Phân tích văn bản Buổi học cuối cùng

“Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê là những lời tâm sự hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé Phrăng về buổi học Pháp văn cuối cùng.


Mẫu 1

Lời giải chi tiết:

“Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê là những lời tâm sự hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé Phrăng về buổi học Pháp văn cuối cùng.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc Phrăng đi học muộn. Thiên nhiên được miêu tả với bầu trời trong trẻo, những tiếng sáo hót véo von như có một mãnh lực ghê gớm khiến chú bé muốn bỏ trốn buổi học ngày hôm nay. Nhưng Phrăng đã cưỡng lại được và một mạch chạy đến trường. Khi đi qua trụ sở xã, mọi người tụ tập rất đông với bầu không khí đầy căng thẳng, họ đứng ở bảng dán cáo thị - nơi thường đăng những tin chẳng lành: thất trận, các mệnh lệnh của chỉ huy Đức.

Khi đến lớp học, Phrăng đã cảm nhận được mọi điều đang diễn ra thật kì lạ. Nếu thông thường buổi học là những “tiếng ồn ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố” “tiếng ngăn bàn đóng mở”… thì hôm nay tất cả chỉ là sự yên lặng, các bạn của cậu đều đã ngồi vào chỗ. Đặc biệt hơn nữa, thầy Ha-men đối xử ân cần với Phăng thay vì giận dữ khi cậu bé đi học muộn: “Phăng, vào chỗ nhanh lên con, lớp học sắp bắt đầu mà không có con”. Thầy Ha-men ăn vận thật đẹp đẽ, sang trọng. Thầy mặc bộ quần áo chỉ dành cho những dịp quan trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt, màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu, cùng với đó là sự xuất hiện của những người lớn tuổi.

Không khí của lớp học trở nên trang trọng, khác thường. Buổi học bắt đầu, thầy Ha-men bằng giọng dịu dàng đã thông báo đây là buổi học Pháp văn cuối cùng. Nghe những điều thầy thông báo Phăng cảm thấy choáng váng. Trước nỗi xúc động tột cùng, cậu bé đã không kìm được cảm xúc mà bật lên tiếng nguyền rủa: “A! Quân khốn nạn…” - lời nói ấy không còn là của một chú bé ngây thơ, mà đó là lời của một con người yêu nước. Sau giây phút ấy chú bé đã vô cùng hối hận vì những lần đã trốn học hay lãng phí thời gian. Phrăng quên cả những lời thầy mắng mỏ khi không thuộc bài. Lúc này đây, những lời thầy Ha-men nói như chạm vào tâm can mỗi học trò. Đặc biệt nhất là khi nghe những lời tâm sự của thầy, tất cả mọi người trong lớp học đều cảm thấy xúc động.

Ai nấy đều chú ý lắng nghe, như nuốt từng lời thầy giảng. Ai cũng đều khắc ghi lời giảng của thầy Ha-men về tiếng Pháp: “tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…”. Đặc biệt hơn nữa trong những giờ phút cuối cùng của buổi học thầy Ha-men đã viết lên bảng dòng chữ: “Nước Pháp muôn năm” và ra hiệu cho mọi người kết thúc buổi học. Hành động của thầy vừa cho thấy lòng yêu nước nồng nàn vừa đượm buồn, đồng thời như lời thúc giục mọi người hãy lên đường đấu tranh, đem tiếng Pháp trở lại.

Tác phẩm “Buổi học cuối cùng” được viết ở ngôi thứ nhất qua những suy nghĩ, cảm nhận của chú bé Phrăng làm cho câu chuyện trở nên chân thật, giàu cảm xúc. Ngôn ngữ dung dị nhưng sâu sắc, giàu sức biểu cảm đã thể hiện trọn vẹn tình yêu nước của các nhân vật.

Bằng cách diễn đạt giản dị nhưng lôi cuốn, truyện đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn đời đó chính là lòng yêu nước gắn liền với tình yêu tiếng mẹ đẻ. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh chân lí: giáo dục lòng yêu nước từ những gì bình dị, nhỏ bé nhất.



