Thể loại Sử thi

Tìm hiểu về sử thi bao gồm các nội dung: khái niệm, đặc trưng và cách phân loại sử thi giúp các em củng cố và mở rộng kiến thức về thể loại sử thi


1. Khái niệm

       Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.

2. Đặc trưng

- Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn khác nhau.

- Nghệ thuật: sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.

3. Phân loại sử thi

a. Sử thi anh hùng dân gian

- Ở dạng cổ xưa nhất của sử thi, tính anh hùng còn hiện diện trong vỏ bọc thần thoại hoang đường (các dũng sĩ không chỉ có sức mạnh chiến đấu mà còn có năng lực siêu nhiên, ma thuật, kẻ địch thì luôn hiện diện dưới dạng quái vật giả tưởng). Những đề tài chính được sử thi cổ xưa miêu tả: chiến đấu chống quái vật (cứu người đẹp và dân làng), người anh hùng đi hỏi vợ, sự trả thù của dòng họ.

b. Sử thi cổ điển

- Các dạng cổ điển của sử thi có nhân vật thường là các dũng sĩ kiêm thủ lĩnh và các chiến binh đại diện dân tộc ở tầm lịch sử; các kẻ thù của họ thường được đồng nhất với bọn xâm lược, những kẻ áp bức, ngoại bang và dị giáo (như người Turk, người Tartar với sử thi Slavơ).

- Thời gian sử thi ở đây khác với sử thi dân gian, không còn là thời đại sáng chế các thần thoại, mà là quá khứ vinh quang trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

- Được ca ngợi trong các dạng sử thi cổ điển là các nhân vật và biến cố lịch sử (hoặc ngụy lịch sử), mặc dù bản thân sự miêu tả các chất liệu lịch sử bị phụ thuộc vào sơ đồ cốt truyện truyền thống, đôi khi còn sử dụng cả mô hình nghi lễ thần thoại.

- Các nền sử thi thường là các cuộc đấu tranh của hai bộ lạc hoặc bộ tộc, sắc tộc ít nhiều tương ứng với sự thật lịch sử (như cuộc chiến Troia trong Iliad, việc tranh đoạt Sampo trong Kalevala). Quyền lực được tập trung trong các nhân vật trung tâm có hành động tích cực là các ông vua của thế giới sử thi (như Karl Đại Đế trong bản Anh hùng ca Roland), hay các dũng sĩ. Các nhân vật nổi loạn, cách mạng xung đột với quyền lực (Akhillos trong Iliad, Đăm San trong khan Êđê, Robin Hud trong thiên ballade của Anh, các nhân vật trong Thủy hử ở Trung Hoa) xuất hiện ít ỏi trong giai đoạn tan rã hình thức cổ điển của sử thi anh hùng.

c. Sử thi anh hùng

- Những anh hùng ca, với tư cách là các tác phẩm sử thi anh hùng cỡ lớn, thể hiện sự tương quan giữa yếu tố cá nhân anh hùng và yếu tố sử thi tập thể rõ rệt, đủ để bộc lộ tính tích cực cá nhân, đã trở thành công cụ đắc lực cho sự biểu hiện yếu tố toàn dân, và dân tộc.

- Trường ca sử thi "về thực chất có liên quan đến thời trung đại, khi dân chúng tỉnh dậy từ giấc ngủ nặng nề, nhưng tinh thần thì đã cứng cáp đến mức tạo được thế giới riêng của mình và tự cảm thấy mình gắn bó máu thịt với thế giới ấy... Khi bản thân cái cá nhân được giải phóng khỏi khối vẹn toàn dân tộc khởi thủy với trạng thái chung, lối nghĩ lối cảm chung, hoạt động và số phận chung, thì thay cho thơ ca sử thi những cái sẽ phát triển chín muồi hơn cả một mặt là thơ và mặt khác là kịch" (Hegel).