Tập làm văn: Luyện tập xây dựng cốt truyện trang 45 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Giải bài tập Tập làm văn: Luyện tập xây dựng cốt truyện trang 45 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Đề bài: Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân vật : bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và một bà tiên.


Đề bài

Đề bài: Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân vật : bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và một bà tiên.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Gợi ý

1. Câu chuyện với ba nhân vật như trên có thể là một câu chuyện về sự hiếu thảo. Muốn kể về người con hiếu thảo, em cần tưởng tượng :

- Bà mẹ ốm như thế nào ?

- Người con chăm sóc mẹ như thế nào ?

- Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con gặp khó khăn gì ?

M : Phải tìm một loại thuốc rất hiếm.

- Bà tiên giúp hai mẹ con như thế nào ?

M:

+ Cách 1 : Cảm động về tình mẹ con, bà tiên bỗng hiện ra giúp.

+ Cách 2 : Người con vượt qua rất nhiều khó khăn đi tìm bà tiên.

 2. Câu chuyện với ba nhân vật như trên cũng có thể là một câu chuyện về tính trung thực. Những điều em cần tưởng tượng là

- Bà mẹ ốm như thế nào ?

- Người con chăm sóc mẹ như thế nào ?

- Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con gặp khó khăn gì ?

- Nhà rất nghèo, không có tiền mua thuốc.

- Bà tiên làm cách nào để biết người con là người trung thực ?

- Bà tiên giúp đỡ người con trung thực như thế nào ? 

Trả lời:

1. Câu chuyện về Sự hiếu thảo

Tưởng tượng trả lời các câu hỏi:

- Người mẹ ốm như thế nào? (ốm thập tử nhất sinh)

- Người con chăm sóc mẹ ra sao? (nhà nghèo nhưng tận tụy đêm ngày chăm lo săn sóc chu đáo).

- Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con gặp khó khăn gì? (phải tìm ra thứ thuốc quý hiếm tận chốn núi cao, rừng thẳm).

- Người con vượt qua khó khăn đó như thế nào? (quyết tâm lặn lội, không ngại thú dữ rắn rết tìm cho bằng được).

- Bà tiên đã giúp hai mẹ con ra sao? (bà tiên xúc động trước lòng hiếu thảo đó nên đã hiện ra giúp đỡ).

2. Câu chuyện về tính trung thực

Tưởng tượng và trả lời các câu hỏi:

- Người mẹ ốm như thế nào? (ốm thập tử nhất sinh)

- Người con chăm sóc mẹ ra sao? (nhà nghèo nhưng tận tụy đêm ngày chăm lo săn sóc chu đáo).

- Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con gặp khó khăn gì? (phải tìm ra thứ thuốc quý hiếm tận chốn núi cao, rừng thẳm).

- Bà tiên cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con nhưng muốn thử thách lòng trung thực của người con như thế nào? (bà tiên giả vờ đánh rơi túi vàng bạc châu báu để thử lòng người con. Người con không gian tham nên được bà tiên giúp đỡ).

Học sinh tự kể câu chuyện theo sự tưởng tượng của mình như đã gợi ý bên trên.

Lời giải chi tiết

Bài tham khảo

Ngày xưa, ở một làng nọ có hai mẹ con bà góa nghèo. Năm ấy, người mẹ bỗng nhiên ốm nặng, người con thương mẹ, tận tụy chăm sóc mẹ ngày đêm, nhưng sức khỏe của người mẹ ngày một yếu đi. Thấy vậy, người con dù còn nhỏ nhưng vẫn quyết lên rừng hái củi kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Một hôm, trên đường đi hái củi về, người con nhặt được một chiếc túi đựng rất nhiều vàng. Cậu ta nhìn trước rồi nhìn đằng sau nhưng chỉ thấy mỗi bà cụ đi trước, người con đoán số vàng đó là của bà cụ. Không ngần ngại, cậu ta chạy đến chỗ cụ già và nói: “Bà ơi! có phải bà đánh rơi cái túi này không?”. Bà cụ cười, nói:

- Đúng cái túi này là của bà, nhưng sao con không lấy số của cải này mà mua thuốc cho mẹ?

Nghe cụ già nói, người con lễ phép đáp lại:

- Quả thật, con đang rất cần tiền để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng đây không phải là của con, con không thể lấy được. Nói rồi cậu bé tiếp tục gánh củi về nhà.

Về đến nhà, cậu ta lại thấy bà cụ đó đã ở nhà mình và điều làm cậu ngạc nhiên hơn cả là mẹ cậu đã khỏi ốm. Lúc này người con mới biết bà cụ đó là bà tiên giả dạng để thử lòng dạ con người. Bà tiên khen người con về tấm lòng trung thực và hiếu thảo với mẹ. Bà còn thưởng cho hai mẹ con một số tiền để trang trải cuộc sống. Đúng như lời người xưa đã nói:

“Ở hiền thì được gặp hiền

Người ngay thì được Phật, tiên độ trì”.

Bài giải tiếp theo