Giải Bài tập 3 trang 19 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức
Đọc lại bài thơ Thuyền và biển trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr.110 - 111) và trả lời các câu hỏi
Câu 1
Câu 1 (trang 19, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Dựa vào vốn hiểu biết văn học của mình, hãy nêu một số cặp hình ảnh mang tính chất ẩn dụ thường xuất hiện trong thơ nhằm biểu đạt sự thắm thiết của tình lứa đôi. Từ đó, trình bày ý kiến của bạn về cặp hình ảnh thuyền - biển trong bài thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết văn học của mình, đưa ra một số cặp hình ảnh mang tính chất ẩn dụ.
Lời giải chi tiết:
- Ca dao là bộ phận sáng tác đã sử dụng nhiều cặp hình ảnh loại này: thuyền – bến, trúc – mai, mận – đào, Kim – Kiều,...
- Tác giả sử dụng cặp hình ảnh thuyền – biển thể hiện tấm lòng thủy chung và khát khao hạnh phúc.
Câu 2
Câu 2 (trang 19, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Bạn hiểu như thế nào về điều tác giả muốn biểu đạt qua hai câu thơ: “Thuyền đi hoài không mỏi/ Biển vẫn xa... còn xa”?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại câu thơ để đưa ra suy nghĩ về điều tác giả muốn biểu đạt.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện về tình yêu trong bài thơ Thuyền và biển là mượn hình tượng thuyền và biển để kể lại câu chuyện tình yêu, sự khăng khít và bền vững của tình yêu. Đứng trước biển, Xuân Quỳnh như thấu hiểu tâm hồn của biển: biển gồm cả những con sóng nổi lẫn những con sóng chìm. Bởi mang cả hai thứ sóng ấy mà trong lòng biển không bao giờ yên. Đại dương thăm thẳm, bao la cũng chính là một tâm trạng lớn với đầy đủ những cảm xúc.
Câu 3
Câu 3 (trang 19, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Thông qua câu chuyện mang tính phổ quát về tình yêu, nhân vật trữ tình đã bộc lộ rất sắc nét cá tính, tính cách của mình. Hãy làm rõ điều này qua phân tích khổ thơ sau:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại khổ thơ, để phân tích làm rõ bộc lộ rất sắc nét cá tính, tính cách của nhân vật trữ tình.
Lời giải chi tiết:
Khổ thơ trên đã thể hiện được phần nào đó quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh. Đối với bà tình yêu được định nghĩa bằng sự cảm thông, thấu hiểu và hi sinh. Tình yêu tất yếu gắn liền với sự khao khát kiếm tìm, mong hiểu lòng nhau. Trong thơ, Xuân Quỳnh khéo léo tách từ “hiểu biết”, đồng thời nhà thơ sử dụng hai lần điệp từ “chỉ có”, khẳng định đúng là chuyện này chỉ riêng của “thuyền và biển”, cũng là riêng “anh và em” chứ không một người thứ ba thấu hiểu. Qua khổ thơ, có thể thấy nhân vật trữ tình của Xuân Quỳnh vẫn có cá tính, tính cách của mình và điều đó được bộc lộ rất rõ nét. Bên cạnh đó, cách diễn tả mang màu sắc tuyệt đối hoá, gần như là cực đoan (“Chỉ có thuyền mới hiểu”, “Chỉ có biển mới biết”) đã thể hiện sống động bản sắc riêng của tác giả. Có thể thấy, hình tượng văn học nói chung, hình tượng thơ nói riêng vừa thực hiện chức năng tạo hình vừa thực hiện chức năng biểu hiện.
Câu 4
Câu 4 (trang 19, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Người đang yêu thường giải thích thế giới theo nhãn quan (hay cách nhìn riêng) của tình yêu. Hãy tìm trong bài thơ những ý, những câu có thể chứng minh cho nhận xét đó.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại nhận xét để hiểu về nội dung và chứng minh bằng những ý trong bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Thông thường, nhà thơ có cách giải thích các hiện tượng trong đời sống rất khác với nhà khoa học. Nhưng chính cách giải thích này lại được chấp nhận, vì nó góp phần làm nên thế giới riêng biệt của thơ và sự độc đáo của hình tượng thơ, Ở bài Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, nhà thơ vào vai người đang yêu. Chính sự 2 nhất và cộng hưởng này đã đưa tới những phát hiện thú vị: “Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền/ (Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?)” – giải thích hiện tượng sóng biển không ngừng xao động; “Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ” giải thích hiện tượng biển “bạc đầu”;...
Câu 5
Câu 5 (trang 20, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Khi chọn bài thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh để phổ nhạc, các nhạc sĩ như Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân đã “bỏ qua” hai câu đầu, chưa kể việc không sử dụng một số câu, đoạn khác. Theo bạn, điều đó có thể tác động trở lại tới cách nhìn nhận của độc giả về tiếng nói trữ tình trong bài thơ như thế nào? Hãy lí giải điều này.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại toàn bộ bài thơ, nghe bài hát được phổ nhạc từ bài thơ để đưa quan điểm của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Trong các “phiên bản mới” của bài thơ ở ca khúc, do không còn hai câu dẫn chuyện, yếu tố tự sự mờ đi để những cảm xúc vốn được nhân vật trữ tình thể hiện bằng hình thức ẩn dụ nổi bật lên. Do sự khác biệt này, cảm nhận của người đọc về tiếng nói trữ tình ở lời các ca khúc và ở bài thơ hiển nhiên sẽ không giống nhau. Từ đây, người đọc có cơ hội nhìn rõ hơn cách mà nhà thơ Xuân Quỳnh đã sử dụng để làm khách quan hoá câu chuyện tình yêu “của mình” nhằm đưa đến nhận thức toàn diện về vấn đề (nhà thơ không đơn thuần bộc lộ cảm xúc về tình yêu mà còn muốn đi sâu “khảo sát” bản chất của tình yêu, thông qua một câu chuyện có vẻ “khách quan”).
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải Bài tập 3 trang 19 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức timdapan.com"