Mẫu 2

Lời giải chi tiết:

Tác giả An-phông-xơ Đô-đê với tác phẩm “Buổi học cuối cùng” đã khắc họa những suy nghĩ hồn nhiên và tâm sự còn ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của một chú bé vùng An-dát. Diễn biến trong buổi học cuối cùng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc Phrăng đi học muộn. Tác giả đã khắc họa ngoại cảnh tươi đẹp với bầu trời xanh, tiếng chim hót như đang níu kéo bước chân của cậu bé, khiến cho Phrăng muốn trốn học buổi hôm ấy. Thế nhưng cậu đã cưỡng lại được mãnh lực đó, chạy tới trường. Trên đường tới trường, Phrăng cảm nhận được tin chẳng lành, bằng hiểu biết của mình cậu đã tự hỏi “Lại có chuyện gì nữa đây?”. Đến khi tới trường, không khí trường học khác lạ đã tác động mạnh đến tâm hồn nhạy cảm của Phrăng “tiếng ồn ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố…” đã thay bằng sự vắng lặng đến phát sợ, ai nấy đều đã yên trong vị trí. Đặc biệt là khi Phăng đi học muộn nhưng thầy Ha-men lại rất ân cần thay vì giận dữ: “Phrăng, vào chỗ nhanh lên con, lớp học sắp bắt đầu mà không có con”.

Trong bộ dạng ăn vận đẹp đẽ, sự xuất hiện của những người lớn tuổi, thầy Ha-men nhẹ nhàng thông báo về buổi học Pháp văn cuối cùng. Từng lời thầy nói trong nghẹn ngào khiến Phrăng đã hiểu ra tất cả những điều bất thường và khác lạ trong ngày hôm nay. Ban đầu, cậu cảm thấy choáng váng, xúc động vô cùng. Và rồi không kìm được dòng cảm xúc mà bật lên câu nguyền rủa “A! Quân khốn nạn…”. Có thể hiểu, đó không còn là lời của một cậu bé ngây thơ nữa, mà đó là lời của một con người yêu nước, trong giây phút ấy Phrăng đã vô cùng hối hận vì những lần trốn học, bỏ bài, sự lãng quên những lần thầy thầy mắng mỏ.

Những lời bộc bạch của thầy Ha-men chạm tới trái tim mọi người, thể hiện thầy là một người rất yêu nghề, và có lòng yêu nước nồng nàn. Trong buổi học cuối cùng này, ai cũng chăm chú lắng nghe trong nghẹn ngào, khắc ghi vào lòng lời thầy căn dặn “tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới… nắm được chìa khóa chốn lao tù”. Dòng chữ cuối cùng trên bảng “Nước Pháp muôn năm” đã kết thúc buổi học và là lời thúc giục hành động đấu tranh của mỗi người, hãy đứng lên đấu tranh để đem tiếng Pháp trở lại với đất nước này.

Tác phẩm “Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê được viết ở ngôi thứ nhất. Điều đó khiến nó giống như là một cuốn tự truyện của cậu bé Phrăng. Những suy nghĩ và cảm nhận của cậu bé đã tạo nên tính chân thật và giàu cảm xúc cho truyện. Bằng ngôn ngữ giản dị, cách diễn đạt lôi cuốn, truyện đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn đời đó chính là lòng yêu nước gắn liền với tình yêu tiếng mẹ đẻ.



Mẫu 3

Lời giải chi tiết:

An-phông-xơ Đô-đê là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng của văn học Pháp. Truyện của ông thường giản dị nhưng rất đằm thắm, thể hiện một tấm lòng gắn bó tha thiết sâu nặng với quê hương đất nước. “Buổi học cuối cùng” là một tác phẩm như thế.

Truyện đưa chúng ta đến một ngôi trường làng vùng An-dát để chứng kiến một câu chuyện đầy xúc động đó là buổi học Pháp văn cuối cùng. Nó được diễn ra trong con mắt quan sát và cảm xúc, suy ngẫm của cậu học trò nhỏ Phrăng và được kề lại bằng chính lời kể của cậu bé.

Phrăng là một cậu học trò nghịch ngợm lại lười học. Cậu thường trốn học đi chơi ngoài đồng nội. Đối với cậu, bầu trời trong trẻo, chim sáo hót ven rừng trên đồng cỏ thường có sức cám dỗ hơn là những phân từ tiếng Pháp. Ngày hôm ấy, Phrăng đã đi học muộn. Khi đến lớp, cậu bé càng thấy ngạc nhiên hơn vì thấy thầy giáo không những chẳng giận dữ mà còn dịu dàng bảo cậu: “Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà lại vắng mặt con”. Còn ở phía cuối lớp, trên những dãy ghế bỏ trống, dân làng ngồi lặng lẽ; thầy Ha-men thì mặc một bộ lễ phục thật trang trọng.

Lời bộc bạch của thầy Ha-men vang lên: “Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc -lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren… Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con”. Từ lời nói của thầy khiến cho Phrăng cảm thấy choáng váng. Cậu cảm thấy hối hận, đau đớn và tự giận mình về thời gian đã bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt băng trên hồ. Cậu đau lòng khi nghĩ tới chuyện phải giã từ những quyển ngữ pháp, những quyển thánh sử. Cậu quên cả nỗi giận thầy Ha-men vì những lần bị phạt.

Trong buổi học cuối cùng, Phrăng không đọc thuộc những quy tắc về phân từ, nhưng thầy giáo không trách mắng. Thầy giảng giải cho Phrăng và các cậu học trò hiểu hoãn việc học là một tai hoạ lớn. Song điều làm Phrăng cảm thấy xúc động là khi thầy Ha men giang giải về tiếng Pháp. Thầy nói rằng đó là thứ ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất thế giới và vững vàng nhất: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững ti ống nói nia mình thì chẳng khác gì nắm được chia khoả chốn lao tù…”

Buổi học cuối cùng diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động: thầy say sưa giảng bài, trò chăm chú lắng nghe và cặm cụi học tập. Đến khi tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai giờ vang lên, thầy Ha-men trở nên xúc động không nói nên lời: “Các bạn, hỡi các bạn, tôi... tôi…”. Và thầy đã quay về phía bảng, cầm lấy viên phấn và viết một dòng chữ: “Nước Pháp muôn năm”. Có thể nói, đây là câu chuyện xúc động về tình yêu Tô quốc. Tình yêu ấy được biểu hiện cụ thể bằng tình yêu tiếng nói của dân tộc của thầy Ha-men, của những cậu học trò, của dân làng vùng An-dát. Đế diễn tả tình yêu ấy, An-Phông -xơ Đô-đê đã chú ý tập trung vào miêu tả cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng và hành động của các nhân vật, đặc biệt là thầy Ha-men và cậu học trò Phrăng.

Ngòi bút An-Phông-xơ Đô-đê đặc biệt tinh tế khi thế hiện tâm trạng và tình cảm của nhân vật. Cũng qua truyện ngắn này, mượn lời thầy Ha-men, nhà văn muôn nêu lên một chân lý: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”.

Với tất cả ý nghĩa như trên, “Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê đã trở thành một truyện ngắn hay, được nhiều người yêu mến.


Mẫu 4

Lời giải chi tiết:

Truyện “Buổi học cuối cùng” được An-phông-xơ Đô-đê, một nhà văn Pháp nổi tiếng (1840 - 1897) sáng tác. Nội dung kể về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của lớp tiểu học ở một làng quê thuộc vùng An-dát, sau khi vùng này đã bị cắt về cho nước Phổ.

Việc dạy và học bằng tiếng Pháp trong nhà trường của nước Pháp vốn là việc hết sức bình thường, như việc dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ ở bất cứ nước nào. Nhưng điều không bình thường lại nằm ở chỗ: đây là buổi học cuối cùng mà thầy trò còn được dạy và học bằng tiếng Pháp.

Từ thầy giáo đến học trò và cả những cụ già đến dự buổi học này đều cảm thấy ý nghĩa đặc biệt của nó. Họ thấm thía một điều hết sức quan trọng và thiêng liêng là phải biết yêu quý, trau dồi và giữ gìn tiếng Pháp, nhất là trong hoàn cảnh quê hương đang bị kẻ thù xâm lược cố tình đồng hóa, trước hết là bằng ngôn ngữ. Lòng yêu nước của mọi người đã được thể hiện qua thái độ quý trọng tiếng nói của dân tộc mình. Truyện nêu lên một chân lý qua lời thầy Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”.

Diễn biến của buổi học cuối cùng và hình ảnh thầy Ha-men đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm của Phrăng - nhân vật chính trong tác phẩm cũng là người kể chuyện. Khi nghe thầy Ha-men nói rằng đây là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp, Phrăng thấy choáng váng, sững sờ và đã hiểu ra nguyên nhân của mọi sự khác lạ trong buổi sáng hôm nay. Từ cảnh nhốn nháo trước trụ sở xã đến không khí yên ắng nặng nề ở lớp học và ở cả bộ y phục trang trọng của thầy Ha-men

Phrăng tiếc nuối và ân hận về sự lười nhác, ham chơi của mình bấy lâu nay. Cậu bé đau xót thú nhận: “Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi! Mà tôi thì mới biết viết tập toạng! Vậy là sẽ chẳng bao giờ được học nữa ư, phải dừng ở đó ư!... Giờ đây tôi tự giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt trên hồ. Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ”. Lời độc thoại nội tâm đã bộc lộ được tâm trạng của Phrăng khi nghe thầy Ha-men thông báo về buổi học tiếng Pháp cuối cùng.

Khi thầy Ha-men gọi cậu lên đọc bài, Phrăng không thuộc chút nào về quy tắc phân từ trong tiếng Pháp. Sự ân hận đã biến thành nỗi xấu hổ và tự giận mình. Điều kì lạ là trong tâm trạng day dứt ấy, khi nghe thầy Ha-men giảng ngữ pháp, Phrăng lại thấy thật rõ ràng và dễ hiểu: Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế.

Chứng kiến cảnh các cụ già trong làng đến dự buổi học cuối cùng và được nghe những lời nhắc nhở tha thiết của thầy Ha-men, nhận thức và tâm trạng của Phrăng đã có những biến đổi lớn lao.Cậu đã nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của việc học tiếng Pháp nhưng tiếc thay, chú không còn cơ hội để được tiếp tục học tiếng Pháp ở trường nữa. Còn các cụ già trong làng đến lớp và tập đánh vần theo học sinh không phải là do chưa biết chữ mà là để chứng kiến buổi học cuối cùng. Dường như đó cũng là một cách để tạ ơn thầy giáo chúng tôi về bốn mươi năm phụng sự hết lòng và để trọn đạo với Tổ quốc đang ra đi... Cụ Hô-de (vốn là xã trưởng) và bác phát thư chắc chắn là đều biết đọc biết viết, nhưng cụ Hô-de vẫn đánh vần một cách chăm chú cùng với các học trò nhỏ. Cụ nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay và giọng cụ run run vì xúc động. Đây là hình ảnh hết sức cảm động, thể hiện tình cảm thiêng liêng và trân trọng của người dân đối với tiếng mẹ đẻ. Còn các học trò nhỏ cũng cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Phá

Câu nói của thầy Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù đã nêu bật giá trị thiêng liêng và sức mạnh to lớn của tiếng nói dân tộc. trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền độc lập, tự do”. Câu nói đã chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp.

Ý nghĩa sâu xa của truyện “Buổi học cuối cùng” là chúng ta phải biết yêu quý, giữ gìn và học tập để nắm vững tiếng nói của dân tộc mình, bởi nó không chỉ là tài sản tinh thần quý báu của ông cha mà còn là phương tiện quan trọng để đấu tranh giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước.

Như vậy, “Buổi học cuối cùng” là một trong những tác phẩm vô cùng nổi tiếng của An-phông-xơ Đô-đê. Tác phẩm đã thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của tác giả.




Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến