngân vang mãi từ tâm hồn của người lạc quan, yêu đời, khát khao sống có ích
III. Kết bài
- Những đoạn thơ chính là tiếng lòng của tác giả trước cuộc đời, đất nước.
- Với giọng trầm lắng có lúc nhộn nhịp, hối hả, bài thơ không những diễn đạt được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước mà còn thể hiện được sự mê say với cuộc sống và khát vọng chân thành đẹp đẽ của tác giả.
.............................................
Ngoài Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Ninh Bình năm 2019. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2019 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt