Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam năm 2023
1. Dòng nào chỉ gồm các từ láy: A. Rung rinh, rộn rã, rì rào, rụng rời B. Giỏi giang, giữ gìn, giặt giũ, già dặn C. Mạnh mẽ, mong manh, mệt mỏi, mải miết D. Xôn xao, xa xăm, xào xạc, xao xuyến
Đề bài
ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI AMSTERDAM
(Đề được ghi lại theo trí nhớ của học sinh)
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM
1. Dòng nào chỉ gồm các từ láy:
A. Rung rinh, rộn rã, rì rào, rụng rời
B. Giỏi giang, giữ gìn, giặt giũ, già dặn
C. Mạnh mẽ, mong manh, mệt mỏi, mải miết
D. Xôn xao, xa xăm, xào xạc, xao xuyến
2. Từ “gieo” nào được dùng theo nghĩa gốc?
A. Gieo sự náo nức
B. Gieo trồng
C. Gieo xuống tiếng kêu mát lành
D. Gieo một đợt mưa bụi
3. Thành ngữ nào sau đây chỉ tinh thần đoàn kết?
A. Chịu thương chịu khó
B. Nước chảy đá mòn
C. Kề vai sát cánh
D. Gan vàng dạ sắt
4. Câu văn “Mỗi quả cà chua chín là một mặt trời nhỏ hiền dịu” có sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
A. So sánh, nhân hoá
B. Nhân hoá, điệp ngữ
C. Điệp ngữ, so sánh
D. Nhân hoá, so sánh, điệp ngữ
5. Đoạn văn: “Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ. Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ dầy, tràn lên các nhánh lá mầm non. Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.” Đoạn văn trên liên kết câu bằng cách nào?
A. Lặp từ ngữ, dùng từ ngữ nối
B. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ
C. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ
D. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối
6. Dòng nào dưới đây là câu ghép:
A. Những hạt mưa lùa vào dép của Thuỷ làm cho bàn chân của em ướt lạnh.
B. Con tàu chìm dần, nước phun vào khoang tàu như vòi rồng.
C. Đó là chiếc áo sơ mi vải tô châu dày mịn màu cỏ úa
D. Phía bên sông, xóm Cồn Hến nấu cơm chiều thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc.
PHẦN II. TỰ LUẬN
Bài 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng đang giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.”
a. Tìm các tính từ chỉ màu sắc trong đoạn trên và nêu đặc sắc của các từ đó.
b. Qua ngòi bút của tác giả, em có cảm nhận gì về rừng khộp?
c. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ.
d. Tìm 2 từ đồng nghĩa với từ len lách
Bài 2. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Ông tôi có rất nhiều sách. Bà thì không có những giá sách đầy ắp như ông, nhưng bà có cả một kho sách trong trí nhớ. Tôi rất thích về nhà ông bà. Ban ngày, tôi mải miết đọc sách với ông. Buổi tối, tôi say sưa nghe kho sách của bà. Kho sách nào cũng thật kì diệu.”
a. Qua đoạn văn trên, em thấy nhân vật tôi là người như thế nào?
b. Nhân vật tôi đã nói "Kho sách nào cũng thật kì diệu", em có tán thành với nhân vật tôi không? Vì sao?
Bài 3. Đọc đoạn thơ sau:
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”
(Trần Quốc Minh)
Viết đoạn văn khoảng 7 câu nêu cảm nhận về người mẹ trong đoạn thơ trên bằng suy nghĩ của người con.
--------- Hết ----------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM
1. D |
2. B |
3. C |
4. A |
5. D |
6. B |
1. Dòng nào chỉ gồm các từ láy:
A. Rung rinh, rộn rã, rì rào, rụng rời
B. Giỏi giang, giữ gìn, giặt giũ, già dặn
C. Mạnh mẽ, mong manh, mệt mỏi, mải miết
D. Xôn xao, xa xăm, xào xạc, xao xuyến
Lời giải chi tiết:
A. rụng rời là từ ghép
B. già dặn là từ ghép
C. mệt mỏi là từ ghép
Đáp án D. Xôn xao, xa xăm, xào xạc, xao xuyến
2. Từ “gieo” nào được dùng theo nghĩa gốc?
A. Gieo sự náo nức
B. Gieo trồng
C. Gieo xuống tiếng kêu mát lành
D. Gieo một đợt mưa bụi
Lời giải chi tiết:
Từ gieo trong gieo trồng được dùng với nghĩa gốc: rắc hạt giống để cho mọc mầm, lên cây
Các từ gieo còn lại được dùng với nghĩa chuyển: làm cho nảy sinh, phát triển, lan truyền
Đáp án B. Gieo trồng
3. Thành ngữ nào sau đây chỉ tinh thần đoàn kết?
A. Chịu thương chịu khó
B. Nước chảy đá mòn
C. Kề vai sát cánh
D. Gan vàng dạ sắt
Lời giải chi tiết:
- Chịu thương chịu khó: chỉ sự cần cù, chăm chỉ
- Nước chảy đá mòn: chỉ sự kiên trì, bền bỉ
- Kề vai sát cánh: chỉ sự đoàn kết
- Gan vàng dạ sắt: chỉ sự dũng cảm
Đáp án C. Kề vai sát cánh
4. Câu văn “Mỗi quả cà chua chín là một mặt trời nhỏ hiền dịu” có sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
A. So sánh, nhân hoá
B. Nhân hoá, điệp ngữ
C. Điệp ngữ, so sánh
D. Nhân hoá, so sánh, điệp ngữ
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp so sánh: cà chua với mặt trời (từ so sánh: là)
- Biện pháp nhân hóa: mặt trời nhỏ hiền dịu
Đáp án A. so sánh, nhân hóa
5. Đoạn văn: “Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ. Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ dầy, tràn lên các nhánh lá mầm non. Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.” Đoạn văn trên liên kết câu bằng cách nào?
A. Lặp từ ngữ, dùng từ ngữ nối
B. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ
C. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ
D. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối
Lời giải chi tiết:
Đáp án D. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối
Giải thích:
- Lặp từ: lại
- Thay thế từ: chúng ở câu 2 thay cho cây cỏ câu 1
- Từ nối: Và
6. Dòng nào dưới đây là câu ghép:
A. Những hạt mưa lùa vào dép của Thuỷ làm cho bàn chân của em ướt lạnh.
B. Con tàu chìm dần, nước phun vào khoang tàu như vòi rồng.
C. Đó là chiếc áo sơ mi vải tô châu dày mịn màu cỏ úa
D. Phía bên sông, xóm Cồn Hến nấu cơm chiều thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc.
Lời giải chi tiết:
Những hạt mưa / lùa vào dép của Thuỷ làm cho bàn chân của em ướt lạnh.
CN VN
Con tàu / chìm dần, nước / phun vào khoang tàu như vòi rồng.
CN1 VN1 CN2 VN2
Đó / là chiếc áo sơ mi vải tô châu dày mịn màu cỏ úa
CN VN
Phía bên sông, xóm Cồn Hến / nấu cơm chiều thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc.
TN CN VN
Đáp án B. Con tàu chìm dần, nước phun vào khoang tàu như vòi rồng.
PHẦN II. TỰ LUẬN
Bài 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng đang giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.”
a. Tìm các tính từ chỉ màu sắc trong đoạn trên và nêu đặc sắc của các từ đó.
b. Qua ngòi bút của tác giả, em có cảm nhận gì về rừng khộp?
c. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ.
d. Tìm 2 từ đồng nghĩa với từ len lách
Lời giải chi tiết:
a.
- Các từ chỉ màu sắc trong đoạn văn trên là: vàng, xanh biếc, rực vàng, vàng rợi.
- Trong đoạn văn trên, các giả đã sử dụng nhiều từ ngữ miêu tả sắc vàng cho thấy một khu rừng ngập tràn sắc vàng tươi tắn, rực rỡ. Những chiếc lá khộp cũng đang chuyển sang gam màu vàng của mùa thu. Từ “rực vàng” gợi ra sắc nắng rực rỡ, lung linh sáng lên trên lưng của những chú mang vàng và từ “vàng rợi” giúp người đọc hình dung đến một không gian có sự hòa trộn của nhiều sắc vàng, mang đến một cảm giác dịu dàng, mát mẻ. Trong thế giới của sắc vàng tỏa sáng ấy, màu xanh biếc của vạt cỏ bỗng hiện lên thật nổi bật, hài hòa, êm dịu. Nhờ từ ngữ chỉ màu sắc, khu rừng hiện lên đẹp đẽ như một thế giới cổ tích, diệu kì.
b. Học sinh cần trình bày thành đoạn văn với các nội dung chính như sau:
- Rừng khộp hiện ra tuyệt đẹp với sắc vàng rực rỡ, lung linh. Tất cả cây cối, vạn vật đều nhuộm một màu vàng tươi tắn: những chiếc lá khộp vàng, thảm lá vàng trên mặt đất, những con mang vàng, sắc nắng cũng ngời lên rạng rỡ. Khu rừng dường như hóa thành một giang sơn vàng rợi, một thế giới cổ tích thần tiên đẹp đẽ, diệu kì.
- Khu rừng sống động, bình yên và dịu dàng: Hình ảnh “Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non.” mang cảm giác về một khu rừng yên ả, bình yên, những con vật dường như cũng đang đắm chìm và tận hưởng không gian tuyệt vời đó.
=> Bức tranh thiên nhiên với sắc vàng chủ đạo vừa rực rỡ, thơ mộng, vừa yên bình như chốn cổ tích, thần tiên
c. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp / đang ăn cỏ non
CN VN
Bài 2. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Ông tôi có rất nhiều sách. Bà thì không có những giá sách đầy ắp như ông, nhưng bà có cả một kho sách trong trí nhớ. Tôi rất thích về nhà ông bà. Ban ngày, tôi mải miết đọc sách với ông. Buổi tối, tôi say sưa nghe kho sách của bà. Kho sách nào cũng thật kì diệu.”
a. Qua đoạn văn trên, em thấy nhân vật tôi là người như thế nào?
b. Nhân vật tôi đã nói "Kho sách nào cũng thật kì diệu", em có tán thành với nhân vật tôi không? Vì sao?
Lời giải chi tiết:
a. Qua đoạn văn trên, chúng ta có thể cảm nhận được:
- Nhân vật tôi là người yêu thích và chăm chỉ đọc sách, ham học hỏi, ham hiểu biết, thích lắng nghe và thực sự say mê tìm hiểu, khám phá thế giới qua sách vở, qua hiểu biết của mọi người.
- Đó còn cậu bé giàu tình cảm, rất yêu quý ông bà của mình.
b. Đối với câu hỏi này học sinh cần nêu lên cảm nhận của mình (ví dụ: em cũng có cảm nhận giống như nhân vật tôi trong truyện trên). Sau đó, lí giải và đưa ra lời giải thích, tại sao lại tán thành với lời nói của nhân vật tôi trong câu chuyện: “Kho sách nào cũng thật kì diệu”:
- Kho sách của ông như như một thế giới với bao điều mới mẻ, kho sách ấy giúp ta thêm hiểu biết về con người, tự nhiên, vũ trụ, các nền văn hóa, cầu nối giữa quá khứ, hiện tại,… Sách giúp ta trải nghiệm những hoàn cảnh khác nhau để hiểu biết và vững vàng trưởng thành…
- Kho sách của bà thật diệu kì, ở đó ngập tràn bao điều thú vị. Qua những câu chuyện bà kể, những điều bà chia sẻ…sẽ có biết bao kinh nghiệm quý giá, bao bài học cuộc sống được truyền lại và cũng sẽ giúp nhân vật tôi như hiểu thêm bao điều về đất nước, cuộc sống xung quanh mình.
Bài 3. Đọc đoạn thơ sau:
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”
(Trần Quốc Minh)
Viết đoạn văn khoảng 7 câu nêu cảm nhận về người mẹ trong đoạn thơ trên bằng suy nghĩ của người con.
Lời giải chi tiết:
Đề bài yêu cầu viết đoạn văn, cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ bằng suy nghĩ của người con. Đây là bài cảm thụ hình ảnh, cần tập trung vào cảm nhận người mẹ hiện lên như thế nào qua suy nghĩ của con.
Bài viết cần làm sáng rõ các ý sau:
- Người con thấy được biết bao đêm mẹ đã thức để quạt cho con ngủ ngon lành. Mẹ cứ lặng lẽ, âm thầm và bền bỉ chăm lo cho con:
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Hình ảnh mẹ hiện lên thật đẹp với tình yêu thương và sự chăm lo thầm lặng cho con. Trong trái tim con, những ngôi sao thức suốt đêm ngoài kia cũng không thể bằng sự tần tảo sớm hôm vất vả của mẹ. Phép so sánh không ngang bằng đã nâng hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả sớm khuya lên thật cao quý, đẹp đẽ hơn cả những vì sao trên bầu trời.
- Trong hai câu thơ:
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời
Hình ảnh mẹ được so sánh với ngọn gió mát lành, mang đến bình yên, hạnh phúc cho con, ngọn gió tình mẹ ấy sẽ luôn theo con đến hết cuộc đời. Trong suốt cuộc đời, mẹ luôn dõi theo, nâng bước, chở che cho con. Tình yêu thương của mẹ dành cho con là bất tử.
=> Như vậy, cả khổ thơ đã gợi tả hình ảnh mẹ thật đẹp đẽ qua cảm nhận của một người con vô cùng yêu thương và tràn ngập lòng biết ơn với mẹ. Nhờ đó, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc được sự vất vả và tình thương con vô bờ bến của những người mẹ trên thế gian.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam năm 2023 timdapan.com"