Em hãy phân tích nghệ thuật nhân hóa trong bài Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới.

Cảm nhận đầu tiên của em khi đến với tùy bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới là sự gần gũi, thân thuộc giữa tre với người


Cảm nhận đầu tiên của em khi đến với tùy bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới là sự gần gũi, thân thuộc giữa tre với người. Để đưa được cảm giác ấy đến với người đọc, tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa. Còn gì đẹp hơn hình ảnh nhân hóa mà Thép Mới đã sử dụng trong câu dẫn của bài văn: cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam. Điệp từ “bạn thân” được lặp lại hay lần đưa “cây tre” lên ngang tầm con người, hơn thế nữa còn có mối quan hệ bạn bè thân thiết keo sơn với con người. Ở đâu có con người là ở đấy có tre, đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn.

Đọc đến đây ta bỗng hiểu ra cái ý vị sâu sắc: Cây tre chính là con người Việt Na, là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Có thể nói rằng hiếm có loại cây nào trên đất nước ta lại tụ hội được nhiều phẩm chất cao quý như cây tre. Và cũng không nhiều dân tộc trên thế giới tập trung những khí phách phong phú độc đáo như dân tộc chúng ta!

Phải chăng đó là nhân cách cứng cỏi của dân tộc Việt Nam? Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tre đã kề vai sát cánh với con người để bảo vệ quê hương, đất nước. Tre kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta… Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù… Tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Chính trong hoàn cảnh chiến đấu, tre bộc lộ nhiều phẩm chất cao quý: thẳng thắn, bất khuất vì ta mà đánh giặc. Đó chính là phẩm chất của dân tộc Việt Nam. Cái hay ở chỗ là Thép Mới chỉ nói đến tre thôi mà người đọc vẫn cảm nhận được đó là con người!

Không phải chỉ trong chiến đấu tre mới bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp mà trong cuộc sống lao động đời thường tre cũng bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp, ăn sâu vào máu thịt của dân tộc. Thông qua nghệ thuật nhân hóa rất tinh tế của nhà văn. Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp, suốt một cuộc đời tre gắn bó với con người sống chết có nhau, chung thủy.

Bởi vậy tre đã được đất nước tôn vinh ở mức độ cao nhất: Tre anh hùng lao động! Tre anh hùng chiến đấu!

Sau những năm tháng chiến đấu tàn khốc, cây tre đã xả thân vì dân tộc Việt Nam, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: giờ đây trở về với cuộc sống bình yên, tre lại mang một nét đẹp của dân tọc. Hình ảnh khúc nhạc đồng quê trong tiếng sáo diều bay lưng trời biểu lộ những rung động cảm xúc, những tiếng nói tâm tình của con người. Đó chẳng phải là biểu tượng tinh thần của dân tộc đó sao?

Từ hình ảnh măng non trên phù hiệu ở đội viên thiếu niên, tác giả đưa người đọc tới những suy nghĩ về cây tre trong tương lai của đất nước: khi đi vào công nghiệp hóa thì cây tre là biểu tượng của dân tộc nữa hay không? Tác giả đã gợi mở ra một hướng suy nghĩ đúng đắn: Các giá trị văn hóa và lịch sử của cây tre sẽ vẫn còn sống mãi trong đời sống của người Việt Nam, tre vẫn là người bạn đồng hành thủy chung của dân tộc ta trên con đường phát triển. Bởi vì tất cả những giá trị và phẩm chất của nó, cây tre đã thành “tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”.

Xuyên suốt bài tùy bút, tác giả đã tái hiện hình ảnh cây tre, qua cây tre để nói về con người Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, sự thành công của văn bản cây tre có sự đóng góp quan trọng của nghệ thuật nhân hóa. Tre cần cù, siêng năng, đoàn kết, dũng cảm, nghĩa tình. Tre Việt Nam chính là biểu tượng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ta.



Bài giải liên quan

Từ khóa phổ biến