Soạn bài Tập đọc: Bím tóc đuôi sam trang 31 SGK Tiếng Việt 2 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Tập đọc: Bím tóc đuôi sam trang 31 SGK Tiếng Việt 2 tập 1. Câu 3. Thầy giáo làm cho Hà vui lên bằng cách nào?


Câu 1

Các bạn gái khen Hà thế nào?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 2 của truyện.

Trả lời :

Các bạn gái khen Hà : Ái chà chà ! Bím tóc đẹp quá !


Câu 2

Vì sao Hà khóc?

Gợi ý: Em đọc đoạn 2 của truyện.

Trả lời :

Hà khóc vì Tuấn kéo bím tóc khiến Hà bị ngã.


Câu 3

Thầy giáo làm cho Hà vui lên bằng cách nào?

Gợi ý: Em đọc đoạn 3 của truyện.

Trả lời :

Thầy giáo làm cho Hà vui lên bằng cách khen bím tóc của Hà rất đẹp.


Câu 4

Nghe lời thầy, Tuấn đã làm gì?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 4 của truyện.

Trả lời :

Nghe lời thầy, Tuấn đã tới xin lỗi Hà. Tuấn cũng biết rằng phải đối xử thật tốt với các bạn gái.

Nội dung bài: Cần đối xử tốt với các bạn gái.


Bài đọc

Bím tóc đuôi sam

1. Một hôm, Hà nhờ mẹ tết cho hai bím tóc nhỏ, mỗi bím buộc một cái nơ.

2. Khi Hà đi đến trường, mấy bạn gái cùng lớp reo lên: “Ái chà chà ! Bím tóc đẹp quá!”. Điều đó làm Hà rất vui. Nhưng Tuấn bỗng sấn tới, nắm bím tóc và nói :

- Tớ mệt quá, cho tớ vịn vào nó một lúc.

Tuấn lớn hơn Hà. Vì vậy, mỗi lần cậu kéo bím tóc, cô bé lại loạng choạng và cuối cùng ngã phịch xuống đất. Tuấn vẫn đùa dai, cứ cầm bím tóc mà kéo. Hà òa khóc. Rồi vừa khóc, em vừa chạy đi mách thầy.

3. Thầy giáo nhìn hai bím tóc xinh xinh của Hà, vui vẻ nói:

- Đừng khóc, tóc em đẹp lắm!

Hà ngước khuôn mặt đầm đìa nước mắt lên hỏi :

- Thật không ạ ?

- Thật chứ !

Nghe thầy nói thế, Hà nín hẳn : 

- Thưa thầy, em sẽ không khóc nữa.

Thầy giáo cười, Hà cũng cười.

4. Tan học, Tuấn đến trước mặt Hà, gãi đầu ngượng nghịu :

- Tớ xin lỗi vì lúc nãy kéo bím tóc của bạn. Thầy giáo đã phê bình tớ. Thầy bảo phải đối xử tốt với các bạn gái.

Phỏng theo KU-RÔ-Y-A-NA-GI

(Phí Văn Gừng dịch)

- Tết : đan, kết nhiều sợi thành dải.

- Bím tóc đuôi sam : tóc tết thành dải như đuôi con sam

- Loạng choạng : đi đứng không vững.

- Ngượng nghịu: (vẻ mặt, cử chỉ) không tự nhiên.

- Phê bình : nhắc nhở, chê trách người có lỗi.

 


Bài học bổ sung