Giải Bài tập 1 trang 24 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức
Đọc lại phần tóm tắt bi kịch Hăm-lét và văn bản Sống, hay không sống - đó là vấn đề trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 126 – 130) và trả lời các câu hỏi
Đọc lại phần tóm tắt bi kịch Hăm-lét và văn bản Sống, hay không sống - đó là vấn đề trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 126 – 130) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Câu 1 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Ba lớp kịch ở phần đầu đoạn trích Sống, hay không sống - đó là vấn đề đã cung cấp được bằng chứng gì về một “thời đại đảo điên”?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý ba lớp kịch ở phần đầu để đưa ra bằng chứng về một “một thời đảo điên”
Lời giải chi tiết:
- Bạn bè không còn là chỗ tin cậy (bạn có thể trở thành những tên do thám như Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn).
- Tình yêu không còn là thánh đường thuần khiết vì nó đã bị các mưu mô đen tối làm vấy bẩn (Ô-phê-li-a phải thực thi những điều mà vua và cha yêu cầu nhằm xác minh sự thực về chứng điên của Hăm-lét để có kế sách đối phó).
- Sự lừa dối, giả trá đã được mặc nhiên thừa nhận như là một cái gì mang tính tất yếu (Lời Pô-lô-ni-út: “Đời vẫn thường chê trách rằng ta khoác cái vẻ trầm mặc thành kính và bộ điệu chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ. Điều đó đã được chứng tỏ quá nhiều rồi”).
- Vua - người đứng đầu bộ máy cai trị lại là người triển khai, thực hiện những âm mưu đen tối, bẩn thỉu nhất.
→ Những thực tế nêu trên đã được chính Hăm-lét, ở lớp kịch thứ tư, khái quát qua các cụm từ:“roi vọt và khinh khi của thời đại”, “sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng”, “những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng”, “sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền”,...
Câu 2
Câu 2 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Nêu ý nghĩa của phép đối lập - tương phản và sự xuất hiện của câu hỏi trong hai câu đầu thuộc màn độc thoại Sống, hay không sống - đó là vấn đề.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản kịch, đưa ra ý nghĩa của phép đối lập – tương phản và sự xuất hiện của câu hỏi trong hai câu đầu.
Lời giải chi tiết:
Có thể dễ dàng nhận ra ở đây sự đối lập giữa sống và không sống, đúng hơn là giữa tồn tại và không tồn tại. “Sống” có nghĩa là “chịu đựng”, chấp nhận thực tế đảo điên, tệ hại; còn “không sống” thì gắn liền với việc phản kháng, “cầm vũ khí vùng lên” để chống lại hay cải tạo hoàn cảnh và hứng chịu kết cục bi thảm. Câu hỏi xuất hiện tiếp sau sự tương phản - đối lập nói trên có tác dụng nhấn mạnh nỗi thao thức, trăn trở thường trực của Hăm-lét về ý nghĩa của cuộc sống, về việc lựa chọn hành động phù hợp nhằm bảo vệ lẽ sống và lí tưởng nhân văn. Đồng thời, câu hỏi này cũng chứng tỏ: Đối với Hăm-lét, trách nhiệm với lí tưởng, với cuộc đời là một gánh nặng gần như vượt ngưỡng chịu đựng.
Câu 3
Câu 3 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Vì sao đối với Hăm-lét, cái chết không phải là sự giải thoát khỏi mọi đau khổ?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản để nhận xét về lí do đối với nhân vật cái chết không phải sự giải thoát.
Lời giải chi tiết:
Theo văn bản, “chết” đồng nghĩa với “không sống”, mà “không sống” thì lại đồng nghĩa với việc dám thể hiện lòng can đảm của mình trước cuộc đời và chấp nhận những đau đớn, mất mát, hi sinh. Vậy, phải chăng “chết” là một lựa chọn phù hợp, vừa giúp nhân vật bi kịch trung thành với lí tưởng của mình, lại vừa tự giải thoát được khỏi kiếp người đau khổ?
Sự thực, nhân vật Hăm-lét đã không hoàn toàn nghĩ như vậy. “Chết, là ngủ. Không hơn". Nhưng trong giấc ngủ của cõi chết, vẫn còn “một cái gì mênh mang, vẫn còn “cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại”. Chính sự ám ảnh của điều bất định sau khi chết ấy đã khiến cho cái chết trở nên đáng sợ và nó không thể được xem là phương thức giải thoát mọi đau khổ mà con người mong muốn.
Câu 4
Câu 4 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Xác định ý nghĩa của biện pháp liệt kê trong câu sau: “Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần với một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ”. Ở đây, điều khiến Hăm-lét trăn trở có phải chỉ là những nỗi khổ nhục mà cá nhân chàng phải gánh chịu trong cuộc sống?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại văn bản, gợi nhớ kiến thức về liệt kê để xác định và đưa ra ý nghĩa.
Lời giải chi tiết:
Đoạn độc thoại đã liệt kê rất nhiều tình thế đáng phê phán của đời sống - những tình thế cho biết bản chất của một thời đại đảo điên. Những từ ngữ như “thời đại”, “kẻ bạo ngược”, “kẻ kiêu căng”, “công lí”, “cường quyền”,... cho thấy Hăm-lét đang suy tư về những điều mang tính phổ quát chứ không chỉ nghiền ngẫm về nỗi đau liên quan đến cá nhân mình.
Câu 5
Câu 5 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích sự tương ứng về nội dung giữa các lời thoại trước và sau màn độc thoại Sống, hay không sống – đó là vấn đề của Hăm-lét trong đoạn trích.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại toàn bộ văn bản để phân tích sự tương ứng về nội dung giữa lời thoại trước và sau.
Lời giải chi tiết:
- Nội dung độc thoại thể hiện sự phản ứng của một tâm hồn giàu suy tư trước bao trò diễn của cuộc đời mà bốn lớp kịch xuất hiện trước đã cho thấy rõ. Cũng nội dung này ngầm lí giải những hành động sau đó của Hăm-lét: cự tuyệt tình yêu của Ô-phê-li-a để dứt khoát thực hiện kế hoạch của mình - một kế hoạch tương ứng với ý chí “cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi.
→ Sự sắp xếp hợp lí logic, tạo thành một chuỗi hành động, sự kiện.
Câu 6
Câu 6 (trang 24, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Phải chăng mục tiêu hành động của Hăm-lét chỉ là trả thù cho cái chết của vua cha? Hãy xác định xung đột chính của vở bi kịch.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại toàn bộ văn bản để đưa ra suy nghĩ của bản thân về mục tiêu hành động của Hăm-lét. Từ đó xác định xung đột chính của vở kịch.
Lời giải chi tiết:
Qua những thông tin ở các phần được nêu trên và qua chính màn độc thoại Sống, hay không sống - đó là vấn đề, có thể thấy rõ; Mọi hành động mà Hàm-lét thực hiện đều hướng đến một mục đích lớn lao, vượt lên sự trả thù cá nhân, mặc dù cuối cùng chàng đã đạt được một kết quả kép. Nếu chỉ để trả thù cha, chàng đã không phải trù trừ nhiều như vậy (chàng từng có không ít cơ hội thuận lợi nếu chỉ muốn giết một tên vua tiếm ngôi). Cái chàng chống lại là tình trạng xã hội điên đảo, ở đó, lí tưởng nhân văn bị chà đạp, vứt bỏ. Đây cũng chính là xung đột chính của vở kịch.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải Bài tập 1 trang 24 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức timdapan.com"