Bài 46. Cân bằng tự nhiên trang 188, 189, 190 SGK Khoa học tự nhiên 8 - Kết nối tri thức

Cơ thể có quá trình tự điều chỉnh thích ứng với môi trường, ví dụ: quá trình điều hòa thân nhiệt ở động vật hằng nhiệt. Ở cấp độ tổ chức sống trên cơ thể cũng có quá trình tự điều chỉnh để đạt được trạng thái cân bằng tự nhiên. Cân bằng tự nhiên là gì? Cân bằng tự nhiên biểu hiện như thế nào và có ý nghĩa ra sao đối với việc duy trì sự sống?


CH tr 188

MĐ:

Cơ thể có quá trình tự điều chỉnh thích ứng với môi trường, ví dụ: quá trình điều hòa thân nhiệt ở động vật hằng nhiệt. Ở cấp độ tổ chức sống trên cơ thể cũng có quá trình tự điều chỉnh để đạt được trạng thái cân bằng tự nhiên. Cân bằng tự nhiên là gì? Cân bằng tự nhiên biểu hiện như thế nào và có ý nghĩa ra sao đối với việc duy trì sự sống?

Phương pháp giải:

Vận dụng hiểu biết thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

Cân bằng tự nhiên là trạng thái ổn định tự nhiên của các cấp độ tổ chức sống, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện sống.

Cân bằng tự nhiên biểu hiện ở trạng thái cân bằng của quần thể, hiện tượng khống chế sinh học trong quần xã, trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái,…

Cân bằng tự nhiên đảm bảo duy trì sự ổn định tương đối của các cấp độ tổ chức sống để phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường, nhờ đó bảo vệ được sự đa dạng sinh học.

CH1:

Khi số lượng cá thể của quần thể tăng lên quá mức, quần thể sẽ tự điều chỉnh như thế nào để đưa số lượng cá thể trở về mức cân bằng?

Phương pháp giải:

Quần thể tự điều chỉnh 

Lời giải chi tiết:

Khi số lượng cá thể của quần thể tăng lên quá mức, quần thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách: Các các thể trong quần thể có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn thức ăn và nơi ở làm cho mức tử vong tăng và mức sinh sản giảm, đồng thời, tỉ lệ cá thể xuất cư cũng có thể tăng cao. Nhờ đó, số lượng cá thể của quần thể lại được điều chỉnh giảm xuống trở về quanh mức cân bằng.

 


CH tr 189

CH1:

Quan sát hình 46.2, hãy cho biết số lượng cá thể thỏ tuyết và linh miêu khống chế lẫn nhau như thế nào?

 

Phương pháp giải:

Quan sát hình 46.2 để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Số lượng cá thể thỏ tuyết và linh miêu khống chế lẫn nhau thông qua hiện tượng khống chế sinh học:

Khi số lượng cá thể của quần thể thỏ tuyết tăng (nguồn thức ăn của linh miêu dồi dào) thì số lượng cá thể của quần thể linh miêu cũng tăng.

Khi số lượng cá thể linh miêu tăng dần cùng với số lượng thỏ tuyết quá lớn dẫn đến sự cạnh tranh cùng loài thì số lượng thỏ tuyết sẽ giảm dần kéo theo sự giảm dần số lượng linh miêu.


CH tr 190

CH1:

Quan sát hình 46.3, cho biết sự phân tầng của các quần thể thực vật trong hình phù hợp như thế nào với điều kiện môi trường.

Phương pháp giải:

Quan sát hình 46.3 để trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Sự phân tầng của các quần thể thực vật trong hình phù hợp với điều kiện ánh sáng của môi trường:

Các cây ưa sáng như cây gỗ lớn sẽ phát triển ở tầng trên để có thể hấp thụ lượng ánh sáng tối đa, tiếp theo là tầng thân gỗ vừa và nhỏ cần ánh sáng ở mức độ vừa và trung bình, tầng cây bụi nhỏ và cỏ phân bố ở sàn rừng gồm các cây ưa bóng có nhu cầu ánh sáng thấp.

Sự phân tầng của các quần thể làm tăng khả năng sử dụng nguồn ánh sáng trong hệ sinh thái, đồng thời, làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các loài trong hệ sinh thái.

 

CH2:

Quan sát hình 46.4, phân tích một số mối quan hệ về dinh dưỡng giữa các loài và cho biết loài sinh vật nào có ảnh hưởng lớn nhất đến sự tồn tại của các loài khác trong quần xã. Tại sao?

Phương pháp giải:

Quan sát hình 46.4 để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Mối quan hệ về dinh dưỡng giữa các loài: Cỏ là thức ăn của các loài động vật như thỏ, chuột và châu chấu. Thỏ là thức ăn của cáo, đại bàng; chuột là thức ăn của cáo, cú và đại bàng; châu chấu là thức ăn cho ếch và chim,…

Loài sinh vật có ảnh hưởng lớn nhất đến sự tồn tại của các loài trong quần xã là loài cỏ.

Vì nếu số lượng loài cỏ suy giảm, số lượng các loài sử dụng cỏ làm thức ăn như thỏ, chuột và châu chấu cũng sẽ giảm, dẫn tới ảnh hưởng đến số lượng của các sinh vật các ở mắt xích phía trên.

CH3:

Đọc thông tin trên kết hợp thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu sau:

1. Trong các nguyên nhân trên, hãy cho biết những nguyên nhân nào có tác động mạnh gây mất cân bằng tự nhiên ở Việt Nam.

2. Tìm hiểu và nêu thêm các biện pháp bảo vệ, duy trì cân bằng tự nhiên.

Phương pháp giải:

Vận dụng hiểu biết thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

1.

Những nguyên nhân có tác động mạnh gây mất cân bằng tự nhiên ở Việt Nam là: các hoạt động của con người như phá rừng và săn bắt động vật hoang dã, khai thác tài nguyên quá mức, chất thải sinh hoạt và công nghiệp gây ô nhiễm môi trường,…

2.

Một số biện pháp khác góp phần bảo vệ, duy trì cân bằng tự nhiên:

- Hạn chế phát triển dân số quá nhanh.

- Kiểm soát du nhập các loài sinh vật ngoại lai.

- Tuyên truyền cho mọi người hiểu biết về hậu quả của mất cân bằng tự nhiên, từ đó, nâng cao ý thức chung tay thực hiện các biện bảo bảo vệ và duy trì cân bằng tự nhiên.