Tả một chậu hoa hay một khóm hoa đã để lại trong tâm hồn em nhiều kỉ niệm đẹp

Vào giữa tuần trăng mỗi tháng, nhất là những ngày đẹp trời, nguyệt quế tưng bừng nở hoa. Nguyệt quế nở suốt đêm ngày, nhưng có điều rất đặc biệt: phô sắc ban ngày, dâng hương về đêm.


Đề bài

Tả một chậu hoa hay một khóm hoa đã để lại trong tâm hồn em nhiều kỉ niệm đẹp

Phương pháp giải - Xem chi tiết

A. Mở bài: Giới thiệu chung về chậu cây

B. Thân bài

- Miêu tả về chậu cây

- Sự gắn bó của chậu cây đối với con người.

C. Kết bài: Cảm nghĩ của em về chậu cây đó.

Lời giải chi tiết

          Trong nhà em có rất nhiều cây cây cối, chúng mọc xanh tươi tô sắc cho khung cảnh ngôi nhà nhưng trong đó có lẽ em thích nhất là chậu nguyệt quế trong sân. Chậu cây này đối với em thật đặc biệt không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà còn bởi nó mang đầy hồi ức và gắn bó với người ông yêu quý của em.

          Vào giữa tuần trăng mỗi tháng, nhất là những ngày đẹp trời, nguyệt quế tưng bừng nở hoa. Nguyệt quế nở suốt đêm ngày, nhưng có điều rất đặc biệt: phô sắc ban ngày, dâng hương về đêm. Càng về khuya, hương hoa nguyệt quế càng nồng nàn, càng ngào ngạt. Chậu nguyệt quế đặt ở hiên nhà, khóm nguyệt quế trồng ở góc vườn, tưởng như được phủ tuyết lấp lánh, trong suốt. Nụ hoa to bằng hạt đỗ, hạt ngô nẩy từng chùm chúm chím màu xanh lơ, màu trắng nhạt, và lúc nở xòe màu trắng phau, mịn màng, với năm cánh hình hoa thị xếp đều quanh đài hoa, như một cái chuông nhỏ xíu, đựng đầy phấn hoa thơm lừng. Màu trắng của hoa nguyệt quế cũng trắng phau như hoa nhài, nhưng hoa nhài to hơn, nở xòe toát ra một màu thanh bạch, còn nguyệt quế thì trắng trong, dịu dàng.

        Cách ướp trà của ông rất lạ. Nhài được ông hái vào, phủ chè móc câu lên; còn ướp hương nguyệt quế, ông lại có cách làm khác rất cầu kì. Ông trải đều trà lên một cái giần, ông treo lên khóm nguyệt quế nở hoa, rồi ông lấy ni lông trùm lấy cây nguyệt quế suốt đêm. Ông làm như thế ba đêm liền, rồi sấy khô bỏ vào lọ uống dần. Ông gọi đó là cách ướp trà hương "tam nguyệt dạ" mà các cụ ngày xưa truyền lại.

        Cây nguyệt quế thuộc loại thân gỗ mềm như cây nhài, như cây chè mạn nhưng nó chỉ cao trên dưới một mét. Cành cây, nhánh cây khép tán, lá um tùm xòe ra. Mỗi cành nguyệt quế có nhiều nhánh, mỗi nhánh có nhiều tia, mỗi tia thường có bảy lá trổ về hai phía. Lá hình bầu dục, to bằng bề mặt đốt ngón tay trỏ trẻ em. Lá non xanh nhạt; lá bánh tẻ xanh biếc. Hoa mọc ở đầu tia lá. Khóm nguyệt quế thường có hàng trăm, hàng ngàn tia lá; cây có bao nhiêu tia lá là có bấy nhiêu chùm hoa, chùm nụ. Khi nở hoa, cây nguyệt quế như một mâm xôi nếp cái vồng lên thơm nức ngon lành.

         Ông em thường lấy bùn ao, đất màu trên đồng đem về phơi khô giã tơi nhỏ trộn lẫn phân đạm để bón cho nguyệt quế. Ông còn dùng nước ốc ngâm để tưới vào đầu tháng và gọi đó là "thủy dưỡng sinh”. Tự tay ông pha chế, chăm bón cho cây.

          Năm 1980, ông nội em về hưu với quân hàm Đại tá pháo binh. Người bạn của ông ở Xuân Đỉnh, Hà Nội đã tặng ông chậu nguyệt quế khi ông lên lão 70 tuổi. Vài chậu hoa, khóm hoa, với thú uống trà tàu là niềm vui của ông. Ông đã dành cho chậu nguyệt quế bao tình chăm chút, quý trọng. Giữa mùa trăng, khi hoa nguyệt quế bừng nở, ông vui hẳn lên. Hoa nguyệt quế là niềm vui tuổi già của ông. Ông quý chậu nguyệt quế như yêu thương đàn cháu vậy.