Phân tích nhân vật thầy Ha – men

An - phông - xơ - đô - rê là nhà văn Pháp, ông bắt đầu sáng tác từ năm 14 tuổi và gặt hái được nhiều thành công, được đông đảo bạn đọc yêu mến.


Mẫu 1

Lời giải chi tiết:

An - phông - xơ - đô - rê là nhà văn Pháp, ông bắt đầu sáng tác từ năm 14 tuổi và gặt hái được nhiều thành công, được đông đảo bạn đọc yêu mến. Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng như: một thời niên thiếu, những cuộc phiêu lưu kì diệu của Tactaranh ở Taraxcông. Ông được biết tới nhiều hơn với giải thưởng Văn chương Pháp.

Buổi học cuối cùng là tác phẩm lấy bối cảnh từ một sự kiện lịch sử: sau chiến tranh Pháp - Phổ, nước Pháp thua trận, hai vùng Andat và Loren giáp biên giới Phổ được nhập vào Phổ. Các trường học trong khu vực này buộc học bằng tiếng Đức. Buổi học cuối cùng thể hiện tình yêu nước, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc.

Nổi bật trong đoạn trích là hình ảnh người thầy có tên Hamen một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc tha thiết. Suốt bốn mươi năm làm nghề dạy học, thầy Hamen đã dốc lòng phụng sự, dốc trọn nhiệt huyết. Khi buổi học cuối cùng tới, thầy vẫn đến lớp như mọi khi. Thầy ăn mặc trang trọng lịch sự "mặc chiếc áo rơ - đanh -gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng". Có thể thấy thầy Hamen quý trọng từng phút, từng giây khi được đứng trên bục giảng để chỉ bảo kiến thức cho học trò cho dù hôm đó là ngày cuối cùng có thể đứng trên bục giảng, thầy vẫn nhiệt huyết, tận tình. Thầy không có thái độ giận dữ khi học trò mắc lỗi như mọi hôm mà chỉ nhẹ nhàng: "Phrang, vào chỗ nhanh lên con, lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con". Thầy bộc bạch: "Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Beclin từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng Andat và Loren. Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con". Câu nói ấy như ẩn chứa biết bao nỗi lòng của một người thầy tội nghiệp Trong suốt buổi học thầy vẫn kiên trì giảng giải những kiến thức "cứ như thể trước khi ra đi, con người tội nghiệp muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình". Điều đó chứng minh cho tấm lòng yêu nghề, khát khao cống hiến luôn rực cháy tận sâu trong con người thầy Hamen.

Người thầy vĩ đại đó không chỉ có lòng nhiệt huyết với nghề mà còn có tấm lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc  thật vĩ đại. Khi buổi học diễn ra, thầy không quên nhắc về vẻ đẹp của tiếng Pháp. Thầy dặn dò học trò của mình "phải giữ lấy nó trong chúng ta đừng bao giờ quên". Hay trong giờ tập viết, thầy còn chuẩn bị những "những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông rất đẹp: Pháp, Andat, Pháp, Andat". Thầy hi vọng học trò của mình luôn biết yêu mến, nâng niu, trân trọng ngôn ngữ dân tộc. Qua chi tiết này ta có thể cảm nhận được tình yêu da diết mà thầy Hamen dành cho tiếng mẹ đẻ "ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất". Giây phút tiếng kèn Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không kìm nén được nỗi xúc động "đứng dậy trên bục, người tái nhợt". Ngay lúc này đây mọi lời nói đã nghẹn ứ nơi cổ họng. Và bằng tất cả ý chí, quyết tâm, thầy đã cầm phấn viết lên bảng dòng chữ "Nước Pháp muôn năm". Tận sâu trong trái tim người thầy ấy là hình bóng tổ quốc và tiếng nói dân tộc. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ giơ tay ra hiệu "kết thúc rồi... đi đi thôi".

Lòng yêu nước của thầy Hamen không chỉ bó buộc trong hành động căm ghét quân giặc mà còn được thể hiện qua tình yêu tiếng nói mẹ đẻ, yêu ngôn ngữ đất nước mình một cách thiết tha. Trong tác phẩm Lòng yêu nước của Ê - ren -bua có viết: "lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông,...", "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc". Lòng yêu nước đơn giản lắm, nó không phải là những thứ cao siêu mà xuất phát từ chính những điều giản dị, bình thường nhất. Thầy Hamen cũng vậy, tình yêu nước của thầy xuất phát từ chính việc yêu cái ngôn ngữ mẹ đẻ, yêu cái ngôn ngữ đã nuôi dưỡng tâm hồn thầy.

Thực tế chứng minh trên thế giới có rất nhiều dân tộc bị chiến tranh, giặc ngoại xâm nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hoá của mình, không bị hoà tan. Một dân tộc chỉ bị mất đi nếu như người dân của họ quên đi tiếng mẹ đẻ của mình. Thầy Hamen là một con người yêu nghề, yêu nước, trong buổi học cuối cùng thầy muốn các học trò của mình ghi nhớ về tiếng mẹ đẻ của mình - đó là một ngôn ngữ đẹp nhất.

 Để làm nổi bật hình tượng người thầy Hamen, nhà văn đã sử dụng rất nhiều các hình thức nghệ thuật độc đáo. Ông đã thành công trong việc khắc hoạ hình tượng nhân vật Hamen hiện lên chân thực, rõ nét qua các chi tiết miêu tả trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động... Bên cạnh đó việc lựa chọn ngôi kể là ngôi thứ nhất cũng giúp bộc lộ những cái nhìn khách quan về thầy hamen. Ngòi bút của An - Phong - xo - do - re rất tinh tế khi thể hiện tâm trạng, tình cảm của nhân vật. Nhà văn muốn gửi gắm một thông điệp tới người đọc đó là: khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù.

Hình ảnh thầy Hamen chính là biểu tượng cho tình yêu nước mãnh liệt, điều đó được biểu hiện cụ thể qua tình yêu tiếng nói của dân tộc. Thầy chính là đại diện cho người dân Andat nói riêng và người dân Pháp nói chung về tình yêu nước nồng nàn.


Mẫu 2

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích "Buổi học cuối cùng" trích từ tác phẩm "Chuyện kể của một em bé người An-dát" đã mang đến cho độc giả một câu chuyện cảm động về buổi học cuối cùng của các em vùng An-dát. Thông qua đoạn trích, nhà văn người Pháp An-phông-xơ Đô-đê còn khắc họa rõ nét hình ảnh người thầy Ha-men - một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc tha thiết.

Bốn mươi năm làm nghề giáo viên, thầy Ha-men luôn hết lòng phụng sự, dốc trọn nhiệt huyết. Vì thế, vào buổi học cuối cùng, thầy vẫn đến lớp như bao ngày. Thầy ăn vận trang trọng, lịch sự "mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng". Có thể thấy, thầy Ha-men luôn quý trọng từng giây, từng phút được đứng trên bục giảng để chỉ bảo kiến thức cho học trò. Dù ngày hôm ấy là buổi học cuối cùng nhưng thầy vẫn tâm huyết, tận tình. Thầy không tỏ thái độ giận dữ khi học trò mắc lỗi như mọi hôm mà chỉ nhẹ nhàng bảo ban "Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con". Trong giờ học, thầy vẫn kiên nhẫn giảng giải tất cả kiến thức "Cứ như thể trước khi ra đi, con người tội nghiệp muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình". Có thể thấy, tấm lòng yêu nghề, khát khao cống hiến luôn rực cháy tận trong sâu thẳm con người thầy Ha-men.

Bên cạnh đó, thầy Ha-men còn là một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc da diết. Khi buổi học diễn ra, thầy không quên nói về vẻ đẹp của tiếng Pháp. Thầy nhắc nhở, dặn dò học trò của mình "phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên". Hay trong giờ viết tập, thầy còn chuẩn bị "những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát.". Thầy hi vọng học trò của mình luôn biết yêu mến, nâng niu, trân trọng ngôn ngữ dân tộc. Từ đây, ta có thể cảm nhận được tình yêu da diết mà thầy Ha-men dành cho tiếng mẹ đẻ - "ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất". Giây phút tiếng kèn của lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không kìm nổi nỗi xúc động ở bản thân "đứng dậy trên bục, người tái nhợt". Lúc này đây, mọi lời nói đã nghẹn ứ nơi cổ họng. Sau cùng, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, thầy đã cầm phấn viết lên bảng dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!". Như vậy, tận sâu trong thâm tâm và trái tim thầy là hình bóng Tổ quốc và tiếng nói dân tộc. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ giơ tay ra hiệu "Kết thúc rồi... đi đi thôi!" làm chúng ta không khỏi cảm động.

Để làm nổi bật hình tượng nhân vật Ha-men, nhà văn Đô-đê đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật độc đáo. Trước hết, ông đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật. Nhân vật thầy Ha-men hiện lên thật chân thực, rõ nét qua các chi tiết miêu tả trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động,... Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cũng giúp Phrăng dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về thầy Ha-men và buổi học cuối cùng.

Mỗi khi nhắc tới đoạn trích "Buổi học cuối cùng", chúng ta sẽ chẳng thể nào quên hình bóng người thầy Ha-men yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc và yêu Tổ quốc tha thiết. Mong rằng, những giá trị nhân văn, tốt đẹp của tác phẩm sẽ luôn sống mãi theo dòng chảy thời gian.



Mẫu 3

Lời giải chi tiết:

"Buổi học cuối cùng" được trích từ tác phẩm nổi tiếng "Chuyện kể của một em bé người An-dát" của cố nhà văn An-phông-xơ Đô-đê. Đoạn trích đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng về hình tượng người thầy giáo Ha-men yêu nghề, yêu dân tộc và đất nước sâu sắc.

Đầu tiên, hình ảnh thầy Ha-men hiện lên là một người thầy tận tình, tâm huyết trong công việc. Vào buổi học cuối cùng, dù rất đau buồn nhưng thầy vẫn hoàn thành mọi trách nhiệm của bản thân. Khi thấy cậu học trò Phrăng đi học muộn, thầy không trách móc nặng lời mà chỉ nhẹ nhàng bảo ban "Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con". Thầy còn kiên nhẫn giảng giải mọi kiến thức như thể "muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình, muốn đưa ngay một lúc tri thức ấy vào đầu óc chúng tôi". Bốn mươi năm tận tình cống hiến, thầy luôn làm tròn trách nhiệm ở bản thân. Có thể thấy, tất cả hành động, cử chỉ, lời nói đều minh chứng cho tấm lòng của người thầy yêu nghề, của "người cha" bao dung, luôn yêu thương những cô cậu học trò.

Không chỉ vậy, thầy Ha-men trong "Buổi học cuối cùng" còn là một người yêu nước vô bờ. Điều này được thể hiện rõ qua suy nghĩ của thầy đối với tiếng Pháp. Thầy ca tụng tiếng Pháp và khẳng định tiếng Pháp chính là vũ khí, là chìa khóa đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của quân Phổ. Thầy đã truyền cảm hứng cho cả lớp, khơi dậy ở học sinh niềm tin, sự tự hào và tình yêu với tiếng nói dân tộc, để các em ý thức được việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Cuối buổi học, dù đau xót tột cùng đến mức không nói thành lời, thầy vẫn mạnh mẽ viết lên bảng dòng chữ thật to: "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM". Qua đây, chúng ta cảm nhận được tình yêu của thầy dành cho tiếng Pháp, cũng là tình yêu đối với môn học mà thầy giảng dạy suốt 40 năm qua. Gần như cả cuộc đời thầy đã dành trọn tâm huyết cho việc gìn giữ tiếng nói dân tộc.

Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", thầy Ha-men hiện lên thật chân thực từ điểm nhìn của nhân vật cậu học trò Phrăng. Ngoài ra, tác giả còn rất thành công khi khắc họa thầy Ha-men qua lời nói, hành động,...

"Buổi học cuối cùng" sẽ mãi in sâu trong lòng bạn đọc bởi câu chuyện xúc động của các em học sinh vùng An-dát. Qua đoạn trích, ta còn cảm nhận được tình yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc và yêu đất nước da diết ở thầy Ha-men. Cảm ơn nhà văn Đô-đê đã mang tới một tác phẩm giàu giá trị và ý nghĩa như vậy.


Bài giải tiếp theo



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến