Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016

Vào sáng ngày 03.07.2016, các thí sinh bước vào kì thi đại học, thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý. TimDapAnnhanh chóng cập nhật Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 gửi đến các bạn tham khảo, giúp các bạn tự lượng sức đánh giá kết quả bài làm của mình một cách sát nhất.

Bộ GD vs ĐT công bố Đáp án - Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 Tất cả các môn

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Toán năm 2016

Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2016

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Vật lý năm 2016

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
(Đề thi có 01 trang)
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2016
Môn thi: ĐỊA LÍ
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (2,0 điểm)

  1. Nêu các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của nước ta.
  2. Trình bày những ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Câu II (2,0 điểm)

Dựa vào trang 26 và trang 30 của Atlat Địa lí Việt Nam, hãy:

  1. Xác định tên và quy mô của từng trung tâm công nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp từ 9 nghìn tỉ đồng trở lên ở Đồng bằng sông Hồng.
  2. Kể tên các khu kinh tế ven biển ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Câu III (3,0 điểm)

Cho bảng số liệu:

LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC PHÂN THEO NGÀNH KINH TẾ Ở NƯỚC TA NĂM 2000 VÀ NĂM 2013

Đơn vị: Nghìn người

Năm Tổng số Chia ra
Nông - lâm - thủy sản Công nghiệp - xây dựng Dịch vụ
2000 37 075 24 136 4 857 8 082
2013 52 208 24 399 11 086 16 723

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội 2012 và 2015)

  1. Vẽ biểu đồ tròn thể hiện quy mô lao động đang làm việc và cơ cấu của nó phân theo ngành kinh tế ở nước ta năm 2000 và năm 2013.
  2. Nhận xét về quy mô lao động đang làm việc và sự thay đổi cơ cấu của nó phân theo ngành kinh tế qua hai năm 2000, 2013 và giải thích.

Câu IV (3,0 điểm)

  1. Phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta. Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?
  2. Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp. Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng?

Đáp án đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016

Câu I (2,0 điểm)

1. Nêu các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của nước ta. (1,00)

  • Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên...(dẫn chứng). (0,50)
  • Ban hành Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nguồn gen động, thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. (0,25)
  • Quy định việc khai thác để đảm bảo sử dụng lâu dài các nguồn lợi sinh vật của đất nước. (0,25)

2. Trình bày những ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. (1,00)

  • Tác động mạnh tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (0,25)
  • Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và các địa phương trong cả nước. (0,25)
  • Tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. (0,25)
  • Có khả năng tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. (0,25)

Câu II (2,0 điểm)

1. Xác định tên và quy mô của từng trung tâm công nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp từ 9 nghìn tỉ đồng trở lên ở Đồng bằng sông Hồng. (1,00)

  • Phúc Yên: Từ 9 đến 40 nghìn tỉ đồng.
  • Bắc Ninh: Từ 9 đến 40 nghìn tỉ đồng.
  • Hải Phòng: Từ trên 40 đến 120 nghìn tỉ đồng.
  • Hà Nội: Trên 120 nghìn tỉ đồng.

2. Kể tên các khu kinh tế ven biển ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. (1,00)

Chân Mây - Lăng Cô; Chu Lai; Dung Quất; Nhơn Hội.

Câu III (3,0 điểm)

1. Vẽ biểu đồ tròn thể hiện quy mô lao động đang làm việc và cơ cấu của nó phân theo ngành kinh tế ở nước ta năm 2000 và năm 2013.

a) Xử lí số liệu:

- Tính cơ cấu: (0,25)

CƠ CẤU LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC PHÂN THEO NGÀNH KINH TẾ Ở NƯỚC TA NĂM 2000 VÀ NĂM 2013

Đơn vị: %

Năm Tổng số Chia ra
Nông - lâm - thủy sản Công nghiệp - xây dựng Dịch vụ
2000 100 65,1 13,1 21,8
2013 100 46,7 21,2 32,1

- Tính bán kính: (0,25)

Chọn r2000 = 1,0 đơn vị bán kính.

r2013 = √(52208/37075) ≈ 1,2 đơn vị bán kính.

b) Vẽ biểu đồ: (1,50)

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016

2. Nhận xét về quy mô lao động đang làm việc và sự thay đổi cơ cấu của nó phân theo ngành kinh tế qua hai năm 2000, 2013 và giải thích. (1,00)

a) Nhận xét: (0,50)

  • Quy mô lao động đang làm việc ở nước ta tăng (dẫn chứng). (0,25)
  • Cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng lao động nông - lâm - thủy sản; tăng tỉ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó tỉ trọng lao động dịch vụ tăng nhiều nhất (dẫn chứng). (0,25)

b) Giải thích: (0,50)

  • Quy mô lao động đang làm việc tăng là do công cuộc Đổi mới, nền kinh tế của nước ta phát triển nhanh nên đã tạo ra được nhiều việc làm... (0,25)
  • Cơ cấu lao động thay đổi chủ yếu nhờ kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Riêng khu vực dịch vụ phát triển mạnh với hàng loạt ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho sản xuất và đời sống nên đã thu hút thêm nhiều lao động nhất... (0,25)

Câu IV (3,0 điểm)

1. Phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta. Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam? (1,50)

a) Phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta. (1,00)

  • Nguyên liệu từ ngành trồng trọt: (0,50)
    • Nhóm cây lương thực (lúa, màu các loại) và cây thực phẩm.
    • Nhóm cây công nghiệp (lâu năm, hàng năm) và cây ăn quả.
  • Nguyên liệu từ ngành chăn nuôi: (0,25)
    • Chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò...).
    • Chăn nuôi lợn và gia cầm.
  • Nguyên liệu từ ngành thủy sản: (0,25)
    • Đánh bắt.
    • Nuôi trồng.

b) Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam? (0,50)

  • Đáp ứng được nhu cầu của các thị trường quốc tế đầy tiềm năng (Hoa Kì, EU, Nhật Bản...). (0,25)
  • Phát huy được các thế mạnh trong nước (về nguồn nguyên liệu, lao động, cơ sở vật chất - kĩ thuật, chính sách...) để sản xuất ra các sản phẩm này; đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. (0,25)

2. Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp. Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng? (1,50)

a) Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp. (1,00)

  • Thế mạnh:
    • Diện tích rộng (hơn 4 triệu ha) với tài nguyên đất đa dạng. (0,25)
    • Đất phù sa ngọt (1,2 triệu ha) phân bố dọc sông Tiền, sông Hậu có giá trị đặc biệt đối với nông nghiệp. (0,25)
    • Đất phèn (1,6 triệu ha), đất mặn (75 vạn ha) có giá trị hơn đối với nông nghiệp sau khi được cải tạo và các loại đất khác (40 vạn ha) ít có giá trị. (0,25)
  • Hạn chế: Đất phèn, đất mặn chiếm diện tích lớn; một vài loại đất thiếu dinh dưỡng, quá chặt, khó thoát nước... (0,25)

b) Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng? (0,50)

  • Mùa khô kéo dài (từ tháng XII đến tháng IV năm sau), cùng với địa hình thấp nên tình trạng xâm nhập mặn diễn ra hàng năm. (0,25)
  • Riêng trong những tháng mùa khô năm 2015 - 2016, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu (mực nước biển dâng và nhất là El Nino kéo dài làm gia tăng khô hạn), kết hợp với việc xây dựng nhà máy thủy điện của các nước trên dòng sông Mê Công (làm hạn chế lượng nước ngọt đổ về đồng bằng)... (0,25)
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm